Trong những năm qua, nhờ xuất khẩu lao động mà kinh tế các vùng nông thôn đã được cải thiện rõ rệt, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tuy nhiên, không phải người lao động nào sau khi trở về nước cũng có thể tìm được công việc ổn định, phù hợp với chuyên môn của mình. Nhiều lao động, nhất là ở những địa phương nghèo, không thể phát huy được kỹ năng, thêm nữa, số tiền họ kiếm được dùng vào xây nhà, trả nợ, còn công việc hàng ngày vẫn là làm ruộng. Kết quả khảo sát của Viện Khoa học Lao động và Xã hội cũng chỉ ra rằng có đến 53% thu nhập được người lao động sử dụng để xây nhà, gần 29% mua sắm đồ đạc và hơn 24% đầu tư cho con cái học hành (Khanh Lê, 2011).
Theo bà Nguyễn Thu Nga – Trưởng nhóm khảo sát thuộc Viện Khoa học lao động – xã hội, có đến hơn 80% lao động sau khi về nước trở lại với công việc lao động giản đơn, chất lượng thấp, công nghệ lạc hậu hoặc nông nghiệp với thu nhập tương đối thấp (chỉ gần 2 triệu đồng/ tháng) (Nguyễn Quyết, 2011).
Ngày 16/3/2011, tại buổi công bố kết quả đánh giá thực trạng người đi làm việc ở nước ngoài đã trở về nước, nhiều chuyên gia đã đưa ra cảnh báo: Hiện nay thị trường lao động Việt Nam đang tồn tại nghịch lý, trong khi các doanh nghiệp đang thiếu trầm trọng lao động có tay nghề thì có một bộ phận không nhỏ lao động
đi xuất khẩu lao động trở về nước có kỹ năng và tay nghề cao phải quay về làm ruộng vì thất nghiệp. Nếu không có những chiến lược hỗ trợ phù hợp thì Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ nhập khẩu lao động tay nghề cao từ nước bạn (Khanh Lê, 2011).
Để giúp người lao động sử dụng vốn hiệu quả cũng như tránh lãng phí nguồn nhân lực, cần có cách chính sách khai thác hợp lý, tạo ra nhiều kênh kết nối giữa lao động và doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng. Bên cạnh đó, các địa phương phải có chính sách tái hòa nhập phải đảm bảo cho đời sống người lao động trở về diễn ra bình thường, các cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội phải có các chính sách tiếp nhận, tạo điều kiện cho các đối tượng này về nhà cửa, bảo hiểm, sức khỏe, hộ khẩu…
Ví dụ như một biện pháp mà Công ty dịch vụ xuất khẩu lao động & Chuyên gia Suleco đã áp dụng được ông Trần Quốc Ninh – Giám đốc chia sẻ: “1 hoặc 2 tháng trước khi lao động về nước, Suleco phối hợp với các nghiệp đoàn lập danh sách và trực tiếp sang làm việc với các công ty của Nhật trong và ngoài các khu chế xuất, khu công nghiệp để giúp người lao động trở về làm việc đúng ngành nghề chuyên môn” (Báo Người Lao Động, 2005).
1.3.6. Chính sách tạo việc làm
Với những ưu thế vượt trội hơn hẳn so với lao động trong nước, nhà nước càng cần có những chính sách tạo công ăn việc làm cho nhóm đối tượng lao động hoàn thành hợp đồng về nước nhằm tận dụng triệt để cũng như tránh lãng phí nguồn nhân lực chất lượng cao này. Chính sách tạo việc làm trong sử dụng nguồn nhân lực sau xuất khẩu lao động được thể hiện ở các nội dung sau:
- Nguồn tài chính được hỗ trợ từ nhà nước cho các hoạt động tạo việc làm. - Các chính sách của nhà nước nhằm thu hút đầu tư nước ngoài cũng như tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các tổ chức sử dụng lao động trong nước với người lao động để tạo điều kiện cho lao động trở về được làm công việc phù hợp với chuyên môn, kỹ năng của mình.
- Nhà nước khuyến khích mở mang các nghề mới, phát triển nghề truyền thống phù hợp với công việc của người lao động tại nước ngoài.
