Thực hiện cơ giới hóa, điện khí hóa, hóa học hóa và sinh học hóa trong sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Hà Nam

Một phần của tài liệu Luận văn: Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn tỉnh hà nam giai đoạn 1997 2010 (Trang 74)

sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Hà Nam

*Cơ giới hóa

Khi nói về vai trò của công cụ lao động Mác đã viết: Những thời đại kinh tế khác nhau, không phải ở chỗ chúng sản xuất ra cái gì mà ở chỗ chúng sản xuất bằng cách nào, với những công cụ nào. Trong hoạt động nông nghiệp, việc sử dụng những nông cụ cơ giới ngày càng hiện đại là điều kiện trực tiếp để tăng năng suất lao động. Nhận thấy tầm quan trọng của cơ giới hóa với nông nghiệp nên nhiều công nghệ mới đã được ứng dụng vào sản xuất

nông nghiệp ở Hà Nam như: Việc áp dụng công nghệ gieo sạ vào sản xuất lúa ở các huyện Thanh Liêm, Bình Lục; đưa máy gặt đập liên hợp vào thu hoạch lúa đã giúp nông dân giảm bớt công lao động. Việc áp dụng công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp đã mang lại hiệu quả kinh tế cao và tạo niềm tin cho người nông dân thúc đẩy quá trình cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp.

Máy gieo sạ: Để giảm bớt thời gian lao động cho nông dân, nâng cao sản xuất chất lượng lúa, từ năm 2007 một số huyện trên địa bàn tỉnh đã áp dụng công nghệ gieo sạ, năng suất lúa gieo sạ bằng công cụ cao hơn lúa cấy từ 10 đến 15%. Đây là kết quả thực tiễn để mở rộng thực tiện diện tích trong những năm sau. Hai huyện sử dụng công nghệ gieo sạ nhiều nhất hiện nay là Bình Lục và Thanh Liêm chiếm khoảng 30% diện tích lúa cấy trên toàn tỉnh. Năm 2007 Hà Nam gieo sạ 20 ha, đến năm 2008 diện tích gieo sạ 1000 ha đến năm 2010 diện tích gieo sạ đạt 1200 ha. Điều này khẳng định áp dụng công nghệ gieo sạ ở Hà Nam bước đầu có hiệu quả, góp phần phát triển ngành sản xuất lúa của tỉnh.

Máy đập liên hoàn: Bắt đầu từ vụ xuân năm 2008, Hà Nam nhập 4 máy gặt đập liên hoàn nhằm giảm bớt công sức lao động. Từ khi áp dụng công nghệ vào thu hoạch người dân đã giảm bớt công lao động và giảm 50% chi phí so với việc thuê nhân công gặt rồi tuốt.

Tính đến năm 2010 tỉnh đã hỗ trợ các xã triển khai mua 14 máy gặt đập, 28 máy làm đất, 25 máy phun thuốc trừ sâu và hàng trăm công cụ sạ hàng gieo thẳng. Chính nhờ đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp mà năng suất ngành nông nghiệp không ngừng nâng cao.

* Điện khí hóa

Điện khí hóa là điều kiện để các công cụ cơ giới phát huy tác dụng. Sự phát triển của lĩnh vực điện năng tạo cơ hội sử dụng điện rộng rãi trong sản xuất do đó sẽ làm tăng sức sản xuất của các công cụ lao động. Chính vì vậy, mạng lưới điện ở Hà Nam đã được xây dựng và mở rộng đến hầu hết các thôn

xã. 100% số hộ dân cư và cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ quan hành chính sự nghiệp ở Phủ Lý và các huyện đã được cung cấp và sử dụng điện lưới quốc gia. Công suất điện đủ tải, giờ cao điểm ít bị sụt áp.

Nguồn điện: “ Nguồn điện Hà Nam được nhận từ lưới điện 110 KV Quốc gia qua 5 trạm với tổng công suất 215 MVA. Nhìn chung, nguồn điện đáp ứng cơ bản nhu cầu phụ tải hiện tại của tỉnh trên 95 MW”[44;24]. Hiện tại và trong những năm tới, Hà Nam đang tiếp tục cải tạo, nâng cấp mạng lưới điện đạt tiêu chuẩn quốc gia và xây dựng một số hệ thống, công trình mới đáp ứng nhu cầu điện cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế xã hội nói chung, ngành nông nghiệp nói riêng của tỉnh.

Đẩy mạnh công tác bàn giao lưới điện nông thôn do các HTX quản lý cho ngành điện trên cơ sở tự nguyện nhằm nâng cao chất lượng điện, hạ giá thành, phục vụ tốt cho sản xuất và đời sống của người dân nông thôn, đến nay, Công ty điện lực Hà Nam đã tiếp nhận lưới điện nông thôn của khoảng 120 HTX DVNN, đạt 80,5%.

* Hóa học hóa:

Trong giai đoạn hiện nay ngành nông nghiệp của tỉnh phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là lĩnh vực trồng trọt chiếm 64,8% GTSX, nông nghiệp của tỉnh. Lượng phân hữu cơ rất nhỏ không đủ phục vụ sản xuất nên bà con nông dân đã sử dụng một lượng lớn phân vô cơ: Phân lân, phân đạm, phân kali… và được sử dụng trong suốt quá trình sinh trưởng của cây lúa. Hiện nay toàn bộ diện tích lúa trên địa bàn tỉnh đã và đang áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong thâm canh tổng hợp (Bón phân cân đối giữa phân đa lượng và phân vi lượng tùy thuộc vào từng chân đất, thời vụ, giống lúa). Ở những ruộng lúa bà con nông dân sử dụng phân tổng hợp NPK cho thấy năng suất lúa tăng hơn so với trước đây.

Cùng với sử dụng phân bón hóa học, bà con nông dân còn sử dụng các thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ… Việc sử dụng các loại phân

bón và thuốc trừ sâu đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường và phát triển bền vững ngành sản xuất lúa. Để giải quyết vấn đề này tỉnh đã triển khai mô hình sản xuất phân hữu cơ vi sinh vừa tiết kiệm chi phí, cải tạo và nâng cao độ phì cho đất và đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững.

* Sinh học hóa:

Sự phát triển của công nghệ sinh học có vai trò ngày càng lớn đối với nền kinh tế nông nghiệp. Nó không chỉ có tác động đến việc cải tạo giống cây, giống con hay tạo ra những loại giống mới có năng suất, chất lượng cao mà còn tác động rất lớn đến khâu chế biến, bảo quản giá trị sử dụng của sản phẩm.

Ở Hà Nam nhiều giống lúa mới đã được nghiên cứu, thực nghiệm và đưa vào canh tác cho năng suất cao, chất lượng gạo tốt, lại có khả năng chống chịu giỏi với tình hình thời tiết, khí hậu, sâu bệnh, đem lại hiệu quả kinh tế. Giống lúa lai F1(Tạp giao 4), giống lúa chất lượng PC6, lúa chất lượng cao HT6, lúa N97… có năng suất cao, được đưa vào sản xuất đại trà. Dự án thành công đã giúp nông dân chủ động về cây giống, tiết kiệm chi phí.

Đồng thời, tỉnh đã xây dựng được khoảng 1.800 mô hình chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học , 90 mô hình chăn nuôi tập trung, 72 mô hình trồng và nhân giống nấm ăn, 10 mô hình lúa gieo thẳng. Đặc biệt tỉnh đã sản xuất thành công cá chim trắng trong môi trường nước ngọt tỉnh Hà nam.

Một phần của tài liệu Luận văn: Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn tỉnh hà nam giai đoạn 1997 2010 (Trang 74)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(117 trang)
w