CHƯƠNG 6: KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Một phần của tài liệu Phân tích hiệu quả huy động vốn và cho vay tại Chi nhánh Ngân hàng Công thương tỉnh Trà Vinh.doc (Trang 81 - 86)

6.1. Kết luận:

Những năm hoạt động trong nền kinh tế thị trường đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong hệ thống Ngân hàng Công thương Việt Nam. Chi nhánh đã mở rộng hoạt động huy động vốn và cho vay, đa dạng hóa phương thức hoạt động. Việc huy động vốn nhằm phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong giai đoạn hiện nay được coi là nhiệm vụ hàng đầu của đất nước. Tuy nhiên đó lại là một vấn đề phức tạp. Nó liên quan đến nhiều khía cạnh môi trưòng, nguồn nhân lực, vấn đề pháp lý, yếu tố của doanh nghiệp, người dân còn vốn nhàn rrỗi. Chi nhánh cũng đặt chỉ tiêu hiệu quả lên hàng đầu, đảm bảo việc mở rộng tín dụng đi đôi với tăng cường chất lượng tín dụng. Qua kết quả đạt được ta thấy sự thành công của Chi nhánh phần lớn là do sự lãnh đạo sáng suốt của Ban Giám đốc đã thấy được tiềm năng hoạt động của các ngành kinh tế và tập trung vốn của Ngân hàng để cho vay. Mặc khác nhân tố dẫn đến sự thành công là toàn thể cán bộ trong Chi nhánh đều làm việc tận tình với phương châm “Khách hàng là thượng đế”, chính điều đó đã giúp Ngân hàng thu hút được nhiều khách hàng về phía mình.

Bước vào thời kỳ hội nhập, Ngân hàng đứng trước những thuận lợi và thời cơ mới. Song những thử thách và khó khăn cũng đặt ra rất gay gắt cho Chi nhánh, đòi hỏi sự tự tin, bản lĩnh, nghị lực và sự vững vàng của đội ngũ cán bộ nhân viên trong Ngân hàng. Luận văn đi sâu phân tích, đánh giá tình hình huy động vốn và cho vay, thực trạng rủi ro tại Ngân hàng, trên cơ sở đó đưa ra một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, hạn chế rủi ro, tạo điều kiện thuận lợi cho Ngân hàng tiến nhanh hơn nữa.

Đối với Chi nhánh Ngân hàng Công thương Trà Vinh, việc nâng cao hiệu quả huy động vốn và cho vay là một yêu cầu thiết thực giúp Chi nhánh đứng vững trên thị trường và có khả năng cạnh tranh với Ngân hàng khác cùng hoạt động trên địa bàn. Qua phân tích tình hình huy động vốn và cho vay, tôi xin rút ra những thành tựu mà Chi nhánh đạt được như:

- Chi nhánh đã đáp ứng đầy đủ kịp thời vốn cho các doanh nghiệp trong tỉnh Trà Vinh thuộc mọi lĩnh vực: công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ … thực

hiện tốt nghị quyết của tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Trà vinh về chương trình xây dựng, phát triển nông thôn mới, giải quyết công ăn việc làm cho số đông lao động trong tỉnh. Điều này được thể hiện rõ trong việc Chi nhánh không ngừng tăng tổng doanh số cho vay qua 3 năm 2004 - 2006.

- Trong công tác đầu tư, Chi nhánh cũng chú trọng đến các chương trình phát triển kinh tế của tỉnh, thực hiện đầu tư có trọng điểm, kiên quyết không cho vay những dự án không đem lại hiệu quả kinh tế.

- Trong đầu tư tín dụng, Chi nhánh đã cố gắng hạn chế nợ quá hạn phát sinh, tăng cường thu hồi những khoản nợ quá hạn cũ. Chi nhánh cũng tổ chức phân loại nợ, xác định rõ nguyên nhân phát sinh nợ quá hạn và kịp thời đề ra biện pháp xử lý. Bằng chứng là số nợ quá hạn của Chi nhánh qua 3 năm có sự tụt giảm đáng kể.