- Nhà nước đưa ra các chế độ, cơ chế thông thoáng, khuyến khích người lao động về nước tự đầu tư vốn của mình, thành lập doanh nghiệp, hỗ trợ về vốn cũng như cơ sở hạ tầng cho nhóm đối tượng này.
- Chú trọng đến chính sách đầu tư cho hệ thống đào tạo lại, giới thiệu, xúc tiến việc làm để giúp người lao động sau khi về nước nhanh chóng có cơ hội tiếp tục làm việc.
- Nhà nước đảm bảo công tác thông tin, tuyên truyền về lao động, việc làm một cách thường xuyên để người lao động nắm được, tranh thủ sự hỗ trợ, đầu tư cho người lao động trong việc làm mới ở mọi khía cạnh.
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn và thách thức nhưng với những chủ trương chính sách và giải pháp tích cực của Nhà nước, chúng ta sẽ thu hút, khai thác và sử dụng được nguồn nhân lực sau xuất khẩu lao động một cách hiệu quả, giải quyết an sinh xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đạt được những mục tiêu đề ra.
1.4. Chính sách sử dụng nguồn nhân lực sau xuất khẩu lao động ở một số nước Châu Á và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
1.4.1. Hàn Quốc
Từ sau năm 1991 trở lại đây, Hàn Quốc từ một quốc gia với nền nông nghiệp lạc hậu nhất thế giới đã vươn lên phát triển mạnh mẽ với nhiều tiến bộ vượt bậc, trở thành một trong bốn “con rồng Châu Á”. Chiến lược phát triển kinh tế của quốc gia này là tập trung đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, trong đó xuất khẩu lao động giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Không chỉ làm tốt công tác hỗ trợ cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài, Hàn Quốc còn đưa ra nhiều chính sách ưu đãi cho những lao động này sau khi hoàn thành hợp đồng lao động trở về nước.
Lao động Hàn Quốc xuất khẩu chủ yếu theo hình thức tham gia vào các dự án đấu thầu của chính phủ và doanh nghiệp ở nước ngoài. Ngay từ khi xuất cảnh, người lao động đã nhận được nhiều sự ưu đãi từ các chính sách phát triển nguồn nhân lực, cho đến khi sang làm việc tại nước ngoài, những lao động này cũng được áp dụng mức thuế suất thu nhập thấp hơn trong nước. Đặc biệt, rất nhiều chính sách đã được đưa ra nhằm hỗ trợ cho người lao động sau khi trở về nước như:
- Những lao động đã hoàn thành hợp đồng sẽ được hưởng 10% quỹ nhà ở mới xây. Chính sách này tạo điều kiện cho người lao động ổn định nhà cửa, tạo tâm
lý yên tâm để đóng góp và cống hiến kỹ năng, kinh nghiệm đã tích lũy được trong thời gian làm việc tại nước ngoài nhằm xây dựng và phát triển kinh tế địa phương.
- Chính sách tái hòa nhập cộng đồng có những ưu đãi cho nguồn nhân lực sau xuất khẩu lao động như khi mua những mặt hàng điện tử để phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày, những lao động này sẽ được ưu tiên giảm giá so với hàng bán lẻ thông thường tại thời điểm mua bán đó. Đây là một trong những chính sách cụ thể, thiết thực và kịp thời nhằm giúp đỡ các lao động xuất khẩu đảm bảo được đời sống sau khi trở về nước.
- Ổn định nghề nghiệp sau xuất khẩu là một trong những mối quan tâm hàng đầu của người lao động. Nắm bắt được nhu cầu thực tế này, chính phủ Hàn Quốc đã khuyến khích những lao động sau khi trở về tiếp tục làm việc bằng chính sách tuyển dụng vào các khu công nghiệp, các tập đoàn sản xuất trong nước. Chính sách này vừa giải quyết vấn đề việc làm cho người lao động xuất khẩu, vừa tận dụng hiệu quả kỹ năng chuyên môn, tác phong làm việc công nghiệp, tiến bộ khoa học kĩ thuật trên thế giới mà họ tích lũy được, lại bù đắp được những hạn chế của nguồn lao động sẵn có trong nước.
- Một điều đáng chú ý là tại các khu công nghiệp, tập đoàn sản xuất trên đều có các cơ sở để tái đào tạo cho đội ngũ lao động về nước sao cho phù hợp với việc làm trong nước, đáp ứng được yêu cầu thực tế khi tham gia lao động.
