3.1. THỰC TIỄN ÁP DỤNG PHÁP LUẬT VỀ THỪA KẾ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT DỤNG ĐẤT
Tranh chấp đất đai là loại tranh chấp rất phổ biến và phức tạp. Theo Báo cáo số 48/TANDTC ngày 17 tháng 3 năm 2010 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội tại phiên họp thứ 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì trong thời gian gần đây, các tranh chấp đất đai do Tòa án giải quyết tăng về số lượng và phức tạp hơn về tính chất.
Số lượng những tranh chấp về thừa kế cũng đang gia tăng và rất phức tạp, mà trong đó chủ yếu là tranh chấp thừa kế có liên quan đến đất đai. Tuy nhiên, pháp luật về thừa kế nói chung và thừa kế quyền sử dụng đất nói riêng vẫn ngày được hoàn thiện tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết các tranh chấp. Nhìn chung, việc giải quyết các tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất đã đạt được những kết quả đáng kể, tạo lòng tin trong nhân dân. Mặc dù vậy, vẫn còn tồn tại khá nhiều những vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật về thừa kế quyền sử dụng đất. Điều này được lý giải bởi nhiều nguyên nhân như: do tính chất của giao dịch về quyền sử dụng đất thường chứa đựng nhiều phức tạp, bản thân đương sự rất khó để tự tháo gỡ những tranh chấp xảy ra; hệ thống pháp luật về thừa kế, về đất đai còn nhiều điểm chưa hợp lý, rõ ràng, dễ gây ra cách hiểu không thống nhất giữa các cơ quan có thẩm quyền. Bên cạnh đó, trình độ pháp luật của thẩm phán cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả giải quyết tranh chấp.
Dưới đây, tôi xin nêu ra một số những vướng mắc phổ biến thường gặp phải khi giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất.
3.1.1. Xác định tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất có phải là tranh chấp đất đai hay không
Luật Đất đai 2003 không quy định thế nào là tranh chấp đất đai, mà chỉ quy định những tranh chấp đất đai thì cần qua hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã. Chính điều này đã gây tranh cãi tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất có phải là tranh chấp đất đai hay không, vì nếu là tranh chấp đất đai thì hòa giải là bắt buộc và ngược lại. Hiện nay có những ý kiến khác nhau về vấn đề này, có ý kiến cho rằng thừa kế quyền sử dụng đất không phải là tranh chấp đất đai vì tranh chấp đất đai chỉ là những tranh chấp về xác định ai là người có quyền sử dụng đất, tranh chấp về địa giới hành chính. Quan điểm khác cho rằng tranh chấp đất đai bao gồm cả tranh chấp về xác định ai có quyền sử dụng đất, tranh chấp địa giới và cả những tranh chấp về hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho… và thừa kế quyền sử dụng đất, thậm chí tranh chấp về tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất và tranh chấp về tài sản trên đất cũng là tranh chấp đất đai.
Vụ việc:
Ông Lê Văn Khánh (mất năm 1997) và bà Võ Thị Phương (mất năm 2000) là cha mẹ đẻ của chị Lê Thị Hà và anh Lê Văn Hải. Năm 1990, ông bà đã cho chị Hà nhà đất tại thửa 2648, tờ bản đồ số 02, ấp 7, xã LT, huyện BĐ, tỉnh BT và chị được Ủy ban nhân dân huyện BĐ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 1995. Hai ông bà và anh Hải sống tại nhà thờ ở ấp 4, xã PV, huyện BĐ, tỉnh BT. Năm 1997, anh Hải lấy vợ và sống tại ngôi nhà ở ấp 7. Sau khi hai ông bà chết, chị Hà đã kiện yêu cầu anh Hải trả lại nhà đất nói trên cho chị.
Anh Hải không đồng ý và trong quá trình giải quyết vụ án, anh đã có đơn phản tố yêu cầu chia toàn bộ di sản thừa kế của bố mẹ (nhà đất ở ấp 7 và ấp 4).
