Tuân Tử là một nhà Nho cuối thời Chiến Quốc. Thời kỳ này ở Trung Quốc, Nho gia, Đạo gia và Mặc gia đều thịnh hành. Tuân Tử từ chỗ bài bác các học phái để phát triển Nho gia. Tuân Tử lại là một cự tử trong Nho gia nhưng vì cũng hấp thụ cái không khí của đời Chiến Quốc nên thiên về mặt biện luận mà bỏ mất cái lối tâm học uyên bác của Nho gia. Tuy nhiên, tư tưởng của ông vẫn ảnh hưởng rất lớn đến Nho gia về sau.
Tuân Tử tuân theo tôn chỉ của Nho gia, lấy nhân nghĩa, trí dũng, trung hiếu mà giáo dục con người. Song "Khổng Tử lấy chữ Nhân nói gồm cả trực giác mẫn huệ và lòng tự ái suốt đến vạn vật mà giữ có trật tự phân minh" [23, 316 - 317], còn ở Tuân Tử, chữ Nhân chỉ được hiểu theo nghĩa hẹp là ái nhân mà thôi. Trong thiên Đại lược, sách Tuân Tử, ông nói: "Nhân ái giã, nghĩa lý giã" nghĩa là "nhân là yêu vậy, nghĩa là lý vậy" [23, 317], và ở thiên Nghị binh, sách Tuân Tử, ông nói rõ thêm: "Nhân giả ái nhân, nghĩa giả tuần lý", tức là "nhân là yêu người, nghĩa là theo lý" [23, 317]. Vậy chữ Nhân của Tuân Tử là một đức tính tốt, nói về lòng yêu thương người mà thôi, còn chữ Nghĩa, ông thường hay đem đối lập với chữ Lợi. Tuân Tử rất coi trọng và đề cao Lễ, "bằng con mắt của nhà tâm lý học phương Đông, với thế giới quan duy vật và nhân sinh quan đúng đắn, Tuân Tử còn nêu rõ tác dụng to lớn của Lễ đối với việc rèn luyện tâm tính, nhân cách con người. Ông gọi Lễ là: thuật trị khí
dưỡng tâm "tốt nhất, bởi nó làm cho con người đạt được đức tốt, đưa con tới nhân nghĩa, trí, đạt tới chí thiện" [5, 47].
Hơn nữa, ở Tuân Tử đã có sự giải thích rõ ràng, đầy đủ, sâu sắc về nguồn gốc của lễ theo lập trường duy vật triệt để: "Trời đất là cái đầu sự sinh, lễ nghĩa là cái đầu sự trị, quân tử là cái đầu lễ nghĩa". ("Thiên địa giả sinh chi thi giã, lễ nghĩa giả trị chi thi giã, quản giả lễ nghĩa chi thỉ giã") [23, 321]. Chữ "thi" ở đây tức là cái gốc, người quân tử chế ra lễ nghĩa để làm cho trên có vua, có thầy, dưới có cha, có con, lập thành cái gốc lớn của thiên hạ. Nếu không có cái gốc lớn ấy thì thành ra loạn. Nhưng chúng ta biết rằng nguồn gốc thật sự của Lễ là do sự qui định của điều kiện kinh tế - xã hội, vì thế Tuân Tử mới nói: "Tiên vương ghét cái loạn, cho nên chế lễ nghĩa để phân ra trật tự" [23, 321]. Quan điểm về nguồn gốc của lễ của ông không có cái lương tri, lương năng như quan niệm của Mạnh Tử, thành thử không được coi là phái chính truyền, nhưng dựa trên quan điểm của ông, quan niệm về Lễ của Nho gia ngày càng được phát triển đầy đủ hơn. Thế mới biết, trải qua hàng nghìn năm lịch sử, các xã hội theo Nho gia đã giữ được sự ổn định theo gia đình và trật tự ngoài xã hội, củng cố được mối quan hệ cương thường của Nho gia chính là đã sống theo những nguyên tắc của Lễ.
Cũng như các nhà Nho trước ông, Tuân Tử không đặt Nghĩa và Lợi trong quan hệ đối lập cực đoan mà ông còn bàn về Nhân Nghĩa trong sự thống nhất với Lợi. Ông cho rằng Nghĩa và Lợi thì ai cũng muốn, tuy Lợi là cái không thể bỏ đi nhưng người quân tử biết phân biệt cái khinh, cái trọng và cũng chỉ khác tiểu nhân ở chỗ Nghĩa có thắng được Lợi không, như ông nói: "Thích lợi, ghét hại thì quân tử, tiểu nhân như nhau, nhưng cái đạo cái lợi thì quân tử khác tiểu nhân" ("Hiếu lợi ố hại thi quân tử tiểu nhân chi sở đồng dã; nhược kỳ sở dĩ cầu chi chi đạo tắc dĩ hĩ") [8, 51].
Từ đó, ông khuyên người quân tử phải "nắm vững cái nghĩa": "làm việc mà vì lợi, tranh hoá vật, tiền tài. Chỉ thấy cái lợi thôi, là cái dũng của con buôn, đạo tặc. Chỉ theo cái nghĩa, không hướng về quyền, không ngó tới lợi, trọng sự chết mà nắm vững cái nghĩa, không loạn đó là cái (đủ) của bậc sỹ, quân tử" ("Vi sự lợi, tranh hoá tài, duy lợi chi kiến, thị cố đạo chi dũng dã. Nghĩa chi sở tại, bất khuynh vu quyền, bất cố kỳ lợi, trọng tử chi nghĩa nhiêu thị sĩ quân tử, chi dũng dã") [8, 51].
