-Nhóm tiêu chí về kinh tế: tiêu chí về kinh tế của sự phát triển bền vững được tính trên giá trị tổng sản phẩm được tạo ra trong nước (GDP) hoặc thu nhập được sử dụng trong nước (GNI). Liên quan đến sự bền vững, các chỉ tiêu này được đánh giá cả về mặt tốc độ tăng trưởng trong một khoảng thời gian dài. Nó cũng liên quan đến mô hình và công nghệ sản xuất theo hướng sạch hơn, duy trì lối sống của xã hội gần gũi, thân thiện với môi trường và tài nguyên thiên nhiên.
-Nhóm tiêu chí về xã hội: trong giai đoạn hiện nay, bền vững môi trường và phát triển bền vững là mục tiêu mang tính chính trị của tất cả các quốc gia trên thế giới.
Phát triển bền vững đòi hỏi tự do thực sự của các công dân về các thông tin về kế hoạch phát triển của Chính phủ, chất lượng môi trường nơi họ đang sống.
Phát triển bền vững đòi hỏi sự công bằng về các quyền lợi xã hội như: có công ăn việc làm, đảm bảo các quyền lợi kinh tế - xã hội khác, giảm bớt hố ngăn cách giữa người giàu và người nghèo trong xã hội…; đòi hỏi phải thay chính sách xã hội như: chính sách trợ cấp, chính sách thuế để loại trừ xu hướng giá hoá ở các xã hội phát triển.
-Nhóm tiêu chí về văn hóa: phát triển bền vững đòi hỏi phải thay đổi các thói quen và phong cách sống có hại cho môi trường chung của Trái đất như các thói quen sinh nhiều con, thói quen tiêu dùng lãng phí…; đòi hỏi phải thiết lập các tập tục tiến bộ mới thay cho các tập tục cũ lạc hậu và xác lập các tập tục phù hợp với điều kiện sống đang thay đổi của con người.
Tiêu chí văn hoá của phát triển bền vững còn là "Văn hoá xanh", đó là toàn bộ các hoạt động văn hoá của con người dựa trên đạo đức thế giới về cuộc sống cộng đồng.
-Nhóm tiêu chí về tài nguyên - môi trường: tiêu chí về môi trường của sự phát triển bền vững có thể đánh giá thông qua chất lượng các thành phần môi trường: không khí, đất, nước, sinh thái; mức độ duy trì, khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên không tái tạo; nguồn vốn xã hội dành cho các hoạt động bảo vệ môi trường; khả năng kiểm soát của chính quyền đối với các hoạt động kinh tế xã hội, tiềm ẩn các tác động tiêu cực đối với môi trường, ý thức bảo vệ môi trường của toàn dân.
* Nhóm các tiêu chí về thể chế: trong các nghiên cứu về phát triển bền vững cũng yêu cầu xây dựng thể chế để đảm bảo có được sự phát triển bền vững, trong đó có: hệ thống các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan đến phát triển bền vững; hệ thống Viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm liên quan đến phát triển bền vững; huy động các hỗ trợ kỹ thuật, tài chính cho xoá đói giảm nghèo, phát triển bền vững; ban hành hệ thống văn bản pháp quy về phát triển bền vững.