Một số quan điểm cơ bản trong tư tưởng kinh tế của Mạnh Tử

Một phần của tài liệu Một số vấn đề đạo đức trong kinh tế của Nho gia Tiên Tần (Trang 50 - 59)

Phản ánh cuộc chiến tranh khốc liệt giữa các nước chư hầu, các tập đoàn quí tộc thời Xuân Thu - Chiến Quốc, nhiều nhà triết học, nhiều môn phái tư tưởng lớn đã xuất hiện. Các trường phái triết học đại diện cho địa vị, lợi ích của các tầng lớp, giai cấp xã hội đã đấu tranh với nhau hết sức gay gắt. Mạnh

Tử (372 - 289 trước Công nguyên) là một trong những triết gia lớn thời kỳ đó. Ông chủ trương chống lại thuyết "kiêm ái" của Mặc gia và chủ nghĩa "tự nhiên vô vi" của Đạo gia, phát triển tư tưởng chính trị - đạo đức của Khổng Tử theo khuynh hướng mới.

Trong hệ thống triết lý nhân sinh phong phú của Mạnh Tử, bên cạnh thuyết "tính thiện" nổi tiếng còn có tư tưởng chính trị - xã hội đặc sắc, đã khiến cho các nhà nghiên cứu triết học Trung Quốc sau này phải khái quát toàn bộ triết học của ông bằng cái tên "Mạnh Tử: khẳng khái nhân sinh". Dựa trên học thuyết "tính thiện", tiếp tục tư tưởng Đức trị của Khổng Tử, Mạnh Tử đã kịch liệt phê phán phương pháp trị nước của các trường phái triết học Mặc gia và Đạo gia. Và từ đó ông đề ra thuyết "nhân chính" trong đạo trị nước.

Nếu như Khổng Tử đề cao Nhân và sẵn sàng chết vì Nhân thì Mạnh Tử kêu gọi người phải sẵn sàng chết vì Nghĩa. Ông đề cao Nghĩa đến mức đem so sánh với mạng sống của con người "Sống là điều ta ham muốn, Nghĩa cũng là điều ta ham muốn, nếu không giữ được cả hai điều ấy thì ta thà bỏ sự sống để giữ lấy điều Nghĩa" ("Sinh, diệc ngã sở dục dã; Nghĩa diệc ngã sở dục dã, nhị giả bất khả kiêm, xả sinh nhi thủ nghĩa giả dã") [30, 741].

Trong nội dung sách Mạnh Tử có đến ba phần tư nói về "nhân chính", trong đó, ông rất coi trọng Nhân, Nghĩa: "Không ai ngăn cấm mà chẳng chịu làm điều nhân, như vậy không phải là người sáng suốt hiểu biết. Không có lòng nhân (bất nhân), không sáng suốt hiểu biết (bất trí), không có lễ nghĩa, như vậy thì chỉ đáng làm đầy tớ cho người ta sai khiến mà thôi" ("Mạc chi ngự nhi bất nhân, thị bất trí dã. Bất nhân bất trí, vô lễ vô nghĩa, nhân dịch dã)" [30, 672].

Theo ông, có nhân thì được vinh dự, còn bất nhân thì phải chịu nhục nhã. Ông còn cho rằng "Nhân, đó là lương tâm của con người; Nghĩa, đó là đường đi của con người" ("Nhân, nhân tâm dã; Nghĩa, nhân lộ dã") [30, 744]

hay"Bất nhân mà được làm vua một nước (chư hầu) việc ấy đã từng có. Bất nhân mà có cả thiên hạ, lên ngôi thiên tử, thì đó là chuyện chưa từng có" (Mạnh Tử viết: "Bất nhân nhi đắc quốc giả, hữu chi hĩ; bất nhân nhi đắc thiên hạ giả, vị chi hữu giã" [30, 757]. Theo ông, một ông vua mà thích làm điều nhân thì không ai địch được. Vì vậy, khi yết kiến ông vua nào Mạnh Tử cũng chỉ đem đạo Nhân - Nghĩa ra giảng, hi vọng tìm được hoặc đào tạo được một vị nhân quân.

