MỘT SỐ KIẾN NGHỊ NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ CỦA CÁC QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ THỪA KẾ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Một phần của tài liệu Thừa kế quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật Việt Nam 2 (Trang 82 - 88)

ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ THỪA KẾ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

3.2.1. Xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, phù hợp, đầy đủ và cụ thể hơn về thừa kế quyền sử dụng đất

Những văn bản pháp luật được ban hành phải thống nhất, không chồng chéo, mâu thuẫn với nhau.

Pháp luật cần sửa đổi những vấn đề không phù hợp; sửa đổi, bổ sung hay hướng dẫn những quy định về thừa kế quyền sử dụng đất được cụ thể, rõ ràng và đầy đủ hơn: thời hiệu khởi kiện về thừa kế; di chúc của người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi cần có sự đồng ý của cha mẹ về việc cho lập di chúc hay phải được đồng ý cả về nội dung; việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ di chúc chung của vợ chồng nên quy định cho cả hai người đều có quyền này ở bất kỳ thời điểm nào kể cả khi cả hai người còn sống (nhưng chỉ liên quan đến tài sản của người đó); sửa đổi về từ chối nhận di sản…

Đặc biệt cần lưu ý những vấn đề mang tính phổ biến, ảnh hưởng nhiều đến việc thừa kế quyền sử dụng đất, dễ gây ra tranh chấp, tạo sự khó khăn trong giải quyết của tòa án và các cơ quan khác. Chúng tôi xin đưa ra một số kiến nghị về từng vấn đề như sau:

Thứ nhất, xác định rõ tranh chấp thừa kề quyền sử dụng đất là tranh chấp đất đai nên hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã là thủ tục bắt buộc.

Những vấn đề về dân sự, pháp luật rất coi trọng thương lượng, thỏa thuận. Do đó, thừa kế quyền sử dụng đất cũng cần có thủ tục hòa giải ở cơ sở, cũng như tại Ủy ban nhân dân. Có người cho rằng trình độ pháp luật của những người

hòa giải tại địa phương hạn chế nên dễ gây hậu quả bất lợi cho người thừa kế khác, hay người thứ ba nào đó. Nhưng theo tôi, nếu hòa giải thành sẽ tránh được tốn kém, đồng thời tạo được hòa khí giữa các bên. Trường hợp ảnh hưởng nhiều đến quyền lợi của người khác rất hiếm gặp, giả sử nếu có mà người đó không thỏa mãn thì vẫn có quyền khiếu kiện để bảo vệ quyền lợi cho mình.

Để thống nhất cách giải quyết giữa các Tòa án, pháp luật cần quy định rõ ràng hơn về thủ tục hòa giải tại Ủy ban nhân dân là bắt buộc trong quá trình giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất. Ngoài ra, nên hướng dẫn trường hợp thời hiệu khởi kiện sắp hết, khi phát hiện tranh chấp chưa được hòa giải tại địa phương thì tòa án vẫn thụ lý đơn khởi kiện sau đó hướng dẫn cho đương sự về thực hiện hòa giải, nếu hòa giải thành thì đình chỉ vụ án, hòa giải không thành, tòa án tiếp tục giải quyết.

Thứ hai, về khởi kiện thừa kế di sản chung của vợ chồng khi một người chết trước thì thời hiệu khởi kiện nên được tính từ thời điểm người sau cùng chết.

Để đảm bảo cho những người thừa kế giải quyết được tranh chấp chia di sản thừa kế của cha mẹ để lại, thời hiệu khởi kiện nên được tính từ thời điểm người cha (hoặc mẹ) chết sau. Nhiều trường hợp, cha (hoặc mẹ) chết sớm nên thời hiệu khởi kiện đã hết từ lâu, khi có tranh chấp thì chỉ phần di sản còn thời hiệu khởi kiện mới được giải quyết, phần di sản đã hết thời hiệu lại thuộc người đang quản lý nó thì không được công bằng. Bởi chúng ta đã biết, người Việt Nam khi cha hoặc mẹ chết thì con cái thường không nghĩ đến việc đòi thừa kế của người đã chết mà mặc nhiên để cho người còn sống quản lý khối di sản, như vậy, xét về tình thì không nên quy lỗi cho người thừa kế đánh mất quyền khởi kiện của mình.

Vì vậy, việc quy định thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế chung của vợ chồng khi một bên chết trước được tính từ thời điểm người sau cùng chết là phù hợp với tình hình thừa kế của nước ta.

