Phân tích các phương án chiến lược

Một phần của tài liệu Lựa chọn phương án chiến lược phát triển ngành công nghiệp chế biến thực phẩm của Việt Nam trong điều kiện hội nhập WTO.docx (Trang 72 - 76)

PHƯƠNG ÁN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG NGHIỆP CHẾ BIẾN THỰC PHẨM CỦA VIỆT NAM

3.1.1 Phân tích các phương án chiến lược

Phương án 1: “Phát triển ngành công nghiệp chế biến thực phẩm của Việt Nam theo hướng tăng cường sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao thông qua chế biến sâu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu”.

Ưu điểm : thông qua chế biến sâu sẽ nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm VSATTP, tạo ra sản phẩm chế biến giàu dinh dưỡng đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Cũng nhờ quá trình chế biến này, sản phẩm có thêm đặc tính mới, đa dạng chủng loại, vì thế khả năng cạnh tranh cao hơn và đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, đặc biệt là nhóm khách hàng khó tính. Vì thế, sản phẩm có khả năng thâm nhập thị trường thế giới. Cùng với nguồn nguyên liệu sẵn có, đa dạng, tại chỗ giúp giảm thiểu chi phí vận chuyển. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để sản phẩm chế biến có giá trị tăng thêm cao hơn.

Nhược điểm: chế biến sâu đòi hỏi các doanh nghiệp trong ngành phải đầu tư mạnh vào máy móc, thiết bị, dây chuyền, công nghệ sản xuất, chi cho đào tạo và bồi dưỡng tay nghề cho đội ngũ người lao động. Mặt khác, các doanh nghiệp dành khoản tiền phục vụ cho nghiên cứu sản phẩm, nghiên cứu thị trường, chi phí cho việc khuếch trương sản phẩm mới,..Ngoài ra, cần đội

ngũ các nhà quản lý, lãnh đạo nhạy bén, có tầm chiến lược. Chính vì thế, phương án này sẽ hạn chế số lượng doanh nghiệp tham gia do họ không có đủ điều kiện để thực hiện. Hơn thế nữa, sản phẩm chăn nuôi, đầu vào của ngành CNCBTP, của Việt Nam còn nhiều hạn chế như: chất lượng đầu vào thấp, chưa đảm bảo VSTY,..gây khó khăn cho việc thu gom, tuyển chọn đầu vào. Vì thế, làm cho giá thành sản phẩm thịt chế biến tăng cao khiến cho nhiều người tiêu dùng không có khả năng chi trả mặc dù họ biết đó là sản phẩm có chất lượng cao, bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh và có lợi cho sức khoẻ.

Tính khả thi: mặc dù, nước ta vẫn thuộc nhóm nước có thu nhập thấp nhất thế giới, song trong vòng hơn một thập kỷ qua tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam luôn ở mức cao khiến cho đời sống của nhân dân không ngừng tăng lên (năm 2006 là 723 USD/người). Hội nhập kinh tế quốc tế, một mặt tạo thêm công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho dân cư, mặt khác thời gian dành cho tự chế biến sẽ giảm dần. Do đó, tập tục sử dụng sản phẩm tươi sống sẽ giảm, thay vào đó là nhu cầu thực phẩm qua chế biến tăng lên.

Trong thời gian qua, một số doanh nghiệp đã đầu tư nâng cao năng lực sản xuất để chế biến sâu như: Vissan, đồ hộp Hạ Long, Việt Đức,.. thu được những thành công nhất định. Tương lai, các doanh nghiệp khác có điều kiện phát triển thông qua liên doanh, liên kết với các đối tác khác đặc biệt là đối tác nước ngoài để tăng năng lực sản xuất, giảm bớt gánh nặng chi phí thông qua lợi thế của ngành và sự hỗ trợ của Chính phủ.

Việt Nam có nguồn nguyên liệu đầu vào dồi dào, đa dạng, đội ngũ người lao động năng động, thích ứng nhanh với công việc, bảo hộ của Nhà nước về sở hữu trí tuệ được trú trọng hơn, các chính sách của Chính phủ ngày càng phù hợp với xu thế phát triển, đặc biệt là nước ta đã là thành viên của WTO, chúng ta có nhiều cơ hội phát triển ngành CNCBTP theo hướng chế biến sâu để có sản phẩm chất lượng cao, bảo đảm các tiêu chuẩn, nâng cao được sức cạnh tranh của sản phẩm hướng tới thay thế sản phẩm nhập khẩu và đẩy mạnh xuất khẩu.

Phương án 2: “Phát triển ngành công nghiệp chế biến thực phẩm của Việt Nam theo hướng tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm đáp ứng nhu cầu trong nước”.

Ưu điểm: đầu tư nâng cao năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong ngành để đổi mới trang thiết bị, dây chuyền công nghệ, tận dụng thế mạnh về nguồn nguyên liệu tạo nhằm ra sản phẩm có chất lượng cao, đa dạng hoá chủng loại, đảm bảo các tiêu chuẩn VSATTP đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu của đông đảo người tiêu dùng trong nước.

Khi thực hiện phương án chiến lược này, chúng ta chưa cần đáp ứng ngay các tiêu chuẩn quốc tế về sản phẩm thực phẩm chế biến, mà sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc gia, do vậy, các doanh nghiệp sẽ giảm bớt được chi phí đầu tư.