- Chi nhánh đã đa dạng hóa các phương thức cho vay để phù hợp với điều kiện và nhu cầu kinh doanh của khách hàng như cho vay hạn mức, thấu chi…

Bên cạnh những thành tựu trên, hoạt động của Ngân hàng vẫn còn tồn tại một số mặt hạn chế như:

- Về hoạt động huy động vốn: nguồn vốn huy động của Ngân hàng trong 3 năm 2004 – 2006 đều tăng lên nhưng tốc độ còn thấp, vì thế hoạt động của Chi nhánh còn phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn điều chuyển từ Ngân hàng Công thương Việt Nam.

- Về hoạt động tín dụng: tốc độ tăng trưởng tín dụng của chi nhánh qua các năm đều tăng lên nhưng chủ yếu tập trung vào tín dụng ngắn hạn, doanh số cho vay trung và dài hạn còn thấp.

- Về công tác thu nợ: tuy tỷ lệ thu nợ của Chi nhánh đạt ở mức khá cao nhưng Chi nhánh vẫn chưa thể thu hồi được toàn bộ số nợ đến hạn trong kỳ. Nguyên nhân chủ yếu là do nguyên nhân khách quan, qua đó cho thấy năng lực quản lý rủi ro của cán bộ tín dụng còn hạn chế.

- Về rủi ro tín dụng: qua phân tích về tình hình tín dụng ta thấy tỷ lệ nợ quá hạn có giảm nhưng vẫn còn ở mức cao. Điều này nói lên hoạt động tín dụng của Chi nhánh vẫn còn phụ thuộc nhiều vào các nguyên nhân khách quan.

- Một số mặt tồn tại khác như: việc thẩm định cho vay còn nặng nề về tài sản thế chấp, thủ tục, hồ sơ nên dễ dẫn đến sự hạn chế về quy mô tín dụng. Các cán bộ tín dụng còn thiếu kinh nghiệm trong quản lý rủi ro tín dụng, sự hỗ trợ của các

ngành luật pháp còn chưa triệt để nên Chi nhánh còn gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết nợ tồn đọng.

6.2. Kiến nghị:

Qua phân tích hoạt động kinh doanh của Chi nhánh trong 3 năm gần đây đã cho thấy vai trò rất to lớn của Ngân hàng trong công cuộc xây dựng và phát triển nền kinh tế - xã hội của tỉnh Trà Vinh, ngay cả trong những thời điểm khó khăn nhất của tỉnh, tạo ra tiền đề giúp tỉnh vững bước đi lên. Để tiếp tục giữ vững vai trò của mình, ngoài những giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động, Chi nhánh cần chú ý một số vấn đề sau:

* Về công tác mở rộng địa bàn hoạt động:

Hiện nay ở các khu vực nông thôn, phần lớn trình độ dân trí vẫn còn thấp, người dân chưa quen và rất ngại với các thủ tục giấy tờ. Trong khi đó nhu cầu vay vốn ở nông thôn có thể nói là rất cao, thực tế rất nhiều người vay vốn từ những người tại địa phương với lãi suất rất cao. Để có thể mở rộng hoạt động tín dụng một cách có hiệu quả, Ngân hàng cần hình thành dịch vụ tư vấn tín dụng ở nông thôn bằng cách chọn người ở địa phương có hiểu biết để tiếp thu sự hướng dẫn từ Ngân hàng, sau đó phổ biến lại cho bà con địa phương, hướng dẫn họ làm hồ sơ vay vốn.

* Về mở rộng cơ cấu đầu tư:

Để xây dựng một cơ cấu đầu tư hợp lý, Ngân hàng cần phải nắm rõ các định hướng phát triển của Ủy ban nhân dân tỉnh về các chỉ tiêu, kế hoạch chung cho nền kinh tế của tỉnh và những chỉ tiêu dành riêng cho hoạt động của Ngân hàng. Ngân hàng cũng cần đánh giá tổng quát về tình hình và năng lực hoạt động của các Ngân hàng bạn trên địa bàn tỉnh như Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tổ chức tín dụng khác… từ đó lựa chọn một phương thức kinh doanh riêng cho mình.

