Khung pháp lý

Một phần của tài liệu Một số giải pháp nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp tiềm năng lên niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.pdf (Trang 42 - 46)

Hành lang pháp lý để điều chỉnh các hoạt động phát hành, niêm yết, giao dịch chứng khoán của DN và các chủ thể khác được xây dựng trên cơ sở một số văn bản pháp lý cụ thể sau:

- Luật DN điều chỉnh hoạt động của các CTCP, công ty TNHH, DNTN và CTHD. Luật quy định CTCP được phát hành cổ phiếu, trái phiếu; Công ty TNHH được phát hành trái phiếu theo luật pháp về chứng khoán và TTCK, không phân biệt giữa phát hành riêng lẻ với phát hành ra công chúng. Mặc khác, Luật DN chưa có những quy định cụ thể về công khai hoá thông tin, hoạt động thâu tóm, sáp nhập (mặc dù Nghị định 144/CP và các văn bản hướng dẫn đã có quy định này)…

- Luật Tổ chức Tín dụng điều chỉnh hoạt động của các tổ chức tín dụng, trong đó có việc phát hành chứng khoán của các chủ thể này.

- Nghị định 59/CP về tổ chức và hoạt động của các NHTM, trong đó có quy định việc huy động vốn của các tổ chức tín dụng cổ phần.

- Nghị định 144/CP điều chỉnh các vấn đề liên quan đến chứng khoán và TTCK

- Nghị định 161/CP ngày 07/09/2004 (thay thế Nghị định 22/CP ngày 10/07/2000) về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực CK và TTCK.

- Nghị định 187/CP về CPH DNNN (thay thế Nghị định 64/CP): Việc phát hành của các DN CPH theo Nghị định này dành cho các đối tượng là cán bộ

công nhân viên, đối tác của DN, phần phát hành ra công chúng đã được mở rộng hơn.

- Nghị định 141/2003/NĐ-CP về phát hành trái phiếu chính phủ bao gồm đấu thầu qua TTGDCK, bảo lãnh phát hành qua các định chế trung gian và bán lẻ tại Kho bạc Nhà nước.

Nghị định 144/CP có những tiến bộ về nội dung do được đúc kết kinh nghiệm từ thực tế hoạt động của TTCK, nhiều nội dung mới được chỉnh sửa để phù hợp với tình hình thực tiễn. Trong số đó, nội dung được thị trường rất quan tâm là những quy định liên quan đến phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng, một khâu quan trọng mở đầu cho chu trình giao dịch cổ phiếu trên thị trường sau này. Dưới đây là những vấn đề xoay quanh một số quy định mới trong Nghị định 144/CP và một vài suy nghĩ về nội dung cần thiết phải được làm rõ khi xây dựng các văn bản hướng dẫn cho hoạt động này.

(1)So sánh với Nghị định 48/CP, Nghị định 144/CP có nhiều tiến bộ ở các quy định về phát hành chứng khoán ra công chúng. Trước hết là việc tách riêng hai chương phát hành và niêm yết chứng khoán. Điều này không chỉ phù hợp với tình hình thực tiễn của Việt nam mà còn thể hiện cách nhìn mới của cơ quan quản lý Nhà nước về hai hoạt động này.

Vai trò của hoạt động phát hành chứng khoán lần đầu ra công chúng được thừa nhận là hoạt động quan trọng, vì vậy cơ quan quản lý thị trường cần có những quy định riêng để điều chỉnh. Khi tách biệt hai loại nghiệp vụ này, các quy định về phát hành chứng khoán ra công chúng có khả năng được nới lỏng hơn nhằm khuyến khích nhiều DN tham gia phát hành, mặt khác cơ quan quản lý sẽ có điều kiện tham gia và kịp thời điều chỉnh nhằm bảo vệ quyền lợi cho người đầu tư.

Còn đối với hoạt động niêm yết, thực tế của TTCK Việt Nam thời gian qua cho thấy, nhiều tổ chức phát hành thực sự chưa có nhu cầu niêm yết và giao dịch trên TTCK tập trung, vì những lý do khách quan và chủ quan khác nhau mà đề tài đã phân tích ở phần trước.

Qua hai cột mốc chính đánh dấu sự hoạt động của tổ chức phát hành tại Việt Nam, đó là sự ra đời của Luật DN và thời điểm chính thức đi vào hoạt động của thị trường giao dịch tập trung có thể thấy rằng việc phát hành chứng khoán ra công chúng không chỉ khẳng định quyết tâm chính trị của Nhà nước (nhằm chuyển đổi cơ cấu thành phần kinh tế), mà còn là hoạt động phù hợp với quy luật vận động chung của thị trường, là nhu cầu thực sự của DN và nhà đầu tư.

Nhưng ngược lại, việc niêm yết chứng khoán trên thị trường giao dịch tập trung chưa được nhận thức một cách đầy đủ. Chính vì thế, nếu kết hợp được quá trình phát hành và niêm yết chứng khoán có thể sẽ tạo nên động lực thúc đẩy tiến trình chuyển đổi cơ cấu của DN, cho phép DN làm quen dần với những hoạt động liên quan tới lĩnh vực chứng khoán và TTCK, đồng thời còn tạo tiền đề cho hoạt động niêm yết các chứng khoán đã phát hành của DN.

