MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ TÍN DỤNG VÀ HẠN CHẾ RỦI RO TÍN DỤNG
5.2.2 Giải pháp hạn chế rủi ro tín dụng
Tăng trưởng dư nợ phải trên cơ sở tăng trưởng nguồn vốn ổn định và kiểm soát được chất lượng. Do đó để hạn chế rủi ro đến mức thấp nhất trong hoạt động tín
dụng, theo em NHNo Kiên Giang cần phải thực hiện tốt một số công việc sau:
* Phân công cán bộ làm công tác tín dụng phải đảm bảo một số phẩm chất:
- Cán bộ tín dụng là nhân tố giữ một vai trò quan trọng trong việc mang lại hiệu quả và hạn chế rủi ro cho hoạt động tín dụng của ngân hàng. Vì vậy, trước tiên người cán bộ tín dụng cần phải có tinh thần trách nhiệm cao, yêu nghề, phải có trình độ chuyên môn, sắp xếp giải quyết công việc khoa học nhạy bén thì mới đủ khả năng hoàn thành tốt công việc trong thời kỳ cạnh tranh gay gắt giữa các tổ chức tín dụng, khi mà mỗi cán bộ phải đảm trách công việc rất lớn cả về khối lượng (số hộ, dư nợ) và chất lượng (hiệu quả đầu tư tín dụng). Cụ thể:
+ Cán bộ tín dụng phải có năng lực để giải quyết các vấn đề về chuyên môn nghiệp vụ như khi giải quyết một món vay nào đó nhất thiết phải biết hồ sơ tín dụng cần phải làm những gì, đối tượng mà mình cho vay có phù hợp với tình hình phát triển kinh tế địa phương không, hiệu quả kinh tế của món vay và khả năng thu hồi nợ…Muốn như vậy thì cán bộ tín dụng phải có kiến thức được đào tạo, phải có kỹ
năng để xử lý và đánh giá các thông tin liên quan đến công việc minh đang làm và sẽ làm.
+ Cán bộ tín dụng phải có năng lực dự đoán về triển vọng phát triển phát triển kinh tế của địa phương, của từng vùng trong từng thời kỳ xuất phát từ kinh nghiệm ở trường lớp và thời gian công tác thực tiễn. Đây được coi là sự nhạy bén đem lại hiệu quả cao trong công tác tín dụng.
+ Cán bộ tín dụng phải hội đủ uy tín trong quan hệ xã hội, khi phân công địa bàn cho cán bộ phải xem xét đến khả năng giao tiếp, xử lý tình huống. Bởi vì rủi ro tín dụng nó tiềm ẩn ngay từ khi quyết định cho vay, do vậy cán bộ tín dụng phải luôn tỉnh táo cảnh giác trong mọi trường hợp và phải biết tuân thủ chặt chẽ các quy trình nghiệp vụ tín dụng.
- Ngoài ra, ngân hàng cần phải có quy định về khen thưởng, kỷ luật kịp thời, thỏa đáng, đúng người, đúng việc nhằm động viên, khích lệ những người làm tốt, tích cực; kịp thời góp ý, phê bình những người làm chưa tốt. Qua đó sẽ là nguồn động lực về tinh thần rất lớn để mọi người cùng phấn đấu, năng động hơn, sáng tạo hơn nâng cao tinh thần trách nhiệm góp phần không nhỏ trong việc hạn chế rủi ro và nâng cao chất lượng tín dụng.
* Phải thực hiện nghiêm túc các quy trình cho vay, kiểm tra và giám sát vốn vay:
- Nâng cao kỹ năng thẩm định dự án, phương án sản xuất kinh doanh:
Một trong những quy định điều kiện vay vốn là phải có dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh khả thi, có hiệu quả. Khâu thẩm định là khâu then chốt nhất, ngân hàng làm tốt khâu thẩm định sẽ phòng ngừa được rủi ro trong hoạt động tín dụng.
Muốn nâng cao được khả năng thẩm định dự án thì cán bộ tín dụng phải thường xuyên thu thập và cập nhật thông tin về thị trường, giá cả, các thiết bị, công nghệ mới trong và ngoài nước, kỹ thuật, quy trình sản xuất về nuôi trồng, chế biến… theo từng loại cây con, ngành nghề của từng vùng, liên quan đến đối tượng, định hướng đầu tư của ngân hàng Nông nghiệp.
Việc tính toán, xác định thời hạn cho vay là rất quan trọng, nó ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả đầu tư của ngân hàng, ngân hàng phải tính toán sao cho thời hạn cho vay phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh tạo điều kiện cho người vay có nguồn thu nhập, trả nợ đúng hạn, góp phần làm giảm tỷ lệ nợ quá hạn phát sinh.
