THỪA KẾ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT THEO PHÁP LUẬT

Một phần của tài liệu Thừa kế quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật Việt Nam 2 (Trang 50 - 59)

Trên thực tế, nhiều trường hợp người có tài sản khi chết đi đã không lập di chúc, hoặc có lập di chúc nhưng di chúc không đảm bảo để có hiệu lực pháp luật cho việc thực hiện thừa kế theo di chúc, do đó pháp luật đã quy định một hình thức thừa kế khác là thừa kế theo pháp luật. Những người thừa kế theo pháp luật đều là những người có ít nhất một trong các mối quan hệ về hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng, nên dù không có di chúc thì thừa kế theo pháp luật cũng được suy đoán là gần nhất với nguyện vọng của người để lại di sản thừa kế. Dù vậy đó vẫn chỉ là suy đoán, còn thực chất thì thừa kế theo

pháp luật không phụ thuộc vào ý chí của người để lại di sản. "Nếu thừa kế theo di chúc là nhằm chuyển tài sản của người để lại di sản cho người thừa kế theo sự định đoạt ý chí của người lập di chúc thì thừa kế theo pháp luật là việc

phân chia di sản cho người thừa kế theo ý chí của Nhà nước" [29, tr. 78]

"Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định" [25, Điều 674]. Thừa kế quyền sử dụng đất theo pháp luật là sự dịch chuyển quyền sử dụng đất từ người chết sang cho người thừa kế theo hàng với điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định.

Thừa kế quyền sử dụng đất theo pháp luật cũng phải tuân theo quy định chung về thừa kế theo pháp luật, các quy định về thừa kế quyền sử dụng đất trong Bộ luật Dân sự (từ Điều 733 đến Điều 735). Ngoài ra, hình thức thừa kế này còn phải tuân theo những quy định về đất đai liên quan đến thừa kế quyền sử dụng đất.

2.2.1. Những trường hợp thừa kế theo pháp luật

Điều 675 Bộ luật Dân sự đã quy định về các trường hợp thừa kế theo pháp luật. Những trường hợp này cũng được áp dụng đối với thừa kế theo pháp luật quyền sử dụng đất. Có thể toàn bộ di sản đều được để lại thừa kế theo pháp luật nhưng cũng có thể trong khối di sản đó, có phần áp dụng thừa kế theo pháp luật, có phần áp dụng thừa kế theo di chúc.

- Không có di chúc

Đây là trường hợp người để lại thừa kế không lập di chúc mặc dù họ đủ điều kiện để được lập di chúc. Khi không có di chúc, di sản là quyền sử dụng đất mà họ để lại sẽ được chia theo pháp luật. Áp dụng thừa kế theo pháp luật trong trường hợp này cần lưu ý có thể di chúc bị ai đó giấu hay hủy đi (do tư lợi cá nhân) hoặc bị thất lạc mà không ai biết, nên cần phải kiểm tra để tránh ảnh hưởng đến nguyện vọng của người có tài sản để lại.

- Di chúc không hợp pháp

Mặc dù có di chúc nhưng di chúc lại vi phạm các điều kiện có hiệu lực của di chúc, do đó di chúc không hợp pháp và bị vô hiệu. Vì vậy, di sản cũng sẽ được để lại thừa kế theo pháp luật.

- Những người thừa kế theo di chúc đều chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn vào thời điểm mở thừa kế.

Đây là trường hợp di chúc bị vô hiệu toàn bộ, và di sản được định đoạt trong di chúc sẽ được chia theo pháp luật.

- Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối quyền nhận di sản.

Những người không có quyền hưởng di sản ở đây là thuộc những trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 643 Bộ luật Dân sự. Tuy nhiên, nếu người để lại di sản đã biết hành vi đó nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc (có di chúc được lập sau khi người để lại di sản biết được hành vi vi phạm của người thừa kế) thì không áp dụng thừa kế theo pháp luật.

Từ chối nhận di sản đã được pháp luật quy định tại Điều 642 Bộ luật Dân sự. Người thừa kế khi từ chối quyền nhận di sản cần tuân theo quy định này thì mới áp dụng chia thừa kế theo pháp luật. Còn trong trường hợp người thừa kế muốn nhường phần di sản mà mình được hưởng cho một người nào đó, nhưng không phải là từ chối quyền nhận di sản thì di sản cũng không được chia theo pháp luật (ví dụ A nhường phần di sản của mình được nhận cho B, khi đó coi như A đã nhận thừa kế và cho B tài sản này, và như vậy phần di sản của A không đưa ra chia theo pháp luật cho những người thừa kế khác).

- Phần di sản không được định đoạt trong di chúc

Người để lại thừa kế chỉ lập di chúc định đoạt một phần di sản của mình, khi đó phần di sản còn lại không được định đoạt trong di chúc sẽ được chia theo pháp luật.

- Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật

Di chúc bị vô hiệu một phần mà không làm ảnh hưởng đến các phần khác, thì phần di sản có liên quan đến phần di chúc vô hiệu này sẽ được chia theo pháp luật.

- Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối quyền nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn vào thời điểm mở thừa kế.

Trong trường hợp không có người thừa kế theo di chúc, theo pháp luật hoặc có nhưng không được quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản thì tài sản còn lại sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài sản mà không có người nhận thừa kế thuộc Nhà nước (Điều 644 Bộ luật Dân sự).

2.2.2. Diện và hàng thừa kế

Diện thừa kế

Dưới góc độ quy định của pháp luật, diện thừa kế chưa được đề cập tới. Nhưng dưới góc độ khoa học pháp lý của Việt Nam nhận thấy, một người có thể được hưởng di sản thừa kế nếu họ thuộc một trong ba mối quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng với người để lại di sản. Ở đây chỉ là khả năng có thể được hưởng mà không phải quyền của họ được hưởng. "Như vậy, có thể hiểu: Diện thừa kế là phạm vi những người có thể được hưởng di sản do người chết để lại được xác định theo một trong ba quan hệ (quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng) với người để lại di sản" [11, tr. 278].

Các căn cứ để xác định diện thừa kế theo pháp luật: - Quan hệ hôn nhân:

Theo Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 quy định: "Hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi đã kết hôn" [21]. Như vậy quan hệ

hôn nhân chính là quan hệ giữa một người nam và một người nữ sau khi có kết hôn hợp pháp. Họ trở thành vợ chồng, có các quyền và nghĩa vụ đối với nhau, trong đó có quyền thừa kế: "Vợ chồng có quyền thừa kế tài sản của nhau theo quy định của pháp luật về thừa kế" [21, khoản 1 Điều 31].

Hôn nhân hợp pháp cần phải đảm bảo các điều kiện về độ tuổi, về sự tự nguyện khi kết hôn (Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000) và không thuộc các trường hợp cấm kết hôn (Điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000). Tuy nhiên, do lịch sử nước ta đã trải qua chế độ phong kiến lạc hậu khá lâu, nên thực trạng hôn nhân đa thê, tảo hôn diễn ra tương đối phổ biến. Văn bản pháp luật không thể kịp thời xóa bỏ ngay lập tức tình trạng này. Nhằm khắc phục điều đó, Nghị quyết số 35/2000/QH10 của Quốc hội về việc thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 và Nghị định số 77/2001/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2001 quy định chi tiết về đăng ký kết hôn theo Nghị quyết số 35/2000/QH10 đã có quy định hướng dẫn cụ thể việc đăng ký kết hôn đối với những trường hợp nam nữ sống chung mà chưa đăng ký kết hôn.

- Quan hệ huyết thống

Quan hệ huyết thống là quan hệ giữa những người cùng dòng máu (như cụ với ông bà; ông bà với cha mẹ; cha mẹ với con; anh chị em ruột với nhau; ông bà với cháu; cô, gì, chú, bác ruột với cháu;... (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Có quan hệ huyết thống cùng dòng máu về trực hệ và cùng dòng máu về bàng hệ. Trực hệ xác định mối quan hệ theo chiều dọc như cha mẹ đẻ với con đẻ (kể cả con ngoài giá thú); ông bà với cháu nội, cháu ngoại... Bàng hệ xác định mối quan hệ theo chiều ngang, không trực tiếp sinh ra nhau nhưng có cùng một nguồn gốc chung như anh chị em ruột với nhau; cô, gì, chú, bác ruột với cháu ruột;...

- Quan hệ nuôi dưỡng

Quan hệ nuôi dưỡng được xuất phát từ việc quan tâm, chăm sóc, nuôi dưỡng như nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng của những thành viên trong gia

đình (cha mẹ với con đẻ và ngược lại; ông bà với cháu nội, cháu ngoại và ngược lại; anh chị em ruột với nhau...); xác định quan hệ nuôi dưỡng còn thông qua sự kiện nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, quan hệ nuôi dưỡng còn xuất phát từ trường hợp con riêng với bố dượng, mẹ kế khi họ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau cha con, mẹ con.

Hàng thừa kế

Trên cơ sở diện thừa kế, pháp luật đã quy định ra các hàng thừa kế, những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau, những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản. Thứ tự hàng thừa kế được sắp xếp theo nguyên tắc ưu tiên:

(1) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.

Quan hệ vợ, chồng phải là quan hệ hôn nhân hợp pháp theo Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000. Tuy nhiên, quan hệ vợ chồng trong những trường hợp sau cũng được công nhận là vợ chồng và được thừa kế di sản của nhau: Một là, quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 03/01/1987 (ngày Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1986 có hiệu lực pháp luật) mà chưa đăng ký kết hôn; hai là, nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng từ ngày 03/01/1987 đến ngày 01/01/2001 (ngày Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 có hiệu lực pháp luật), có đủ điều kiện nhưng chưa đăng ký kết hôn (nhưng sau ngày 01/01/2003 mà không đăng ký kết hôn thì không được công nhận là vợ chồng).

