IV. Thực trạng vận chuyển hàng hoá xuất nhập khẩu của Vietnam Airlines.
2. Chiến lược phát triển của Vietnam airlines
Tại đại hội Đảng bộ hãng hàng không quốc gia Việt Nam 2003, ban lãnh đạo Vietnam Airlines đã xác định nhiệm vụ trung tâm của giai đoạn từ nay đến 2010 là xây dựng Vietnam airlines thành một đơn vị kinh tế vững mạnh, với trang thiết bị kĩ thuật hiện đại phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của đất nước, góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng, xây dựng Vietnam airlines trở thành một hãng hàng không tầm cỡ trong khu vực, có bản sắc riêng, là một trong những hãng hàng đầu của khu vực về chất lượng dịch vụ và hiệu quả kinh doanh, cụ thể như sau:
- Về phía hãng hàng không phải kết hợp hài hoà giữa cạnh tranh thị trường và tận dụng vai trò quản lý và điều tiết của nhà nước, xây dựng hãng hàng không quốc gia Việt Nam giữ vai trò chủ đạo đối với vận tải hàng không Việt Nam, đại diện cho kinh tế Việt Nam trên trường quốc tế với thị phần lớn cả nội địa và quốc tế.
- Phát triển hợp lý các doanh nghiệp thành viên nhằm khai thác các thị trường còn chưa khai thác hết tiềm năng, tạo sự cạnh tranh, kích thích đổi mới theo hướng chuyên môn hoá như chỉ chở hàng, chỉ chở container, cho thuê chuyến,, cung cấp các dịch vụ trọn gói, dịch vụ giao nhận uỷ thác..
- Về thị trường vận chuyển hàng hoá. Đưa Việt Nam thành trung tâm vận tải khu vực và trở thành lĩnh vực kinh doanh có lợi nhuận cao. Để làm được điều đó cần khai thác lợi thế so sánh giữa Việt Nam với các đối tác để có chiến lược phát triển nguồn hàng hoá. Củng cố vững chắc các thị trường truyền thống của hàng không Việt Nam như thị trường Đông Bắc Á, Đông Nam Á, đồng thời
phát triển có chọn lọc các thị trường có tiềm năng lớn nhưng có nhiều cạnh tranh và rủi ro như thị trường Tây Âu và Bắc Mỹ.
- Phát triển đội máy bay, đây là nhiệm vụ trọng tâm của chiến lược phát triển ngành vận tải hàng không. Từ nay đến năm 2010, hãng cố gắng tăng số lượng máy bay lên 70 chiếc theo hướng tăng tỉ trọng các loại máy bay tầm trung và xa với khả năng chuyên chở lớn, tính năng hiện đại, phù hợp với từng thị trường như A320, A330, B747, B777.. Cần phải mua loại máy bay chuyên dụng chở hàng hoá nhằm tăng khả năng chuyên chở, từng bước chuyên nghiệp hoá vận tải hàng hoá quốc tế.
- Thành lập các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tại các cảng hàng không quốc tế nhằm đa dạng hoá loại hình dịch vụ tránh vị thế độc quyền, tiến tới tự do quyền cung cấp dịch vụ đối với một số lĩnh vực trong đó có dịch vụ phục vụ hàng hoá chuyên chở bằng đường hàng không. Các đơn vị này chịu sự quản lý hành chính, nhưng độc lập trong hạch toán kinh doanh.
- Tiến hành cổ phần hoá một số xí nghiệp kinh doanh dịch vụ hàng không, liên doanh với các đối tác nước ngoài nhằm thu hút vốn đầu tư, công nghệ mới và kinh nghiệm quản trị kinh doanh tiên tiến.