Thứ ba, sửa đổi quy định chia tài sản chung khi hết thời hiệu khởi kiện theo hướng dẫn của Nghị quyết 02/2004

Trên thực tế, việc chia tài sản chung theo Nghị quyết 02/2004 ít được áp dụng, bởi lẽ nếu các đồng thừa kế đều không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản thừa kế chưa chia, thì họ sẽ tự phân chia với nhau, tránh mất thời gian cũng như tốn kém cho quá trình yêu cầu Tòa án phân chia. Nếu đã có tranh chấp mà họ không thể tự phân chia thì thường lại vi phạm vào điều kiện chia tài sản chung theo Nghị quyết 02, nên tòa án cũng không thể áp dụng để chia được.

Do đó, đã có nhiều quan điểm cho rằng nên bỏ quy định về chia tài sản chung theo Nghị quyết 02/2004 vì nó làm vô hiệu hóa thời hiệu khởi kiện. Chẳng hạn, mạng điện tử của Báo pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh có đăng tải:

Theo ThS. Nguyễn Xuân Quang (giảng viên Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh), luật đặt ra thời hiệu khởi kiện nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi của đương sự nhưng cũng bảo vệ lợi ích công cộng. Nếu thời hiệu khởi kiện này bị kéo dài không cần thiết sẽ làm xáo trộn các lợi ích xã hội khác. Thời hiệu để khởi kiện thừa kế là 10 năm thì người dân phải có ý thức thực hiện trong khoảng thời gian đó, nếu không, xem như đã tự từ bỏ quyền của mình và phải tự gánh chịu thiệt thòi, bất lợi (nếu có) [34].

Đồng tình, thẩm phán N. (TAND TP.HCM) và luật sư Nguyễn Thị Dung (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Kon Tum) cũng nhận xét việc "biến tướng" tranh chấp di sản đã hết thời hiệu khởi kiện thành chia tài sản chung chẳng khác nào góp phần làm vô hiệu thời hiệu khởi kiện thừa kế mà luật đã định. Vì vậy, nên cương quyết bỏ hẳn chuyện chia tài sản chung này

Tuy nhiên, theo quan điểm của riêng mình, tôi nhận thấy trước đây quản lý đất đai của nước ta chưa chặt chẽ, rõ ràng, đất đai lại chưa có giá như bây giờ nên những người trong cùng gia đình không quan tâm đến quyền thừa kế hoặc không biết quyền lợi của mình về thừa kế đất đai, do đó họ đã không

khởi kiện khi còn thời hiệu. Bởi thế, việc quy định về chia tài sản chung vẫn là cần thiết để đảm bảo lợi ích cho những người này, ít nhất là trong giai đoạn hiện nay. Nhưng Nghị quyết 02 cũng cần sửa đổi cho phù hợp để phát huy được tác dụng trên thực tế.

Thứ tư, nên dành một phần riêng trong Bộ luật Dân sự để quy định về di chúc chung của vợ chồng.

Trong đó các vấn đề cần được quy định phù hợp với đặc thù của di chúc chung, tránh mâu thuẫn với các quy định khác, đặc biệt chú tâm đến hai vấn đề là sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung và hiệu lực pháp luật của di chúc chung.

Thứ năm, pháp luật cần quy định việc giải quyết của những cơ quan mà đương sự khởi kiện trước nhưng không đúng thẩm quyền là trở ngại khách quan.

Trên thực tế xảy ra nhiều trường hợp, khi có tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, thay vì đến tòa án để khởi kiện, người dân lại mang đơn đến cơ quan công an hay Ủy ban nhân dân để đề nghị bảo vệ quyền lợi cho mình. Và cũng không ít lần, khi cơ quan công an hay Ủy ban nhân dân trả lại đơn do không đúng thẩm quyền thì thời hiệu khởi kiện đã hết. Mặt khác, chúng ta cũng hiểu rằng, trong khi cơ quan công an hay Ủy ban nhân dân xử lý đơn, người khởi kiện không thể thực hiện việc khởi kiện của mình ở tòa án. Do đó, để bảo vệ quyền lợi của người khởi kiện, pháp luật nên có hướng dẫn cụ thể là việc xử lý đơn của những cơ quan công an hay Ủy ban nhân dân trong trường hợp này được coi là trở ngại khách quan và không tính vào thời hiệu khởi kiện.

Thứ sáu, cần quy định cụ thể, đầy đủ hơn về di sản thờ cúng, di tặng Thứ bảy, ghi nhận quyền sử dụng đất hợp pháp cho người được tặng cho khi xác định được ý chí tặng cho của người để lại di sản và người

được tặng cho đã sinh sống ổn định lâu dài, trồng cây, canh tác, làm nhà kiên cố cho dù thủ tục tặng cho chưa hoàn tất hoặc hình thức hợp đồng không đảm bảo.