(2)Điều kiện để DN thực hiện phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng trong Nghị định 144/CP có nhiều nới lỏng hơn, đặc biệt là các tiêu chuẩn về niêm yết, (Đề tài cho rằng những nới lỏng này chỉ nên là tạm thời, về lâu dài khi TTCK phát triển đủ mạnh, hàng hoá dồi dào và phong phú hơn, các tiêu chuẩn niêm yết nên được nâng cao trở lại, và phải nâng dần cho đến khi đạt tiêu chuẩn niêm yết quốc tế, vì có như vậy thì chất lượng hàng hoá trên thị trường sẽ tốt hơn, tạo điều kiện để các công ty Việt Nam niêm yết ở nước ngoài và ngược lại, các công ty nước ngoài sẽ niêm yết trên TTCK Việt Nam.) yêu cầu về vốn điều lệ của DN muốn thực hiện phát hành đã giảm từ 10 tỷ xuống còn 5 tỷ đồng sẽ tạo điều kiện cho các DN nhỏ có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn rộng và ổn định hơn khi tham

gia giao dịch trên TTCK, yêu cầu về tình hình hoạt động kinh doanh của DN muốn phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng cũng được điều chỉnh theo hướng thông thoáng hơn.

Nếu theo Nghị định 48/CP, DN muốn phát hành cổ phiếu ra công chúng phải là DN hoạt động có lãi trong 02 năm gần nhất tính đến thời điểm phát hành thì tại Nghị định 144/CP, yêu cầu về hoạt động có lãi chỉ cần đáp ứng ở năm liền trước năm đăng ký phát hành (đối với những đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng để thành lập các DN mới thuộc các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng và công nghệ cao, còn được miễn cả hai điều kiện này).

Việc hạ thấp các điều kiện về vốn và tình hình hoạt động của DN sẽ góp phần khuyến khích việc thực hiện phát hành cổ phiếu ra công chúng. Điều này nhìn chung là phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, do có số lượng lớn các DN vừa và nhỏ.

Những đổi mới trong các quy định liên quan đến bảo lãnh phát hành: Rút kinh nghiệm từ Nghị định 48/CP, quy định về tổ chức được phép tham gia thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh phát hành cổ phiếu được mở rộng. Nghị định mới không quy định chỉ các CTCK có giấy phép mới được thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh phát hành (cổ phiếu lần đầu ra công chúng), điều này cho thấy các cơ quan quản lý có ý khuyến khích các tổ chức tài chính khác có thể tham gia vào loại hình nghiệp vụ này. Phương thức bảo lãnh phát hành cũng được sử đổi để phù hợp với thực tế, theo đó đơn vị thực hiện bảo lãnh phát hành có thể lựa chọn cho mình hình thức bảo lãnh phù hợp. Theo Nghị định 48/CP, tổ chức bảo lãnh chỉ có thể lựa chọn để thực hiện một trong hai phương thức (mua toàn bộ số cổ phiếu phát hành để bán lại, hay mua nốt số còn lại cuả cổ phiếu chưa bán hết. Như vậy, thực chất nội dung cuả bảo lãnh phát hành chỉ có một. Trong mọi trường hợp, tổ chức phát hành luôn thu về đủ số tiền đã phát hành - bảo lãnh phát hành với cam

kết chắc chắn). Trong khi theo nghị định mới, đơn vị bảo lãnh phát hành được phép tham gia mua một phần trong số chứng khoán được phép phát hành. Điều này có ý nghĩa thực tế hơn vì tiềm lực tài chính cuả các CTCK hiện nay còn yếu. Hơn thế nưã, bảo lãnh phát hành cổ phiếu trong điều kiện thị trường cuả nước ta vẫn là hoạt động có nhiều rủi ro, trong khi sự chủ động cuả tổ chức bảo lãnh phát hành còn bị giới hạn bởi những quy định khá chặt chẽ, và do đó khả năng bảo lãnh còn khá khiêm tốn.

Nhìn chung, những nới lỏng về điều kiện phát hành chứng khoán ra công chúng trong Nghị định 144/CP có thể sẽ có nhiều tác dụng tốt đối với thị trường, góp phần khuyến khích nhiều DN đủ điều kiện thực hiện việc phát hành chứng khoán ra công chúng. TTCK vì thế có cơ hội thu hút thêm nhiều cổ phiếu tham gia niêm yết, hàng hoá theo đó cũng được đa dạng và phong phú hơn, công chúng đầu tư cũng có cơ hội lựa chọn cho mình những cổ phiếu phù hợp hơn. Còn đối với cơ quản lý, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh các DN cổ phần sẽ cho phép hạn chế các giao dịch chứng khoán của thị trường tự do, và nhất là có điều kiện để tiêu chuẩn hoá chứng khoán trước khi đưa vào niêm yết và giao dịch.

Một phần của tài liệu Một số giải pháp nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp tiềm năng lên niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.pdf (Trang 42 - 46)