Thị trường bất động sản Việt Nam có tới 90% là nhà đầu tư trong nước. Họ có lợi thế về nguồn đất nhưng bất lợi về nguồn vốn và tính chuyên nghiệp. Các doanh nghiệp bất động sản đa số có vốn tự có thấp, hoạt động chủ yếu dựa vào các định chế tài chính- tín dụng, vốn huy động ứng trước từ người mua.
Các doanh nghiệp tham gia vào thị trường bất động sản chỉ chú trọng vào các tính toán ngắn hạn, kể cả tư duy về đầu tư, về cách tạo vốn phát triển thị trường, trong khi thị trường bất động sản chính quy cần những chiến lược trung hạn và dài hạn. Phần lớn các doanh nghiệp không có hoặc có rất ít hoạt động marketing chuyên nghiệp; không giữ đúng cam kết; không đúng tiến độ thi công, sản phẩm không đạt chất lượng, tiến hành đầu tư tràn lan các dự án mà không có khả năng giám sát quản lý, không có kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản, nguồn vốn không được sử dụng đúng mục đích...
Khi thực hiện dự án đầu tư, đa số doanh nghiệp không có những nghiên cứu thị trường để đưa ra chiến lược kinh doanh thích hợp. Nhiều doanh nghiệp do không am hiểu về thị trường đã dẫn đến đầu tư tràn lan, lãng phí, thậm chí đầu cơ, tác động xấu đến thị trường.
Khi đó, khi thị trường biến động, các doanh nghiệp phải chịu áp lực tài chính rất lớn, có nguy cơ bị phá sản, không trả được nợ vay ngân hàng.
Một rủi ro khác là việc khách hàng cung cấp thông tin sai sự thật về tình hình tài chính, tình hình kinh doanh, tính thanh khoản, quản trị điều hành của doanh nghiệp; về tính khả thi của dự án/phương án vay vốn. Hoặc khách hàng có hành vi gian lận và tham nhũng, cố ý làm trái. Ví dụ như tạo hồ sơ giả và công chứng giả để đi thế chấp; dùng một tài sản để thế chấp và cầm cố ở nhiều ngân hàng; thuê nhà của chủ sở hữu khác để đưa đi thế chấp, mượn tài sản của người khác để cầm cố; sử
dụng con dấu, giấy tờ của doanh nghiệp đã giải thể để cấu kết với cán bộ tín dụng làm thủ tục vay vốn.