Chủ trương đường lối của Trung ương Đảng

Một phần của tài liệu Luận văn: Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn tỉnh hà nam giai đoạn 1997 2010 (Trang 31 - 35)

Quá trình hoàn thiện và phát triển đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là quá trình đổi mới tư duy, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn Việt Nam, nhất là từ sau Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng ( 12 - 1986) là Đại hội mở đầu công cuộc đổi mới ở nước ta. Đại hội đề ra ba chương trình kinh tế bao gồm: chương trình lương thực, thực phẩm; chương trình hàng hàng tiêu dùng; chương trình hàng xuất khẩu. Đồng thời xác định những vấn đề chủ yếu về chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần, chính sách đất đai. Đặc biệt Nghị quyết số 10 NQ/TW ngày 5 – 4 - 1988 của Bộ Chính trị về “Đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp”. Đây là quyết sách có tác dụng trực tiếp và sâu sắc tạo ra những chuyển biến căn bản và sâu rộng trong quá trình phát triển nông nghiệp và nông thôn nước ta. Tiếp theo là Nghị quyết hội nghi Trung ương 6 khóa VI ngày 29 – 3 - 1989 là bước phát triển tất yếu, điều chỉnh một bước quan hệ sản xuất, giao cho người nông dân quyền quản lý nhiều hơn đối với các tư liệu sản xuất và sản phẩm làm ra.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (1991) xác định phát triển toàn diện kinh tế nông thôn gắn với công nghiệp chế biến, xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để ổn định tình hình KT - XH. Hình thành cơ cấu hợp lý về nông, lâm, ngư nghiệp phù hợp với sinh thái từng vùng gắn phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp với phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp chế biến, xây dựng kêt cấu hạ tầng kỹ thuật và kết cấu hạ tầng xã hội nông thôn. Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa VII (1993) ra Nghị quyết tiếp tục đổi mới và phát triển KT - XH nông thôn. Luật đất đai năm 1993 đã xác định người nông dân có 5 quyền liên quan đến đất đai được trao quyền sử dụng lâu dài. Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (1 - 1994) đã khẳng định phải hết sức quan tâm đến CNH, HĐH nông thôn phát triển toàn diện nông, lâm, ngư nghiệp gắn với công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. Đặc biệt Đảng ta đã ra Nghị quyết Trung ương 7 về CNH, HĐH đất nước “CNH, HĐH là một quá trình lịch sử lâu dài, là sự nghiêp của toàn dân, đòi hỏi mọi người, mọi nhà, thành phần kinh tế, tổ chức xã hội phải nỗ lực phấn đấu mới giành được kết quả thắng lợi. Vì vậy, trong giai đoạn 1991 – 2000, giai đoạn đầu của q uá trình CNH, HĐH nhiệm vụ trọng tâm là CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Đó là con đường phát triển đúng đắn, là sự chuyển giai đoạn để đưa nước ta thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, tiến lên giàu mạnh và văn minh” [31;60]

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII (1996) đến năm 1996, công cuộc đổi mới đã tiến hành được 10 năm và đạt được nhiều thành tựu quan trọng về mọi mặt. Đất nước thoát khỏi khủng hoảng KT - XH, cải thiện một bước đời sống vật chất của đông đảo nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh được củng cố. Đồng thời, thành tựu 10 năm đổi mới đã tạo được nhiều tiền đề cần thiết cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đánh giá tổng quát 10 năm thực hiện đường lối đổi mới toàn diện và 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội VII Báo cáo Chính trị khẳng định đất nước đã vượt qua một giai đoạn thử thách gay go và đạt những thắng lợi nổi bật trên nhiều mặt. Nhiệm vụ do Đại hội VII đề ra cho 5 năm 1991 – 1995 đã hoàn thành về cơ bản.

