Hoàn thiện khung pháp lý về niêm yết chứng khoán

Một phần của tài liệu Một số giải pháp nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp tiềm năng lên niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.pdf (Trang 52 - 57)

3.2.1.1. Các quy định về điều kiện và tiêu chuẩn niêm yết phù hợp với tình hình thực tế.

Trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế và đa dạng hoá loại hình DN như hiện nay, nền kinh tế nước ta đang tồn tại khá nhiều loại hình DN. Những DN có tiềm năng niêm yết có thể được xác định là những DNNN CPH, các CTCP, công ty TNHH tư nhân, các DN liên doanh, các CTCP được thành lập mới theo các dự án công nghệ cao, các tổ chức tín dụng, NHTM, trong đó giữ vai trò đặc biệt, nòng cốt là các DNNN CPH. Sở dĩ chúng ta đánh giá cao tầm quan trọng của

loại hình DN này là vì xuất phát từ việc chuyển đổi sở hữu trong đại bộ phận các DNNN, một mặt nhằm đánh giá khả năng huy động các nguồn lực về vốn trong dân chúng , mặt khác cơ cấu và tổ chức lại các DN nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động cuả họ.

Đa số các DN trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay có quy mô về vốn tương đối nhỏ bé, kể cả đại bộ phận các DNNN CPH. Chính vì vậy, đề tài cho rằng các quy định liên quan đến điều kiện và tiêu chuẩn niêm yết cần được hoàn thiện dần theo hướng nới lỏng về quy mô, yêu cầu về vốn đối với DN niêm yết. Tiêu chuẩn từ 05 tỷ đồng trở lên theo quy định của Nghị định 144/CP hiện hành là tương đối hợp lý, song về lâu dài khi TTGDCK Tp.HCM tiến lên thành SGDCK, tiêu chuẩn niêm yết trên Sở cần được nâng cao (vốn điều lệ bình quân tối thiểu của các tổ chức xin niêm yết phải đạt khoảng 50-60 tỷ đồng (vì theo tỷ giá chính thức của Ngân hàng Ngoại Thương ngày 31/12/2004, 1USD=15.745 đồng, thì 50 tỷ đồng Việt Nam chỉ tương đương khoảng 3.175.611 USD, nếu so với vốn điều lệ bình quân của các CTNY trong khu vực thì đây vẫn là một con số rất khiêm tốn.), một mặt để gia tăng chất lượng chứng khoán niêm yết, mặt khác để thúc đẩy sự phát triển của thị trường, do Việt Nam cần phải hội nhập TTCK trong khu vực và quốc tế.

Thêm nữa, đề tài đề nghị cần có sự điều chỉnh hoặc thay đổi hợp lý trong quy định liên quan đến việc cam kết nắm giữ cổ phiếu của các thành viên HĐQT, Ban Giám đốc… Điều kiện về tỷ lệ phải nắm giữ của các cổ đông là thành viên HĐQT, Ban Giám đốc, Ban kiểm soát của công ty là 50% trong thời gian 03 năm kể từ ngày niêm yết, trên thực tế là đảm bảo tính ổn định trong quản lý và hoạt động của công ty, suy rộng ra là tạo lòng tin trong công chúng đầu tư. Song, theo các quy định của Luật DN, thành viên Ban Giám đốc và kể cả thành viên Ban kiểm soát (không phải Trưởng ban), không nhất thiết phải là cổ đông của công

ty. Do đó, vô hình chung các quy định pháp lý đã đưa thêm điều kiện ràng buộc đối với tổ chức có nhu cầu niêm yết.

Trong bối cảnh Nhà nước đang chủ trương đẩy mạnh tiến trình CPH, điều kiện cam kết nắm giữ chỉ phù hợp với một bộ phận các DN là các CTCP được thành lập theo Luật DN hoặc chuyển đổi từ công ty TNHH. Riêng đối với các DNNN CPH, đề tài nhận thấy điều kiện này chưa phù hợp với thực tế lộ trình thực hiện CPH, hạn chế tính thanh khoản của cổ phiếu trong quá trình chuyển đổi cơ cấu sở hữu, và hạn chế khả năng nới rộng tỷ lệ nắm giữ của các cổ đông ngoài DN, trong khi đây lại là một điều kiện rất quan trọng trong quá trình huy động, luân chuyển vốn, cũng như đáp ứng các tiêu chí về phát hành ra công chúng.

Ngoài ra, trong Nghị định 144/CP mới ban hành cũng đã đề cập đến việc phát hành của các CTCP mới hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, công nghệ cao, song trong thông tư hướng dẫn chưa có các quy định cụ thể về việc niêm yết cổ phiếu của các công ty dạng này (Tham chiếu thông tư số 59/2004/TT-BTC ngày 18/06/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn về niêm yết cổ phiếu và trái phiếu trên TTCK tập trung). Đây có thể coi là một loại hình mới của Việt Nam, mặc dù đối với các TTCK thế giới, loại hình này đã rất phát triển triển. Đề tài cho rằng, tiềm năng của loại hình này cần được khai thác mạnh hơn nữa thông qua việc hình thành khung pháp lý đồng bộ, gắn chặt với việc niêm yết cổ phiếu trên TTCK.