Ở đây, Mạnh Tử đã có sự phân biệt rất rõ ràng ý nghĩa, công dụng của Nghĩa và Lợi. Khi ông gặp Tống Hinh (383 - 290 trước Công nguyên), đem chữ Lợi để khuyên Tần và Sở đừng đánh nhau, Mạnh Tử đã phân tích trong thiên Cáo Tử hạ: "Ý chí của ông rất lớn, nhưng lý lẽ của ông đưa ra thì không tốt. Ông đem cái lợi mà nói với vua Tần, vua Sở, mà họ vui về điều lợi, bãi binh thì binh lính sẽ vui vẻ nghỉ ngơi mà thích cái lợi; kẻ làm bề tôi sẽ chỉ vì ham lợi mới thờ vua, kẻ làm con vì ham lợi mới thờ anh. Vậy mà vua tôi, cha con, anh em rốt cuộc bỏ hết điều nhân, điều nghĩa, chỉ nghĩ đến lợi trong sự giao thiệp với nhau. Như thế mà nước chẳng diệt vong thì là điều chưa từng có. Còn ông đem Nhân Nghĩa mà nói với vua Tần, vua Sở, họ vui vẻ về điều nhân, điều nghĩa mà bãi binh. Vậy vua tôi, cha con, anh em sẽ bỏ cái Lợi đi, nghĩ đến Nhân - Nghĩa mà giao thiệp với nhau. Như thế mà nước chẳng hưng vượng, là điều chưa từng có. Cần chi phải nói tới lợi?" [26, 120 - 121]. Như vậy, nếu chỉ nghĩ tới lợi thì ắt sẽ mất nước, còn nghĩ đến nhân nghĩa thì thiên hạ sẽ yên trị. Chính vì vậy mà ông đã chủ trương giáo dục theo Lễ.

Mạnh Tử rất coi trọng và đề cao Lễ, ông chỉ rõ thực chất của Lễ là hình thức biểu hiện của Nhân, Nghĩa, là hình thức biểu hiện của thực hành đạo làm người của Nho giáo theo những bậc khác nhau (5 bậc) ứng với Ngũ luân: "Nhờ có Lễ mà giáo dục, rèn luyện được tâm tính con người, đưa con người trở về với tính thiện bẩm sinh, đưa con người từ tính ác trở nên thiện" [5, 47].

Có được tác dụng trên vì giáo dục theo Lễ chỉ ra cho con người điều hay lẽ phải, thấy rõ lợi ích của hành động theo Lễ sẽ đạt điều Nhân, cảm hoá được người khác. Vì "lễ giảng điều tín, sửa điều hoà mục, đề cao lòng từ nhượng, khiến người ta từ bỏ các mối tranh chấp vì lợi riêng để trở về với tính thiện bẩm sinh" [26, 20 - 21] .

Như vậy, trong quan niệm của Nho gia nói chung và Mạnh Tử nói riêng, Nghĩa và Lợi vừa là phạm trù đạo đức, vừa là phạm trù chính trị - xã hội. Kế thừa và phát triển quan niệm của Khổng Tử về Nghĩa và Lợi, Mạnh Tử cho rằng, Nghĩa là việc nên làm thì làm, không nên làm thì không làm: "Người ta ai cũng có lòng thương xót chẳng nỡ đối với vịêc này hoặc vịêc khác, nhưng nếu mình biết đem tấm lòng ấy mà phổ cập đến những việc mà mình chưa thương xót chẳng nỡ, thì mình mới thật là người nhân vậy. Người ta ai cũng có những việc mà mình chưa thèm làm, nhưng nếu mình biết nới rộng khí tiết ấy mà chẳng thèm làm những việc mình đương làm, thì mới thật là người nghĩa vậy” (Mạnh Tử viết: "Nhân giai hữu sở bất nhẫn, đạt chi ư kỳ sở nhẫn, nhân giả, Nhân giai hữu sở bất vi, đạt chi ư kỳ sở vị, nghĩa giã") [8, 50].

