việc kiểm soát vốn trong giai đoạn hội nhập.
Trong xu thế hội nhập vào nền kinh tế thế giới như hiện nay, thời điểm mà Việt Nam có điều kiện thuận lợi để đón nhận các dòng vốn quốc tế - dòng vốn này có vai trò quan trọng trong việc tăng cường đầu tư, phát triển kinh tế. Tuy vậy nó luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro của sự đảo ngược, rút vốn ồ ạt gây ra những cú sốc, những cuộc khủng hoảng cho cả nền kinh tế. Nhận diện được điều này giúp cho những nhà hoạch định chính sách vĩ mô có được những giảp pháp thích hợp trong việc thực thi các chính sách tài chính - tiền tệ, điều hành cơ chế tỷ giá, cấu trúc lại - nâng cao tính cạnh tranh của hệ thống ngân hàng v.v. qua đó sẽ tối đa hóa được những lợi ích cũng như hạn chế - tối thiểu hóa những rủi ro do dòng vốn quốc tế mang lại. Trong
đó, việc xây dựng hệ thống, thị trường tài chính lành mạnh, hiệu quả, đủ sức “đề kháng” lại những bất trắc của dòng vốn quốc tế là một hướng đi chiến lược dài hạn.
Thật vậy, năm 2006, thị trường tài chính Việt Nam đã có sự phát triển khởi sắc và thực tế được nhiều tổ chức tài chính quốc tế đánh giá khá cao và nhiều triển vọng. Tháng 05 năm 2006, theo đánh giá của Moody’s Investors Service, mức độ tín nhiệm trái phiếu chính phủ của đồng ngoại tệ dài hạn tăng lên mức Ba3. Cũng theo đánh giá của Standard and Poor tháng 09 năm 2006, mức độ tín nhiệm của thị trường tài chính Việt Nam đã tăng từ mức BB- lên mức BB đối với tín dụng ngoại tệ dài hạn và từ mức BB lên BB+ đối với tín dụng đồng nội tệ dài hạn. Mức độ tín nhiệm ngắn hạn đối với cả nội tệ và ngoại tệ đều ở mức B (rating’s Xpress Credit Research, 2006). Điều này chứng tỏ mức độ tín nhiệm của thị trường tài chính Việt Nam đã được cải thiện đáng kể trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, điều này góp phần quan trọng trong việc thu hút dòng vốn đầu tư quốc tế qua các kênh phục vụ quá trình phát triển, tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, sự tăng trưởng nhanh và quá cao của thị trường này có thể tăng rủi ro đối với hệ thống tài chính vốn còn non trẻ và còn nhiều hạn chế. Những bước phát triển trong những năm gần đây cũng chỉ được nhìn nhận là những bước bước phát triển ban đầu với một thị trường còn sơ khai, thụ động để có thể đối phó với những biến động lớn trong quá trình tự do hóa tài chính.
Xuất phát điểm của hệ thống tài chính Việt Nam là rất thấp. Thị trường vốn và thị trường tiền tệ chưa đa dạng, quy mô còn quá nhỏ bé, hoạt động chủ yếu là đầu cơ hơn là cung cấp vốn trung - dài hạn cho nền kinh tế. Thị trường tiền tệ đang đứng trước những khó khăn không những thiếu về cơ chế chính sách mà còn chưa có sự rõ ràng, minh bạch về môi trường kinh tế. Chưa có sự gắn kết giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ, thiếu tính hỗ trợ lẫn nhau nên thị trường thông qua ngân hàng vẫn là nơi chủ yếu cung cấp vốn trung dài hạn cho nền kinh tế. Thị trường chứng khoán phát triển nóng còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, các giao dịch trên thị trường ngoại hối còn hạn chế cả về số lượng lẫn quy mô. Bản thân nội tại của các thành viên tham gia thị trường vẫn còn hạn chế về nhiều mặt như về phía ngân hàng quy mô vốn tự có còn thấp so với yêu cầu, hạ tầng kỹ thuật và công nghệ chưa hiện đại, sản phẩm dịch vụ còn đơn điệu chưa đa dạng, tính tiện ích chưa cao, chưa thiết lập được hệ thống cảnh báo trong hoạt động, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu kinh doanh trong chiến lược dài hạn.
Trong giai đoạn hiện nay, xu thế tất yếu là hội nhập kinh tế luôn đồng hành cùng hội nhập tài chính và xa hơn nữa là tự do hóa tài chính. Việc xây dựng một hệ thống tài chính đủ mạnh có thể cạnh tranh được với các hệ thống tài chính trong khu vực trong việc tiếp cận, thu hút, kiểm soát dòng vốn quốc tế đang là một thách thức lớn đối với Việt Nam.