3.2.1.2. Các quy định về việc công bố thông tin

Trong thời điểm hiện tại, hoạt động quản lý công bố thông tin còn nhiều vướng mắc, làm cản trở quá trình thực hiện và ảnh hưởng tới lòng tin của một bộ phận nhà đầu tư cũng như các tổ chức niêm yết. Hầu hết các DN khi xem xét việc niêm yết, họ luôn tính tới khả năng phải công bố thông tin trên thị trường. Trong khi đó, các quy định pháp lý về công khai hoá hoạt động của DN còn bị chi phối

bởi nhiều quy định khác nhau, chưa có sự thống nhất giữa các loại hình DN được thành lập và hoạt động theo các luật khác nhau. Các quy định pháp lý về công bố thông tin hiện chưa có tính bao quát đối với các DN phát hành cổ phiếu ra công chúng, dẫn đến sự nhìn nhận chưa thoả đáng trong cách đối xử về công bố thông tin giữa các tổ chức niêm yết và tổ chức phát hành cổ phiếu không niêm yết.

Để khuyến khích và tạo điều kiện cho các DN tiềm năng tiếp cận nhanh chóng và nắm bắt các vấn đề về công bố thông tin, đề tài cho rằng khung pháp lý về công bố thông tin cần được hoàn thiện theo hướng: Khắc phục những bất cập nói trên; Làm sao để nhà đầu tư nhận diện được lợi ích thiết thực của mình khi khai thác phương tiện công bố thông tin (để đầu tư vào các CTNY).

3.2.1.3. Tạo sự thống nhất, đồng bộ giữa các văn bản pháp quy liên quan đến tiến trình CPH, phát hành ra công chúng và niêm yết trên TTCK

Vấn đề hoàn thiện các văn bản pháp lý liên quan, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa các tiến trình phát hành, CPH và niêm yết sẽ rất cần thiết và phù hợp với hướng đi mới trong việc thúc đẩy tiến trình CPH, chuyển đổi sở hữu. Bên cạnh đó, cũng giải quyết được những vướng mắc, khó khăn nảy sinh trong quá trình thực hiện CPH cũng như trong quá trình tạo hàng cho TTCK. Hiện nay, mặc dù khung pháp lý về phát hành chứng khoán đã có rất nhiều sửa đổi bổ sung tích cực, song vẫn còn trong quá trình tiếp tục phải hoàn thiện. Chính vì sự tồn tại nhiều văn bản pháp luật chồng chéo trong thời gian qua đã hình thành nên một bộ phận rất lớn các DN cổ phần hoạt động theo Luật DN, phát hành cổ phiếu theo pháp luật về chứng khoán và TTCK, trong khi văn bản pháp luật về chứng khoán và TTCK trước khi có Nghị định 144/CP, chỉ quy định các vấn đề có liên quan đến phát hành cổ phiếu ra công chúng để niêm yết.

Trong thời gian qua, có rất nhiều DN phát hành cổ phiếu nhưng chưa hoặc không niêm yết, lại không thuộc đối tượng điều chỉnh của các văn bản pháp luật về chứng khoán và TTCK. Cho đến thời điểm hiện tại, mặc dù Nghị định 144/CP đã giảm được rất nhiều những bất cập đang tồn tại về vấn đề này, song lại xuất hiện những bất cập khác (Đã được đề tài phân tích rõ trong Chương II) liên quan đến phát hành cổ phiếu lần đầu để niêm yết. Vì vậy, đề tài cho rằng việc hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan, chính là tập trung vào việc rà soát và xem xét lại những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, trên cơ sở đó sẽ kiến nghị sửa đổi bổ sung theo hướng tạo điều kiện cho các DN tiềm năng (không thuộc diện DNNN CPH) được công chúng hoá, thúc đẩy tiến trình CPH, gắn CPH với niêm yết trên TTCK, như là: Tiến hành rà soát để có sự điều chỉnh hợp lý trong tỷ lệ chi phối cần thiết của Nhà nước đối với một số DN CPH; Chỉnh sửa kịp thời một số vấn đề liên quan đến Nghị định 144/CP, trong đó chú trọng các vấn đề liên quan đến phát hành chứng khoán ra công chúng, niêm yết trên TTCK và hoạt động công bố thông tin. Ngoài ra, đề tài nhận thấy cần xây dựng sự kết nối chặt chẽ giữa CPH với niêm yết, thông qua việc xây dựng các quy trình kết hợp giữa CPH, phát hành chứng khoán ra công chúng với niêm yết trên TTCK. Những quy trình này có thể được xây dựng theo hai hướng sau:

(1) Phát hành chứng khoán lần đầu ra công chúng và niêm yết đồng thời (áp dụng đối với các DN thuộc diện và không thuộc diện CPH).

(2) Tạo điều kiện kết hợp CPH với niêm yết; Gắn việc bán một phần vốn Nhà nước tại các CTCP với việc niêm yết.

3.2.1.4. Hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thủ tục, quy trình liên quan đến việc niêm yết chứng khoán

Những văn bản hướng dẫn và quy trình liên quan đến niêm yết giữ vai trò hết sức quan trọng trong hoạt động tạo hàng, vì việc hoàn thiện các văn bản và quy

trình này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho DN mang tính đại chúng. Song song với việc điều chỉnh các tiêu chuẩn, điều kiện niêm yết, đề tài cho rằng: Ngoài việc hoàn thiện các văn bản, quy trình hướng dẫn niêm yết, cũng cần bổ sung thêm những văn bản hướng dẫn đối với một số hình thức niêm yết, kèm theo các quy trình cụ thể, nhằm thể hiện sự bao quát cũng như đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong việc khuyến khích các DN tiềm năng lên niêm yết. Bên cạnh đó, cần kết hợp, bổ sung một số quy trình gắn với điều kiện phát sinh trong thực tế, nhất là đối với việc đưa các DN thuộc diện và không thuộc diện CPH lên niêm yết trên thị trường.

Một phần của tài liệu Một số giải pháp nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp tiềm năng lên niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.pdf (Trang 52 - 57)