Các hình thức địa tô TBCN

Một phần của tài liệu chuyên đề ông thi môn kinh tế chính trị học phần kinh tế chính trị tư bản chủ nghĩa (Trang 30 - 32)

*/ Địa tô chênh lệch

- Nông nghiệp có một số đặc điểm khác với công nghiệp như: số lượng ruộng đất bị giới hạn; độ màu mỡ tự nhiên và vị trí địa lý của ruộng đất không giống nhau; các điều kiện thời tiết, khí hậu của địa phương ít biến động; nhu cầu hàng hóa, nông phẩm ngày càng tăng. Do đó xã hội phải canh tác trên cả những ruộng đất xấu nhất (xét về độ màu mỡ và vị trí địa lý). Vì vậy, giá cả trong nông nghiệp cũng có sự khác biệt với công nghiệp. Trong công nghiệp, giá cả sản xuất do điều kiện sản xuất trung bình quyết định; còn trong nông nghiệp, nếu như vậy thì nhà tư bản kinh doanh trên những ruộng đất xấu sẽ không thu được lợi nhuận bình quân và họ sẽ chuyển sang kinh doanh nghề khác. Song, nếu chủ kinh doanh trên ruộng đất tốt và trung bình thì sẽ không đủ nông sản phẩm để thỏa mãn nhu cầu của xã hội. Chính vì những lẽ đó mà giá cả của hàng hóa nông sản được hình thành trên cơ sở điều kiện sản xuất xấu nhất. Những nhà tư bản kinh doanh trên đất tốt và trung bình sẽ thu được lợi nhuận siêu ngạch (ngoài lợi nhuận bình quân). Phần lợi nhuận siêu ngạch này tồn tại thường xuyên, tương đối ổn định và chuyển hóa thành địa tô chênh lệch.

- Khái niệm: Địa tô chênh lệch là phần lợi nhuận siêu ngạch ngoài lợi nhuận bình quân thu được trên ruộng đất có điều kiện sản xuất thuận lợi hơn. Nó là số chênh lệch giữa giá cả sản xuất chung được quyết định bởi điều kiện sản xuất trên ruộng đất xấu nhất và giá cả sản xuất cá biệt trên ruộng đất tốt và trung bình (ký hiệu Rc1).

+ Địa tô chênh lệch I: là loại địa tô thu được trên những ruộng đất có điều kiện tự nhiên thuận lợi, ví dụ có độ màu mỡ tự nhiên thuận lợi (trung bình và tốt), gần nơi tiêu thụ, gần đường giao thông…

+ Địa tô chênh lệch II: là địa tô thu được nhờ thâm canh mà có. Thâm canh ruộng đất là đầu tư thêm tư bản vào một đơn vị diện tích để nâng cao chất lượng canh tác nhằm tăng độ màu mỡ trên mảnh ruộng đó, nâng cao sản lượng trên một đơn vị diện tích.

Địa tô chênh lệch II cho thấy mâu thuẫn giữa nhà tư bản kinh doanh nông nghiệp với GC địa chủ. Chủ đất chỉ muốn cho thuê ngắn hạn, nhà tư bản muốn thuê dài hạn. Cũng vì thế các nhà tư bản không muốn bỏ ra số vốn lớn để thâm canh dài hạn mà bằng mọi cách tận dụng độ màu mỡ của đất đai trong thời gian thuê đất => quy luật đất đai bạc màu. Đó là xu hướng chịu sự tác động của quan hệ kinh tế trong nông nghiệp.

- Ý nghĩa phương pháp luận: Nhà nước muốn khuyến khích sản xuất trong nông nghiệp cần phải:

+ Miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp trong một số lĩnh vực sản xuất nông nghiệp => khuyến khích sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả; hạn chế việc bỏ hoang đất, đồng thời các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phải tính toán hiệu quả sử dụng đất nhằm đảm bảo có thu nhập khá hơn. Qua đó thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn.

