tế của Nho gia Tiên Tần và ý nghĩa của nó trong kinh tế hiện đại
2.2.1. ‘’Kiến lợi tư nghĩa”- Một định hướng để giải quyết vấn đề kinh
tế
Mối quan hệ giữa “nghĩa” và “lợi” không chỉ là vấn đề mà cá nhân con người cần phải xử lý tốt, mà còn là vấn đề của một doanh nghiệp, một công ty cần phải xử lý trong quá trình quản lý. “Kiến lợi tư nghĩa” hay là “kiến lợi vong nghĩa”? Đây thật sự là một trong những quan niệm giá trị quan trọng nhất trong thực tế từ xưa đến nay.
2.2.1.1. ‘’Kiến lợi tư nghĩa” - Quan niệm quản lý nghĩa lợi hợp nhất của Nho gia Tiên Tần.
Quan hệ giữa nghĩa và lợi, trên thực tế là mối quan hệ giữa đạo đức và lợi ích. Lợi ích và đạo đức là một thể thống nhất biện chứng, nếu đem đối lập nghĩa và lợi là sai lầm và sẽ gây nhiều tác hại. Nếu chỉ chú trọng đến lợi mà không quan tâm đến nghĩa là không đúng cũng như chỉ chú trọng đến nghĩa, coi thường lợi là sai lầm. Con người sinh ra có cả hai mặt đạo đức và nhu cầu vật chất - “nghĩa” và “lợi”, đó đều là những điều kiện cần thiết cơ bản cho sự sinh tồn của con người và xã hội. Chỉ có “nghĩa” mà không có “lợi” thì tức là
con người và xã hội đã mất đi nền tảng sinh tồn cơ bản; ngược lại, nếu chỉ nói đến “lợi” mà không quan tâm đến nghĩa thì sẽ nảy sinh tranh đoạt, xung đột, thậm chí là tàn hại lẫn nhau, con người và xã hội sẽ không thể tồn tại tốt đẹp được. Vì vậy, “kiến lợi tư nghĩa” (đứng trước điều lợi phải nghĩ cách đạt được thông qua các phương pháp hợp đạo đức), “nghĩa lợi hợp nhất” (kết hợp thống nhất giữa nghĩa và lợi) chính là nền tảng cho sự sinh tồn và phát triển tốt đẹp của xã hội loài người và cũng chính là điều mà Khổng Tử rất quan tâm.
“Kiến lợi tư nghĩa”, “nghĩa lợi hợp nhất” chính là chân lý trong quan điểm nghĩa lợi của Khổng Tử. Khi trả lời làm thế nào mới có thể trở thành một con người hoàn thiện, Khổng Phu Tử đã nói: “Kiến lợi tư nghĩa, kiến nguy thụ mệnh, cửu yếu bất vong bình sinh chi ngôn, diệc khả vi thành nhân hĩ” – tức là thấy lợi thì nghĩ đến nghĩa, thấy nguy thì không tiếc tính mạng, đã hứa hẹn cho dù có lâu ngày cũng không được quên, được như thế có thể gọi là người nhân [30, 452]. Theo ông, “kiến lợi tư nghĩa” chính là một trong những yêu cầu cơ bản để tạo nên một người “nhân” - tức là một người có đạo đức hoàn thiện. Đối với ông, đó là một trong chín điều mà người quản lý cần phải để ý xem xét: “Quân tử hữu cửu tư: thị tư minh, thính tư thông, sắc tư ôn, mạo tư cung, ngôn tư trung, sự tư kính, nghi tư vấn, phẫn tư nạn, kiến đắc tư nghĩa” (Người quản lý có chín điều cần phải suy nghĩ: nhìn phải sáng suốt, nghe phải rõ ràng, sắc mặt ôn hoà, dung mạo cung kính, nói cho thành thật, làm cho kính cẩn, có điều gì nghi hoặc thì phải hỏi, khi tức giận phải nghĩ tới hậu quả sau đó, thấy lợi phải nghĩ đến nghĩa) [30, 507]. “Đắc” cũng chính là chỉ phần lợi ích cá nhân, những người quản lý trước tiên phải suy xét đến việc lợi ích này có phù hợp với những chuẩn mực đạo đức đã được xã hội công nhận hay không.