Thực hiện kiểm tra thường xuyên và định kỳ giám sát hộ vay sử dụng tiền vay đúng mục đích đề phòng những bất trắc có thể xảy ra. Đây cũng là một biện pháp để ngăn ngừa hạn chế rủi ro vì qua kiểm tra sẽ phát hiện được những việc kinh doanh không bình thường để xử lý kịp thời.
Trong thực tế cũng còn trường hợp thực hiện công tác kiểm tra, giám sát vốn vay chỉ mang tính hình thức như lập phiếu kiểm tra sử dụng vốn vay ngay từ khi giải quyết cho vay hoặc cán bộ tín dụng thay khách hàng ký trên phiếu kiểm tra sử dụng vốn vay cho hợp lệ. Đây cũng là mầm móng dẫn đến rủi ro mà chúng ta không nên làm.
- Kiểm tra tiến độ thực hiện dự án, phương án sản xuất kinh doanh:
Một trong những biện pháp để hạn chế rủi ro và nâng cao hiệu quả đầu tư tín dụng là phải làm tốt công tác kiểm tra sau khi cho vay để kịp thời đôn đốc, xử lý những trường hợp người vay trả nợ, lãi không đúng hạn, tìm hiểu nguyên nhân đồng thời đưa ra những giải pháp thích hợp để hỗ trợ, giúp đỡ người vay có hướng giải quyết nhằm đảm bảo an toàn vốn tín dụng.
* Thực hiện đầy đủ các thủ tục về bảo đảm tiền vay:
Bảo đảm tiền vay là một trong những biện pháp hỗ trợ nguồn thu nợ thứ hai của ngân hàng khi khách hàng vay gặp rủi ro không trả được nợ. Do vậy, thực hiện đầy đủ các thủ tục về bảo đảm tiền vay là một trong các biện pháp nhằm hạn chế rủi ro tín dụng cho ngân hàng.
- Đối với loại tài sản là bất động sản: Phải xác định đúng chủ sở hữu đích thực, những người hưởng quyền lợi liên quan đến tài sản, xem xét đến cả khả năng thanh khoản của loại tài sản dùng làm bảo đảm tiền vay này (có bán được nhanh chóng dễ dàng không).
- Đối với loại tài sản là động sản: Phải có đầy đủ giấy tờ hợp lệ, hợp pháp, đứng tên người vay và ngân hàng cho vay phải là người nắm giữ các giấy tờ sở hữu các động sản này.
* Tiến hành phân loại khách hàng:
Thông qua việc cho vay, giám sát quá trình cho vay, cán bộ tín dụng phụ trách địa bàn căn cứ vào uy tín và mối quan hệ vay trả của khách hàng để phân loại khách hàng theo mức độ tín nhiệm:
+ Nhóm A: là những khách hàng có uy tín trong quan hệ vay trả nợ đúng cam kết hợp đồng tín dụng, đó là hoàn trả gốc và lãi vay đầy đủ, đúng hạn.
+ Nhóm B: là những khách hàng vay vốn thực hiện chậm theo hợp đồng tín dụng và các đối tượng vay chưa đủ mức độ tín nhiệm, cán bộ tín dụng phải thường xuyên theo dõi, giám sát quá trình sử dụng vốn vay để có biện pháp ngăn chặn kịp thời, đảm bảo an toàn vốn tín dụng.
+ Nhóm C: là những khách hàng sử dụng vốn vay sai mục đích, đã phát sinh nợ quá hạn. Ngân hàng cần tăng cường giám sát nguồn vốn cho vay, có thể tham gia tư vấn cùng với khách hàng trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đồng thời thường xuyên có sự đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng để từ đó có sự kết hợp với các ngành liên quan thu hồi nợ kịp thời khi khoản vay có biểu hiện xấu.
Việc phân loại khách hàng phải được thực hiện thường xuyên và ít nhất một năm phải phân loại một lần.
* Việc tăng trưởng tín dụng phải gắn liền với đa dạng hoá đối tượng đầu tư và
từng bước điều chỉnh lại cơ cấu đầu tư hợp lý, không nên nghĩ nông nghiệp là ngành ưu thế mà tập trung vốn quá cao vì ngành này thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai nên dễ dẫn đến rủi ro.
* Lập quỹ dự phòng rủi ro: việc lập quỹ dự phòng có ý nghĩa giúp cho ngân hàng bù đắp được tổn thất do rủi ro tín dụng gây nên từ đó không gây ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng. Tỷ lệ trích lập dự phòng cụ thể đối với các nhóm nợ được quy định như sau: nhóm 1: 0%; nhóm 2: 5%, nhóm 3: 20%, nhóm 4: 50% và nhóm 5 là 100%.
