Đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực sau xuất khẩu lao động được coi là một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu của mỗi quốc gia. Chất lượng và hiệu quả của hoạt động đào tạo này quyết định đến sự phát triển mọi mặt của đất nước. Mục tiêu của chính sách đào tạo nguồn nhân lực sau xuất khẩu lao động là tạo ra được một đội ngũ lao động có chuyên môn, tay nghề, vốn ngoại ngữ, tác phong lao động công nghiệp, am hiểu văn hóa, phong tục tập quán cũng như kiến thức pháp luật của nước nhận lao động. Để đạt được những mục tiêu đó, cần có sự phối hợp giữa các tổ chức liên quan và chính sách, phương pháp phù hợp xuyên suốt quá trình xuất khẩu lao động.
- Đào tạo trước khi xuất khẩu:
Trong giai đoạn này, người lao động cần được đào tạo sơ bộ về nghề nghiệp sao cho phù hợp với khả năng của từng cá nhân và định hướng rõ ràng về thị trường nước ngoài mà lao động sang làm việc. Các cơ sở đào tạo nghề cần có cơ sở vật chất trang thiết bị, giáo trình, giáo án, giáo viên đảm bảo theo yêu cầu để đào tạo lao động có tay nghề, hiểu biết ngoại ngữ, văn hóa, luật pháp nước đến cũng như những quy định về hợp đồng lao động.
Giai đoạn này đòi hỏi năng lực cá nhân của mỗi lao động trong việc tư duy, nhận thức và rèn luyện để tiếp thu trình độ công nghệ tiên tiến, hiện đại, nâng cao hiệu quả sức lao động, gia tăng thu nhập, tạo tính cạnh tranh cao, uy tín trên thị trường lao động quốc tế và chiếm giữ được thị trường.
- Đào tạo sau khi về nước:
Sau khi hết hạn hợp đồng lao động trở về nước, người lao động vẫn cần được tiếp tục đào tạo sao cho phù hợp với chuyên môn, nghề nghiệp sẵn có để sử dụng lâu dài, tận dụng những thành quả vượt trội so với lao động trong nước.
Làm tốt công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho xuất khẩu lao động góp phần từng bước hạn chế đưa lao động phổ thông ra nước ngoài làm việc cực nhọc, thu nhập thấp, không đủ trình độ tiếp thu tiến bộ về kiến thức chuyên môn và văn hóa, tránh tình trạng lãng phí nguồn nhân lực và tài chính của đất nước.