7. Bố cục luận văn
1.3. Nhân tố lịch sử
Trong hai thập niên đầu của thế kỷ XX, việc Tây Ban Nha mất hai thuộc địa Cuba và Philipin vào năm 1898, sự hình thành của các tổ chức công đoàn và sự xuất hiện của các đảng phái ly khai ở Catalunya và xứ Basque đã xói mòn các thỏa thuận Hiến pháp 1876. Không nằm ngoài những bất ổn chính trị ở châu Âu thời kỳ sau Chiến tranh thế giới thứ I, ở Tây Ban Nha cũng xảy ra biến động xã hội và bạo lực chính trị vào đầu những năm 1920. Để ổn định tình hình, chế độ dân chủ đã đạo diễn một cuộc đảo chính do Primo Rivera chỉ huy năm 1923. Bảy năm sau, vua Alfonso cách chức Primo Rivera và quyết định dân chủ hóa đất nước thông qua các cuộc bầu cử địa phương. Chiến thắng của các đảng phái cộng hòa trong các cuộc bầu cử tháng 4 năm 1931 đã khiến nhà vua phải thoái vị. Vậy là sau một giai đoạn dân chủ ngắn ngủi 1868 - 1873, lần đầu tiên thể chế dân chủ được thiết lập ở Tây Ban Nha.
Nền cộng hòa Tây Ban Nha không tồn tại được lâu. Đất nước bị phân hóa bởi bất bình đẳng và xã hội. Trong một đất nước chủ yếu sống bằng nông nghiệp, sự phân chia đất đai lại hết sức không đồng đều, nhất là ở phía Nam. Tại đây, 1% dân số chiếm tới 50% đất đai. Trong số này mặc dù đất canh tác được phân chia tương đối đồng đều nhưng cơ cấu sở hữu vẫn theo hướng có lợi cho những chủ đất lớn. 30% số đất canh tác do các chủ sở hữu 100ha hoặc hơn chiếm giữ. Tầng lớp lao động thành thị tập hợp trong hai tổ chức công đoàn, tổ chức xã hội (UGT) và tổ chức vô chính phủ (CNT). Hai tổ chức này đều có cương lĩnh kinh tế và chính trị cấp tiến.
Ngoài mâu thuẫn kinh tế sâu sắc, nền cộng hòa còn phải đương đầu với những mâu thuẫn về lãnh thổ. Các phong trào ly khai xứ Basque và Catalunya, thông qua các cuộc bầu cử vào đầu thế kỷ XX, đã giành được quyền có cơ quan lập pháp riêng và sự thừa nhận đối với ngôn ngữ địa phương. Tuy nhiên các phong trào này lại gặp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ những phần còn lại của xã hội Tây Ban Nha.
Tận dụng sự lộn xộn của cánh hữu, những người cộng hòa và xã hội đã giành được đại đa số tại Quốc hội tháng 7 năm 1931. Dưới áp lực của các cuộc biểu tình trên đường phố và các tổ chức công đoàn, phe thắng cử đã tiến thêm một bước với việc thông qua một bản hiến pháp trong đó tách nhà thờ ra khỏi nhà nước, thiết lập một hệ thống đồng nhất các trường công và đe dọa trục xuất các dòng tu.
Do một đạo luật cho phép thắng cử với đa số tối thiểu, cánh tả đã mất 2/3 số ghế trong quốc hội năm 1933. Lo ngại đảng cánh hữu với cương lĩnh ủng hộ nhà thờ và thay đổi hiến pháp lên cầm quyền, những người cánh tả cấp tiến và chính quyền xứ Catalunya đã tổ chức một cuộc nổi dậy một năm sau đó. Tháng 7 năm 1936, tướng Franco tiến hành một cuộc đảo chính. Lẽ ra đó phải là một sự thay đổi chỉnh thể không có đổ máu, như tất cả các cuộc đảo chính trong thế kỷ XVIII, cuộc đảo chính lần này đã vấp phải sự kháng cự của các tổ chức công đoàn. Tây Ban Nha bước vào một cuộc nội chiến 3 năm.