Trong hoạt động quản lý, “kiến lợi tư nghĩa” được coi là nguyên tắc chỉ đạo của người quản lý. Trong “Khổng Tử gia ngữ - Khuất tiến giải” có ghi
câu chuyện về học trò Mẫn Tử Khiên của Khổng Tử như sau: Mẫn Tử Khiên làm quan huyện Đan Phụ nước Lỗ. Một lần, nước Tề chuẩn bị sang tấn công nước Lỗ mà Đan Phụ là một vùng mà quân Tề sẽ phải đi qua để tiến vào đánh chiếm nước Lỗ. Thế là các phụ lão của huyện Đan Phụ liền họp nhau lại và đến thỉnh cầu Mẫn Tử Khiên, xin cho dân được tự do thu hoạch lúa mạch đã chín, kể cả lúa mà họ không trồng nếu có thể thì cứ thu hoạch cho hết. Nhưng mặc dù các phụ lão đến xin nhiều lần nhưng Mẫn Tử Khiên vẫn không đồng ý. Không lâu sau, quân xâm lược kéo đến cướp hết số lúa mạch chín đó. Đại phu Quý Tôn Thị nước Lỗ nghe nói có chuyện này liền sai người đến chỉ trích Mẫn Tử Khiên là không nghĩ đến trăm họ. Tử Khiên nghiêm túc nói: “Năm nay không thu được lúa thì năm sau vẫn có thể trồng lại, nhưng nếu để cho những người không trồng thừa thời cơ loạn lạc mà thu lương thực thì sẽ khiến cho trăm họ có ý nghĩ mong muốn địch đến chiếm đánh để được thu hoạch nhiều lúa hơn. Lúa của huyện Đan Phụ có thu được hay không, không có ảnh hưởng mấy đến sự mạnh yếu của nước Lỗ, còn nếu khiến trăm họ có tâm lý hám lợi thì phong khí xã hội sẽ bị hỏng đi và đem lại những tổn hại đến mấy đời cũng không thể khôi phục lại được cho nước Lỗ. Cách giải quyết của Mẫn tử Khiên ở đây tuy có chút cổ hủ, lạc hậu nhưng ở đây đã nói lên tầm quan trọng của việc nhìn nhận đúng đắn mối quan hệ giá trị giữa “nghĩa” và “lợi” đối với việc bảo vệ sự yên ổn lâu dài của quốc gia. Đó cũng chính là một biểu hiện cụ thể của tư tưởng “kiến lợi tư nghĩa” của Khổng Tử.
2.2.1.2. Ý nghĩa của quan niệm “kiến lợi tư nghĩa” đối với quản lý kinh tế hiện đại
Quan niệm “kiến lợi tư nghĩa”, “nghĩa lợi hợp nhất” giúp con người xử lý được chính xác quan hệ giữa đạo đức và lợi ích, xử lý tốt vấn đề quan hệ giữa lợi ích cá nhân và lợi ích của người khác, cá nhân và tập thể, tập thể và xã hội, đoàn thể và đoàn thể,... tức là những mối quan hệ giữa cái riêng - “tư lợi” và cái chung - “công lợi”. Việc xử lý chính xác các mối quan hệ trong nội
bộ doanh nghiệp chính là nền tảng thúc tiến sự hài hoà, đoàn kết trong nội bộ doanh nghiệp.
