Nâng cao chất lượng hệ thống ngân hàng
Hiện đại hóa, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống ngân hàng có thể xem là phát triển một dạng cơ sở hạ tầng quan trọng trên thị trường tài chính. Đây
cũng là một trong những mục tiêu của Chính phủ Việt Nam hướng đến trong quá trình hội nhập.
Trong xu thế hội nhập quốc tế, Việt Nam cần xây dựng một hệ thống ngân hàng có uy tín, có khả năng cạnh tranh, hoạt động có hiệu quả trong việc huy động và phân bổ các nguồn lực vốn phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế đất nước. Thời gian tới, song song với việc tăng quy mô vốn cho các ngân hàng hiện tại, Chính phủ cần phải siết chặt lại qui chế thành lập ngân hàng, chỉ những đơn vị tổ chức nào có đủ tiềm lực về vốn, về công nghệ, xây dựng được các đề án thực sự khả thi thì mới được thành lập ngân hàng. Hiện nay, Chính phủ đã yêu cầu đến năm 2010 các ngân hàng phải có đủ vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng trở lên mới được cấp phép hoạt động, hay việc cổ phần hóa các ngân hàng thương mại quốc doanh để tăng năng lực cho hệ thống tài chính cũng là một hướng đi cần được thực hiện quyết liệt trong giai đoạn hiện nay.
Xây dựng các quy chế quản lý và hoạt động của ngân hàng phù hợp với chuẩn mực quốc tế về quản trị rủi ro, quản trị nguồn vốn, thực hiện các quy trình tín dụng hiện đại, hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu đánh giá độ an toàn và hiệu quả kinh doanh của ngân hàng. Tiến hành hiện đại hóa công nghệ ngân hàng, đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển các dịch vụ ngân hàng nhằm tiến tới phục vụ các khách hàng 24/24.
Ngoài ra, cần nâng cao năng lực của NHNN về thanh tra giám sát ngân hàng. Hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng cần được cải thiện về chất lượng, nội dung cũng như công tác thanh tra theo hướng phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Cần sớm ban hành một hành lang pháp lý đầy đủ và hoàn thiện cho công tác này. Đào tạo và nâng cao trình độ của các thanh tra viên ngân hàng để có thể tiếp nhận và thực hiện có hiệu quả được các phương pháp giám sát mới, nâng cao khả năng phát hiện, cảnh báo sớm, giám sát rủi ro trong toàn hệ thống.
Đẩy mạnh cải cách hệ thống tài chính
Cải cách hệ thống tài chính là cơ sở vững chắc để Việt Nam có tiềm lực tài chính vững mạnh, tiến tới hội nhập sâu rộng với các nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới .
Xây dựng và phát triển những thể chế cần thiết để hỗ trợ sự vận hành hiệu quả của các hệ thống tài chính, những thể chế này bao gồm các quy định về kinh doanh, vấn đề giám sát các trung tâm tài chính và TTCK. Xây dựng thị trường vốn, TTCK theo hướng những thị trường phải trở thành công cụ cơ bản để huy động vốn
trung và dài hạn để giải quyết nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển. Xúc tiến hơn nữa việc tiếp cận thị trường vốn quốc tế, xem đây cũng là một kênh huy động vốn quan trọng giúp Việt Nam hội nhập hơn nữa vào thị trường tài chính quốc tế. Tăng cường phối hợp giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và chính sách thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài. Đảm bảo sự kết hợp chặt chẽ giữa các cơ quan ngân hàng - tài chính - chứng khoán trong việc quản lý các dòng vốn nhằm đảm bảo sự an toàn, vững chắc, lành mạnh của hệ thống tài chính. Phát triển lĩnh vực tài chính (bảo hiểm, kế toán kiểm toán, tư vấn tài chính, thuế, chứng khoán…) là yêu cầu cấp thiết cho đất nước góp phần huy động nguồn lực tài chính trong và ngoài nước để đảm bảo an ninh tài chính, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nói chung và để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam đối với từng sản phẩm nói riêng.