Theo ông, người quân tử biết phân biệt cái khinh, cái trọng nên hành động bao giờ cũng hợp với đạo lý: "Nghĩa dữ lợi giả, nhân chi sở lưỡng hữu giá" [23, 317] tức là nghĩa và lợi là người ta có cả vậy. Tuân Tử cho rằng thánh nhân như Nghiêu, Thuấn cũng không thể làm cho dân mình mất cái lòng thích lợi được, chỉ có thể khiến cho lòng thích lợi của dân không thắng được lòng thích nghĩa mà thôi. Hễ người ta biết khiến lòng hiếu nghĩa thắng được lòng dục lợi thì thành ra nước trị, mà để lòng dục lợi chiến thắng được lòng hiếu nghĩa thì thành ra dở, nước sẽ đại loạn. "Nghĩa thắng được lợi là đời trị, lợi đè được nghĩa là đời loạn" ("Nghĩa thắng lợi giả vi trị thế, lợi khắc nghĩa giả vi loạn thế") [23, 317], cho nên "Nghĩa trước mà lợi sau là vinh, lợi trước mà nghĩa sau là nhục" ("Tiên nghĩa nhi hậu lợi giả vinh, tiên lợi nhi hậu nghĩa giả nhục") [23, 317].
Như vậy, Tuân Tử không hề coi thường Lợi nhưng trọng Nghĩa hơn Lợi, Nghĩa trước Lợi sau chứ không như Mạnh Tử "chỉ nói nhân nghĩa mà thôi". Cái lợi mà do cái nghĩa tạo ra là cái lợi chính đáng, không việc gì phải bỏ, miễn là lúc nào cũng phải theo như lời Khổng Tử đã dạy: "Kiến lợi tư nghĩa" tức là thấy điều lợi nghĩ đến điều nghĩa là được.
Tóm lại, tư tưởng của Nho gia Tiên Tần về vấn đề kinh tế đã phản ánh tư tưởng của giai cấp quí tộc chủ nô, một giai cấp đang trên bước đường suy tàn, một lực lượng bảo thủ đối với sự phát triển của lịch sử. Học thuyết Nho
gia nói chung và quan điểm về kinh tế nói riêng từ Khổng Tử, qua Mạnh Tử đến Tuân Tử đã tương đối định hình.
Khổng Tử lấy "Nhân" để dạy người, và đây là hạt nhân trong học thuyết chính trị - xã hội của ông. Trong quan niệm về Nghĩa và Lợi, ông cho rằng Lợi là nhu cầu của cá nhân, của xã hội, còn Nghĩa là cái hợp lẽ phải, là đạo lý, là trách nhiệm của cá nhân đối với người khác và đối với công việc chung.
Đến Mạnh Tử, ông đứng trên lập trường của giai cấp quí tộc chủ nô đang trên con đường chuyển hoá lên giai cấp địa chủ phong kiến. Giống như Khổng Tử, ông cho rằng Lợi là nhu cầu của cá nhân, còn Nghĩa luôn gắn liền với hành vi đạo đức cá nhân, ông rất đề cao Nghĩa. Theo ông, người nào giữ được cái tâm sáng suốt thì biết "Nhân" là nhà rộng ta ở, "Nghĩa" là đường lớn ta đi, và sẽ không bao giờ bị cái Lợi, cái dục làm cho lầm đường, lạc lối. Ông cho rằng nếu ai cũng nghĩ đến lợi mà quên cả nhân nghĩa thì thành ra ai cũng ham thích cái lợi riêng của mình, rồi chỉ tìm cách làm hại lẫn nhau, và từ đó xã hội sẽ mất ổn định, thiên hạ rơi vào cảnh lầm than. Rút cục, cái tư lợi ấy chính là cái hại chứ không phải thật là cái lợi, còn nhân nghĩa tuy không nói đến lợi nhưng kỳ thực lại là cái lợi rất lớn. Nếu mọi người trong xã hội ai cũng đem lòng lo cho cái lợi chung của tập thể trước cái lợi riêng của mình thì trên dưới hoà thuận, thiên hạ yên trị và mọi người sẽ được hưởng hạnh phúc. Cái lợi chung ấy mới thật là lợi, vì vậy những người làm vua không có quyền lấy thiên hạ làm của riêng của mình mà có thể tuỳ tiện gây ra chiến tranh. Có thể nói, tư tưởng của Mạnh Tử về Nghĩa và Lợi đã phản ánh được tình hình chính trị - xã hội của giai đoạn chuyển tiếp từ thời Xuân Thu sang thời Chiến Quốc.
Sang đến thời Chiến Quốc có Tuân Tử, một cự tử của Nho gia, ông vẫn theo tôn chỉ của Nho gia lấy nhân nghĩa, trung tín làm cơ sở cho sự giáo hoá.
Tuy vậy, trái với Mạnh Tử "chỉ nói điều nhân nghĩa", Tuân Tử không đặt Nghĩa và Lợi trong quan hệ đối lập cực đoan mà còn cho rằng, Nghĩa và Lợi đều không thể thiếu trong bản thân mỗi người và trong xã hội. Tuân Tử không bỏ hết điều lợi, nhưng ông cho rằng cái Lợi do cái Nghĩa mà ra là cái lợi lớn, chính đáng và không việc gì phải bỏ. Thêm nữa, ông cho rằng nghĩa thắng lợi thì nước trị, còn trái lại, lợi thắng nghĩa thì nước sẽ loạn. Như vậy, đối với Tuân Tử, Lợi là nhu cầu của mỗi cá nhân, còn Nghĩa đã phát triển lên hẳn một bước, nó không chỉ là trách nhiệm của cá nhân với người khác, với công việc chung, mà Nghĩa chính là lợi ích của cộng đồng xã hội.