*/ Đổi mới cơ chế quản lý
Công ty dịch vụ công cộng và môi trường Hà Giang phối hợp với UBND các phường lập kế hoạch trong việc đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ quản lý môi trường các cấp. Hướng dẫn chuyên môn cho tổ vệ sinh môi trường tại các phường. Thành lập thêm các tổ vệ sinh dân lập tại các xã thuộc các huyện, lỵ còn lại. Thường xuyên kiểm tra, quản lý chất lượng vệ sinh. Căn cứ trên tổng khối lượng rác thu gom được tại từng tổ vệ sinh môi trường hoặc đơn vị thu gom để thanh toán kinh phí công tác vệ sinh môi trường.
Thống nhất vị trí tập kết rác, điểm đặt container và các dụng cụ chứa chất thải khác. Định kỳ vận chuyển khối lượng chất thải thu gom được về các bãi chôn lấp.
“Xã hội hoá” công tác thu gom phế thải sẽ đảm bảo vệ sinh ngõ xóm, những nơi xe gom (phương tiện của Công ty Môi trường và Công trình đô thị), không thể vào thu chất thải được. Phát triển phương châm Nhà nước và nhân
dân cùng làm ở khâu thu gom chất thải bước một, về các điểm tập kết, để từ đó Công ty Môi trường và công trình đô thị chuyển về địa điểm xử lý cuối cùng.
Thí điểm tư nhân hoá và cổ phần hoá một số khâu trong việc xử lý chất thải tại thị xã. UBND tỉnh cũng cần phân định rõ phạm vi, nhiệm vụ mà các công ty, các xí nghiệp, các cơ quan quản lý phải chịu trách nhiệm về vấn đề vệ sinh môi trường đô thị để tránh việc chồng chéo và đùn đẩy trách nhiệm. Các đơn vị sản xuất có trách nhiệm ký hợp đồng thu gom và xử lý chất thải; nếu đơn vị nào tự vận chuyển đến nơi xử lý thì chỉ phải trả chi phí xử lý chất thải. Đồng thời, nhà nước có quy định chặt chẽ việc nhập công nghệ, trang thiết bị sản xuất của các doanh nghiệp phải đảm bảo công nghệ sạch, thiết bị tiên tiến, giảm thiểu chất thải, hạn chế nhất việc ô nhiễm môi trường.
*/ Đầu tư thiết bị thu gom
Từng bước thực hiện cơ giới hoá công tác thu gom, vận chuyển chất thải, xoá bỏ toàn bộ chân các điểm tập kết chất thải trên mặt đường tại địa bàn phường thay thế bằng các loại phương tiện và thiết bị chuyên dùng.
Tổ chức đầu tư, đặt các thùng rác nhỏ, trên các tuyến phố chính nhằm thu rác vụn của khách vãng lai và của các hộ dân. Các thùng rác này được bố trí rải rác hai bên hè phố với khoảng cách khoảng 100m/thùng. Sử dụng các loại thùng chứa rác dung tích 100 lít có bánh xe đẩy, đặt tại các điểm dân cư có hè phố rộng, kết hợp với loại xe cẩu chuyên dùng, dễ dịch chuyển thùng cẩu khi thu gom chất thải để giảm sức lao động của công nhân. Tại các khu tập thể đông dân cư, trung tâm thương mại, dịch vụ có thể sử dụng các loại thùng rác từ 6-10 m3 (các thùng container) và sử dụng xe kéo container loại lớn để vận chuyển.
Nghiên cứu, cải tiến, tiêu chuẩn hoá dụng cụ chứa chất thải tại các hộ gia đình nhằm đảm bảo điều kiện vệ sinh và tiện cho việc thu gom, phân loại tại nguồn. Hướng tới mục tiêu sử dụng các loại túi nilon tái chế để thu gom và phân loại rác ngay tại mỗi hộ gia đình.
Với các ngõ hẹp hoặc các ngõ xóm, nên đầu tư các loại xe chuyên chở loại nhỏ (trọng tải 1,5-2,5 tấn) để đi thu gom rác, phế thải xây dựng. Tại các khu dân cư, các ngõ xóm vẫn sử dụng bể chứa rác, cần thay thế ngay các bể chứa đó bằng các thùng container đựng rác loại 3-3,5m3 có nắp đậy.
Sử dụng các xe quét hút và tưới nước rửa đường để duy trì chống bụi trên các tuyến phố chính đồng thời giúp làm sạch lá cây trên mặt đường trong mùa lá rụng.
Đối với việc nạo hút bùn các công trình vệ sinh: Đầu tư các phương tiện hút bùn hiện đại, thường xuyên nạo hút để tránh ùn tắc hệ thống cống rãnh.