* Ngân hàng nên thực hiện việc cho vay hợp vốn:
Cho vay hợp vốn là hình thức cùng một lúc có thể là hai hoặc ba ngân hàng cho vay một khách hàng với cùng một dự án, phương án sản xuất kinh doanh. Nó có ưu điểm là: từng ngân hàng vừa đa dạng hoá chiến lược mở rộng tín dụng của mình, lại vừa phân tán được rủi ro một khi khách hàng làm ăn không hiệu quả thì lúc này rủi ro tín dụng của một ngân hàng chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng rủi ro.
Ngoài ra, lợi thế của việc cho vay hợp vốn là các ngân hàng có thể học hỏi lẫn nhau về nghiệp vụ kinh doanh đặc biệt là nghiệp vụ tín dụng của các ngân hàng khác.
Để thực hiện phương thức này đòi hỏi mỗi cán bộ tín dụng phải chủ động tìm kiếm khách hàng, nên tập trung vào các doanh nghiệp lớn làm ăn hiệu quả, có uy tín trên địa bàn mình và về phía ngân hàng phải có chính sách tín dụng năng động, phù hợp với cơ chế thị trường, thủ tục cấp tín dụng phải thuận lợi, nhanh chóng và đảm bảo an toàn.
Từng cán bộ tín dụng phải tích cực tiếp cận những hộ vay đến hạn, quá hạn tìm hiểu nguyên nhân vì sao các hộ vay đó không có nguồn thu trả nợ. Qua xem xét, đánh giá nguyên nhân đưa ra biện pháp xử lý thu hồi nợ thích hợp, giải quyết nhanh chóng sẽ hạn chế được rủi ro trong đầu tư tín dụng, cụ thể:
- Đối với những hộ vay do gặp khó khăn trong quá trình sản xuất kinh doanh, nợ vay của ngân hàng đã đến hạn nhưng chưa có thu nhập để trả thì ngân hàng cần tạo điều kiện cho hộ vay tiếp tục sản xuất kinh doanh bằng cách cho gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ…còn có thể tạo điều kiện cho họ vay thêm để bổ sung vốn, khôi phục lại công việc có nguồn thu trả nợ cho ngân hàng.
- Đối với những món nợ quá hạn dưới 6 tháng và có khả năng thu hồi: khi khách hàng vay gặp rủi ro khách quan trong sản xuất kinh doanh, gặp rủi ro do hạn chế về trình độ quản lý, họ bị thua lỗ thì cán bộ tín dụng cần tư vấn, động viên họ điều chỉnh lại cho phù hợp và yêu cầu họ cam kết trong thời hạn nhất định phải trả nợ cho ngân hàng.
- Đối với những món nợ quá hạn trên 6 tháng đến 12 tháng thì cán bộ tín dụng và ban lãnh đạo ngân hàng cần tranh thủ sự hỗ trợ của các cấp Ủy Đảng và chính quyền địa phương trong việc thu hồi nợ quá hạn, tiếp cận hộ vay, động viên họ trả nợ và phải làm cam kết trước chính quyền và cán bộ ngân hàng. Nếu hết thời hạn cam kết mà họ vẫn không trả nợ thì ngân hàng sẽ tiến hành việc đấu giá phát mãi tài sản đã thế chấp để thu hồi nợ.
- Đối với các món vay quá hạn trên 12 tháng thì ngân hàng phải xử lý thật kiên quyết vì họ đã cố tình chây ỳ không chịu trả nợ. Trường hợp này, ngân hàng cùng địa phương tiến hành thu hồi tài sản đã thế chấp và cho đấu giá phát mãi công khai, nếu cần thiết có thể yêu cầu các cơ quan pháp luật dùng biện pháp cưỡng chế để thu hồi nợ.
- Đối với những món vay quá hạn do nguyên nhân bất khả kháng như: lũ lụt, hỏa hoạn,...thì ngân hàng phải tiến hành lập danh sách và làm các thủ tục đầy đủ theo
quy định của NHNo &PTNT Việt Nam về việc tiến hành khoanh nợ, xoá nợ.
Tóm lại, những nguyên tắc và giải pháp nêu trên có thể được xem là kim chỉ nam để mỗi cán bộ tín dụng dựa vào đó hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, đầu tư vốn ngân hàng một cách hiệu quả, an toàn, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng. Ngoài ra, chất lượng tín dụng còn là chỉ tiêu để đánh giá mỗi cán bộ vì vậy bản thân mỗi cán bộ
cần phải cố gắng hơn nữa để xứng đáng là một tập thể vững mạnh của NHNo Kiên
Giang.
CHƯƠNG 6