Vợ (chồng) của người chết vẫn được thừa kế tài sản ở hàng thừa kế thứ nhất trong các trường hợp: khi còn sống họ đã chia tài sản chung; họ đã xin ly hôn nhưng bản án hoặc quyết định của Tòa án chưa có hiệu lực pháp luật; sau khi một người chết thì đi kết hôn với người khác; nhiều vợ (nhiều

chồng) được pháp luật thừa nhận thì những người vợ (chồng) của người này đều được thừa kế ở hàng thứ nhất và ngược lại.

Việc nhận nuôi con nuôi được pháp luật thừa nhận thì cha mẹ nuôi và con nuôi được thừa kế di sản của nhau. Theo quy định của pháp luật hiện hành, con nuôi vừa được thừa kế theo pháp luật của cha mẹ nuôi vừa được thừa kế theo pháp luật của cha mẹ đẻ. Cần lưu ý là con nuôi và con đẻ của cha mẹ nuôi không có quan hệ thừa kế theo hàng.

Con riêng và bố dượng, mẹ kế không thuộc hàng thừa kế nào nhưng theo quy định tại Điều 679 Bộ luật Dân sự năm 2005 nếu họ có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau ở hàng thừa kế thứ nhất và trường hợp này được áp dụng thừa kế thế vị đối với con đẻ của con nuôi. Ở đây có một vấn đề là hiểu thế nào là "có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con", vậy chỉ có một bên có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng có được công nhận không, hay một bên không trực tiếp chăm sóc, ít quan tâm mà chỉ gửi tiền cho để sinh sống thì có được coi là có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng không? Để tránh nhiều cách hiểu khác nhau, pháp luật cần cụ thể hơn về điểm này.

(2) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại.

Theo Bộ luật Dân sự năm 1995, hàng thừa kế thứ hai không có cháu ruột và hàng thừa kế thứ ba không có chắt ruột của người chết mà người chết là ông (bà) nội, ông (bà) ngoại, cụ nội, cụ ngoại. Việc quy định này có lẽ là do nhà làm luật cho rằng cháu và chắt sẽ được thừa kế thế vị nên không nhất thiết phải đưa vào hàng thừa kế. Đến Bộ luật Dân sự năm 2005, việc bổ sung này đã tạo ra sự thừa kế triệt để hơn cho những người có quan hệ huyết thống gần gũi.

Khi hàng thừa kế thứ nhất đều đã chết không còn ai, thì các cháu (mà cha mẹ chúng là những người ở hàng thừa kế thứ nhất đã chết) được thừa kế thế vị, mà không phải được thừa kế ở hàng thứ hai.

Nếu những người ở hàng thừa kế thứ nhất đều không còn ai do đều từ chối quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hay không có quyền hưởng di sản (theo Điều 643 Bộ luật Dân sự năm 2005), thì các cháu (con của những người ở hàng thừa kế thứ nhất) sẽ được thừa kế ở hàng thứ hai (mà không phải thế chân cha mẹ thừa kế ở hàng thừa kế thứ nhất như thừa kế thế vị). Đây chính là trường hợp cháu sẽ không được thừa kế nếu cháu không được bổ sung vào hàng thừa kế thứ hai.

Nhưng nếu ở hàng thừa kế thứ nhất ngoài những người từ chối quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản, không có quyền hưởng di sản thì vẫn còn những người khác, trong trường hợp này di sản thừa kế sẽ được chia cho những người thừa kế còn lại này, mà các cháu không được thừa kế ở hàng thứ hai.

(3) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Tương tự như trường hợp thừa kế của cháu ở trên, cũng cần lưu ý trường hợp khi hàng thừa kế thứ hai đều không còn ai nhưng do đều đã chết thì chắt được thừa kế thế vị còn nếu do từ chối quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản, không có quyền hưởng di sản thì chắt sẽ thừa kế ở hàng thứ ba.

Người thừa kế quyền sử dụng đất theo pháp luật chỉ có thể là cá nhân và cá nhân đó ngoài điều kiện phải còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết, thì còn phải thuộc hàng thừa kế hoặc thừa kế thế vị. Đối với quyền sử dụng đất nông nghiệp để trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản, mặc dù Luật Đất đai năm 2003 và Bộ luật Dân sự năm 2005 đã bỏ quy định về điều kiện đối với người thừa kế (có nhu cầu sử dụng đất, phải có

điều kiện trực tiếp sử dụng đất đúng mục đích, sử dụng đất dưới hạn mức) nhưng trên thực tế thì điều kiện này vẫn là cơ sở được xem xét khi chia thừa kế. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài không được để lại thừa kế và nhận

Một phần của tài liệu Thừa kế quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật Việt Nam 2 (Trang 50 - 59)