Xây dựng và hoàn thiện môi trường pháp lý cho sự phát triển của các dịch vụ tài chính
Xác định vai trò của khu vực kinh tế nhà nước, đẩy nhanh quá trình rà soát sắp xếp lại các DNNN hoạt động trong các lĩnh vực kế toán, kiểm toán, bảo hiểm, đảm bảo khu vực này có khả năng cạnh tranh khi hội nhập tài chính. Định rõ vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước theo hướng quản lý theo pháp luật, giảm thiểu tối đa can thiệp hành chính vào hoạt động của các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ tài chính.
Tăng cường năng lực và hiệu quả hoạt động của ngành tài chính
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý ngân sách nhà nước nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế nhanh và bền vững gắn với công bằng xã hội và xóa đói giảm nghèo, góp phần thực hiện công khai, minh bạch hoạt động quản lý tài chính ngân sách của Chính phủ. Xây dựng hệ thống thông tin quản lý ngân sách nhà nước đồng bộ, thống nhất và kết nối được với hệ thống thông tin khác trong ngành tài chính, tạo kênh thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác trong toàn ngành tài chính.
Hoàn thiện lại cơ cấu tổ chức bộ máy của ngành thuế, áp dụng các công nghệ hiện đại vào việc quản lý thuế nhằm nâng cao khả năng quản lý của ngành thuế. Các chính sách thuế cần điều chỉnh theo hướng phù hợp các cam kết, các thỏa thuận khi nước ta hội nhập với nền kinh tế thế giới. Thiết lập cơ chế đánh giá rủi ro và hoàn thiện chiến lược quản lý nợ quốc gia. Xây dựng các công cụ tài chính và
các định chế tài chính mới hoạt động trên TTCK và các thị trường tài chính khác. Tập trung phát triển thị trường tài chính và các trung gian tài chính trong nước để đảm nhận tốt chức năng chuyển tải vốn từ những nơi thừa sang nơi thiếu trong nền kinh tế, tiếp nhận và hấp thụ tốt luồng vốn ngoại. Để đạt được mục tiêu này, trong giai đoạn hội nhập hiện nay, chúng ta cần thực hiện :
- Cấu trúc quy mô và phạm vi của các hoạt động tài chính phải đồng bộ, đủ lớn và không ngừng mở rộng. Thu hút sự tham gia của ngày càng nhiều các cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước vào thị trường tài chính với sự đa dạng, phong phú chất lượng của các dịch vụ tài chính.
- Phát triển thị trường vốn hiện đại bằng việc việc cải thiện tính minh bạch và hiệu quả thị trường cổ phiếu, tăng cường phát triển thị trường trái phiếu. Phát triển quản lý tài sản như một công nghệ chủ đạo và thu hút nhiều định chế quản lý tài sản nước ngoài vào Việt Nam.
- Xây dựng hệ thống các định chế tài chính, cơ sở vật chất kỹ thuật, các dịch vụ hỗ trợ thị trường và đội ngũ nhân lực liên quan đến các hoạt động cung cấp các dịch vụ tài chính theo hướng ngày càng phát triển, nâng cao về mặt chất lẫn mặt lượng.
Xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu về giao dịch vốn
Hiện nay ở nước ta vẫn còn những hạn chế của hệ thống thống kê số liệu tài khoản vốn đó là sự phối hợp lỏng lẻo giữa các cơ quan có trách nhiệm, cũng như việc các doanh nghiệp không cung cấp số liệu đầy đủ, kịp thời cho các cơ quan quản lý. Điển hình là việc công bố số liệu đầu tư vốn của các nhà đầu tư nước ngoài vào TTCK Việt Nam trong thời gian vừa qua không có sự thống nhất giữa các cơ quan công bố thông tin.
Nhằm đảo bảo tính kịp thời và đầy đủ của thông tin trên thị trường tài chính, các cơ quan chức năng cần xây dựng một chế tài đủ mạnh cho các bên tham gia thị trường về chế độ thông tin báo cáo. Ngoài ra, cần cải cách, ứng dụng kịp thời những thành tựu của công nghệ thông tin hiện đại vào trong công tác thống kê trên thị trường tài chính.