+ Nhà nước không cấp quyền sử dụng đất đối với một số loại đất nông nghiệp để cho người sản xuất để ngăn tình trạng bạc màu đất đai.

*/ Địa tô tuyệt đối

Địa tô tuyệt đối là loại địa tô mà tất cả các nhà tư bản kinh doanh nông nghiệp đều phải nộp cho địa chủ dù ruộng đất đó tốt hay xấu, đây là loại địa tô thu trên tất cả mọi loại ruộng đất.

- Địa tô tuyệt đối là số lợi nhuận siêu ngạch dôi ra ngoài lợi nhuận bình quân, hình thành do cấu tạo hữu cơ của tư bản trong nông nghiệp thấp hơn trong công nghiệp, nó là chênh lệch giữa giá trị nông sản với giá cả sản xuất chung của nông phẩm.

Nông nghiệp thường lạc hậu hơn so với công nghiệp cả về kinh tế lẫn kỹ thuật, vì thế c/v của tư bản trong nông nghiệp thường thấp hơn so với tư bản trong công nghiệp. Như vậy, nếu trình độ bóc lột ngang nhau thì một tư bản ngang nhau sẽ sinh ra trong nông nghiệp nhiều giá trị thặng dư hơn trong công nghiệp.

Ví dụ: Có hai nhà tư bản nông nghiệp và công nghiệp đều có số tư bản là 100, cấu tạo hữu cơ C/V trong công nghiệp là 4/1, trong nông nghiệp là 3/2, giả sử m’ là 100% thì sản phẩm và giá trị thặng dư sản xuất ra trong từng lĩnh vực sẽ là:

Trong công nghiệp: 80C + 20V + 20m = 120 Trong nông nghiệp: 60C + 40V + 40m = 140

Giá trị thặng dư dôi ra trong nông nghiệp so với công nghiệp là 20. Số chênh lệch này là lợi nhuận siêu ngạch, lợi nhuận siêu ngạch này không bị bình quân hóa mà chuyển hóa thành địa tô tuyệt đối.

- Cơ sở của địa tô tuyệt đối là do cấu tạo hữu cơ của tư bản trong nông nghiệp thấp hơn trong công nghiệp. Nguyên nhân tồn tại địa tô tuyệt đối là do chế độ độc quyền tư hữu ruộng đất đã cản trở quá trình tự do di chuyển tư bản vào nông nghiệp, do đó đã ngăn cản việc hình thành lợi nhuận bình quân chung giữa công nghiệp và nông nghiệp. Nông sản được bán theo giá thị trường và phần giá trị thặng dư dôi ra ngoài mức lợi nhuận bình quân được giữ lại để nộp địa tô tuyệt đối cho địa chủ.

*/ Địa tô độc quyền

Địa tô độc quyền là hình thức đặc biệt của địa tô tư bản chủ nghĩa. Địa tô độc quyền có thể tồn tại trong nông nghiệp, công nghiệp khai thác và ở các khu đất trong thành thị.

+ Trong nông nghiệp địa tô độc quyền có ở các khu đất có tính chất đặc biệt, cho phép trồng các loại cây đặc sản hay sản xuất các sản phẩm đặc biệt.

+ Trong công nghiệp khai thác: địa tô độc quyền có ở các vùng có kim loại, khoáng chất quý hiếm hoặc những khoáng sản có nhu cầu vượt xa khả năng khai thác chúng.

+ Trong thành thị, địa tô độc quyền có ở các khu đất có vị trí thuận lợi cho phép xây dựng các trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nhà cho thuê có khả năng thu lợi nhuận cao.

Nguồn gốc của địa tô độc quyền cũng là lợi nhuận siêu ngạch do giá cá độc quyền của sản phẩm thu được trên đất đai ấy mà nhà tư bản phải nộp cho địa chủ.

Một phần của tài liệu chuyên đề ông thi môn kinh tế chính trị học phần kinh tế chính trị tư bản chủ nghĩa (Trang 30 - 32)