Tuy nhiên cái gì nên làm, cái gì không nên làm thì Mạnh Tử không bàn kỹ, ông thường cho rằng lòng tu ố (xấu hổ) là đầu mối của nghĩa, cái gì làm ta xấu hổ, làm cho ta ghét thì đó là cái phi nghĩa và chỉ có "lương tâm", "lương năng" mới giúp ta phân biệt được đâu là nghĩa, đâu không phải là nghĩa. Điều đó cho ta thấy Mạnh Tử luôn gắn liền Nghĩa với hành vi đạo đức cá nhân, đã hiểu được động cơ bên trong của những hành vi vì nghĩa.

Mạnh Tử nói thêm: "nếu coi Nghĩa là thứ yếu mà gạt ra sau, coi Lợi là quan trọng mà đưa lên trước thì không cướp đoạt của nhau thì không thoả lòng mãn nguyện. Chưa từng có ai có nghĩa mà lại không quí trọng nhà vua. Nhà vua chỉ nên nói đến nhân nghĩa mà thôi, việc gì cứ phải nói đến lợi!"

("Cẩu vi hậu nghĩa nhi tiên lợi, bất đoạt bất yếm. Vị hữu nhân nhi di kỳ thân giả dã, vị hữu nghĩa nhi hậu kỳ quân giả dã. Vương diệc viết nhân nghĩa nhi dĩ hĩ, hà tất viết lợi!" [30, 595].

Do đề cao nghĩa ngang với nhân nên Mạnh Tử khuyên người ta chỉ nên nói điều nhân nghĩa, coi nhân nghĩa là mục đích của cuộc sống cá nhân, là mục tiêu mà xã hội cần vươn tới:"Tôi vì nhân nghĩa mà thờ vua, con vì nhân nghĩa mà thờ cha, em vì nhân nghĩa mà thờ anh. Vua tôi, cha con, anh em đều bỏ lợi, đối với nhau chỉ bằng tấm lòng hâm mộ nhân nghĩa. Quốc gia như thế mà không hưng thịnh thì chưa từng có" ("Vi nhân thần giả, hoài nhân nghĩa dĩ sự kỳ quân. Vi nhân tử giả, hoài nhân nghĩa dĩ sự kỳ phụ. Vi nhân đệ giả, hoài nhân nghĩa dĩ sự kỳ huynh. Thị quân thần, phụ tử, huynh đệ, khử lợi, hoài nhân nghĩa dĩ tương tiếp dã. Nhiên, nhi bất vương giả, vị chi hữu dã") [8, 51].

Không những Mạnh Tử hiểu rất rõ Lợi, mà còn phân biệt rõ cái lợi của quốc gia, của dân tộc và của bản thân mỗi người khi ông đối thoại với Lương Huệ Vương [30, 549]. Đối với Mạnh Tử, đã là người nhân thì nhất thiết không được đi buôn, còn nếu là con buôn thì không thể có nhân được. "Vi nhân bất phú, vi phú bất nhân" là luận điểm thể hiện chính sách trọng nông ức thương, đã "vi phú" thì không thể "vi nhân" và ngược lại. Tuy đề cao Nghĩa và coi Nghĩa là xuất phát điểm của học thuyết cai trị, nhưng Mạnh Tử cũng nhận thấy rằng con người phải đủ ăn, đủ mặc thì mới làm nhân nghĩa được. Thật vậy, ông đã yêu cầu nhà cầm quyền thi hành chế độ "bảo dân" và phép cai trị nhân đức: người cai trị phải chăm lo đến đời sống cơm áo của nhân dân, phải coi trọng việc dạy dân làm ruộng, ăn điều độ, dùng lễ tiết thích nghi, vì "ăn uống đúng lúc, tiêu dùng đúng lễ, của cải sẽ dùng không hết" ("Thực chi dĩ thời, dụng chi dĩ lễ, tài bất khả thăng dụng dã" [30, 735] và ông vua cai trị nhất thiết phải là người có tài đức và chuộng đức. Hai nhiệm vụ quan trọng nhất của vị nhân quân là dưỡng dân và giáo dân. Đặc biệt, Mạnh Tử rất quan