Tòa án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm cho rằng đây là tranh chấp quyền sử dụng đất chưa được tiến hành hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã nên
đã đình chỉ giải quyết vụ án (Quyết định số 06/2008/QĐST-DS ngày 24-12-
2008, Tòa án nhân dân huyện BĐ, tỉnh BT và Quyết định số 194/2009/QĐ-PT ngày 23-3-2009, Tòa án nhân dân tỉnh BT)
Hội đồng giám đốc thẩm Tòa án nhân dân tối cao cho rằng: Các đương sự tranh chấp về di sản thừa kế, không phải tranh chấp quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 135, 136 Luật đất đai. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm nhận định đây là tranh chấp quyền sử dụng đất chưa được tiến hành hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã theo quy định tại Luật đất đai để đình
chỉ giải quyết vụ án là không đúng theo quy định của pháp luật. (Quyết định
giám đốc thẩm, số: 462/2010/DS-GĐT, ngày 12-8- 2010 của Tòa dân sự, Tòa án nhân dân tối cao)
Như vậy, trong tình huống này, việc xác định tranh chấp có phải là tranh chấp đất đai theo Điều 135, 136 Luật Đất đai hay không là tùy thuộc vào quan điểm của mỗi Tòa án. Theo quan điểm của mình, tôi không đồng tình với việc xác định đây không phải là tranh chấp đất đai của Tòa án nhân dân tối cao. Nhưng đối với hai cấp sơ thẩm, phúc thẩm không nên đình chỉ vụ án, mà vẫn tiếp tục giải quyết và trong quá trình giải quyết thì yêu cầu các đương sự gửi đơn đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã tiến hành hòa giải.
3.1.2. Thời hiệu khởi kiện về thừa kế di sản chung của vợ, chồng khi thời hiệu khởi kiện về thừa kế di sản của người chết trước đã hết
Về nguyên tắc thời hiệu khởi kiện về thừa kế được tính từ thời điểm mở thừa kế (thời điểm người để lại di sản chết). Do đó, thời hiệu khởi kiện về thừa kế di sản của vợ sẽ tính từ thời điểm người vợ chết và đối với thừa kế di sản của chồng cũng tính từ thời điểm chồng chết. Nhưng đối với đời sống của người Việt Nam trọng chữ hiếu, đạo lý thì vấn đề này gây ra khó khăn nhất định. Khi bố (hoặc mẹ) chết trước, thông thường khối tài sản chung của hai người sẽ mặc nhiên để lại cho người còn sống quản lý, sử dụng và người còn sống sẽ định đoạt luôn toàn bộ tài sản, mà những người thừa kế của họ (chủ
yếu là các con, cháu) sẽ không có ý kiến gì. Vì vậy, khi người thứ hai qua đời thì những người thừa kế mới tính đến quyền lợi của mình được thừa kế và họ đi kiện, nhưng có rất nhiều trường hợp thời hiệu khởi kiện chia thừa kế của người bố (hoặc mẹ) chết trước đã hết. Vì khối di sản chung của vợ chồng chưa được phân định nên người khởi kiện thường yêu cầu chia thừa kế của cả hai người và khi đó xảy ra nhiều quan điểm giải quyết khác nhau: quan điểm một là gộp toàn bộ khối di sản của cả vợ và chồng để chia; quan điểm hai là tách ra, chỉ giải quyết phần di sản vẫn còn thời hiệu khởi kiện, còn di sản của người chết trước đã hết thời hiệu khởi kiện thì không đem chia; quan điểm ba là không thụ lý vụ án. Điều này dẫn đến tình trạng cùng một vụ kiện, tòa án các cấp khác nhau có cách xử lý khác nhau.
Vụ việc:
Cụ Vũ Văn Đức và cụ Bùi Thị Dung tạo lập được một ngôi nhà tre trên diện tích 2 sào đất tại thôn 3, xã HĐ, huyện TN, thành phố HP. Hai cụ có năm người con, trong đó có ông Vũ Văn Quyết và ông Vũ Văn Lâm. Năm 1946, cụ Đức chết không để lại di chúc. Năm 2002, Cụ Dung chết cũng không để lại di chúc. Ngày 7/7/2005, ông Quyết đã có đơn khởi kiện yêu cầu chia thừa kế của hai cụ để lại là ngôi nhà và 2 sào đất ở trên.
Ông Lâm cho rằng năm 1983, cụ Dung đã viết giấy cho ông 1,5 sào đất, và ông đã được Ủy ban nhân dân cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nên ông không đồng ý chia tài sản này.
Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm đã xét xử chia di sản thừa kế của cả
hai cụ là nhà và 2 sào đất cho các thừa kế (Bản án dân sự sơ thẩm số
25/2006/DS-ST ngày 26-4-2006, Tòa án nhân dân huyện TN, thành phố HP; Bản án dân sự phúc thẩm số 75/2006/DSPT ngày 08-11-2006, Tòa án nhân dân thành phố HP)
Tòa dân sự Tòa án nhân dân tối cao đã nhận định: Cụ Đức chết năm 1946, đến ngày 07-7-2005, các nguyên đơn mới khởi kiện yêu cầu chia thừa
kế di sản của cụ Đức, cụ Dung thì thời hiệu khởi kiện thừa kế về di sản của cụ Đức đã hết theo quy định của pháp luật. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm vẫn chấp nhận chia cả phần tài sản của cụ Đức cho các đồng thừa
kế là không đúng (Quyết định giám đốc thẩm, số: 86/2010/DS-GĐT, ngày 17-
3-2010 của Tòa dân sự, Tòa án nhân dân tối cao).
Trong tình huống này, khi thời hiệu khởi kiện về di sản thừa kế của cụ Đức đã hết, trong khi áp dụng chia tài sản chung theo Nghị quyết 02/2004 không được (vì ông Lâm đã chứng minh di sản của cụ Đức đã được phân chia) nên tranh chấp sẽ còn tồn tại, phần di sản thừa kế đó cũng không thể được chuyển nhượng, tặng cho vì đang có tranh chấp.
Theo quy định của pháp luật, Tòa án nhân dân tối cao đã nhận định đúng là di sản của cụ Đức đã hết thời hiệu khởi kiện, nên không thể được nhập để chia. Như vậy, cùng một vụ tranh chấp các cấp Tòa án đã có các quan điểm khác nhau về vấn đề này.
3.1.3. Khi thời hiệu khởi kiện thừa kế đã hết thì có thể lựa chọn áp dụng chia tài sản chung theo Nghị quyết 02, nhưng rất khó đảm bảo điều kiện để được chia tài sản chung
Theo Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP thì:
Trường hợp trong thời hạn mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế hoặc sau khi kết thúc thời hạn mười năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế. Khi có tranh chấp và yêu cầu Toà án giải quyết thì không áp dụng thừa hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết [33].
Như vậy để áp dụng pháp luật về chia tài sản chung khi thời hiệu khởi kiện đã hết thì cần đảm bảo điều kiện các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia. Thông thường các đồng thừa kế ít có tranh chấp về hàng thừa kế vì hàng thừa kế thường
khá rõ ràng. Nhưng về điều kiện là phải "đều thừa nhận di sản do người chết để
lại chưa chia" thì rất khó bảo đảm hoặc khó xác định thế nào là "chưa chia".
Với những tranh chấp về yêu cầu chia tài sản chung như vậy, nhiều khi việc giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền cũng không thống nhất. Dù điều kiện chia tài sản chung không đảm bảo nhưng có Tòa án vẫn đem chia, có thể họ nhầm lẫn với tranh chấp chia thừa kế khi còn thời hiệu khởi kiện.
Vụ việc:
Vợ chồng cụ Nguyễn Văn Hai, cụ Phạm Thị Mỵ có hai người con chung là ông Nguyễn Văn Trường và ông Nguyễn Thế Thọ. Trước khi lấy cụ Hai, cụ Mỵ có một người con riêng là ông Nguyễn Văn Ba (Cụ Mỵ và cha của ông Ba ly hôn năm ông Ba được hai tuổi). Năm 1954 cụ Hai chết, năm 1982 cụ Mỵ chết đều không để lại di chúc.
