Dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài FP

Một phần của tài liệu Vấn đề kiểm soát dòng vốn vào tại Việt Nam trong giai đoạn hội nhập.pdf (Trang 36 - 39)

Một điều không thể phủ định được là vốn đầu tư nước ngoài ngày càng giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển. Nếu như nguồn vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp FDI có vai trò trực tiếp thúc đẩy sản xuất thì nguồn vốn nước ngoài gián tiếp FPI lại có tác động kích thích thị trường tài chính phát triển theo hướng nâng cao

hiệu quả hoạt động, mở rộng quy mô và tăng tính minh bạch, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn mới; nâng cao vai trò quản lý vai trò quản lý nhà nước và chất lượng quản trị doanh nghiệp, thúc đẩy mạnh mẽ các mối quan hệ kinh tế.

Trong giai đoạn hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam đang trong quá trình cải cách và cổ phần hóa nhằm gia tăng năng lực và hiệu quả cạnh tranh. Cổ phần hóa phải đi đôi với việc hình thành các thị trường vốn, các kênh huy động vốn (hạt nhân là thị trường chứng khoán). Các mối quan hệ kinh tế gia tăng, dòng vốn lưu chuyển nhanh sẽ góp phần tạo ra các hiệu ứng tốt tác động các doanh nghiệp. Vì lợi ích của hội nhập không những được đánh giá thông qua sự luân chuyển (dòng vào, dòng ra) dễ dàng của dòng hàng hóa, dòng người mà còn có cả dòng vốn. Việc tham gia của các nhà đầu tư FPI sẽ có tác động mạnh mẽ đến thị trường tài chính, giúp cho thị trường tài chính minh bạch và có hiệu quả hơn, xác lập giá trị thị trường của các cổ phiếu niêm yết một cách chuyên nghiệp, giảm thiểu những dao động phi thị trường và góp phần giải quyết một cách cơ bản các mối quan hệ kinh tế (vốn, công nghệ, quản lý…)

Tuy nhiên, dòng vốn FPI cũng tiềm ẩn những rủi ro hơn so với các kênh huy động vốn từ nước ngoài khác. Do vậy, thúc đẩy thu hút FPI ổn định, tương xứng với tiềm năng, góp phần tạo động lực phát triển thị trường vốn, nâng cao năng lực quản trị của nhà doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam thời kỳ hậu WTO là vấn đề cần được quan tâm thích đáng.

Theo số liệu khảo sát của IMF, hiện có khoảng trên 100 định chế đầu tư tài chính chuyên nghiệp trên thế giới đang quản lý một khối lượng tài sản khổng lồ, khoảng 300 tỷ USD. Chỉ cần họ chấp nhận đầu tư vào Việt Nam 0,1% là chúng ta đã có khoảng 300 triệu USD. Trong những năm trước, mặc dù đã có những thành công trong thu hút nguồn vốn FDI, nhưng chúng ta vẫn chưa quan tâm thích đáng đến nguồn vốn FPI. Sau cuộc khủng hoảng năm 1997, nguồn vốn FPI vào Việt Nam có xu hướng tăng, nhưng quy mô còn nhỏ và chiếm tỷ lệ thấp so với FDI. Một số quỹ đầu tư mới hoạt động tại Việt Nam từ năm 2001 có quy mô vốn bình quân từ 5- 20 triệu USD cho một quỹ, nhỏ hơn giai đoạn (1991-1997), vốn FPI chiếm 1,2% vốn FDI, năm 2004 tăng lên 3,7%, tỷ lệ này còn quá thấp so với các nước trong khu vực (tỷ lệ thu hút vốn FPI/FDI đang vào khoảng 30 - 40%).

Kể từ năm 2002 đến nay, dòng vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam đã được cải thiện, số lượng và quy mô hoạt động của các quỹ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đã tăng lên đáng kể. Tính đến tháng 12/2006, đã có khoảng 1.700 tài khoản giao dịch và 23 Quỹ Đầu tư nước ngoài với quy mô vốn ước đạt 2,3 tỷ USD, gần 50 tổ chức Đầu tư nước ngoài mở tài khoản hoặc ủy thác đầu tư trên TTCK, đặc biệt có sự tham gia thị trường của các tổ chức đầu tư nước ngoài có tên tuổi như JP Morgan, Merill Lynch, Citi Group v.v. Một số chuyên gia trong và ngoài nước đã nhận định “làn sóng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài thứ ba” đã xuất hiện với quy mô và chất lượng hơn hẳn hai làn sóng trước. Biểu hiện rõ nét là sự tham gia tích cực của các nhà đầu tư nước ngoài vào các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa có quy mô lớn, của các ngân hàng nước ngoài vào các ngân hàng thương mại cổ phần trong nước, mua trái phiếu Chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp.

