TIẾN TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA PHÁP LUẬT VIỆT NAM QUY ĐỊNH VỀ THỪA KẾ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Một phần của tài liệu Thừa kế quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật Việt Nam 2 (Trang 26 - 38)

ĐỊNH VỀ THỪA KẾ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

1.4.1. Giai đoạn trước năm 1993

Giai đoạn trước năm 1945 Thời kỳ phong kiến

Bộ Quốc triều hình luật thời nhà Lê thể hiện được tư tưởng khá bình đẳng trong quan hệ nam - nữ, vợ - chồng, trong đó có sở hữu và thừa kế. Ngoài tài sản sở hữu chung thì vợ, chồng đều được quyền có tài sản riêng. Nếu cha mẹ để lại chúc thư thì chia thừa kế theo chúc thư, nếu không có chúc thư thì chia theo quy định của luật. Con trai và con gái đều được thừa kế của cha mẹ và hưởng phần di sản bằng nhau. Trường hợp vợ chồng đã có con thì khi cha mẹ chết, các con được hưởng thừa kế điền sản. Chồng chết trước thì vợ góa được kế quyền gia trưởng của chồng nuôi dạy các con, thờ cúng tổ tiên nhà chồng... Trường hợp vợ chồng không có con, khi chồng hoặc vợ chết trước thì người còn sống đều được dành một phần để nuôi dưỡng một đời:

+ Đối với điền sản do cha mẹ để lại nếu người chồng chết trước thì tài sản của chồng được chia thành hai phần bằng nhau, một phần dành cho thừa tự (nếu cha mẹ còn sống thì thuộc về cha mẹ cả), phần còn lại dành cho vợ để phụng dưỡng một đời nhưng không được làm của riêng và nếu vợ chết hoặc cải giá thì tài sản đó được trả lại cho thừa tự. Khi vợ chết trước chồng, tài sản của vợ cũng được chia thành hai phần như vậy, nhưng phần dành cho chồng

thì "không bắt buộc hễ lấy vợ khác thì mất phần ấy" (tức là người chồng

không cần phải trả lại tài sản nếu đi lấy vợ khác).

+ Điền sản của vợ chồng tạo ra thì nếu chồng chết trước thì được chia thành hai phần bằng nhau: Một phần chia cho vợ làm của riêng; phần còn lại được chia ba phần, một phần dành cho việc tế tự và phần mộ (phần về tế tự và phần mộ nếu cha mẹ còn sống thì cha mẹ giữ, nếu cha mẹ không còn thì người thừa tự giữ), hai phần còn lại để cho vợ phụng dưỡng một đời, không được làm của riêng. Nếu vợ chết hoặc cải giá thì phần để phụng dưỡng này sẽ phải trả lại để việc tế tự và phần mộ. Khi vợ chết trước chồng thì tài sản cũng

được chia như vậy, nhưng phần để phụng dưỡng một đời thì "không cần câu

nệ khi lấy vợ khác" (không phải trả lại khi đi lấy vợ khác).

Con của vợ lẽ, nàng hầu được phần thừa kế kém hơn con của vợ cả. Con nuôi mà có văn tự là con nuôi và ghi trong giấy là sau sẽ chia điền sản cho thì được phân chia điền sản thừa kế của cha mẹ nuôi nếu cha mẹ không để lại chúc thư, nhưng phần của con nuôi kém hơn phần của con đẻ; khi đã làm con nuôi họ khác rồi thì không được về nhà tranh đất với anh em ruột.

Thời nhà Lê, việc lập di chúc đã được coi trọng:"Người làm cha mẹ

phải liệu tuổi già, mà lập sẵn chúc thư". Hương hỏa được quy định một cách

cụ thể: Cha mẹ để lại chúc thư hay không để lại chúc thư, thì đều lấy một phần hai mươi số ruộng đất làm phần hương hỏa. Người giữ hương hỏa phải coi trọng dòng đích, ngành trưởng. Ruộng đất hương hỏa của cụ cao tổ năm đời cũng không được đem chia để tránh tranh giành; không được bán ruộng đất hương hỏa dù nghèo khó...

Bộ Quốc triều hình luật coi trọng truyền thống gia đình, tôn ti, trật tự trên dưới, đề cao thuyết "tam tòng" nên chưa có sự bình đẳng hoàn toàn giữa vợ và chồng, giữa con trai và con gái, giữa con đẻ và con nuôi, giữa con của vợ cả với con của vợ lẽ, nàng hầu, chưa hoàn toàn ghi nhận quyền thừa kế di

sản giữa vợ và chồng, nhưng ở vào thời kỳ đó, quy định như vậy đã là một sự tiến bộ đáng ghi nhận.

