Chính sách của Nhà nước về Viễn thông công cộng là đầu tư, quản lý khai thác chung hạ tầng Viễn thông công cộng (trong đó có vấn đề lắp đặt trạm thu phát sóng); đưa internet băng rộng về vùng sâu, vùng xa; ngầm hóa các công trình mạng cáp sao cho đảm bảo mỹ quan và an toàn; hợp tác để cùng phát triển công nghệ 2G và 3G; và cuối cùng là đưa ngành công nghiệp Viễn thông công cộng vươn ra quốc tế. Bên cạnh đó, cũng cần phải lưu ý đến việc phát triển các dịch vụ mang tính trọng điểm và phát huy được những lợi thế của ngành điện để tăng khả năng cạnh tranh và chiếm lĩnh thị trường. Phải tích cực cạnh tranh toàn diện, để khẳng định được vị trí trên thị trường Viễn thông công cộng ở trong nước và vươn ra quốc tế, phải xây dựng được đội ngũ và mạng lưới ngang tầm với thời đại vì đây là lĩnh vực có tính cạnh tranh cao và công nghệ phát triển nhanh chóng.
Ngày 18/01/2007, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý đưa dự án Viễn thông nông thôn do EVN làm chủđầu tư vào danh mục ưu tiên vay vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ Trung Quốc và ngày 9/10/2007, Bộ Công Thương đã thông qua báo cáo đầu tư dự án Viễn thông nông thôn với tổng mức đầu tư 1.644 tỷ đồng. Trong đó vốn vay tín dụng ưu đãi của Chính phủ Trung Quốc là 1.036 tỷ đồng, tương đương với 102,272 triệu USD. Dự án này được cấu thành từ 5 dự án thành phần bao gồm: Dự án xây dựng mạng CDMA 2000 1x450 Mhz các khu vực: Nông thôn miền núi phía Bắc; khu vực nông thôn các tỉnh miền Trung; khu vực nông thôn các tỉnh miền Tây Nam Bộ; miền Đông Nam Bộ. Dự án có quy mô xây dựng, lắp đặt mới và đưa vào vận hành 578 trạm thu phát sóng với khả năng phục vụ cho trên 562.000 thuê bao, phân bố tập trung tại các Xã vùng sâu, vùng xa ở 25 tỉnh tại các khu vực nói trên. EVN hiện đang tích cực phối hợp với các Bộ, Ngành có liên quan để sớm ký kết Hiệp định vay vốn. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành và chính thức đi vào hoạt động trong quý I/2009.