Ngày 28/3/2006 ông Nguyễn Thế Thọ có đơn khởi kiện yêu cầu chia thừa kế di sản của hai cụ để lại. Theo đơn khởi kiện, ông Thọ cho rằng năm 1968, cụ Mỵ tạo lập được tài sản là nhà đất ở trước trụ sở Ủy ban nhân dân xã TT, thị xã PT, tỉnh PT diện tích là 140m2 đất, cụ Mỵ làm nhà 3 gian lợp lá cọ bằng tiền trợ cấp đi Nam và tiền lương của ông. Năm 1973 ông xây dựng gia đình, do nhà ở chật hẹp nên ông phải sang ở nhà vợ, còn lại vợ chồng ông Trường ở với cụ Mỵ; năm 1982, cụ Mỵ chết không để lại di chúc nhưng có dặn lại cho mỗi anh em một nửa, năm 2005 ông yêu cầu ông Trường cắt đất nhưng ông Trường không đồng ý, mà nói là mẹ đã cho ông Trường rồi, đề nghị tòa án giải quyết theo pháp luật.
Ông Trường trình bày, trước khi chết cụ Mỵ cho ông căn nhà là một gian hai chái và diện tích đất hiện nay ông đang ở, cụ Mỵ đã viết giấy ủy
quyền cho ông sử dụng, năm 1988 Ủy ban nhân dân xã cấp cho vợ chồng ông miếng đất trên, năm 2000 vợ ông đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hiện nay vợ chồng ông đã tu bổ và làm nhà trên diện tích đó, ông không đồng ý với yêu cầu của ông Thọ.
Tòa án cấp sơ thẩm xác định quan hệ của vụ án là "Kiện hưởng thừa kế chia tài sản chung do người chết để lại", chấp nhận yêu cầu của ông Thọ để
chia thừa kế nhà, đất của cụ Mỵ (Bản án sơ thẩm số 07/2006/DSST ngày
28/9/2006 Tòa án nhân dân thị xã PT, tỉnh PT).
Tòa án cấp phúc thẩm xác định quan hệ là "Kiện thừa kế tài sản chung do người chết để lại", không chấp nhận kháng cáo của các đương sự và giữ
nguyên bản án dân sự sơ thẩm (Bản án phúc thẩm số 18/2007/DSPT ngày
12/3/2007, Tòa án nhân dân tỉnh PT)
Hội đồng Giám đốc thẩm Tòa án nhân dân tối cao nhận thấy, năm 1954 cụ Hai chết, năm 1982 cụ Mỵ chết nhưng ngày 28/3/2006 ông Thọ mới có đơn khởi kiện yêu cầu chia thừa kế đối với tài sản là nhà, đất của hai cụ thì đã hết thời hiệu khởi kiện (đối với thừa kế về nhà ở thì thời hiệu khởi kiện đến ngày 10/3/2003, nếu không có đương sự ở nước ngoài; nếu thừa kế là quyền sử dụng đất thì thời hiệu khởi kiện đến ngày 15/10/2003). Do đó Tòa án phải áp dụng điểm a khoản 1 Điều 168 Bộ luật Tố tụng dân sự để trả lại đơn khởi kiện của ông Thọ. Trong quá trình giải quyết vụ án, ông Trường cho rằng cụ Mỵ đã viết giấy ủy quyền cho ông sử dụng, năm 1988 Ủy ban nhân dân xã cấp cho vợ chồng ông miếng đất trên, năm 2000 vợ ông đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hiện nay vợ chồng ông đã tu bổ và làm nhà trên diện tích đất đó, ông không đồng ý yêu cầu của ông Thọ. Vì vậy, không đủ điều kiện chia tài sản chung theo quy định tại Nghị quyết số 02. Nếu ông Thọ yêu cầu chia tài sản chung thì tòa án phải bác yêu cầu. Tòa cấp sơ thẩm xác định quan hệ của vụ án là "Kiện hưởng thừa kế chia tài sản chung do người chết để lại" còn Tòa án cấp phúc thẩm lại xác định là "Kiện thừa kế tài
sản chung do người chết để lại" đều không đúng; đồng thời chấp nhận yêu cầu của ông Thọ để chia phần nhà, đất của cụ Mỵ cũng là không đúng pháp luật
(Quyết định Giám đốc thẩm số 407/2010/DS-GĐT ngày 19/7/2010 của Tòa
dân sự, Tòa án nhân dân tối cao).
Nhận thấy: Trong tình huống trên, thời hiệu khởi kiện chia thừa kế
của hai cụ đã hết, tòa án cấp sơ thẩm vẫn thụ lý vụ án chia di sản là sai.