II. Cơ cấu kinh tế của thị xã Sông Công
3.2.1.2. Nâng cao chất lượng thẩm định dự án
Dự án đầu tư vào KCN: trước đây, khi xét duyệt một dự án đầu tư vào KCN, Ban quản lý KCN gửi hồ sơ đến các Sở, ngành liên quan: Văn phòng UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên môi trường, Sở chuyên ngành (Công nghiệp, Nông nghiệp, Thương mại du lịch…) rồi tổ chức Hội nghị xem xét, chấp thuận dự án đó. Tuy nhiên, trong nội dung các dự án, vấn đề bảo vệ môi trường chưa được các chủ đầu tư giải trình cụ thể mà hầu như nêu chung chung. Mặc dù sau khi dự án được chấp thuận, chủ đầu tư phải ký bản cam kết bảo vệ môi trường với cơ quan quản lý Nhà nước (Sở Tài nguyên môi trường tỉnh Thái Nguyên) song dường như các bản cam kết này chỉ mang tính lý thuyết, thiếu tính thực tế. Do vậy, công tác thẩm định dự án của các nhà đầu tư nhất là thẩm định về các giải pháp bảo vệ môi trường, xử lý chất thải cần được quan tâm và nâng cao hơn nữa. Theo quy định mới của cơ chế "một cửa liên thông", Ban quản lý KCN Thái Nguyên là đầu mối tiếp nhận Hồ sơ dự án sau đó làm việc trực tiếp với Sở Tài nguyên môi trường về nội dung bảo vệ môi trường đề cập trong dự án. UBND tỉnh cần có văn bản yêu cầu Sở Tài nguyên môi trường chú trọng và phải chịu trách nhiệm trong việc thẩm định cấp giấy đăng ký bảo vệ môi trường, ĐTM
cho các dự án đầu tư vào KCN. Công tác này phải được triển khai thực hiện nghiêm túc. Nếu nhà đầu tư nào không đáp ứng được yêu cầu về bảo vệ môi trường sinh thái (đã được quy định cụ thể tại Điều 37 - Luật Bảo vệ môi trường), kiên quyết không chấp thuận đầu tư vào KCN.
Việc thẩm định yếu tố bảo vệ môi trường trong các dự án đầu tư vào KCN có ý nghĩa rất quan trọng. Nó là cơ sở để các cơ quan quản lý Nhà nước thanh tra, giám sát thậm chí xử lý các vi phạm về môi trường sinh thái của các chủ đầu tư trong các KCN. Vì vậy, giải pháp nâng cao chất lượng thẩm định dự án thành lập KCN và dự án đầu tư vào KCN rất cần thiết và hợp lý. Thực hiện tốt giải pháp này sẽ góp phần đáng kể giảm thiểu các ô nhiễm môi trường trong KCN.