Sau khi đánh bại chế độ cộng hòa, Franco đã thiết lập một chế độ độc tài. Chế độ này tồn tại tới khi ông qua đời vào năm 1975. Ông lên nắm quyền và bắt đầu tái thiết đất nước. Dưới chế độ chuyên chế quân sự - phát xít Franco, các biện pháp quản lý nền kinh tế được xây dựng trên nguyên tắc, quy định nghiêm ngặt phù hợp với uy tín của Franco. Tuy nhiên, mô hình kinh tế đóng cửa tự cung tự cấp, thiếu linh hoạt của chính quyền Franco đã không những không thúc đẩy nền kinh tế Tây Ban Nha phát triển mà còn kìm hãm sự phục hồi nền kinh tế vốn đã bị tổn thất nặng nề bởi cuộc nội chiến và ngay sau đó là cuộc chiến tranh thế giới nổ ra đã tàn phá nặng nề nền kinh tế. Các chính sách mà chính quyền Franco đã đưa ra ngày càng bóp nghẹt nền kinh tế, kiểm soát giá cả một cách chặt chẽ, can thiệp sâu vào ngoại thương thông qua hạn ngạch, kiểm soát chặt chẽ nông nghiệp, can thiệp mạnh mẽ tới thị trường lao động và nhà đất.
Có thể thấy những chính sách về kinh tế mà chính quyền Franco đưa ra đã đi vào bế tắc không đáp ứng được yêu cầu của đất nước. Bên cạnh đó, cuộc
khủng hoảng kinh tế, năng lượng 1973 - 1975 trên thế giới đã gây ảnh hưởng nặng nề đến Tây Ban Nha. Trước tình hình đó, chính phủ Tây Ban Nha phải tìm mọi cách tiến hành cải cách nền kinh tế. Bước ngoặt của cải cách là từ giữa những năm 80, Tây Ban Nha đã thay đổi cơ chế trước đây, xóa bỏ những thiết chế, luật pháp của chế độ chuyên chế quân sự - Franco và thiết lập nền dân chủ mới.
Sau khi nhà độc tài Franco chết (11/1975), vua Juan Carlos lên ngôi và đã bổ nhiệm ông Carlos Arias Navarro làm người đứng đầu chính phủ. Tuy nhiên ông Carlos Arias Navarro và các lực lượng của ông ta âm mưu duy trì bản chất của chế độ độc tài. Chính vì vậy sau hơn 7 tháng cầm quyền, thủ tướng đầu tiên của Tây Ban Nha đã bị bãi nhiệm và được thay thế bằng một vị thủ tướng mới Adolfo Suarez vào tháng 7/1976. Giai đoạn của thủ tướng Adolfo Suarez cũng là giai đoạn khó khăn của quá trình chuyến đổi nền chính trị ở Tây Ban Nha, với mục tiêu hướng tới quá trình xây dựng nền dân chủ “kiểu châu Âu”. Chính phủ của ông Adolfo Suarez đã có ba quyết định quan trọng nhằm khôi phục nền dân chủ và giảm bớt căng thẳng trong xã hội Tây Ban Nha: (1) Ra quyết định tuyên bố đạo luật ân xá, thiết lập các cuộc tiếp xúc đầu tiên với các đảng chính trị, chính phủ đàm phán với các lực lượng đối lập; (2) Chính phủ mới đã và giải thể các cơ quan độc tài, đi theo hướng bầu cử tự do cho nền pháp chế mới; (3) Xác định ngày bầu cử nghị viện vào tháng 6/1977 và vai trò của nghị viện mới sẽ xây dựng thông qua bản hiến pháp dân chủ [15;tr88].
Chính phủ mới đã phải đàm phán với các lực lượng đối lập về cách thức tiến hành các quyền tự do dân chủ và các bước tiến hành cải cách kinh tế xã hội. Trên cơ sở đó, phái đối lập đã thành lập một ủy ban gồm 9 người có các tư tưởng khác nhau nhằm thương lượng với chính phủ về các vấn đề cơ bản như ân xá, hợp pháp hóa các đảng, luật bầu cử... Ngoài ra chính phủ cũng đã thương lượng với các tổ chức công đoàn để hợp thức hóa vai trò của họ. Tuy
nhiên vấn đề khó khăn của giai đoạn này là hợp thức hóa vai trò của đảng đối lập - Đảng Cộng sản Tây Ban Nha (PCE) trong việc tham gia vào đời sống chính trị đất nước. Sau một quá trình cân nhắc, chính phủ của ông Adolfo Suarez mới chính thức thừa nhận vai trò của Đảng PCE vào tháng 4/1977.
