x Mức độ độc lập giảm dần
1.4 Xu hướng tư nhân hóa trong lĩnh vực đường bộ ở các nước đang phát triển
Thế giới đã chứng kiến PPP được sử dụng ngày càng nhiều trong ngành GTVT ở hầu hết các quốc gia (bao gồm cả phát triển và mới nổi), càng khẳng định đây là một cơ chế cung cấp hiệu quả các dịch vụ công. Tại các nước đang phát triển, các bằng chứng thực tiễn càng khẳng định vai trò quan trọng của PPP trong bối cảnh hiện nay. Hình 1.20 minh họa xu hướng tham gia của khu vực tư nhân vào các dự án GTVT (chủ yếu là các dự án đường bộ) ở các nước đang phát triển trong giai đoạn 1990 – 2010. Vào những năm 90, sự kỳ vọng của chính phủ vào vai trò quan trọng của khu vực tư nhân trong việc cung cấp cơ sở hạ tầng đã tạo sự tự tin cho các nhà đầu tư nên đầu tư tư nhân tăng mạnh, đạt đỉnh ở năm 2006. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài
chính toàn cầu đã làm đầu tư của tư nhân sụt giảm mạnh ở các năm 2008 và 2009, nhưng nó đã nhanh chóng hồi phục và tăng mạnh hơn. Đầu tư tư nhân trong năm 2010 đạt 29 tỷ $ (tăng 40% so với năm 2009), với 93 dự án được triển khai (tăng 75% so với năm 2009) (hình 1.21) đã đưa đầu tư tư nhân quay trở lại vị trí trước khi xảy ra khủng hoảng. Điều này cho thấy niềm tin của khu vực tư nhân đã được khôi phục và mở ra bức tranh lạc quan về việc thu hút đầu tư tư nhân trong lĩnh vực đường bộ (> 80%) theo hình thức hợp tác công tư.
* Điều chỉnh bởi US CPI
Hình 1.20: Đầu tư PPP ngành GTVT tại các nước đang phát triển (1990 – 2010)
Nguồn: World Bank and PPIAF, PPI Project database
Hình 1.21: Các dự án PPP GTVT ở các nước đang phát triển (1990-2010)
Nghiên cứu của Mazars (2009) cho biết, tại Châu Âu, Tây Ban Nha, Australia, Bồ Đào Nha, Pháp, Na Uy, và Ý cho rằng việc xây dựng, mở rộng đường cao tốc mà không có sự tham gia của khu vực tư nhân là không thể và không phù hợp. Điều này chứng tỏ rằng, tuy cuộc khủng hoảng tài chính đã thay đổi việc xây dựng và tổ chức PPP ở nhiều nước, khiến cho hoạt động tài trợ (nợ và vốn chủ sở hữu) khó khăn hơn, nhưng thực tế PPP vẫn tiếp tục được xem là hình thức đầu tư hiệu quả tại các nước trên thế giới dù trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu.
Hiện nay, có nhiều bằng chứng cho thấy các nước đang phát triển đều trong tình trạng mất cân đối giữa nhu cầu vốn đầu tư GTVT rất lớn và sự giới hạn nguồn tài trợ của chính phủ nên PPP là cơ hội để các chính phủ có thể phát triển hạ tầng giao thông mà không làm trầm trọng hơn sự mất cân đối đó (Ngân hàng thế giới, 2005) Các bằng chứng cũng cho thấy PPP sử dụng phổ biến tại các quốc gia này là hợp đồng BOT (Kerf và các tác giả (1998); Shanshan ,2008). Theo Estache và De Rus (2000), lý do các chính phủ quan tâm đến loại hợp đồng này là:
• Nhà đầu tư sẽ thu hồi chi phí đầu tư, tìm kiếm lợi nhuận từ thu phí và bàn giao dự án cho nhà nước khi kết thúc thời gian nhượng quyền; và
• Chính phủ vẫn giữ quyền sở hữu hợp pháp và giám sát quản lý hợp đồng, giảm bớt những tiêu cực, tiết kiệm nguồn vốn để đầu tư có hiệu quả hơn. Theo ADB (2006), thách thức lớn nhất của các nước này là điều kiện thị trường không hấp dẫn. Sự thiếu hụt các CSHT cần thiết, dung lượng thị trường nhỏ, kinh tế vĩ mô bất ổn, rủi ro tỷ giá, lạm phát leo thang, hạn chế tín dụng và giá cả biến động... khiến khu vực tư nhân không muốn tham gia. Ramanadham (1988) cho rằng, "nếu không thu hút được nguồn vốn tư nhân, tình trạng kém hiệu quả của khu vực công sẽ kéo dài và triệt tiêu cơ hội mở rộng và phát triển". Chính vì vậy, các chính phủ cần thiết kế môi trường đầu tư sao cho phù hợp và thuận lợi là rất quan trọng để thu hút khu vực tư nhân đạt được các mục tiêu thông qua PPP.