Đại hội nêu rõ: Đặc biệt coi trọng CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn; phát triển toàn diện nông, lâm, ngư nghiệp gắn với công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, hình thành các vùng tập trung chuyên canh, có cơ cấu hợp lý về cây trồng, vật nuôi, sản phẩm hàng hóa nhiều về số lượng, tốt về chất lượng, đảm bảo an toàn về lương thực; thực hiện thủy lợi hóa, điện khí hóa, cơ giới hóa, hóa học hóa, sinh học hóa…từng bước hình thành nông thôn mới, văn minh, hiện đại.

Để thúc đẩy quá trình đổi mới trong nông nghiệp lên một bước mới, ngày 10-11-1998, Bộ chính trị có Nghị quyết 06 khẳng định sự tồn tại tất yếu lâu dài của nền kinh tế nhiều thành phần, chỉ rõ vai trò quan trọng của kinh tế hộ, xác lập vị trí của kinh tế trang trại. Đồng thời vạch hướng đầu tư cho nông nghiệp về khoa học – công nghệ, mở rộng quyền sử dụng đất phát triển thị trường nông sản.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng (4 - 2001) đã xác định: Mô hình kinh tế tổng quát của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Động lực chủ yếu để phát triển đất nước là đại đoàn kết toàn dân trên cơ sở liên minh giữa công nhân với nông dân và trí thức, do Đảng lãnh đạo, kết hợp hài hòa giữa lợi ích cá nhân, tập thể và xã hội. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân gắn với việc phát huy dân chủ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội ở tất cả các cấp, các ngành, thu hút trí tuệ và sức lực của toàn dân vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đường lối kinh tế của Đảng được đại hội thông qua là: Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp; ưu tiên phát triển lực lượng sản xuất, đồng thời xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp theo định hướng xã hội chủ nghĩa; phát huy cao độ nội lực, đồng thời tranh thủ nguồn lực bên ngoài và chủ động hội nhập quốc tế để phát triển nhanh có hiệu quả và bền vững; tăng trưởng kinh tế đi liền với phát triển văn hóa, từng bước cải thiện đời sống vật chất tinh thần của người dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ và cải thiện môi trường, kết hợp phát triển KT - XH với tăng cường quốc phòng - an ninh.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng (4 - 2006) đã đề ra phương hướng về nông nghiệp, nông thôn: Đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, giải quyết đồng bộ các vấn đề nông nghiệp nông thôn và nông dân; chuyển dịch mạnh cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng tạo ra giá trị gia tăng ngày càng cao, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường; thực hiện cơ khí hóa, điện khí hóa, thủy lợi hóa, đưa nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ sinh học vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh phù hợp với từng vùng và từng địa phương.

Tại Đại hội X, trong định hướng phát triển kinh tế đất nước, Báo cáo của Ban chấp hành Trung ương Đảng khẳng định: “Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn và nâng cao đời sống nhân dân… Hiện náy và trong những năm tới, vấn đề nông nghiệp nông thôn và nông dân có tầm chiến lược đặc biệt quan trọng, phải luôn coi trọng đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn hướng xây dựng một nền nông nghiệp hàng hóa lớn, đa dạng, phát triển nhanh và bền vững, có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao… Tốc độ phát triển công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn không thấp hơn mức bình quân của cả nước. Gắn phát triển kinh tế với xây dựng nông thôn mới”

Thành công của Đại hội X của Đảng cổ vũ mạnh mẽ toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiến lên tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ hơn, phát triển với tốc độ nhanh hơn và bền vững hơn.

Như vậy, quá trình hoàn thiện và phát triển đường lối, chủ trương của Đảng về CNH, HĐH nông thôn nhất là từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đã đi vào cuộc sống, tạo chuyển biến cơ bản tình hình đất nước và đã đạt được những thành tự to lớn có ý nghĩa lịch sử.

Một phần của tài liệu Luận văn: Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn tỉnh hà nam giai đoạn 1997 2010 (Trang 31 - 35)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(117 trang)
w