Doanh nghiệp là đơn vị sản xuất và lưu thông hàng hoá, không thể không quan tâm đến lợi nhuận. Làm doanh nghiệp là phải tìm cách để kiếm được lợi nhuận, nếu không thì doanh nghiệp không thể tồn tại, đất nước khó có thể giàu mạnh, cuộc sống nhân dân không được nâng cao. Tuy nhiên, việc giành được lợi nhuận của doanh nghiệp phải thông qua các biện pháp chính đáng và hợp pháp, nếu không sẽ là giành lợi bất nghĩa. Vấn đề ở đây chính là vấn đề quan hệ giữa “nghĩa” và “lợi”. Doanh nghiệp cần phải theo đuổi lợi nhuận, nhưng cũng phải có biện pháp chính đáng, hợp đạo đức, thống nhất được giữa “nghĩa” và “lợi”, chính là “kiến lợi tư nghĩa”, “đắc lợi tư nghĩa”. Dù là doanh nghiệp hay cá nhân cũng không nên “kiến lợi vong nghĩa” (thấy lợi mà quên nghĩa). Vì vậy, thống nhất giữa “nghĩa” và “lợi” cũng chính là một nguyên tắc cơ bản trong số các nguyên tắc hoạt động của doanh nghiệp.
Một mặt doanh nghiệp phải chú trọng đến lợi, mặt khác cũng phải xử lý tốt mối quan hệ nghĩa - lợi trong nội bộ doanh nghiệp. Lợi nhuận doanh
nghiệp là giá trị do người quản lý cùng công nhân viên sáng tạo. Vì vậy, việc phân phối lợi ích cũng phải phù hợp với “nghĩa”, phải căn cứ vào lao động mà mỗi người bỏ ra và những cống hiến của họ dành cho doanh nghiệp. Hai là, những nhân viên quản lý cấp cao chỉ nên hưởng phần mà họ nên được hưởng, không được vượt quá quy định. Nếu chiếm hữu nhiều hoặc tham ô tài sản là không phù hợp với nghĩa. Từ đó, làm mất đi sự tín nhiệm từ phía nhân viên, khiến cho trong nội bộ doanh nghiệp mất đi tính tích cực và sức mạnh đoàn kết. Ba là, các thành viên của doanh nghiệp nên xây dựng giá trị quan “nghĩa nhi hậu thủ”, “nghĩa dĩ thủ lợi”. Lợi ích vật chất là nền tảng vật chất cho sự sinh tồn của mỗi cá nhân, nhưng mục tiêu làm việc không nên chỉ vì lợi ích của bản thân. Chỉ có cống hiến cho xã hội, sáng tạo giá trị cho mọi người thì bản thân mới thật sự trở nên có giá trị, và khi đã thực hiện giá trị của bản thân
thì nhất định sẽ được sự báo đáp từ xã hội - đó chính là lợi ích cao nhất mà cá nhân có thể đạt đến. Hãy làm việc trước sau đó mới nói đến việc hưởng thụ, trước tiên hãy làm việc, bỏ công sức lao động để cống hiến, sau đó mới tính đến chuyện thu nhận lại, đây chính gọi là “nghĩa nhi hậu thủ”.
Quan điểm “kiến lợi tư nghĩa”, “nghĩa lợi hợp nhất” còn giúp xử lý tốt quan hệ giữa doanh nghiệp và xã hội, là xuất phát điểm để doanh nghiệp nhận được những hồi đáp hậu hĩnh từ xã hội. Bất cứ doanh nghiệp nào khi xử lý mối quan hệ lợi ích giữa doanh nghiệp và xã hội đều nên coi trọng “làm lợi cho người khác” làm điểm xuất phát - đó cũng chính là “lợi” xuất phát từ “nghĩa”. Chỉ có như vậy thì mới có thể thật sự làm lợi cho bản thân. Các quan hệ lợi ích trên thế giới rất rắc rối, phức tạp, lợi ích giữa con người với con người, lợi ích giữa doanh nghiệp và xã hội, doanh nghiệp và quốc gia, doanh nghiệp và doanh nghiệp là một chuỗi mắt xích nối với nhau liên tiếp. Chỉ khi bạn đem lại lợi ích cho người khác, cho xã hội thì bạn mới có thể có được lợi ích thực sự. Cống hiến càng nhiều thì lợi ích thu lại được sẽ càng lớn, cống hiến và thu nhập luôn tỉ lệ thuận với nhau, đây chính là “nghĩa nhi hậu thủ”.
