1.4.1 . Yếu tố chủ quan
1.4.1.1. Kiến thức, kinh nghiệm và phẩm chất đạo đức của cán bộ thẩm định
Một cán bộ thẩm định để làm tốt, hiệu quả công việc của mình cần phải hội tụ đủ các yếu tố sau: kiến thức, kinh nghiệm, phẩm chất đạo đức. Kiến thức là sự hiểu biết về nghiệp vụ đồng thời về các lĩnh vực kinh tế - xã hội mà cán bộ thẩm định cần có để phục vụ cho công tác thẩm định. Kinh nghiệm là những cái tích lũy lâu dài sau nhiều lần tiếp xúc khách hàng của cán bộ thẩm định, nó giúp cho cán bộ thẩm định dễ dàng trong việc đánh giá tư cách khách hàng, xét xem khách hàng đó có thực sự vay vốn của ngân hàng theo đúng mục đích không… Bên cạnh hai mặt trên, phẩm chất đạo đức là một điều không thể thiếu đối với người thẩm định. Nếu cán bộ thẩm định có phẩm chất đạo đức không tốt sẽ ảnh hưởng xấu đến quan hệ giữa khách hàng và ngân hàng làm mất uy tín của ngân hàng, đưa ra những nhận xét đánh giá thiếu tính khách quan, minh bạch làm cơ sở cho việc quyết định cho vay của ngân hàng. Sự hội tụ các yếu tố trên sẽ là cơ sở tiền đề cho những quyết định đúng đắn của cán bộ thẩm định, từ đó giúp ngân hàng lựa chọn những hồ sơ xin vay KHDN đảm bảo khả năng trả nợ của các chủ dự án theo đúng thỏa thuận giữa hai bên.
1.5.1.2. Các nguồn thông tin thu thập phục vụ cho quy trình thẩm định tín dụng khách hàng doanh nghiệp
Nguồn thông tin ngân hàng thu thập được có thể đến từ rất nhiều nguồn khác nhau, tuy nhiên điều quan trọng là nguồn thông tin đó phải đảm bảo độ chính xác, đầy đủ và kịp thời. Các nguồn thông tin mà ngân hàng có thể lấy đó là:
- Từ khách hàng vay vốn: các thông tin lấy từ hồ sơ xin vay vốn mà khách hàng lập giửi cho ngân hàng, qua phỏng vấn khách hàng, qua điều tra nơi sản xuất của khách hàng…
- Từ ngân hàng bạn mà mình có quan hệ.
- Từ đối thủ cạnh tranh hoặc từ khách hàng của doanh nghiệp xin vay vốn. - Từ trung tâm tín dụng của NHNN (CIC) mà ngân hàng có thể thấy được các mối quan hệ tín dụng của khách hàng trước đõy như số lần vay, số lần phát sinh nợ quá hạn…
Thông tin chính là nguồn nguyên liệu chính phục vụ cho quá trình tác nghiệp của cán bộ thẩm định. Nếu thông tin không chính xác, thiếu, không đầy đủ thì mọi quá trình thẩm định từ đầu đến cuối đều không có ý nghĩa cho dù chúng ta sử dụng các phương tiện hiện đại như thế nào, nhất là những thông tin không cân xứng có thể dẫn tới lựa chọn đối nghịch, gây rủi ro cho ngân hàng. Do đó, việc thu thập thông tin từ nhiều nguồn có liên quan đến dự án là rất cần thiết, tuy nhiên khái niệm đầy đủ chỉ mang ý nghĩa tương đối. Vấn đề là các nguồn thông tin phải đảm bảo độ tin cậy, có ý nghĩa quyết định.
1.5.1.3. Phương pháp thẩm định
Công tác thẩm định tín dụng đối với KHDN còn chịu ảnh hưởng rất lớn từ phương pháp thẩm định mà ngân hàng áp dụng, một phương pháp thẩm định tiên tiến, phù hợp sẽ giúp cho ngân hàng đánh giá khách hàng một cách chính xác hơn. Ngược lại, nếu một phương pháp thẩm định lạc hậu, không phù hợp với từng loại hình vay cụ thể thì dù thông tin thu thập được có chính xác thế nào vẫn có thể có sai sót trong quá trình đánh giá khách hàng.
1.5.1.4. Mục tiêu và tính chất của dự án đầu tư
Dựa vào mục đích, các loại dự án đầu tư được phân loại thành:
• Dự án đầu tư mới tài sản cố định.
• Dự án thay thế nhằm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc cắt giảm chi phí.
• Dự án mở rộng sản phẩm hoặc thị trường hiện có sang sản phẩm hoặc thị trường mới .
• Dự án an toàn lao động và hoặc bảo vệ môi trường.
Ý tưởng về một dự án đầu tư thường xuất phát từ mục đích của dự án đó. Tuy nhiên, khi phân tích xem có nên đầu tư vào một dự án hay không người ta không chỉ xem xét đến mục đích mà còn đến hiệu quả về mặt tài chính của dự án. Đôi khi nhiều dự án đều có hiệu quả tài chính được đề xuất cùng một lúc. Khi đó, việc phân loại dự án theo mục đích để phân tích và ra quyết định đầu tư dựa vào mối quan hệ các dự án có thể phân chia thành:
- Dự án độc lập, là dự án mà việc chấp nhận hay bác bỏ không ảnh hưởng đến dự án khác đang được xem xét.
Ví dụ: Dự án xây dựng một bệnh viện và xây dựng khách sạn cho thuê. Rõ ràng, đây là hai dự án hoàn toàn khác nhau và độc lập nhau.
- Dự án phụ thuộc là dự án mà việc chấp nhận hay bác bỏ dự án là phụ thuộc vào việc chấp nhận hay bác bỏ một dự án khác .
Ví dụ: Dự án xây dựng một bệnh viện tư và xây dựng nhà thuốc cho bệnh viện đó. Đây là hai dự án hoàn toàn phụ thuộc lẫn nhau và việc chấp nhận hay bác bỏ một trong hai thì nó phụ thuộc vào dự án còn lại.
1.5.1.5. Tổ chức thẩm định
Công tác thẩm định là nghiệp vụ đòi hỏi tập hợp của nhiều hoạt động khác nhau, liên kết chặt chẽ với nhau đòi hỏi có một sự phân công, sắp xếp, quy định quyền hạn và trách nhiệm của các cá nhân, bộ phận tham gia thẩm định, trình tự tiến hành cũng như mối liên hệ giữa các cá nhân và các bộ phận trong quá trình thực hiện. Việc tổ chức điều hành công tác thẩm định tín dụng KHDN nếu được xây dựng khoa học, chặt chẽ, phát huy được năng lực, sức sáng tạo của từng cá nhân và sức mạnh tập thể tạo thành một hệ thống đồng bộ sẽ nâng cao hiệu quả công tác thẩm định. Đồng thời, ngân hàng phải có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình thẩm định đối với từng cá nhân và bộ phận thẩm định. Tuy nhiên, các quy định trên không được cứng nhắc, gò bó mất đi tính chủ động, sức sáng tạo của từng cá nhân làm giảm chất lượng thẩm định dự án.