7. Bố cục luận văn
1.2.2. Bối cảnh kinh tế
Trong suốt thế kỷ XX, Tây Ban Nha đã trải qua những biến động mạnh mẽ về kinh tế. Hậu quả của cuộc khủng hoảng ở Mỹ năm 1929 đã có những tác động sâu sắc đối nới nền kinh tế Tây Ban Nha và thế giới. Chế độ độc tài của Franco cũng có những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế. Lúc này nền kinh tế Tây Ban Nha tụt hậu khá xa so với những nước láng giềng Tây Âu. Vì quá chậm trễ thực hiện công nghiệp hóa trong các thế kỷ XVIII và XIX, thời kỳ công nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ ở các nước phương Tây khác, Tây Ban Nha vẫn là một quốc gia nông nghiệp trong suốt nửa đầu thế kỷ XX. Cuộc nội chiến Tây Ban Nha đem đến thảm họa, sự tàn phá và tổn thất nặng nề trong lực lượng lao động của đất nước, sự cô lập với thế giới và cùng với những điều đó là sự đình trệ kinh tế. Cuối thập niên 1950, Franco cố làm cho Tây Ban Nha tự lực cánh sinh nhiều hơn bằng cách hạn chế nhập khẩu từ nước ngoài và mở rộng công nghiệp trong nước. Viện Công nghiệp quốc gia được chính phủ thành lập để hỗ trợ đầu tư nhân công vào những khu vực kinh tế quan trọng, hóa ra lại là một hoạt động gây lãng phí vì nó khuyến khích phát triển những ngành nông nghiệp kém hiệu quả và gây ra lạm phát với tỷ lệ rất cao. Điều này càng làm cho Tây Ban Nha tụt hậu hơn.
Giai đoạn từ năm 1940 - 1960 là giai đoạn tụt hậu nhất trong lịch sử hiện đại của Tây Ban Nha. Giai đoạn này đã biến Tây Ban Nha thành một nước nghèo nàn, lạc hậu so với các quốc gia trong khu vực. Những đặc điểm đặc trưng cho thời kỳ này là sự đói kém, phân phối thẻ, chợ đen, tiền công rẻ mạt... Công đoàn nằm trong tay giới chủ. Thời kỳ này chính phủ trực tiếp quy định tiền lương và giá cả các mặt hàng chủ yếu. Chính sách kinh tế đóng cửa, thiếu linh hoạt chính là nguyên nhân kìm hãm sự phục hồi kinh tế. Chính quyền Franco can thiệp sâu sắc vào ngoại thương thông qua hạn ngạch, kiểm soát chặt chẽ sản xuất nông nghiệp. Nhà nước tăng cường kiểm soát nông nghiệp thông qua việc mở rộng các công ty nhà nước và thành lập thêm các doanh nghiệp mới.
Với sự phản kháng của giới lao động, trong các năm 1957 - 1958, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và các tổ chức kinh tế khác đã thuyết phục Franco thay đổi chính sách kinh tế, chấp nhận những khuyến cáo của IMF và các tổ chức quốc tế khác mở cửa với thế giới bên ngoài. Trước tình hình đó kế hoạch năm 1959 ra đời và nhằm khôi phục ổn định lại kinh tế Tây Ban Nha. Kể từ năm 1961, hàng loạt các chính sách tự do hóa thương mại, mở của thu hút vốn đầu tư của nước ngoài, tiếp cận với các nguồn tín dụng quốc tế, thay đổi tỷ giá hối đoái, hạ giá đồng nội tệ so với đồng đô la, giảm tiền công, lại bỏ bớt các công ty hoạt động kém hiệu quả. Kế hoạch năm 1959 bao gồm nhiều biện pháp tài chính tiền tệ mạnh nhằm ổn định nền kinh tế.