Sau đó, Nhà Nguyễn đã soạn ra Bộ "Hoàng Triều luật lệ" hay Hoàng Việt luật lệ. Dưới sự trị vì của vua Gia Long, với Hoàng Việt luật lệ, dù ra đời sau nhưng Bộ luật này đã bác bỏ nhiều sự tiến bộ đã có trong Quốc triều hình luật. Hoàng Việt luật lệ rất ít chú ý đến những vấn đề như tài sản của vợ chồng, khế ước, thừa kế… mà chủ yếu quy định về thuế, định phu, bán trộm ruộng, chia gia tài, hôn nhân nam nữ. Những quy định thể hiện sự cần thiết phải duy trì sản nghiệp của thế hệ "Tứ đại đồng đường" như con cháu không được tách khẩu, chia tài sản, không được có của riêng, trừ khi được ông bà, cha mẹ đồng ý hoặc có chúc thư thì chia theo chúc thư, nhưng những vấn đề về di chúc lại không được quy định trong Hoàng Việt luật lệ.

Sự bất bình đẳng giữa nam nữ, vợ chồng được xác lập, trong thừa kế thì ưu tiên quyền hưởng di sản của con trai trưởng, vợ không được hưởng thừa kế của chồng.

Hương hỏa trong Hoàng Việt luật lệ được gọi là tự sản, người giữ hương hỏa là người ăn thừa tự. Giới hạn về tự sản không được quy định. Người ăn thừa tự có một số điểm khác với Quốc triều hình luật.

Như vậy, thời kỳ phong kiến, các quy định về thừa kế chưa đầy đủ, còn thiếu sự hợp lý, bình đẳng. Các quy định còn nằm tản mạn ở các điều, các phần không tập trung và không theo trình tự nên khó theo dõi. Tuy nhiên, ở đó cũng đã có những quy định là tiền đề để xây dựng pháp luật về thừa kế sau này như: ghi nhận việc chia thừa kế có chúc thư và không có chúc thư (sau này chính là hai hình thức thừa kế); các con được thừa kế của cha mẹ; những quy định khá đầy đủ về hương hỏa...

Thời kỳ pháp thuộc

Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nhân dân ta đã phải gánh chịu ách đô hộ dã man của thực dân Pháp. Cả đất nước sống trong

cảnh tối tăm thuộc địa nửa phong kiến. Chúng không đem những gì tiến bộ của đất nước phương tây để cai trị, mà dựa vào những hủ tục của xã hội phong kiến nước ta để đàn áp dân ta. Do đó, luật được sử dụng trong thời kỳ này chủ yếu là Bộ Dân luật Bắc Kỳ năm 1931 và Bộ Dân luật Trung Kỳ năm 1936. Sự bất bình đẳng trong quan hệ vợ chồng, tư tưởng trọng nam khinh nữ được duy trì và bảo vệ. Vợ bị hạn chế quyền thừa kế, không được lập di chúc để lại tài sản riêng của mình nếu không được chồng đồng ý. Nếu vợ chết trước, chồng được thừa kế tài sản riêng của vợ, nhưng nếu chồng chết trước thì vợ chỉ có quyền hưởng dụng tài sản riêng của mình. Vị trí của con trai trưởng, cháu đích tôn vẫn được coi trọng, được quản lý hương hỏa để thờ cúng tổ tiên, con gái thì không có quyền này.

Trong Bộ Dân luật Bắc Kỳ có quy định về hình thức của chúc thư, điều kiện của người lập chúc thư. Không có chúc thư, thừa kế được chia theo hàng dựa trên quan hệ huyết thống. Theo đó hàng thứ nhất là các con đẻ, thừa kế thế vị được áp dụng. Đây là những điểm quan trọng của thừa kế theo di chúc và theo pháp luật.

Di sản thừa kế được xác định bao gồm cả động sản và bất động sản, trong đó có nhà cửa, đất đai. Di sản dùng để thờ cúng không được chia thừa kế và không được vượt quá 1/5 tổng tài sản để thừa kế. Người giữ hương hỏa là trưởng nam hay đích tôn.