Ngoài mối quan hệ nghĩa - lợi với xã hội và công chúng ra, doanh nghiệp còn có quan hệ với quốc gia. Bất cứ một doanh nghiệp nào cũng đều
có nghĩa vụ phải nộp thuế cho quốc gia. Nộp thuế đúng thời hạn, đúng quy định là phù hợp với “nghĩa”, trốn thuế là hành vi bất nghĩa. Nộp thuế là nghĩa vụ của doanh nghiệp và cũng chính là sự nghiệp lợi dân ích nước, đây là việc cần phải làm của mỗi một doanh nghiệp.
Mặt khác, việc xử lý chính xác cạnh tranh lợi ích giữa các doanh nghiệp với nhau là một trong những điều kiện quan trọng để xây dựng một thị
trường tốt đẹp. Trong điều kiện kinh tế thị trường, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp tất nhiên sẽ tồn tại cạnh tranh. Nhưng quan hệ cạnh tranh này không phải là quan hệ “tôi sống thì anh phải chết” mà nó là quan hệ thúc đẩy nhau cùng có lợi. Các doanh nghiệp phải thống nhất mục tiêu: đáp ứng các
nhu cầu con đường vật chất, văn hoá ngày càng cao, vì sự phát triển giàu mạnh của đất nước. Mục tiêu của cạnh tranh lợi ích không phải là bên này đánh đổ bên kia, mà là thông qua cạnh tranh để thúc đẩy lẫn nhau, cùng nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến và phát huy kỹ thuật mới, khai thác sản phẩm mới và tiến tới sự phát triển chung.
2.2.2. “Hoà” - Một cơ sở để giải quyết các mối quan hệ kinh tế
Xét từ góc độ bản chất quản lý, một số nhà quản lý học cho rằng quản lý chính là sự phối hợp hài hoà. Doanh nghiệp là một cơ cấu hữu cơ đa tầng thứ, đa nhân tố, đa chức năng với con người là chủ thể. Chỉ có điều chỉnh, phối hợp tốt các mối quan hệ con người và tổ chức trong ngoài doanh nghiệp thì mới bảo đảm được thành công của doanh nghiệp. Nhà quản lý học người Pháp Henry Fayol đã coi “phối hợp, điều phối chính là sự kết nối, liên kết, điều hoà mọi hoạt động và năng lượng của doanh nghiệp”. Còn Gulick, nhà quản lý học người Mỹ cũng coi “phối hợp” là một trong bảy chức năng quản lý trong học thuyết quản lý của ông, cho rằng: phối hợp là làm cho công việc giữa các bộ phận trong doanh nghiệp được trở nên hài hoà, nhất trí, cùng thực hiện mục tiêu chung của doanh nghiệp”. Nhà quản lý học người Mỹ, Koonzt lại tiến thêm một bước coi “phối hợp là bản chất của quản lý”.
Các nhà Nho của Trung Quốc cổ đại sớm đã chú ý đến tác dụng của chữ “hoà” trong quản lý, tức là thông qua việc phối hợp, điều hoà các nhân tố mâu thuẫn trong quản lý để đạt đến trạng thái quản lý hoà hợp tốt nhất.
