Nông nghiệp và nông thôn đã và đang có vị trí, vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của tỉnh. Chính vì vậy, trong suốt những năm qua Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các địa phương luôn quan tâm đặc biệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, theo dõi sát sao hoạt động sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và đặc biệt là thực hiện công nhiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Chính những thành tựu đạt được trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn đã có những tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế của tỉnh:
Khu vực nông, lâm, thủy sản đã duy trì tốc độ phát triển tương đối nhanh và ổn định; cơ cấu nội bộ có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng
giá trị chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản có tốc độ phát triển nhanh, đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng toàn ngành nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng. Tốc độ phát triển giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản bình quân thời kỳ 1997 – 2010 đạt 4,16%/năm, trong đó giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 3,88%/năm, lâm nghiệp giảm 0,04%/năm, thủy sản tăng 14,27%/năm [9;22].
Cơ cấu trong khu vực nông, lâm nghiêp, thủy sản có nhiều tiến bộ. Tỷ trọng g iá trị chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tăng, đúng định hướng đưa hai ngành này trở thành mũi nhọn thúc đẩy tăng trưởng chung toàn khu vực. Trong 14 năm, tỷ trọng giá trị ngành thủy sản đã tăng liên tục từ 2,1% năm 1997 đến 7,8 % năm 2010; tỷ trọng giá trị chăn nuôi trong nông nghiệp tăng từ 24,8 % năm 1997 lên 39,8 % năm 2010. Cơ cấu mùa vụ cơ bản chuyển sản xuất từ 2 vụ chính sang sản xuất 3 vụ trong năm, với vai trò sản xuất vụ đông ngày càng quan trọng, sản xuất vụ đông mang đậm nét tính chất sản xuất hàng hóa, sản xuất hàng nông sản xuất khẩu. Cơ cấu cây trồng vật nuôi chuyển đổi mạnh theo hướng đưa nhanh giống có năng suất, chất lượng vào sản xuất, nhiều giống cây con mới được chuyển giao sản xuất thử nghiệm, nhân rộng qui mô sản xuất ở Hà Nam như: lúa lai, dưa xuất khẩu, tôm càng xanh, bò sữa… đã phát huy tác dụng tích cực đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng khu vực nông, lâm, thủy sản. Bên cạnh đó, hình thức, phương thức sản xuất trong nông thôn, nông nghiệp có nhiều thay đổi. Bước đầu, tỉnh Hà Nam đã xây dựng một số mô hình sản xuất trang trại, ngày càng khẳng định tính ưu việt vượt trội ở các mặt năng suất, thu nhập so với kinh tế hộ ở nông thôn. Phương thức sản xuất trong chăn nuôi chuyển từ quảng canh, tận dụng sang sử dụng thức ăn công nghiệp là chủ yếu, tỷ lệ hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở nông thôn có xu hướng giảm dần, các địa phương đã xây dựng được một số khu chăn nuôi tập trung, chăn nuôi trang trại phát triển.
Sản xuất lương thực – nhiệm vụ trọng tâm sản xuất nông nghiệp liên tục giành thắng lợi, đảm bảo duy trì vững chắc, cân đối lương thực cho tiêu dùng và sản xuất trên địa bàn trong điều kiện quĩ đất sản xuất nông nghiệp giảm. Sản lượng lương thực sản xuất năm 2010 gấp 1,24 lần năm 1997. Sản xuất lương thực phát triển đi đôi với thực hiện tốt chính sách kế hoạch hóa gia đình, ổn định qui mô dân số, đã đưa sản lượng bình quân đầu người của tỉnh Hà Nam đạt khá cao so với cả nước. Năm 2010 đạt 567 kg/người/năm, gấp 1,23 lần năm 1997, đạt tốc độ phát triển bình quân 1,62 %/ năm. Lương thực bình quân đầu người năm 2010 của Hà Nam cao hơn bình quân các tỉnh là 90kg/người/năm và cao hơn cả nước 60kg/người/năm [9;24].
Chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phát triển, thực sự trở thành mũi nhọn thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển. Mục tiêu nghị quyết 03 năm 2003 của Tỉnh ủy Hà nam phấn đấu đến năm 2010 tỷ trọng chăn nuôi chiếm 40% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp cơ bản hoàn thành. Có thể nói, tình hình chăn nuôi cả nước nói chung, Hà Nam nói riêng gặp rất nhiều khó khăn. Song với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, công tác phòng chống dịch bệnh đã đạt hiệu quả, chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi trang trại, qui hoạc đầu tư xây dựng khu chăn nuôi tập trung đã tạo điều kiện chăn nuôi của tỉnh Hà Nam phát triển. Tổng đàn gia cầm năm 2010 gấp khoảng 2,6 lần năm 1997, số lợn gấp khoảng 1,93 lần năm 1997 [9;27]. Nuôi trồng thủy sản có bước phát triển vượt bậc về cả qui mô, diện tích và phương thức nuôi trồng, quá trình phát triển gắn liền với với đẩy mạnh thực hiện chủ trương lớn của Nghị quyết 03. Trong 14 năm các địa phương trong tỉnh đã tiến hành chuyển đổi gần 3.000 ha đất ruộng trũng trồng lúa hiệu quả thấp sang sản xuất đa canh, theo mô hình kết hợp sản xuất trồng trọt - chăn nuôi – nuôi trồng thủy sản, hiệu quả kinh tế sau khi chuyển đổi cao hơn hẳn trồng lúa.
Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn không chỉ tác động tích cực đến sản xuất nông nghiệp mà còn tác động và thúc đấy công nghiệp phát triển thông qua những số liệu cụ thể: Qui mô kinh tế công nghiệp không ngừng lớn mạnh, đạt tốc độ phát triển tương đối cao, vững chắc trong thời kỳ 1997 - 2010. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2010 đạt 8.124,5 tỷ đồng gấp 25,5 lần năm 1997, tốc độ phát triển bình quân cả thời kỳ là 28,3%/ năm [9;30]. Cơ cấu kinh tế công nghiệp Hà Nam có sự chuyển biến khá sâu sắc theo hướng tiến bộ, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế cả nước. Đến nay, trên địa bàn tỉnh được Chính phủ phê duyệt 08 khu công nghiệp tỉnh quản lý. Cùng với xây dựng khu công nghiệp, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh thực hiện qui hoạch xây dựng các cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và làng nghề gắn qui hoạch sử dụng đất đai dài hạn. Đến nay, huyện, thành phố đã qui hoạch 17 cụm, trong đó có 13 cụm đi vào hoạt động, thu hút 72 doanh nghệp sản xuất kinh doanh với 5.000 lao động đang làm việc [9;32]
Một trong những nội dung của công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn là phát triển làng nghề truyền thống và làng nghề mới nên chủ trương củng cố, phát triển nghề, làng nghề được quan tâm đúng mức tạo ra chuyển biến tích cực chuyển dịch cơ cấu lao độn từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, nâng cao thu nhập, cải thiện mức sống dân cư nông thôn. Các làng nghề truyền thống, làng nghề sản xuất hàng xuất khẩu từng bước được khôi phục và phát triển, sản phẩm vươn tới nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới. Tổng số cơ sở cá thể sản xuất công nghiệp hiện có năm 2010 là 32.705 cơ sở, gấp 2,2 lần năm 1997.