Tóm lại, giai đoạn trước năm 1945, thừa kế của nước ta chủ yếu còn mang tư tưởng bất bình đẳng giữa vợ chồng, nam nữ, nội dung chưa được đầy đủ, hoàn thiện. Nhưng xét về chừng mực nào đó thì chế độ thừa kế vẫn ngày được quy định rõ nét hơn về di sản thừa kế, thừa kế theo di chúc, thừa kế theo pháp luật. Đặc biệt rất nhiều quy định về thừa kế đã được sử dụng, nghiên cứu, chỉnh sửa để áp dụng xây dựng nên các quy định về thừa kế sau này. Phần hương hỏa, di sản thờ cúng thời kỳ này được chú trọng, và có giá trị rất lớn đối với quy định phần di sản thờ cúng hiện nay. Nói đến di sản thừa kế thì đất đai là tài sản chủ yếu.

Giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1993

Giai đoạn trước khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời

Trước sự non trẻ của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa không thể đủ điều kiện để xây dựng luật, nên ngày 10/10/1945 Hồ Chủ tịch đã ký Sắc lệnh 90/SL cho phép áp dụng luật lệ cũ nếu không trái với nguyên tắc "độc lập của nước Việt Nam và chính thể cộng hòa". Do đó Bộ Dân luật Bắc Kỳ năm 1931, Bộ Dân luật Trung Kỳ năm 1936 vẫn tiếp tục được áp dụng những quy định không trái với nguyên tắc trên.

Giai đoạn từ khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời đến trước năm 1980

Hiến pháp đầu tiên ra đời năm 1946 đã trở thành nền tảng, định hướng để xây dựng hệ thống pháp luật ở nước ta. Tư tưởng lạc hậu, gia trưởng, trọng nam khinh nữ của chế độ phong kiến bị loại bỏ và thay vào đó là sự bình đẳng giữa vợ và chồng, giữa con trai và con gái…

Hiến pháp năm 1946 đã quy định rõ: "Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện" (Điều 19); "Quyền tư hữu tài sản của công dân Việt Nam được bảo đảm" (Điều 12). Theo tinh thần của Hiến pháp năm 1946, đất đai thuộc tư hữu của công dân và đương nhiên đất đai được để lại thừa kế khi cá nhân chết.

Với sự phát triển của xã hội, Sắc lệnh 90/SL không còn phù hợp, do vậy ngày 22/5/1950, Hồ Chủ tịch đã ký Sắc lệnh 97/SL nhằm sửa đổi một số quy định trong Bộ Dân luật Bắc Kỳ, Bộ Dân luật Trung Kỳ; quy định một số nguyên tắc mới cho phù hợp, trong đó có việc cụ thể hóa quyền bình đẳng của công dân trong quan hệ tài sản, quan hệ thừa kế như ghi nhận quyền bình đẳng của vợ chồng trong gia đình, vợ chồng có quyền thừa kế tài sản của nhau; con trai, con gái đều có quyền hưởng di sản thừa kế của cha mẹ; người chồng góa, các con đã thành niên có quyền xin chia tài sản thuộc quyền sở hữu của người chết, sau khi đã thanh toán tài sản chung; quyền nhận hay

không nhận di sản thừa kế của những người là con cháu hoặc vợ hay chồng của người chết được bảo hộ; các chủ nợ của người chết cũng không có quyền đòi nợ quá số di sản để lại.

Theo đó, Thông tư 1742-BNC ngày 18/9/1956 của Bộ Tư pháp quy định rõ hơn: vợ hoặc chồng của người chết có quyền thừa kế ngang với các con; vợ lẽ và con nuôi có quyền thừa kế như vợ cả và con đẻ; vợ góa cũng được hưởng thừa kế với phần di sản ngang với những người thừa kế cùng hàng.

Hiến pháp thứ hai của nước ta ra đời năm 1959 đã thay thế Hiến pháp năm 1946. Hiến pháp 1959 được ban hành trong thời điểm cả nước cùng chung tay xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc và đấu tranh giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước. Các hình thức sở hữu được ghi nhận phong phú hơn, cụ thể hơn: Hình thức sở hữu nhà nước, hình thức sở hữu của hợp tác xã, hình thức sở hữu của người lao động riêng lẻ, hình thức sở hữu của tư sản dân tộc. Cùng với đó, Hiến pháp năm 1959 cũng quy định Nhà nước chiểu theo pháp luật để bảo hộ quyền sở hữu về ruộng đất và tư liệu sản xuất; bảo hộ quyền thừa kế tài sản tư hữu của công dân. Do đó, tài sản được để lại thừa kế bao gồm ruộng đất và các tài sản khác.