Khi CNCBTP phát triển kéo theo các ngành khác phát triển, trong đó có ngành chăn nuôi. Vì thế, đời sống của nông dân được nâng lên, chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế, thúc đẩy phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, công nghiệp, góp phần hạ giá thành chăn nuôi, hạn chế lây lan dịch bệnh.

Ngoài ra, khi CNCBTP phát triển mạnh sẽ hạn chế được việc giết mổ, chế biến nhỏ lẻ, phân tán trong các khu dân cư, hè phố tiến tới thành lập các khu giết mổ tập trung ở các khu vực được quy hoạch.

Nhược điểm: cùng với sự phát triển của xã hội, đòi hỏi của người tiêu dùng sẽ rất cao, rất khắt khe ở nhiều mặt, nhất là ở các nước phát triển. Họ không chỉ đòi hỏi ở sản phẩm về chất lượng, quy cách, mẫu mã, bao bì, giá cả, VSATTP mà cả các yếu tố xã hội khác có liên quan, kết tinh trong hàng hoá. Vì thế, phương án chiến lược này sẽ không thúc đẩy được các doanh nghiệp trong ngành CNCBTP của Việt Nam vươn tới để đạt được các tiêu chuẩn đó, bởi lẽ họ sản xuất phục vụ cho người Việt Nam và theo tiêu chuẩn của Việt Nam, trong khi các đòi hỏi, các tiêu chuẩn của nước ta chưa cao, chưa khắt khe, thậm chí chưa thay đổi nhanh so với các nước tiên tiến trong khu vực. Chính và thế, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong ngành

luôn theo sau các nước, kéo dài khoảng cách tụt hậu so với thế giới. Trong khi đó, ở “sân chơi” toàn cầu, các đối thủ với những lợi thế sẵn có cùng với lợi thế về hàng rào thuế quan và phi thuế quan được dỡ bỏ, sản phẩm của họ sẽ càng có thêm lợi thế để nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường Việt Nam khiến cho các doanh nghiệp ngành CNCBTP nước ta khó tồn tại.

Tính khả thi: phương án này, khi thực hiện, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị, đảm bảo VSATTP, đáp ứng cho nhu cầu của đông đảo người tiêu dùng trong nước, đồng thời cũng nâng cao được năng lực sản xuất của ngành. Nhưng do đòi hỏi của người tiêu dùng Việt Nam còn thấp, còn chậm so với các nước, nên sẽ không thúc đẩy được các doanh nghiệp trong ngành nâng cao năng lực sản xuất, cải tiến kỹ thuật đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Vì thế, ngành CNCBTP của Việt Nam có nguy cơ tiếp tục tụt hậu xa so với thế giới.

Với phương châm “phòng thủ tốt nhất là tấn công”, lựa chọn phương án chiến lược này, mặc dù Việt Nam đã là thành viên chính thức của WTO nhưng chúng ta sẽ nhanh chóng trở thành người đứng ngoài cuộc, trở thành “khán giả”.

Phương án 3: “Tận dụng lợi thế về tỷ suất vốn đầu tư thấp, lao động trong ngành dồi dào, năng động, giá nhân công thấp để phát triển ngành công nghiệp chế biến thực phẩm của Việt Nam theo hướng tạo ra sản phẩm giá rẻ”.

Ưu điểm: như đã phân tích trên đây, người tiêu dùng Việt Nam chưa “mặn mà” với thực phẩm chế biến bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do thu nhập của họ còn thấp và chăn nuôi tận dụng trong mỗi gia đình còn khá phổ biến, nên phương án chiến lược phát triển CNCBTP tạo ra sản phẩm chế biến giá rẻ sẽ đáp ứng được mong muốn của đông đảo người tiêu dùng có thu nhập không cao. Hơn thế nữa, với việc đầu vào tư máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ không lớn sẽ giúp cho nhiều doanh nghiệp có khả năng thực hiện được.

Nhược điểm: chất lượng sản phẩm sẽ không cao, VSATTP không đảm bảo. Do đó, chỉ đáp ứng được cho nhu cầu nhóm người có thu nhập thấp. Trong khi, đòi hỏi của người tiêu dùng sẽ tăng khi thu nhập tăng và thực phẩm chế biến nước ngoài giá rẻ, chất lượng đảm bảo ồ ạt tràn vào “theo WTO” khiến cho thực phẩm chế biến giá rẻ của nước ta không thể tồn tại được. Mặt khác, chúng ta không thể đứng ngoài sân chơi lớn khi mà tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm và VSATTP của thế giới ngày càng cao.

Trong điều kiện hội nhập, với chất lượng như vậy hàng hoá của ta không thể thâm nhập vào thị trường thế giới, ngành CNCBTP của Việt Nam không thể phát triển được, nên sẽ kéo theo các ngành sản xuất liên quan dẫm chân tại chỗ.

Tính khả thi: phương án này chỉ đáp ứng được nhu cầu trước mắt, khi các yếu tố nội sinh của ngành, cũng như đòi hỏi của người tiêu dùng còn thấp khi xã hội chưa phát triển về mọi mặt. Trong điều kiện hội nhập, năng lực của toàn nền kinh tế phát triển nhanh, đời sống của dân cư tăng lên, do đó nhu cầu và đòi hỏi của người dân về TPCB tăng theo, nên phương án này nhanh chóng lỗi thời.

Một phần của tài liệu Lựa chọn phương án chiến lược phát triển ngành công nghiệp chế biến thực phẩm của Việt Nam trong điều kiện hội nhập WTO.docx (Trang 72 - 76)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(92 trang)
w