Cũng như hầu hết các nước đang phát triển sau khi giành được độc lập Malaixia mong muốn xây dựng một nền kinh tế dân tộc vững mạnh. Điều này đòi hỏi phải có sự can thiệp của Nhà nước vào quá trình phát triển kinh tế. Về cơ bản, vai trò của Nhà nước trong công nghiệp hóa được thể hiện trên mọi phương diện từ việc đề ra các chiến lược, chính sách, kế hoạch phát triển đến
điều tiết nền kinh tế đất nước thay đổi theo các mục tiêu phát triển trong từng giai đoạn cụ thể.
Nhìn chung, vai trò điều tiết của Nhà nước trong công nghiệp hóa ở Malaixia là rất quan trọng. Bên cạnh đưa ra kế hoạch phát triển dài hạn, Nhà nước còn đưa ra kế hoạch phát triển kinh tế trung hạn (kế hoạch 5 năm); các kế hoạch này chỉ mang tính chất định hướng, không áp đặt trực tiếp các mục tiêu kinh tế cụ thể mà nó được thực hiện thông qua các công cụ tài chính, tiền tệ, các chính sách trợ giúp của Nhà nước.
Một trong những sự can thiệp lớn nhất của Nhà nước vào nền kinh tế là việc mở rộng khu vực kinh tế Nhà nước. Trong những năm đầu thập kỷ 80 thế kỷ XX, khu vực kinh tế Nhà nước được mở rộng hơn nữa khi chính phủ đầu tư phát triển công nghiệp nặng. Khu vực kinh tế Nhà nước trở thành nhân tố không chỉ liên kết đời sống kinh tế của đất nước mà còn thiết lập chế độ chính trị của đất nước nhưng khu vực kinh tế Nhà nước của Malaixia cũng đã bộc lộ những hạn chế ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội đất nước. Trên thực tế có khoảng 1/2 xí nghiệp Nhà nước bị lỗ vốn do sự quan liêu và những hoạt động mang tính bảo trợ của nhà nước. Các xí nghiệp được mở rộng đã trở thành gánh nặng tài chính của chính phủ. Trước thực tế hoạt động kém hiệu quả của khu vực công cộng, kể từ giữa thập kỷ 80 của thế kỷ XX, Malaixia đã thực hiện quá trình tư nhân hóa một bộ phận các doanh nghiệp nhà nước. Những doanh nghiệp được tư nhân hóa là những doanh nghiệp hoạt động tiêu nhiều vốn như ngành đường sắt, hàng không, bưu chính viễn thông và các dịch vụ công cộng khác. Quá trình tư nhân hóa ở Malaixia được thực hiện thông qua các hình thức bán từng phần hay toàn bộ xí nghiệp, cho thuê hay thực hiện các hợp đồng quản lý giữa nhà nước và tư nhân.
Vai trò của Nhà nước trong phát triển kinh tế còn được thể hiện trong đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật. Ở Malaixia, việc mở rộng khu vực kinh tế Nhà nước trong những năm 60, đầu 70 của thế kỷ XX chủ yếu liên quan đến việc thiết lập và mở rộng các doanh nghiệp thuộc khu vực
xây dựng cơ sở hạ tầng như: điện nước, thông tin viễn thông, giao thông, cầu cảng, sân bay.
Vai trò của Nhà nước còn được thể hiện trong việc tạo lập và duy trì môi trường kinh tế vĩ mô ổn định cho công nghiệp hóa. Nhìn chung, các chính sách, các bộ luật được ban hành khá hoàn chỉnh và đồng bộ. Hiệu lực của các bộ luật này được duy trì một cách lâu dài và ổn định. Nó luôn được điều