Quá trình công nghiệp hóa ở Malaixia luôn gắn liền với việc sử dụng tối đa yếu tố đầu tư nước ngoài. Qua các thời kỳ phát triển khác nhau, mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài trở thành một chính sách quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của Malaixia với các hình thức khác nhau. Malaixia là nước có đường lối rất linh hoạt trong thu hút đầu tư nước ngoài. Tính linh hoạt đó được thể hiện ở việc ban hành, sửa đổi, bổ sung chính sách đầu tư cho phù hợp với từng thời kỳ phát triển. Khi thực hiện chuyển từ chính sách thay thế nhập khẩu sang hướng về xuất khẩu, năm 1986 Malaixia ban hành luật thúc đẩy đầu tư để đáp ứng sự thay đổi cở bản trong chính sách phát triển kinh tế phù hợp với mục tiêu công nghiệp hóa. Về cơ bản, các nhà đầu tư nước ngoài có thể được miễn giảm thuế từ 3 đến 8 năm và tối đa lên đến 10 năm tùy thuộc vào các yếu tố như quy mô đầu tư vốn, số lượng nhân công sử dụng, tỷ lệ sản phẩm xuất khẩu. Bên cạnh việc ban hành và sửa đổi luật đầu tư, Malaixia còn thực hiện các chính sách và biện pháp thúc đẩy các hoạt động đầu tư như chuẩn bị tốt cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, đưa ra những văn bản hướng dẫn tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài… Chính vì vậy, đầu tư nước ngoài tăng lên nhanh ở Malaixia. Nếu như những năm 60 của thế kỷ XX, đầu tư nước ngoài còn hạn chế về quy mô và khối lượng thì từ những năm 70, tốc độ đầu tư nước ngoài tăng rất nhanh, đặc biệt từ cuối thập kỷ 80
đến năm 1995. So với các nước ASEAN khác, Malaixia là nước có nguồn vốn đầu tư nước ngoài lớn thứ hai sau Singapo. Đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực kinh tế luôn gắn chặt với quá trình công nghiệp hóa của Malaixia thể hiện ở những điểm sau:
- Đầu tư nước ngoài có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, đổi mới cơ cấu và đặc biệt đưa ngành công nghiệp chế tạo của Malaixia phát triển vượt bậc. Trong suốt mấy thập kỷ qua, công nghiệp chế tạo là ngành được khuyến khích đầu tư từ cả hai phía Nhà nước và tư nhân, trong đó đầu tư nước ngoài đã góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của công nghiệp chế tạo. Về cơ bản, quá trình phát triển của công nghiệp chế tạo được phản ánh ở sự dịch chuyển cơ cấu theo hướng phát triển từ thấp đến cao, từ các ngành sử dụng các nguồn tài nguyên của đất nước và các ngành sử dụng nhiều lao động đến các ngành sử dụng nhiều vốn và cuối cùng là các ngành có công nghệ cao và lao động có kỹ thuật.
- Quá trình công nghiệp hóa dựa trên việc sử dụng đầu tư nước ngoài còn được thể hiện ở việc Malaixia tham gia tích cực vào phân công lao động quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa về kinh tế tăng lên nhanh chóng. Thông qua đầu tư nước ngoài, sử dụng ưu thế về thị trường của các công ty xuyên quốc gia ở các nước phát triển, Malaixia đã thành công trong việc gắn kết thị trường trong và thị trường quốc tế. Có thể khẳng định, việc sử dụng nhân tố đầu tư nước ngoài, nhất là tranh thủ được thị trường của các nước Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản, thông qua quá trình liên kết với các nước công ty xuyên quốc gia là nền tảng chính sách mở cửa kinh tế của Malaixia.