Dưới áp lực của IMF và OECD, chính phủ áp dụng hệ thống một tỷ giá, đi kèm với việc phá giá đồng nội tệ, từ bỏ hệ thống kiểm soát giá cả đối với hàng hóa nhập khẩu, bãi bỏ hạn ngạch đối với nhập khẩu nguyên liệu. Nhà nước cho nhập khẩu hàng nông nghiệp và tự do hóa một nửa hạng mục hàng nhập khẩu. Đồng thời nhà nước cũng có những biện pháp khuyến khích đối với đầu tư nước ngoài. Thời kỳ này, ngành du lịch Tây Ban Nha phát triển, thúc đẩy làn sóng di dân lao động ra thành thị và từ Tây Ban Nha tới châu Âu.
Quá trình này tạo ra một lực lượng kiều hối lớn của lực lượng lao động Tây Ban Nha ở nước ngoài. Sự phát triển của ngành du lịch cũng tạo ra một nguồn thu ngoại tệ lớn, khắc phục tình trạng thâm hụt cán cân thanh toán, thâm hụt thương mại và tài chính.
Chương trình bình ổn kinh tế với việc tự do hóa thương mại và đầu tư nước ngoài, được coi như là một bước ngoặt trong nền kinh tế. Tây Ban Nha đã đạt được những bước tiến mạnh mẽ với một loạt các kế hoạch phát triển kinh tế, nhưng thu nhập quốc dân tính trên đầu người vẫn còn xa mới theo kịp các quốc gia châu Âu khác.
Bắt đầu vào năm 1957, các sáng kiến tự do hóa bao gồm chính sách phá giá đồng Pê-sô, đưa vào áp dụng một cơ chế tỷ giá hối đoái duy nhất, một chương trình kìm chế tiền tệ và tài khoản, và tự do hóa các biện pháp kiểm soát giá cả và các biện pháp hạn chế đối với thương mại. Kết quả là nền kinh tế Tây Ban Nha đã trải qua quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống xã hội. Sự mở rộng của các khu vực công nghiệp và dịch vụ do dòng người di cư mạnh mẽ từ nông thôn tới các trung tâm đô thị, dẫn đến có rất nhiều người đi tìm việc làm và quá trình di cư này cũng thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư và các đối tác kinh tế nước ngoài. Hệ thống máy móc của nước ngoài được chuyển đến Tây Ban Nha đã thúc đẩy quá trình hiện đại hóa ở Tây Ban Nha và các sản phẩm của nước ngoài phải cạnh tranh với các đơn hàng trong nước của Tây Ban Nha. Franco cũng cho phép các nhà đầu tư và các ngân hàng của các quốc gia khác hoạt động trên lãnh thổ Tây Ban Nha.
Năm 1970, một thỏa thuận ưu đãi với Cộng đồng châu Âu nhằm thúc đẩy hơn nữa quá trình tự do hóa thương mại. Điều quan trọng là cần lưu ý rằng chính sách tự do hóa nền kinh tế của Franco không phải hoàn toàn giống với chính sách của ông đối với các vấn đề về lao động.
Vào giữa những năm 1970, nhà nước Tây Ban Nha đã đạt được những kết quả thành công đáng kể về kinh tế. Tốc độ tăng trưởng hàng năm của Tây
Ban Nha vào nửa đầu những năm 1970 ổn định ở mức 6%. Theo tính toán của OECD, năm 1975, Tây Ban Nha có GDP tính theo giá hiện hành và theo tỷ giá hối đoái hiện tại lớn thứ 8 thế giới, chỉ sau các cường quốc hùng mạnh là Mỹ, Nhật, Đức, Pháp, Anh, Canada và Italia. Đặc biệt hơn trong số các quốc gia tư bản có nền kinh tế phát triển mạnh, chỉ có Tây Ban Nha không theo chế độ dân chủ.
