Trong nền kinh tế thị trường, lãi suất giữ vai trò khá quan trọng, nó được xem là đòn bẩy, kích thích sự tăng trưởng kinh tế góp phần thực hiện mục tiêu của chính sách tiền tệ quốc gia. Lãi suất là giá cả của vốn, thông qua lãi suất các ngân hàng thương mại sẽ tự điều chỉnh hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực tín dụng, tiền tệ của mình để tăng tính cạnh tranh. Trong các hoạt động đầu tư, lãi suất (lãi suất tín dụng) trong nền kinh tế còn được các nhà đầu tư dùng làm cơ sở quyết định để chọn lựa nên đầu tư hay không, vì ít nhất tỷ suất sinh lời của việc đầu tư phải có tỷ lệ lớn
hơn hoặc cùng lắm phải bằng lãi suất tín dụng. Ngoài ra, lãi suất còn là công cụ để kiềm chế lạm phát rất hữu hiệu thông qua chính sách tiền tệ của NHNN, khi nền kinh tế có lạm phát, ngân hàng trung ương sử dụng chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất để thu hút tiền nhàn rỗi trong lưu thông về, nhằm điều hòa lượng tiền trong lưu thông cân đối với lượng hàng hóa. Lãi suất rất nhạy cảm với quan hệ cung cầu về vốn. Một khi có sự mất cân đối quan hệ cung cầu về vốn thì diễn ra quá trình phân phối lại thu nhập giữa người đi vay và người cho vay thông qua sự thay đổi tăng hay giảm lãi suất.
Trong xu thế hội nhập, tự do hóa lãi suất là một bộ phận quan trọng của tự do tài chính, qua nhiều lần thay đổi cơ chế điều hành lãi suất, Việt Nam đã từng bước gỡ bỏ dần các ràng buộc trong cơ chế điều hành lãi suất theo hướng đưa lãi suất về đúng nghĩa là giá cả của vốn, do thị trường quyết định và từng bước gắn lãi suất Việt Nam với lãi suất thế giới.
Sau khi hệ thống Ngân hàng Việt Nam được tổ chức theo mô hình ngân hàng 2 cấp, hoạt động theo cơ chế thị trường thì cơ chế lãi suất bao cấp, cố định đã được loại bỏ. Từ tháng 06/1992 đến cuối năm 1995 điều hành lãi suất theo khung lãi suất (bao gồm lãi suất trần với lãi suất cho vay và lãi suất sàn với lãi suất huy động). Thực chất đây là bước chuyển đổi cơ bản từ lãi suất âm sang lãi suất dương, bảo đảm cho các NHTM, TCTD kinh doanh có hiệu quả.
Từ đầu năm 1996 đến tháng 07/2000, NHNN áp dụng mức lãi suất trần đối với lãi suất cho vay. Với cơ chế này, NHNN bước đầu đã thực hiện tự do hóa lãi suất huy động và linh hoạt trần lãi suất cho vay, đã góp phần duy trì sự tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, ổn định sức mua của đồng Việt Nam trong sự tương quan của các đồng tiền trong khu vực trong cuộc khủng hoảng tiền tệ 1997-1998.
Từ ngày 05/08/2000 theo Quyết định 241/NH-QĐ của Ngân hàng nhà nước ban hành đã chính thức thay cơ chế trần lãi suất cho vay bằng cơ chế lãi suất cơ bản đối kèm biên độ với cho vay bằng đồng Việt Nam và cơ chế lãi suất thị trường có sự quản lý đối với cho vay bằng ngoại tệ. Theo đó, các NHTM sẽ quyết định lãi kinh doanh của mình dựa vào lãi suất cơ bản được NHNN công bố. Lãi suất cơ bản và biên độ được công bố định kỳ hàng tháng, trong trường hợp cần thiết NHNN sẽ công bố điều chỉnh kịp thời.