Những chính sách trên đã tạo cơ hội thu hút nguồn nhân lực sau xuất khẩu lao động tiếp tục làm việc, xây dựng đất nước, đóng góp tích cực trong việc sử dụng hiệu quả nguồn lao động chất lượng cao này, góp phần đưa nền kinh tế Hàn Quốc tiếp tục tăng trưởng và trở thành quốc gia phát triển hàng đầu trên thế giới.
1.4.2. Philippines
Hiện nay, Philippines là quốc gia có số lượng lao động xuất khẩu lớn nhất Châu Á, đứng thứ hai trên thế giới, chỉ sau Mexico. Đây cũng là quốc gia có số kiều hối chuyển về nước cao thứ tư thế giới, chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ và Mexico. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), trong năm 2011, xuất khẩu lao động của Philippines đã đóng góp 12% vào GDP tương ứng với khoảng 20 tỷ USD do lao động làm việc ở nước ngoài gửi về (Vũ Anh, 2012).
Với một số lượng lớn người tham gia xuất khẩu lao động như vậy, chính phủ Philippines đã đưa ra nhiều chính sách, chương trình cụ thể nhằm tạo điều kiện cho người lao động trở về nước nhanh chóng tái hòa nhập với cộng đồng và sử dụng một cách có hiệu quả nguồn nhân lực này.
- Một trong những biện pháp đầu tiên mà Bộ Thương mại và Công nghiệp kết hợp với Cục Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ Philippines đã áp dụng là đưa ra chương trình sinh kế và phát triển nghề nghiệp. Theo đó, người lao động sau khi trở về nước sẽ được cung cấp các dịch vụ tư vấn, đào tạo, các khóa học nhằm nâng cao kỹ năng làm việc, cũng như có cơ hội chọn lựa và làm việc trong các tổ chức sản xuất trong nước. Chương trình này đã giúp cho người lao động bước đầu tránh khỏi những bỡ ngỡ khi trở về nước và định hướng nghề nghiệp để tiếp tục làm việc.
- Chương trình tín dụng và tài chính vĩ mô được đánh giá là biện pháp thiết thực nhất, hỗ trợ trực tiếp cho lực lượng lao động sau xuất khẩu. Chính phủ Philippines đã đưa ra các khoản vay với những mức khác nhau tùy từng nhóm đối tượng như: khoản vay sinh kế cho các gia đình: 100.000P (khoảng 1.850 USD), khoản vay hồi cư: 20.000P – 50.000P (khoảng 370 USD), khoản vay trợ cấp theo nhóm tối đa: 50.000P (khoảng 925 USD) (Phạm Đức Chính, 2010). Các khoản vay này nhằm hỗ trợ kịp thời, đảm bảo ổn định đời sống cho người lao động cũng như gia đình của họ.
- Tương tự như Hàn Quốc, chính phủ Philippines cũng đưa ra chính sách giúp đỡ người lao động mua nhà kể từ thời điểm mà lao động đó được thuê và làm việc hiệu quả ở nước ngoài. Theo đó, người lao động sẽ được hưởng các khoản vay về nhà ở, đặc biệt những lao động là thành viên của quỹ phát triển tương hỗ về nhà ở còn được hưởng khoản vay trọn gói này.
- Người lao động Philippines sau khi hoàn thành hợp đồng trở về nước còn được cấp giấy chứng nhận “Batik Manggagawa” để đảm bảo rằng họ vẫn có cơ hội tiếp tục làm việc tại cơ sở trước đây (Nguyễn Tiến Dũng, 2010).
1.4.3. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Từ những nghiên cứu về chính sách sử dụng nguồn nhân lực sau xuất khẩu lao động tại hai quốc gia Châu Á điển hình là Hàn Quốc và Philippines, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam như sau:
- Hoạt động xuất khẩu lao động phải gắn liền với kế hoạch lao động và việc làm quốc gia. Điều này thể hiện ở việc đào tạo nghề cho lao động phải phù hợp với yêu cầu thực tế, lựa chọn và phân định đối tượng tham gia xuất khẩu lao động thích hợp, đồng thời đẩy mạnh hoạt động tái đào tạo cho người lao động sau khi trở về nước. Có như vậy mới đảm bảo được chất lượng lao động, thỏa mãn yêu cầu ngày càng cao của các nhà tuyển dụng, đầu tư.
