Tình hình cho vay theo thời gian tại Chi nhánh Ngân hàng Công thương Trà Vinh qua 3 năm 2004-2006 thể hiện qua bảng sau: ( xem bảng 4 trang sau )
Qua bảng trên ta thấy doanh số tăng lên qua các năm: năm 2005 tăng 3% so với năm 2004, đặc biệt năm 2006 tăng 22,8% so với năm 2005. Điều này cho thấy hoạt động cho vay của Ngân hàng phát triển mạnh.
Nhu cầu vay vốn của khách hàng tăng nhưng chủ yếu là cho vay ngắn hạn. Từ bảng số liệu tổng quát về tình hình cho vay theo thời gian, ta có thể thấy rõ là doanh số cho vay của Ngân hàng đối với tín dụng ngắn hạn qua các năm đều cao hơn nhiều so với tín dụng trung và dài hạn. Năm 2004, doanh số cho vay ngắn hạn đạt 295.913 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 86,2%, còn doanh số cho vay trung và dài hạn chỉ có 47.387 triệu đồng, chiếm 13,8% tổng doanh số cho vay.
Doanh số cho vay ngắn hạn chiếm tỷ trọng cao trong năm là do tỉnh Trà Vinh là một tỉnh thuần nông, là vùng nông thôn, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chưa phát triển mạnh, đa số người dân sống bằng nghề chăn nuôi và trồng trọt, ngoài ra tình hình giá cả nông sản luôn biến động, chưa có chiều hướng tích cực nên số khách hàng đi vay phục vụ sản xuất có tính chất thời vụ khá đông.
Bảng 4: Doanh số cho vay theo thời gian tại Chi nhánh Ngân hàng Công thương Trà Vinh qua 3 năm 2004-2006
Đơn vị tính: triệu đồng
Chỉ tiêu Năm 2004 Năm 2005 Năm 2006 So sánh 2005/2004 So sánh 2006/2005
Số tiền Tỷ trọng (%) Số tiền Tỷ trọng (%) Số tiền Tỷ trọng (%) Tuyệt đối Tương đối (%) Tuyệt đối Tương đối (%) Cho vay ngắn hạn 295.913 86,2 318.804 90,2 413.905 95,3 22.891 7,74 95.101 29,8
Cho vay dài hạn 47.387 13,8 34.657 9,8 20.240 4,7 -12.730 -26,90 -14.417 -41,6
Doanh số cho vay 343.300 100,0 353.461 100,0 434.145 100,0 10.161 3,00 80.684 22,8
Thêm nữa, đa số khách hàng của Ngân hàng hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh ngắn hạn, có tốc độ quay vòng vốn nhanh và có kế hoạch sử dụng vốn hiệu quả. Những khách hàng vay trung hạn đa số vay trong một thời gian dài (3 năm), mỗi lần vay chỉ cho một hộ gia đình, Ngân hàng thường cho vay trung và dài hạn để mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất. Nếu số tiền lớn, thời gian thu hồi kéo dài, không thể hoàn vốn trong thời gian ngắn nên lãi suất cao. Điều này làm cho doanh số cho vay trung và dài hạn chiếm tỷ trọng thấp trong tổng doanh số cho vay. Mặt khác do quy mô nguồn vốn của Ngân hàng chưa lớn (nhất là đối với nguồn vốn tự huy động) nên rất khó khăn cho việc đầu tư vào các dự án sản xuất kinh doanh trung và dài hạn của tỉnh.
Sang năm 2005, Ngân hàng đã chú trọng kịp thời mở rộng đối tượng đầu tư, ngành nghề đầu tư và khu vực đầu tư nhằm mở rộng quy mô hoạt động của mình. Điều này làm cho doanh số cho vay ngắn hạn năm 2005 đạt 318.804 triệu đồng, tăng 22.891 triệu đồng, tương đương 7,74% so với năm 2004. Ngoài ra do tình hình kinh tế - xã hội ổn định hơn, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng lên. Chính sức mua tăng đã tác động đến các ngành sản xuất làm cho doanh số cho vay ngắn hạn tăng.
Đối với doanh số cho vay trung và dài hạn thì giảm, năm 2005 chỉ đạt 34.657 triệu đồng, giảm 12.730 triệu đồng so với năm 2004, tương đương giảm 26,9%. Đó là do khách hàng trong năm 2004 vay nhưng chưa trả nợ vay nên Ngân hàng không tiếp tục cho vay nữa. Ngoài ra do một số hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân hoạt động kém hiệu quả, đồng vốn chưa quản lý chặt chẽ. Do đó, để hạn chế rủi ro, Chi nhánh thường thận trọng trong việc cho vay vốn, kiên quyết không thực hiện khi bên vay không có một phương án kinh doanh khả thi, không có mục đích rõ ràng.
Năm 2006, doanh số cho vay ngắn hạn của Ngân hàng chủ yếu vẫn tập trung vào các khách hàng cũ, do có kế hoạch sản xuất kinh doanh khả thi nên nhu cầu vốn mở rộng hoạt động của các khách hàng cũng tăng. Doanh số cho vay ngắn hạn năm 2006 đạt 413.905 triệu đồng, tăng 95.101 triệu đồng so với năm 2005, tương đương 29,8%. Có được bước tăng như thế là do Ngân hàng khuyến khích cho các công ty xây lắp, xây dựng công trình vay vốn… Mặt khác rủi ro khi cho vay các công ty này khá cao. Các công ty này thường nguồn vốn tự có không
nhiều nên việc mở rộng kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Vì vậy Chi nhánh đã từng bước mở rộng phạm vi hoạt động của mình thông qua việc đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp này.
Tổng doanh số cho vay trung và dài hạn trong năm 2006 chỉ có 20.240 triệu đồng (chiếm 4,7% tổng doanh số cho vay), giảm 14.471 triệu đồng so với năm 2005, tương đương 41,6%. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp lớn bắt đầu vòng quay mới vào năm 2005 nên năm 2006 doanh số cho vay ít lại.
Xét về thời gian, nguồn vốn tín dụng của Chi nhánh qua 3 năm chủ yếu tập trung vào tín dụng ngắn hạn. Nhờ những phương thức cho vay tích cực, đơn giản, tiện lợi mà doanh số cho vay của Chi nhánh ngày một tăng lên. Đạt được kết quả như vậy là do Ngân hàng có chính sách kinh doanh thích hợp đối với khách hàng truyền thống của mình, đồng thời cũng có chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích khách hàng mới đến giao dịch.
Bên cạnh đó, ta có thể nói thêm doanh số cho vay tăng là nhờ vào chính sách do Chính phủ ban hành là cho cán bộ công nhân viên vay để cải thiện đời sống như lo cho con cái học hành, tu sửa nhà cửa, có đồng vốn phòng thân xoay xở khi khó khăn. Tất cả những điều đó Chính phủ làm nhằm kích cầu tiêu dùng.
Qua phân tích cũng cho thấy khả năng tự lực đầu tư của Chi nhánh vào các dự án trung, dài hạn còn phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn. Ngân hàng chưa tìm được đối tượng đầu tư kể cả các dự án do Nhà nước chỉ định mặc dù mức lãi suất đã được thống nhất và có xu hướng giảm. Vì vậy, Chi nhánh một mặt tiếp tục giữ vững vai trò của mình đối với nhu cầu vốn ngắn hạn nhưng đồng thời phải nâng tỷ trọng và mở rộng cho vay trung và dài hạn. Đây là một vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng mà Chi nhánh cần phải xem xét để hoạt động tín dụng của mình được tăng trưởng một cách toàn diện hơn trong tương lai.