Thực trạng thúc đẩy xuất khẩu gạo của Việt Nam 1 Hỗ trợ về vốn nhằm thúc đẩy xuất khẩu gạo

Một phần của tài liệu Thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng gạo của Việt Nam đến năm 2020.doc (Trang 72 - 74)

Vốn là một trong những yếu tố quan trọng trong sản xuất và xuất khẩu gạo bởi tất cả các khâu từ sản xuất, thu mua, chế biến lúa gạo xuất khẩu, vận chuyển, quảng bá sản phẩm đến công tác thị trường… đều cần đến vốn.

Hiện nay nhà nước rất quan tâm và hỗ trợ vốn cho nông dân sản xuất lúa, đặc biệt là tại các vùng chuyên canh trồng lúa cho xuất khẩu. Nhà nước khuyến khích các ngân hàng cho vay vốn hoặc bảo lãnh vay vốn đối với người nông dân hoặc cơ sở sản xuất, chế biến lúa gạo. Các ngân hàng áp dụng nhiều hình thức cho vay có thể là ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn, trực tiếp đến người cần vốn; đồng thời thực hiện giãn nợ và tiếp tục cho vay mới đối với nông dân trồng lúa.

Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam hầu hết là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, với quy mô về vốn không nhiều. Do đó các doanh nghiệp này cần được hỗ trợ vốn để có điều kiện đổi mới công nghệ chế biến, tìm kiếm thị trường, nâng cao kỹ thuật nghiệp vụ,… và đặc biệt là để đáp ứng cho việc thu mua, chuẩn bị lượng hàng cho các hợp đồng xuất khẩu gạo đã ký kết.

Thời gian qua, chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Trong đó chính phủ yêu cầu các ngân hàng thương mại chủ động cân đối, bảo đảm nguồn vốn, giảm lãi suất đối với các khoản tín dụng cho vay nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vay của các doanh nghiệp. Hiện nay đã có khoảng 12 ngân hàng (gồm ngân hàng Công thương, Ngoại thương, Đầu tư và Phát triển, Hàng hải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Eximbank, Đồng bằng sông Cửu Long, Á Châu, Ngân hàng Kỹ thương, Ngân hàng Quốc tế …) đăng ký sẽ giảm lãi suất đối với các khoản tín dụng cho vay. Theo đó, lãi suất cho nông dân vay và xuất khẩu thấp nhất là 12% - 13,2%/năm; mức bình quân đối với xuất khẩu từ 14%/năm; mức cho vay chung là từ 14,5% - 15%/năm.

Tháng 2 năm 2010, Tổng Công ty Lương thực miền Nam và Tổng Công ty Lương thực miền Bắc được xem xét, vay vượt 15% vốn tự có.

Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được với nguồn vốn vì các thủ tục rất khắt khe. Doanh nghiệp cần vốn để đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường xuất khẩu nhưng không thể vay được vốn khi năm qua doanh nghiệp làm ăn khó khăn, không có lợi nhuận. Trong khi đó, các ngân hàng ngoài đòi hỏi tài sản thế chấp, còn đòi hỏi báo cáo tài chính doanh nghiệp năm trước phải tốt, kế hoạch kinh doanh mới phải có tính khả thi và chắc chắn. Bên cạnh đó, nếu gói hỗ trợ của chính phủ không được quản lý chặt chẽ sẽ dẫn tới việc nhân viên các ngân hàng gây khó khăn cho khách hàng khi xét duyệt cho vay.

Một phần của tài liệu Thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng gạo của Việt Nam đến năm 2020.doc (Trang 72 - 74)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(128 trang)
w