Sự bình đẳng nam nữ, vợ chồng trong gia đình và trong quan hệ thừa kế tiếp tục củng cố trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 tạo cơ sở cho việc xây dựng chế độ thừa kế.

Tiếp đến là ngày 27/8/1968, Tòa án nhân dân tối cao đã ra Thông tư 594-NCPL hướng dẫn giải quyết tranh chấp về thừa kế. Thông tư này quy định: Quyền bình đẳng nam nữ trong việc hưởng di sản; các con của người chết không phân biệt giới tính, trẻ già, có năng lực hành vi dân sự hay không đều được hưởng phần di sản ngang nhau; vợ hoặc chồng của người để lại di sản được thừa kế ở hàng thứ nhất cùng với các con của người đó.

Ở Miền Bắc, sau khi giành độc lập, quan hệ bình đẳng giữa vợ chồng, nam nữ, được đề cao, tư tưởng tiến bộ đã lấn át hoàn toàn những hủ tục, lạc

hậu của thời kỳ trước, làm nền tảng cho sự phát triển chế độ thừa kế. Công dân có quyền có tài sản riêng, có quyền sở hữu đất đai, tư liệu sản xuất, có quyền thừa kế, di sản thừa kế trở nên phong phú hơn. Nhiều nội dung của thừa kế lần đầu được đề cập, kỹ thuật lập pháp được nâng cao.

Tuy nhiên ở miền Nam dưới chế độ ngụy quyền Sài Gòn, các quan hệ dân sự vẫn được điều chỉnh bởi Bộ Dân luật giản yếu Nam kỳ 1883, Bộ Dân luật Trung Kỳ 1936, Bộ Dân luật Sài Gòn 1972. Những văn bản này đều thể hiện sự bất bình đẳng giữa vợ và chồng, giữa nam và nữ. Mặc dù vậy nhưng về thừa kế, theo Bộ Dân luật Sài Gòn 1972 thì chế độ ngụy quyền vẫn thừa nhận ba hàng thừa kế, thừa kế thế vị, vợ chồng không thuộc hàng thừa kế của nhau nhưng vẫn có những điều riêng quy định được thừa kế...

Giai đoạn từ năm 1980 đến năm 1993

Năm 1975, công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước đã hoàn thành. Đất nước ta có sự biến đổi sâu sắc về kinh tế, chính trị, xã hội. Giai đoạn này nhiệm vụ được đặt ra là phải xóa bỏ dần chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất, xây dựng chế độ sở hữu xã hội chủ nghĩa với hai hình thức sở hữu chính là sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể. Với nhiệm vụ đó Hiến pháp năm 1980 được ban hành. Theo đó, Điều 19, Điều 27 quy định:

Đất đai, rừng núi, sông hồ, hầm mỏ, tài nguyên thiên nhiên trong lòng đất, ở vùng biển và thềm lục địa... cùng các tài sản khác mà pháp luật quy định là của Nhà nước - đều thuộc sở hữu toàn dân...

Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu của công dân về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, những công cụ sản xuất dùng trong những trường hợp được phép lao động riêng lẻ. Pháp luật bảo hộ quyền thừa kế tài sản của công dân [15].

Các quyền về sở hữu, thừa kế của công dân tiếp tục được thừa nhận, tuy nhiên có sự khác biệt rõ rệt so với những Hiến pháp trước đó: Khối tài sản thuộc sở hữu của công dân không bao gồm tư liệu sản xuất; đất đai không còn

thuộc sở hữu của cá nhân mà thuộc sở hữu toàn dân, công dân không có quyền thừa kế đất đai.

Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1986 thay thế cho Luật năm 1959. Tài sản để lại thừa kế của vợ chồng quy định trong Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1986 đã có sự thay đổi so với Luật năm 1959, đó là: Được phân định tài sản chung riêng, khi một bên chết trước thì di sản thừa kế được xác định là tài sản riêng của người đó và một nửa khối tài sản chung (Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 quy định: tất cả tài sản được chia đôi mà không bên nào được viện cớ là có tài sản riêng để tách ra).

Trên cơ sở Hiến pháp năm 1980, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư 81-TANDTC ngày 24/7/1981 (sau đây gọi tắt là Thông tư 81) hướng dẫn đường lối giải quyết các tranh chấp về thừa kế di sản. So với những văn bản luật trước đó, các quy định trong Thông tư 81 về thừa kế tương đối hoàn chỉnh

Một phần của tài liệu Thừa kế quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật Việt Nam 2 (Trang 26 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(90 trang)