Có thể nói, giai đoạn sau cái chết của nhà độc tài Franco, quá trình chuyển sang chế độ dân chủ ở Tây Ban Nha là đấu tranh giữa các phe phái chính trị giữa đổi mới và ủng hộ, mong muốn duy trì các thiết chế phi dân chủ của chế độ độc tài Franco. Chính vì thế, giai đoạn quá độ cho đến khi bản Hiến pháp dân chủ mới ở Tây Ban Nha ra đời là quá trình đấu tranh gay gắt giữa các nhóm lợi ích trong xã hội. Trong giai đoạn quá độ, hai thỏa ước quan trọng đã tạo bước ngoặt lớn đưa Tây Ban Nha sang một bước phát triển mới - một xã hội dân chủ và thịnh vượng đó là thỏa ước Moncloa (thỏa ước có tính chất kinh tế - xã hội tháng 10/1977). Thỏa ước Moncloa đã xác định được các vấn đề cơ bản như: (1) Các công đoàn và cánh tả chấp nhận kiểm soát lạm phát, quy định chế độ tăng lương theo đà lạm phát đã dự báo chứ không tăng theo mức đã qua; (2) Mở rộng chế độ an sinh xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; (3) Thiết lập chế độ thuế mới nhằm cho phép xây dựng nhà nước phúc lợi; Ngoài ra thỏa ước cũng có các điều khoản về tự do hóa thị trường, chính sách giá cả... Như vậy thỏa ước Moncloa có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc ổn định tình hình chính trị, kinh tế và xã hội của Tây Ban Nha trong bối cảnh hết sức phức tạp trong giai đoạn này. Thỏa ước Moncloa và sự ra đời của Hiến pháp dân chủ (1978), đặc biệt Hiến Pháp mới là thành quả của sự đồng thuận giữa các phái trung tả, phái trung hữu với các lực lượng xã hội, cộng sản, tự do, xã hội dân chủ, thiên chúa giáo và các lực lượng ủng hộ chế độ cũ... góp phần đưa đất nước chuyển sang chế độ dân chủ mới [15;tr91].
Tiểu kết
Tây Ban Nha là một trong số ít các nước chuyển đổi thành công từ độc tài và tương đối kém phát triển sang nền dân chủ và thịnh vượng trong vòng cuối thế kỷ XX. Bởi vậy, nước này được coi là tấm gương để các nước khác
noi theo khi thực hiện quá độ sang nền dân chủ. Sự quá độ thành công sang một nền kinh tế và chính trị hiện đại có một tầm quan trọng đặc biệt xét cả về phương diện lý thuyết lẫn trên quan điểm của các nhà hoạch định chính sách bởi Tây Ban Nha nằm trong số ít các quốc gia tìm được cách chuyển giao êm đẹp từ chậm phát triển và độc tài sang sự thịnh vượng và dân chủ trong những thập niên qua. Vào lúc Tây Ban Nha bắt đầu cải cách, hầu hết các nền dân chủ thịnh vượng ngày nay (ở châu Âu và Bắc Mỹ) đã là những quốc gia công nghiệp hóa và tự do về chính trị. Trừ một số trường hợp ở châu Á và gần đây là một số quốc gia Đông Âu, hầu hết các nước khác trên thế giới, hoặc là kém phát triển, hoặc là phi dân chủ hoặc cả hai vẫn còn rất nhiều việc phải làm để có thể tiến kịp với phương Tây phát triển.
Sau một thời gian chìm đắm trong đổ vỡ về kinh tế và chế độ độc tài, cuối cùng Tây Ban Nha cũng thoát khỏi trạng thái tương đối kém phát triển vào thập niên 1960 sau khi tự do hóa nền kinh tế. Những căng thẳng trong xã hội trong quá khứ đã từng ngăn cản việc thiết lập nền dân chủ nay bị hóa giải bởi sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. Quá trình dân chủ hóa, về phần mình đã góp phần thúc đẩy chính sách kinh tế của Tây Ban Nha. Tây Ban Nha thoát dần ra khỏi những bế tắc và từng bước đạt được những thành công trong công cuộc xây dựng đất nước.