tâm đến vấn đề "hằng sản, hằng tâm", theo đó, muốn ổn định tư tưởng của dân và an dân thì nhất thiết phải đi liền với ổn định về tài sản cho dân. Thời Xuân Thu - Chiến Quốc, trong ba, bốn trăm năm chiến tranh liên tiếp, dân chúng Trung Hoa chịu biết bao nỗi điêu đứng mà trong số "bách gia chư tử" chỉ có Mạnh Tử lên tiếng bênh vực dân đen, và là người đầu tiên, có lẽ là duy nhất, vạch rõ chế độ kinh tế cứu dân. Mạnh Tử nói: "Không có hằng sản mà vẫn có hằng tâm thì chỉ kẻ sĩ mới có thể như vậy. Còn người dân, không có hằng sản thì sẽ không có hằng tâm. Đã không có hằng tâm thì buông thả, gian tà, càn rỡ, quá quẫn, không điều gì là không làm, đến khi họ mắc vào lỗi lầm, bề trên mới đem hình pháp ra mà trị tội họ, như thế là xua dân vào lưới bẫy. Bậc nhân đức ở ngôi vị đâu có làm cái việc đánh bẫy dân như vậy" ("Vô hằng sản nhi hữu hằng tâm giả, duy sĩ vi năng. Nhược dân, tắc vô hằng sản nhân vô hằng tâm. Cẩu vô hằng tâm, phóng tích tà xỉ, vô bất vi dã. Cập hàm ư tội, nhiên hậu tùng nhi hình chi, thị vòng dân dã. Yên hữu nhân nhân tại vị, vòng nhân nhi khả vi dã. Thị cố, minh quân chế dân chi sản, tất sử ngưỡng túc dĩ sư phụ mẫu, phủ túc dĩ súc thê tử, lạc trữ trung thân bão, hung niên miễn ư tử vong, nhiên hậu khu nhi chi thiện, cố dân chi tùng chi dã khinh") [30, 612].

Theo Mạnh Tử, nếu dân đói thì chẳng những dân không thể làm nhân nghĩa mà còn có thể trở nên hung bạo, "Người dân ngẩng đầu lên chẳng đủ thờ cha mẹ, cúi xuống chẳng đủ nuôi vợ con, năm được mùa vẫn bị đói khổ, năm mất mát chẳng khỏi nạn chết đói. Như thế chỉ lo chống đỡ cái chết còn e không nổi, còn thì giờ đâu mà lo việc lễ nghĩa" [20, 108]. Ông lại nói: "những năm dư dật thì con em nhiều người trở nên tử tế. Những năm đói kém thì con em nhiều người trở nên hung bạo" [20, 108]. Vì vậy bậc minh quân phải chế định điền sản cho dân để phụng dưỡng cha mẹ, đủ sức nuôi vợ con, năm được mùa thì no đủ, năm mất mùa cũng không chết đói. Như vậy rồi thì đưa họ vào con đường thiện, họ mới dễ theo. Mối lo hàng đầu là xã hội có yên hay không, nên ông đã đưa ra biện pháp "chế sản" cho công bằng như chế độ "tỉnh điền".

Hơn ai hết, ông hiểu được qui luật sự tập trung tài sản là điều tự nhiên không tránh được, tới lúc nào đó sẽ "bất quân" và xã hội sẽ loạn. Vì vậy, nhà cầm quyền phải sắp xếp danh vị mọi người, theo đó mà có quyền, theo đó mà nhận tài sản tương quan, hợp lý với địa vị. Ông đã chọn cách ôn hoà để phân chia tài sản trong xã hội để khỏi có người giàu quá hoặc nghèo quá. Khi Đằng Vân Công sai một viên quan tới hỏi về phép tỉnh điền, Mạnh Tử đáp: "Muốn làm nhân chính thì trước hết phải vạch ranh giới ruộng đất. Nếu ranh giới không phân minh thì mỗi khu trong tỉnh địa không đều nhau, thuế không đều nhau mà số lúa phát cho quan không được công bình. Vì vậy bọn vua tàn bạo và quan tham nhũng lơ là việc vạch ranh giới. Vạch ranh giới phân minh thì sự chia ruộng cho dân và phát bổng lộc cho quan sẽ được ổn định một cách dễ dàng [26,129 - 130].