Việc cải thiện hệ thống tài chính yêu cầu cần tập trung nhiều khía cạnh, chính sách sắp xếp và tái cơ cấu vốn của các định chế tài chính, chính sách tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, chính sách giải quyết nợ khó đòi, vấn đề thiết lập hệ thống chuẩn mực kế toán, kiểm toán có chất lượng cao v.v. Tuy vậy, việc thực hiện các chính sách cải thiện hệ thống tài chính và chuẩn mực tài chính không thể thực hiện ngay được vì nó liên quan đến nhiều cơ chế, lĩnh vực trong nền kinh tế và đặc biệt phải có nguồn lực tài chính lớn để tài trợ cho công việc này.
Xây dựng hệ thống tài chính theo hướng hội nhập yêu cầu Chính phủ phải ổn định môi trường vĩ mô với mục tiêu giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư, tạo môi trường đầu tư hiệu quả, minh bạch và có thể dự báo. Tuy vậy, sự hội nhập hệ thống tài chính quốc gia vào môi trường tài chính toàn cầu sẽ phát sinh thử thách lớn về vấn đề tính chủ quyền hay độc lập trong điều hành chính sách của Chính phủ. Vấn đề này có thể làm giới hạn nhất định tính hiệu lực của chính sách vĩ mô do phải tuân thủ các hiệp ước hay thỏa thuận chung của khu vực và các tổ chức quốc tế. Các chính sách tài chính - tiền tệ của Chính phủ ngày càng phải có sự tương đồng với thông lệ quốc tế và sự vận hành của chúng phải gắn kết với những thỏa hiệp chung của khu vực và quốc tế. Chính phủ nên hạn chế các chính sách can thiệp trực tiếp mà thay vào đó là chính sách can thiệp gián tiếp và tăng cường năng lực giám sát thị trường. Đòi hỏi Chính phủ phải nâng cao năng lực trong xây dựng chính sách và công tác điều hành vĩ mô.
Ngoài ra, quy mô của các định chế tài chính Việt Nam còn khá nhỏ bé. Quy mô vốn thấp, trình độ quản lý yếu kém thì việc cạnh tranh trên quy mô toàn cầu với các thị trường tài chính có quy mô lớn, có trình độ phát triển hơn hẳn là một thách thức lớn cho hệ thống tài chính Việt Nam. Bên cạnh đó, kinh tế Việt Nam phát triển chưa thật vững chắc, chất lượng hiệu quả của tăng trưởng chưa cao, chuyển dịch cơ cấu còn chậm, các ngành công nghiệp mũi nhọn, có hàm lượng khoa học công nghệ cao chưa phát triển mạnh. Cơ sở hạ tầng dù được chú trọng đầu tư, cải tạo nâng cấp nhưng vẫn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Tiềm năng
vốn của Việt Nam rất lớn, nhưng hoạt động của các định chế trung gian vẫn còn yếu, các hình thức huy động vốn đầu tư chưa hấp dẫn, linh hoạt. TTCK đã có những bước phát triển đáng ghi nhận nhưng vẫn chưa thể hiện được là một kênh dẫn vốn đầu tư hiệu quả cho nền kinh tế.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn hội nhập, việc cần thiết là cải cách cấu trúc để tạo lập một thị trường tài chính ổn định và hiệu quả. Ngăn chặn sự lạm dụng hệ thống tài chính vào những mục đích thực hiện các chính sách không liên quan đến tăng trưởng, Chính phủ cần nỗ lực hơn trong việc tạo ra một môi trường cạnh tranh, một sân chơi bình đẳng cho các định chế tài chính trong và ngoài nước. Mở rộng và nâng cao chất lượng thị trường tài chính, trong đó tự do hóa các dịch vụ tài chính và tư nhân hóa các định chế tài chính thuộc sở hữu nhà nước là các bước đi cụ thể trong tiến trình tự do hóa tài chính.
Kết luận chương 2
Những thành tựu kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua là rất ấn tượng và không thể không kể đến sự đóng góp của dòng vốn quốc tế. Việt Nam đã được xem là một trong những quốc gia trong nhóm các thị trường mới nổi, đang có những điều kiện thuận lợi trong việc thu hút các dòng vốn quốc tế để tăng đầu tư phục vụ tăng trưởng kinh tế. Chúng ta cũng đã xây dựng được những chính sách, những cơ sở hạ tầng tài chính nhất định nhằm thu hút và quản lý dòng vốn. Tuy nhiên, đây chỉ là những bước đi ban đầu trong tiến trình hội nhập tài chính quốc tế. Để hạn chế những rủi ro bất ổn do dòng vốn mang lại, vấn đề đặt ra là Việt Nam đã nhìn nhận được gì từ những kinh nghiệm quản lý dòng vốn vào của các nước đang phát triển khác, cũng như nhận định được những điểm còn bất cập trong các chính sách hiện hành. Từ đó, xây dựng được nền tài chính nội địa lành mạnh, đề ra các chính sách vĩ mô, mà cụ thể là các biện pháp kiểm soát vốn hiệu quả nhằm duy trì tính ổn định của dòng vốn quốc tế.
CHƯƠNG 3 :