2.2.2.1. Tư tưởng “Hoà vi quý” của Nho gia Tiên Tần
Trong “Luận ngữ - Học nhi”, Khổng Tử đã đề xướng một cách rõ ràng: “Lễ chi dụng, hoà vi quý, tiên vương chi đạo, tư vi mỹ, tiểu đại do chi” (Công dụng của lễ nghi quý nhất là để điều hoà. Đạo của người quản lý do đó mà được hoàn mỹ, việc lớn việc nhỏ đều theo đó mà trở nên thuận lợi, tốt đẹp) [30, 212]. Theo đây, “hoà” là tác dụng quý giá nhất của “lễ”, nếu tách rời khỏi
lễ thì sẽ khó có thể lý giải và nắm bắt được hết hàm nghĩa của “hoà” được Khổng Tử đề cập đến ở đây.
“Lễ” mà Khổng Tử đưa ra, mục đích chủ yếu là để điều tiết và cân đối các mối quan hệ giữa con người với nhau, khiến cho các mối quan hệ đan chéo phức tạp trong xã hội có thể tồn tại một cách hài hoà. “Hoà” trong “hoà vi quý” chính là sự hài hoà được tạo ra do tác dụng của “lễ”. Theo Khổng Tử, mọi người trong xã hội ai cũng có phận vị của người đó, không được sai lệch, bằng không sẽ tạo ra hỗn loạn. Ông nói: “Quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử”. (Vua phải ra vua, bề tôi phải ra bề tôi, cha phải ra cha, con phải ra con). Nếu có thể làm cho mọi người ai ở đúng phận vị của người đó, làm những việc mình nên làm thì sẽ tạo ra sự hài hoà, có trật tự - đó gọi là “hoà”.
Khổng Tử rất coi trọng tác dụng của “hòa” trong quản lý, nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hoà hợp trong quan hệ con người, cho rằng “quản lý người khác” cũng giống như “quản lý bản thân mình”, chỉ có đạt được đến sự hoà hợp nhất trí trên dưới, trong ngoài thì mới có thể đạt đến trạng thái hài hoà tốt đẹp nhất trong quản lý.
Về sự hoà hợp giữa người quản lý và người bị quản lý, trong “Trào Thi ngoại truyện” có ghi lại câu chuyện như sau: Nhà Nhan Thị có ba người đánh xe ngựa, mỗi người có một phương pháp điều khiển ngựa khác nhau. Dưới sự điều khiển của Nhan Vô Phụ, ngựa dù biết trên xe có hàng hoá nhưng vẫn cảm thấy nhẹ nhàng, biết trên xe có người nhưng vẫn cảm thấy thoải mái, do đó càng chạy càng hăng. Nếu như con ngựa đó biết nói, nó sẽ nói rằng: “Hôm nay chạy thật thích”. Dưới sự điều khiển của Nhan Luân, ngựa biết rằng trên xe có chở hàng hoá nhưng cảm thấy bình thường, biết trên xe có người nhưng cảm thấy cần phải kính trọng họ. Nếu con ngựa này biết nói, nó sẽ nói: “Chạy mau lên một chút, có người đang thúc giục mình”. Còn khi Nhan Di điều khiển ngựa, ngựa biết trên xe có hàng hoá thì cảm thấy nặng nhọc, biết trên xe có người thì run sợ. Nếu con ngựa này biết nói thì nó sẽ nói rằng: “Chạy mau,
chạy mau, nếu không chủ nhân sẽ giết chết mình”. Trong ba cách điều khiển này, Khổng Tử tán thưởng nhất cách của Nhan Vô Phụ, ông nói: “Hay thay cách đánh xe của Nhan Vô Phụ”, ông chỉ ra: “Đánh xe ngựa cũng cần phải có phương pháp cũng như cai quản dân phải có đạo. Phương pháp mà đúng thì ngựa sẽ hợp tác và cảm thấy thoải mái; đạt được đạo thì dân sẽ an cư lạc nghiệp mà quy tụ về”. Khổng Tử ở đây đã đem so sánh việc điều khiển ngựa với việc quản lý. Tuy sự so sánh này có phần không được thoả đáng lắm,