Mở rộng đầu tư thường gắn liền với rủi ro nên Ngân hàng cần phải thận trọng, cần kết hợp nhiều biện pháp để vừa mở rộng doanh số cho vay vừa hạn chế tối thiểu rủi ro. Đối với các doanh nghiệp, nhu cầu vay vốn thường là ngắn hạn và có tốc độ quay vòng vốn nhanh. Do vậy Ngân hàng có thể tổ chức cho vay bằng cách sử dụng một tài khoản đặc biệt, trong đó thủ tục vay vốn chỉ cần lập ở lần vay đầu tiên. Những lần vay vốn sau Ngân hàng sẽ sẵn sàng cung cấp vốn mà không

cần lập thủ tục vay vốn mới. Hình thức cho vay này bắt buộc các doanh nghiệp phải nộp cho Ngân hàng số doanh thu thu về ít nhất phải bằng số nợ gốc và lãi mà Ngân hàng đã cho vay. Sử dụng hình thức cho vay này giúp Ngân hàng có thể quản lý được rủi ro và dễ dàng trong xử lý.

Tìm kiếm thêm khách hàng triển khai hình thức cho vay tháu chi đối với khách hàng cá nhân có thu nhập khá.

Tạo mối quan hệ tốt với các ban ngành để được hỗ trợ thu hồi vốn khi có rủi ro xảy ra.

* Về công tác mở rộng các loại hình dịch vụ khác:

Ngoài nguồn lợi nhuận từ hoạt động tín dụng, Ngân hàng còn thu thêm lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh ngoại tệ và các loại hình dịch vụ khác. Tuy nhiên các sản phẩm của Ngân hàng hiện vẫn còn rất ít. Để đáp ứng nhu cầu thanh toán ngày càng cao trong xã hội, cần nghiên cứu mở rộng các loại dịch vụ mới như:

- Khuyến khích khách hàng sử dụng dịch vụ Ngân hàng hiện đại như: phone banking, internet banking, sử dụng thẻ ATM, Séc… Ngân hàng cần bổ sung thêm nhiều máy ATM hơn nữa và các máy này cần phải đựoc liên tục hoạt động, tránh tình trạng thời gian ngưng giao dịch quá lâu sẽ gây ấn tượng không tốt với khách hàng.

- Mở rộng các dịch vụ như cho thuê két sắt, dịch vụ bảo quản tài sản, dịch vụ cầm đồ…

- Ngân hàng nên chủ động tìm hiểu, khơi dậy nhu cầu của khách hàng đối với các dịch vụ mới bằng cách phát phiếu thăm dò, phỏng vấn xin ý kiến đóng góp của khách hàng để lựa chọn loại hình dịch vụ cho phù hợp.

* Về công tác nhân sự:

Sự đa dạng hóa hoạt động của Ngân hàng, sự quyết tâm giữ vững vai trò cùng với mong muốn sao cho hoạt động của Ngân hàng ngày càng hiệu quả hơn gắn liền với vai trò của những người thực hiện, chính là đội ngũ nhân viên của Ngân hàng. Nói đến vấn đề nhân sự, đó không chỉ là vấn đề số lượng mà vấn đề chất lượng còn quan trọng hơn. Ngân hàng nên tạo mối quan hệ với các trường đại học, các trung tâm giáo dục và đào tạo để thông báo nhu cầu và yêu cầu tuyển dụng của mình, Ngân hàng cũng có những biện pháp để thu hút các tài năng trẻ như các chính sách ưu đãi, chính sách đào tạo sau một thời gian làm việc…

Trên đây là một vài ý kiến đóng góp nhằm thúc đẩy hoạt động của Ngân hàng trong tương lai. Với vốn kiến thức còn hạn chế của mình, đây chỉ là những ý kiến mang tính chất tham khảo, chắc hẳn sẽ còn nhiều thiếu sót hoặc chưa phù hợp, tác giả rất mong nhận được ý kiến đóng góp nhiệt tình từ phía Ban lãnh đạo, các cô, chú, anh, chị công tác tại Ngân hàng và ý kiến của quý thầy cô Khoa Kinh tế-QTKD trường Đại học Cần Thơ cùng các bạn để những kiến nghị này có ý nghĩa thiết thực hơn.

Một phần của tài liệu Phân tích hiệu quả huy động vốn và cho vay tại Chi nhánh Ngân hàng Công thương tỉnh Trà Vinh.doc (Trang 81 - 86)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(73 trang)
w