Nếu quy định một cách cứng nhắc trong trường hợp này hợp đồng tặng cho đều phải đảm bảo đủ các điều kiện về hình thức, thủ tục mới công nhận sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người được tặng cho, làm trái với ý

chí của người tặng cho. Do đó, để tránh các quan điểm xét xử khác nhau của

các tòa án, pháp luật cần quy định cụ thể khi có căn cứ xác định được ý chí của bên tặng cho quyền sử dụng đất, và người được tặng cho cũng đã sử dụng đất ổn định thì cần cho họ quyền sử dụng hợp pháp phần đất đó.

Thứ tám, sửa đổi khoản 3 Điều 43 Nghị định 181/2004/NĐ-CP về

ghi tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo hướng phù hợp để đảm bảo quyền lợi cho hộ gia đình sử dụng đất mà có vợ hoặc chồng là người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

3.2.2. Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật

Việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật là việc làm hết sức cần thiết, nó có ý nghĩa đặc biệt trong việc đưa kiến thức pháp luật đến với người dân để họ có thể biết về quyền và nghĩa vụ của mình trong quan hệ xã hội nói chung và trong quan hệ thừa kế quyền sử dụng đất nói riêng. Từ đó họ sẽ tự bảo vệ tốt hơn quyền lợi của mình, hạn chế được những xung đột, tranh chấp xảy ra. Đối với đất nước ta, trình độ pháp luật của người dân tương đối thấp, họ thường không chủ động trang bị kiến thức pháp luật cho mình, do đó, cần phải có những phương pháp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật một cách thực sự hiệu quả, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của người dân.

3.2.3. Không ngừng nâng cao trình độ, năng lực của cán bộ, công chức Những vụ việc về thừa kế quyền sử dụng đất được các cơ quan chức năng giải quyết có đạt kết quả tốt, tạo niềm tin cho dân hay không phụ thuộc khá nhiều vào trình độ, năng lực của cán bộ, công chức làm công tác quản lý về đất đai và công tác xét xử. Vì vậy Nhà nước cần phải thường xuyên quan tâm đến những biện pháp nhằm nâng cao trình độ cũng như năng lực của cán bộ, công chức, góp phần cho việc áp dụng pháp luật về thừa kế quyền sử dụng đất được thống nhất và hợp pháp hơn.

KẾT LUẬN

Một lĩnh vực không mới nhưng vẫn luôn nóng hổi đó chính là thừa kế. Từ khi chính sách của Nhà nước cho phép người sử dụng đất được thực hiện các quyền của người sử dụng đất thì những giao dịch về bất động sản nhà đất ngày càng trở nên sôi động cùng với sự phát triển của kinh tế, xã hội. Thừa kế quyền sử dụng đất không chỉ tuân theo các quy định chung về thừa kế theo Bộ luật Dân sự mà còn phụ thuộc vào chính sách đất đai của Nhà nước và những đặc thù của đất đai nên thừa kế quyền sử dụng đất trở nên phức tạp hơn.

Xét trên phương diện pháp luật, những quy định về thừa kế và quy định về đất đai liên quan đến thừa kế còn tồn tại những quy định không phù hợp khó thực hiện, có khi còn chồng chéo, mẫu thuẫn nhau giữa các luật, giữa luật với văn bản hướng dẫn. Quan hệ thừa kế quyền sử dụng đất bản thân nó cũng chứa đựng tính phức tạp và ngày càng tăng lên do sự phát triển của kinh tế, xã hội. Những nguyên nhân này đã gây ra không ít khó khăn cho người dân cũng như việc áp dụng pháp luật của cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Chính vì vậy nhằm nâng cao hiệu quả của xây dựng pháp luật và áp dụng pháp luật về thừa kế quyền sử dụng đất, tôi đã mạnh dạn chọn đề tài này cho luận văn thạc sĩ, hy vọng công trình sẽ là nguồn tham khảo hữu ích cho việc nghiên cứu về lĩnh vực thừa kế.

Dù đã có sự cố gắng, nhưng luận văn cũng không tránh khỏi những thiếu sót. Vì vậy, chúng tôi rất mong nhận được những góp ý chân thành để luận văn được hoàn chỉnh hơn.

Một phần của tài liệu Thừa kế quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật Việt Nam 2 (Trang 82 - 88)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(90 trang)