Vua Juan Carlos, người kế nhiệm tướng Franco đã tiếp quản một nền kinh tế đầy tiềm năng, song lại vấp phải rất nhiều khó khăn về kinh tế và chính trị. Nhà vua nhanh chóng đưa Tây Ban Nha phát triển theo hướng dân chủ. Bước đi đầu tiên của ông là bổ nhiệm Adoleor Suarez làm thủ tướng vào cuối năm 1976 thông qua tổng tuyển cử. Sự tự do mới của Tây Ban Nha trên lĩnh vực chính trị đã mở ra những cơ hội lớn về kinh doanh, trong đó có sự hợp pháp hóa các hiệp hội thương mại năm 1977. Một trong những sáng kiến quan trọng trong thời kỳ chuyển đổi này là Công ước Moncloa năm 1977. Công ước Moncloa bao gồm những điều khoản nhằm đưa Tây Ban Nha hội nhập vào hệ thống thị trường tự do thông qua việc điều tiết tiền công và tăng cường sự bình đẳng giữa các doang nghiệp của nhà nước và tư nhân. Công ước tạo điều kiện củng cố nền kinh tế thị trường và thừa nhận rằng các hoạt động kinh doanh cần diễn ra trong khuôn khổ thị trường tự do. Công ước này cũng đặt ra khuôn khổ cho một chính sách toàn diện hơn nhằm giải quyết vấn đề thất nghiệp và trợ cấp, vốn là những vấn đề không được quan tâm dưới thời Franco. Những cải tổ chính trị và kinh tế của nhà vua, trong đó có sự ra đời của Hiến pháp năm 1978 và các thỏa thuận về luật pháp nhằm đảm bảo cho việc thực hiện chức năng của các thể chế dân chủ, nhằm chuẩn bị cho quá trình hội nhập của Tây Ban Nha cùng với các nhà nước tư bản chủ nghĩa phương Tây khác.
Các chính sách kinh tế mới đã thúc đẩy nền kinh tế Tây Ban Nha tăng trưởng trong giai đoạn 1961 - 1973. Cơ cấu kinh tế đã chuyển đổi rất tích cực, tỷ
trọng nông nghiệp giảm từ 23% xuống còn 10% từ 1960 - 1975, công nghiệp và khu vực dịch vụ tăng nhanh. Thị trường lao động cũng có những thay đổi lớn. Số nhân công làm nông nghiệp giảm từ 41% xuống còn 23%, số lao động làm việc trong lĩnh vực công nghiệp tăng từ 4% lên 27%, phần lớn lực lượng lao động của khu vực nông nghiệp chuyển sang lĩnh vực dịch vụ [15; tr60].
Từ năm 1960 đến năm 1973, khi khủng hoảng dầu lửa xảy ra, tổng sản phẩm quốc nội tăng trung bình 7%, giúp cho thu nhập bình quân đầu người tăng đáng kể. Trong thời kỳ này lạm phát dừng lại ở con số 6,5%, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống dưới 3%/năm.
Đến năm 1973, Tây Ban Nha rơi vào khủng hoảng dầu lửa lần thứ nhất. Cũng giống như nhiều nước khác, Tây Ban Nha đã bị thiệt hại nặng nề do giá dầu mỏ gia tăng vào các năm 1973 và 1979. Nhiều ngành công nghiệp bị suy sụp trong thời kỳ cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980. Hậu quả của cuộc khủng hoảng này là chấm dứt thời kỳ tăng trưởng, Tây Ban Nha lâm vào tình trạng lạm phát, hoạt động kinh tế đình đốn. Từ cuối thập niên 1980, Tây Ban Nha buộc phải tiến hành hiện đại hóa nền kinh tế đất nước để hội nhập với các nước châu Âu khác.
Nhìn chung bối cảnh đất nước Tây Ban Nha trong giai đoạn trước khi gia nhập vào EU được đặc trưng bởi những biến động thăng trầm, từ một nền kinh tế lạc hậu bị kìm hãm, với cơ chế đóng cửa thiếu linh hoạt, và tiếp theo đó là thời kỳ tăng trưởng được thúc đẩy bởi chương trình bình ổn kinh tế trong suốt thập niên 60 của thế kỷ XX. Từ khi chế độ độc tài chấm dứt và vua Juan Carlos lên ngôi, song song với quá trình chuyển đổi về thể chế chính trị, nền kinh tế Tây Ban Nha bắt đầu một giai đoạn khôi phục mới, vượt qua khủng hoảng và những khó khăn về kinh tế, chuẩn bị những điều kiện tiền đề cho sự kiện gia nhập Liên minh châu Âu, hội nhập vào nền kinh tế của các quốc gia phương Tây hùng mạnh ở châu Âu.