Theo số liệu thống kê của Ủy ban Chứng khoán nhà nước, tính đến thời điểm cuối năm 2006, tổng giá trị vốn trên TTCK đạt 221.156 tỷ VND tương đương 14 tỷ USD, trong đó nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ 25-30% số cổ phiếu niêm yết con số này tương đương 3,5 - 4,2 tỷ USD. Vốn đầu tư FPI vào Việt Nam có xu hướng tăng nhanh, năm 2006 đã xuất hiện thêm nhiều quỹ đầu tư mới, cũng như sự cam kết tăng vốn của các quỹ hiện hữu. Quỹ Việt Nam Opportunity Fund (VOF) vừa thông báo tăng thêm 76 triệu USD nữa, nâng quy mô vốn đến thời điểm cuối năm 2006 là 171 triệu USD. Phía Vina Capital - đơn vị quản lý quỹ VOF, kỳ vọng sẽ đầu tư hết khoản vốn tăng thêm này trong vòng 6 đến 9 tháng; sau đó sẽ tiếp tục gọi vốn để tăng quy mô của Quỹ VOF lên 250 triệu USD. Theo bản báo cáo của Citigroup ngày 27/09/2006, nhóm nghiên cứu của Citigroup nhận định Việt Nam là thế lực mới nổi lên “powerhouse” của khu vực Đông Nam Á, và cho rằng đô thị hóa là một thách thức đối với Việt Nam. Do vậy, Chính phủ sẽ có những ưu đãi để thu hút vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp cũng như gián tiếp vào lĩnh vực này.

Tuy nhiên, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001-2010 đặt ra mục tiêu tổng sản phẩm quốc nội năm 2010 tăng gấp đôi so với năm 2000, giai đoạn 2006 - 2010 còn phải đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 7,5% - 8,0%. Tỷ lệ huy động vốn cho đầu tư là 40% GDP, tỷ lệ huy động vốn trong nước chiếm 65 - 67%, nước ngoài là 33 - 35% trong tổng vốn đầu tư. Với mục tiêu của chiến lược trên, tỷ lệ thu hút vốn đầu tư FPI/FDI giai đoạn hiện nay đang ở mức 2-3% là một con số còn quá khiêm tốn.

Nguyên nhân của việc chưa đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu tư FPI phần lớn đến từ nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là từ sự vận hành của TTCK.

- Phải thừa nhận rằng, mặc dù đã ra đời đi vào hoạt động từ năm 2000 và có những bước phát triển ngoạn mục vào năm 2006 nhưng mãi đến đầu năm 2007 thì Luật Chứng khoán mới có hiệu lực nhưng chưa thể đi vào vận hành vì thiếu hệ thống nghị định, thông tư hướng dẫn, đối tượng công ty đại chúng được mở rộng nhưng chất lượng kiểm toán báo cáo tài chính, chất lượng quản trị công ty đại chúng vẫn còn nhiều bất cập. Do vẫn có sự khác biệt giữa chuẩn mực kế toán Việt Nam và quốc tế, các nhà đầu tư nước ngoài còn e dè khi đọc các báo cáo tài chính do các công ty kiểm toán trong nước thực hiện. Việc phát triển và mở rộng quy mô của thị trường trái phiếu vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Dịch vụ định mức tín nhiệm và thống kê dữ liệu hầu như không có. Trong khi định mức tín nhiệm được xem là một trong những yếu tố then chốt giúp lấp đầy những khoảng trống thông tin và cho biết giá trị của một công ty hoặc một quốc gia là như thế nào trong con mắt của các tổ chức đầu tư quốc tế – những người nắm giữ luồng vốn lớn nhất.

- Sự kết nối giữa nhà đầu tư và cơ hội đầu tư còn nhiều hạn chế. Hiện nay số lượng công ty chứng khoán có khả năng cung cấp thông tin bằng các ngôn ngữ chính như Anh, Pháp, Trung, Nhật v.v. không nhiều. Các rào cản về ngôn ngữ và thông tin đã hạn chế các dòng vốn nước ngoài đầu tư trực tiếp vào TTCK Việt Nam.

- Việt Nam chưa có chính sách thu hút vào quản lý đầu tư gián tiếp nước ngoài hiệu quả. Sau cuộc khủng hoảng tài chính khu vực, các tác động tiêu cực của dòng vốn FPI chưa được phân tích, đánh giá đúng vai trò, tiềm năng của nó. Do đó, các nhà hoạch định chính sách còn khá e ngại trước dòng vốn FPI biểu hiện thông qua sự phân biệt đối xử, các quy định nhằm hạn chế ngành nghề và tỷ lệ cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam. Quy mô và chất lượng các sản phẩm thị trường tài chính Việt Nam còn hạn chế, các công cụ như giao dịch tương lai, kỳ hạn, quyền chọn về tiền tệ v.v. chưa phát triển. Đây cũng là một nguyên nhân cơ bản khiến các Quỹ Đầu tư tham gia đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng của thị trường.

Một phần của tài liệu Vấn đề kiểm soát dòng vốn vào tại Việt Nam trong giai đoạn hội nhập.pdf (Trang 36 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(85 trang)