Theo cơ chế lãi suất này cho thấy NHNN Việt Nam đã quyết tâm đổi mới chính sách lãi suất theo hướng tự do hóa và từng bước gắn lãi suất trong nước vào
thị trường khu vực và thế giới. Tuy nhiên, các khu vực khác cũng có sự phân biệt ví dụ khu vực tư nhân thì được các ngân hàng đánh giá rủi ro cao hơn do đó cho vay với mức lãi suất cao, còn khu vực nhà nước (các doanh nghiệp nhà nước) tuy hoạt động kém hiệu quả nhưng ngân hàng sẵn sàng cho vay với lãi suất thấp. Điều nghịch lý này sẽ làm trầm trọng thêm quan hệ tài chính vốn đã không lành mạnh giữa hai khu vực này. Tuy nhiên, việc các ngân hàng được tự quyết mức lãi suất tùy theo mức độ rủi ro trong chính sách này giúp tăng tính cạnh tranh trong hệ thống các tổ chức tín dụng và cải thiện hiệu quả phân bổ vốn. Đến tháng 06/2001, trần lãi suất cho vay ngoại tệ (USD) được xóa bỏ, tạo điều kiện cho người đi vay ngoại tệ có thể trực tiếp thỏa thuận mức lãi suất với các ngân hàng nội địa và ngân hàng nước ngoài. Như vậy, lãi suất đối với ngoại tệ là lãi suất thị trường, theo sát diễn biến lãi suất ngoại tệ trên thị trường thế giới : SIBOR và LIBOR.
Từ tháng 06/2002 đến nay, với quyết định 546/2002 QĐ-NHNN về việc thực hiện cơ chế lãi suất thỏa thuận trong hoạt động tín dụng cho cả VND và ngoại tệ, nghĩa là việc ban hành lãi suất cơ bản của NHNN chỉ mang tính chất tham khảo, làm tín hiệu thị trường, lãi suất tín dụng được hình thành hoàn toàn dựa trên quan hệ cung cầu về vốn trên thị trường tiền tệ và mức độ tín nhiệm trong quan hệ tài chính giữa bên vay và bên cho vay. Điều này giúp cho các thành phần khác nhau trong nền kinh tế, tùy thuộc vào chi phí cho vay và rủi ro, được tiếp xúc với các nguồn tín dụng với các chi phí khác nhau.
Quá trình đổi mới cơ chế lãi suất từ kiểm soát trực tiếp, cố định lãi suất sang cơ chế lãi suất thỏa thuận thực chất là dần dần tự do hóa lãi suất, đây là những bước đi thận trọng trong sự chuẩn bị cho hội nhập về lãi suất với nền kinh tế thế giới.
Trong năm 2006, các loại lãi suất do NHNN Việt Nam công bố được giữ ổn định, lãi suất cơ bản duy trì ở mức 8,25%/năm, lãi suất tái cấp vốn 6,5%/năm và lãi suất chiết khấu là 4,5%/năm. Song lãi suất một số thị trường do NHNN Việt Nam điều hành thì lại giảm mạnh. Lãi suất thị trường đấu thầu tín phiếu kho bạc nhà nước giảm từ 6,3%/năm vào tháng 01/2006 xuống còn 3,35%/năm tháng 12/2006, lãi suất nghiệp vụ thị trường mở cũng giảm từ 6,0%/năm xuống còn 0,9%/năm trong tháng 12/2006. Trong khi đó lãi suất huy động vốn và lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại trên thị trường thì tăng khá. Lãi suất huy động vốn ngoại tệ trong năm 2006 cũng tăng từ 4%/năm lên đến 5,2%/năm do FED cũng đã 4 lần điều chỉnh tăng lãi suất chủ đạo từ mức 4,25%/năm lên mức 5,25%/năm. Việc tăng lãi
suất huy động đã kéo theo việc tăng lên trong lãi suất cho vay bằng ngoại tệ từ 6,0%/năm lên đến 7,5%/năm. Lãi suất huy động vốn nội tệ - đồng Việt Nam tăng khá mạnh trong năm 2006, bình quân tăng từ 0,8%/năm - 1,0%/năm, cao điểm tháng 12/06, lãi suất huy động VND lên tới 0,9%/tháng (tương đươngù 10,8%/năm). Lãi suất cho vay VND cũng tăng lên nhưng tốc độ tăng chậm hơn so với lãi suất huy động, mức tăng bình quân 0,5-0,6%/năm, mức lãi suất cho vay phổ biến là 1,1%/tháng.
Trước những biến động khó lường của thị trường trong nước và thế giới như giá vàng, giá xăng dầu biến động mạnh, lãi suất chủ đạo của FED liên tục điều chỉnh tăng, đồng USD mất giá v.v. việc điều hành chính sách tiền tệ thận trọng và linh hoạt đã đóng góp vai trò hàng đầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2006 đạt 8,17%. Đặc biệt, biến động lãi suất đã thu hút được đầu tư toàn xã hội tăng lên và đã tạo được khoảng 1,6 triệu việc làm mới, lạm phát được kiểm soát ở mức 6,7%.