Ngoài ra, để giải quyết cái nghèo, Mạnh Tử còn yêu cầu nhà cầm quyền phải đồng cam cộng khổ với nhân dân, không nên có cuộc sống quá chênh lệch với dân thường. Như ông nói với Lương Huệ Vương: "Bếp nhà vua mà có thịt béo, tàu nhà vua có ngựa mập mà nhân dân thì chết đói nằm la liệt ngoài đồng ruộng. Như vậy chẳng khác nào nhà vua khiến cho thú vật ăn thịt người. Giống thú vật ăn thịt lẫn nhau, người ta còn ghét huống chi vua làm cha mẹ dân, cầm quyền chính sự mà đến nỗi xua giống thú cho ăn thịt người, đâu còn là cha mẹ dân nữa" [20, 110]. Để thực hiện nhân chính, ông còn khuyên vua chúa nên sinh hoạt tiết kiệm và có thái độ của người giàu - kẻ nghèo cần có: "Phú quí bất năng dâm. Bần tiện bất năng di. Uy vũ bất năng khuất", nghĩa là "Giàu có sang trọng không hoang dâm, phóng túng, gặp nghèo khó ti tiện không đổi tiết tháo. Uy thế, vũ lực không khuất phục được mình" [47, 72].

Trên cơ sở tư tưởng nhân nghĩa và chủ trương "nhân chính", Mạnh Tử đề xuất một quan điểm hết sức độc đáo, đó là quan điểm "dân vi bang bản":

"dân vi quí, xã tắc thứ chi, quân vi khinh" [30, 758], tức là nhân dân đáng quí trọng nhất, sau đó đến xã tắc, còn vua thì thường vậy thôi. Như vậy, trong ba vật báu của đất nước, nhân dân lao động có vai trò to lớn đối với sự tồn vong, thịnh suy của đất nước. Đây là quan điểm đặc sắc trong học thuyết chính trị - xã hội của Mạnh Tử. Xuất phát từ quan điểm "dân bản", ông đã đưa ra hai nhiệm vụ quan trọng của vị nhân quân là dưỡng dân và giáo dân, và trước hết là dưỡng dân.

Mạnh Tử đã đưa ra những biện pháp, chính sách kinh tế hết sức cụ thể. Chủ trương của ông là trọng nông: "Hãy để nhà nông cày sâu cuốc bẫm, thuế má nên lấy nhẹ thôi, như vậy sẽ có thể làm cho dân giàu lên được" ("Dị kỳ điền trù, bạc kỳ thuế liếm, dân khả sứ phú dã") [30, 755].

Ông không chỉ là một triết gia, mà còn là một chính trị gia, kinh tế gia nữa. Ông nghĩ tới cả những tiểu tiết như: phải đạc điền lại mà vạch ranh giới ruộng đất cho phân minh, công bằng, chia cho mỗi gia đình bao nhiêu mẫu ruộng và một số đất vườn để nhà nào cũng có thể trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa mặc, nuôi heo, gà lấy thịt ăn; cấm dân dùng lưới nhặt quá để bắt cá, bắt rùa, cấm đốn rừng không hợp thời, bổn phận nhà cầm quyền là không được làm trái thời vụ cấy gặt của dân, nghĩa là đừng bắt họ làm xâu khi họ đang mắc công việc đồng áng. Nếu Khổng Tử có chính sách "Sử dân dĩ thời" thì Mạnh Tử cũng có chính sách "Bất vi nông thời" và yêu cầu nhà cầm quyền phải tiết kiệm, đừng xa xỉ mà bắt dân phải nai lưng đóng thuế, ông mạt sát chế độ quan thuế: "Ngày xưa, đặt ra cửa quan để phòng ngừa trộm cướp, ngày nay đặt ra cửa quan cốt để làm trộm cướp" ("Cổ chi vi quan dã, tương dĩ ngự bạo; kim

Một phần của tài liệu Một số vấn đề đạo đức trong kinh tế của Nho gia Tiên Tần (Trang 50 - 59)