- Phối hợp hoạt động chặt chẽ giữa các tổ chức kinh tế xã hội trong và ngoài nước, thông qua đó thường xuyên nắm bắt thông tin về các chương trình, chính sách tái làm việc tại các nước sở tại để đảm bảo điều kiện tốt nhất, bảo vệ, giúp đỡ người lao động, cũng như giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh.
- Thực hiện các chính sách ưu đãi cho người lao động sau khi về nước về mọi mặt của đời sống như: ưu tiên, hỗ trợ trong việc tái định cư, dụng cụ sinh hoạt, tái đào tạo, tư vấn việc làm… hay trợ cấp bằng các khoản vay, khoản tiền đầu tư cụ thể.
- Các chính sách, biện pháp mà chính phủ đưa ra không chỉ ưu đãi cho người lao động xuất khẩu mà còn phải hỗ trợ, chăm lo đời sống cho gia đình của những lao động này, đặc biệt là trong những trường hợp người lao động ở ngoài nước gặp khó khăn.
- Nhà nước cần có các chính sách ưu tiên các vùng miền khó khăn trong hoạt động xuất khẩu lao động, để sau này khi người lao động trở về sẽ trực tiếp làm việc tại các công trình, khu vực sản xuất, tham gia xây dựng và phát triển kinh tế chính địa phương mình.
CHƯƠNG 2
THỰC TRẠNG VỀ CHÍNH SÁCH SỬ DỤNG NGUỒN NHÂN LỰC SAU XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG Ở VIỆT NAM
2.1. Khái quát về hoạt động xuất khẩu lao động ở Việt Nam
2.1.1. Tổ chức hoạt động quản lý Nhà nước về xuất khẩu lao động trong thời kỳ đổi mới
Hội nhập quốc tế là một xu thế tất yếu của thời đại ngày nay, đem lại nhiều cơ hội song song với nhiều thách thức đặt ra cho các quốc gia. Trong số đó, mở rộng, nâng cao chất lượng hoạt động xuất khẩu lao động được xem như một trong những mục tiêu cơ bản của nền kinh tế nước ta trong thời kỳ đổi mới. Tổ chức hoạt động quản lý nhà nước về xuất khẩu lao động ở nước ta trong giai đoạn này được thể hiện qua những nội dung sau:
- Về thể chế: Nhà nước ta đã xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về hoạt động xuất khẩu lao động như: Bộ Luật về người lao động Việt Nam đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng, các Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng, các Thông tư của các Bộ liên quan… Đây là những căn cứ để quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị và các đối tượng liên quan đến hoạt động xuất khẩu lao động.
Bên cạnh đó, các Hiệp định, thỏa thuận của Chính phủ và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ký kết với các nước về hợp tác, trao đổi lao động cũng góp phần vô cùng quan trọng trong việc điều chỉnh, tổ chức và quản lý hoạt động xuất khẩu lao động.
Ngoài ra, còn có rất nhiều các quy định khác được đưa ra nhằm hướng hoạt động xuất khẩu lao động theo một trình tự hợp lý, đạt hiệu quả cao như: quy định hướng dẫn về tuyển chọn, đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, hướng dẫn về hộ chiếu, visa, việc làm, tái định cư, quy định điều kiện cấp phép, giấy phép hoạt động dịch vụ xuất khẩu lao động …
- Về bộ máy: Ở nước ta hiện nay, cơ quan được Chính phủ giao nhiệm vụ tổ chức bộ máy quản lý về hoạt động xuất khẩu lao động là Bộ Lao động Thương Binh
và Xã hội. Một số đơn vị thuộc bộ này được giao trách nhiệm quản lý trực tiếp hoạt động xuất khẩu lao động hoặc liên quan đến hoạt động xuất khẩu lao động như Cục quản lý lao động ngoài nước, Cục việc làm, Trung tâm lao động ngoài nước.... Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có chức năng phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức các bộ máy giúp việc để quản lý trực tiếp hoạt động xuất khẩu lao động hoặc các dịch vụ liên quan đến hoạt động xuất khẩu lao động. Ngoài ra còn một số các tổ