Chương 2
TÌNH HÌNH KINH TẾ, CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI VÀ CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI CỦA VƯƠNG QUỐC TÂY BAN NHA TRONG 20 NĂM
CUỐI THẾ KỶ XX ĐẦU THẾ KỶ XXI (TỪ 1991 ĐẾN 2011) 2.1. Tình hình kinh tế, chính trị - xã hội
2.1.1. Kinh tế
Tây Ban Nha là một quốc gia có nền kinh tế phát triển cao. Hiện nay, nền kinh tế nước này lớn thứ 8 trên thế giới và thứ 5 tại châu Âu, sau Đức, Anh, Pháp và Italia. Vào thập niên 60 của thế kỷ XX, những chính sách cải cách kinh tế dưới sự cai trị của nhà độc tài Francisco Franco đã hạn chế sự tập trung về mặt kinh tế và thực hiện nhiều dự án phát triển hạ tầng lớn, khiến cho nền kinh tế Tây Ban Nha bùng nổ nhanh chóng và được gọi là Phép màu Tây Ban Nha. Tuy nhiên sau khi Franco qua đời và chính quyền quân chủ lập hiến lên nắm quyền điều hành đất nước, chính phủ đã kiểm soát chặt chẽ giá cả những mặt hàng thiết yếu. Những biến động của thị trường thế giới, đặc biệt là cuộc khủng hoảng dầu mỏ 1973 đã tác động lớn đến sản xuất công nghiệp của Tây Ban Nha. Từ cuối thập niên 1980, Tây Ban Nha buộc phải tiến hành hiện đại hóa nền kinh tế đất nước để hội nhập với các nước châu Âu khác. Bước ngoặt của cuộc cải cách là từ giữa những năm 80, Tây Ban Nha đã thay đổi cơ chế kinh tế trước đây, xóa bỏ những thiết chế, luật pháp của chế độ chuyên chế quân sự - phát xít Franco và thiết lập nền dân chủ mới cải thiện tình hình kinh tế chung mặc dù còn có những khó khăn nhất định như thất nghiệp, thiếu hụt ngân sách, mức sống thấp so với các nước khác ở Tây Âu, chuẩn bị các điều kiện gia nhập cộng đồng kinh tế châu Âu, tăng cường khả năng liên kết kinh tế với các nền kinh tế khác ở Tây Âu. Sự thay đổi chính sách của Tây Ban Nha thể hiện ở 4 điểm sau: Thứ nhất, nhà nước từ bỏ những quy định nghiêm ngặt và không can thiệp vào hoạt động kinh doanh ở mọi nơi. Thứ hai, chính phủ Tây Ban Nha đã thông qua những quyết định
quan trọng nhất có liên quan tới vai trò vị trí của khu vực quốc doanh trong nền kinh tế. Thứ ba, chính phủ tăng cường việc tạo lập những điều kiện thuận lợi thúc đẩy sự phát triển tất cả những hình thức kinh doanh. Trong đó, nhà nước không chỉ hỗ trợ cho các quá trình này mà còn tham gia làm xúc tác cho sự đổi mới. Thứ tư, chính phủ Tây Ban Nha đặc biệt chú ý việc thực hiện các chức năng như soạn thảo chiến lược kinh tế xã hội toàn quốc, chiến lược khoa học kỹ thuật, phát triển khoa học, hệ thống giáo dục, bảo hiểm xã hội, quản lý thị trường lao động. Với việc gia nhập Cộng đồng châu Âu (sau là Liên minh châu Âu) vào năm 1986, Tây Ban Nha đã tiến hành mở cửa và xây dựng nền kinh tế thị trường. Hệ thống cơ sở hạ tầng được hoàn chỉnh hiện đại, tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng lên, tỉ lệ thất nghiệp giảm xuống dưới 3%.
Năm 1990, Tây Ban Nha đã đưa ra một loạt chương trình phát triển kinh tế trong thập kỷ cuối thế kỷ XX với mục tiêu giảm tỉ lệ thất nghiệp đang rất cao (trên 20%), hạn chế lạm phát, kích thích tiêu dùng và đầu tư, tăng lượng tiền mặt lưu hành, trợ cấp xuất nhập khẩu, từ bỏ các biện pháp bảo hộ mậu dịch và tư nhân hoá…
Vào năm 1992, nền kinh tế của Tây Ban Nha khôi phục lại bằng thời điểm cuối thập niên 80. Sự mất giá của đồng Pê-sô đã làm tăng tính cạnh tranh cho hàng xuất khẩu của nước này.
Từ năm 2000, nền kinh tế Tây Ban nha có dấu hiệu hết sức lạc quan: hệ thống cơ sở hạ tầng được hoàn chỉnh hiện đại, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn. Nếu như trong những năm 80, Tây Ban Nha là một nước phải nhận viện trợ từ ODA, thì từ năm 2000 trở đi Tây Ban Nha đã trở thành một quốc gia có thể cung cấp viện trợ ODA. GDP sử dụng cho viện trợ ODA gia tăng 0,25% trong năm 2004 và 0,31% trong năm 2005 (2.600 triệu Euro) và đạt đến 0,35% trong năm 2006 (theo Kế hoạch thường niên về hợp tác quốc tế (PACI)) [15;tr26]. Nỗ lực viện trợ phát triển của Tây Ban Nha ngang tầm với mức trung bình của các quốc gia trong OECD.
Tây Ban Nha cũng là một trong những quốc gia tiên phong trong việc gia nhập Khu vực đồng tiền chung châu Âu - Euro vào ngày 1 tháng 1 năm 1999. Nếu như trước đây đơn vị tiền tệ của Tây Ban Nha là đồng Pê-sô (PTA) thì từ ngày 1 tháng 1 năm 2002 đã được thay thế bằng đồng Euro. Các trung tâm chứng khoán lớn là Madrid, Barcelona,Valencia, Bilbao, trong đó thủ đô Madrid đang phát triển để trở thành một trung tâm tài chính lớn của thế giới.