B/ NỘI DUNG
2.1.3. Một số vấn đề đặt ra đối với những biến đổi đạo đức gia đình
truyền thống trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta hiện nay
Nước ta đang trong quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Sự phát triển của kinh tế thị trường đã và đang tác động sâu rộng tới mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có đời sống đạo đức gia đình; đang từng bước làm biến đổi những nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức trong gia đình cho phù hợp với xã hội mới, tạo điều kiện cho sự phát triển toàn diện của mỗi cá nhân.
Nhìn chung, những giá trị và những chuẩn mực đạo đức gia đình truyền thống vẫn được kế thừa và phát triển trong điều kiện mới. Sống gắn bó với gia đình vẫn là lối sống được nhiều người tán đồng, khẳng định và coi đó là đạo lý. Quan hệ giữa các thành viên trong gia đình đã có nhiều biến đổi tích cực, lợi ích cá nhân được tôn trọng, tính độc lập tự chủ, sáng tạo của mỗi thành viên được khuyến khích phát triển. Mối quan hệ dân chủ, bình đẳng giữa vợ và chồng là nét tiêu biểu của gia đình mới và có ảnh hưởng đến quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Cha mẹ thông cảm, gần gũi con cái, tôn trọng quyền tự do và nhân cách của con, từ đó tạo điều kiện tháo gỡ mâu thuẫn, hiểu lầm dễ xảy ra giữa hai thế hệ.
Đáng chú ý là gia đình Việt Nam đang tiếp thu và xây dựng những giá trị nhân văn mới, tiêu biểu là quyền bình đẳng giới và quyền trẻ em. Trách nhiện của nam và nữ trong công việc chăm lo đời sống gia đình được chia sẻ
và tôn trọng. Người phụ nữ đã và đang từng bước khẳng định vị trí của mình trong gia đình và xã hội.
Dưới sự tác động của nền kinh tế thị trường, bên cạnh những biến đổi theo hướng tích cực thì đạo đức gia đình cũng có những biến đổi theo xu hướng tiêu cực. Đó là cái mà chúng ta vẫn gọi là mặt trái của “cơ chế thị trường”. Với những biểu hiện xuống cấp đạo đức của mỗi người trong gia đình, đặc biệt là lớp trẻ đã cho thấy sự yếu kém về giáo dục văn hoá nhân sinh từ trong gia đình. Đây chỉ là những hậu quả khởi đầu, khi mà lòng yêu thương, sự thông cảm, lòng vị tha, trắc ẩn trong gia đình dần nhường chỗ cho các giá trị thực dụng, và khi đó, những yếu tố vô hình làm nên giá trị hạnh phúc gia đình, là nền tảng đạo đức gia đình như lòng nhân ái, sự đồng cảm, sự quan tâm đến nhau giữa các thành viên trong gia đình không được chú ý.
Sự đổi mới kinh tế - xã hội của đất nước đã và đang đem đến nhiều yếu tố tích cực tác động đến cuộc sống gia đình, đến đạo đức gia đình. Mức sống vật chất được cải thiện, sinh hoạt văn hoá, tinh thần phong phú đa dạng, tạo ra nhiều cơ hội và điều kiện để xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc. Song bên cạnh đó cũng gây ra không ít khó khăn mới trong quan hệ sinh hoạt, ứng xử giữa cha mẹ và con cái, khiến ở một số gia đình quan hệ trở nên gay hắt, tình cảm gia đình bị sứt mẻ, gia đình không còn là tổ ấm, đảm bảo cho sự an toàn cho sự phát triển trí tuệ, tình cảm, đạo đức, thể lực của các thành viên, đặc biệt là lớp trẻ.
Có thể thấy rằng, dưới tác động của kinh tế thị trường hiện nay, đạo đức gia đình truyền thống đang có những biến đổi. Những biến đổi của đạo đức gia đình truyền thống đang đặt ra một số vấn đề cần giải quyết:
Thứ nhất, nền kinh tế thị trường, bên cạnh những tác động tích cực, hiện vẫn đang thể hiện những tác động tiêu cực đối với đạo đức xã hội nói chung và đạo đức gia đình nói riêng. Vì vậy, vấn đề đặt ra là, làm thế nào để
vừa phát triển KTTT làm cơ sở cho sự phát triển xã hội, vừa khắc phục được những tác động tiêu cực của quy luật thị trường đối với đạo đức nói chung và đạo đức gia đình nói riêng.
Thứ hai, trong những thập niên gần đây, chúng ta đã từng chứng kiến những thái độ khác nhau thậm chí đối lập nhau khi đánh giá các di sản của gia đình tryền thống. “Đã có một thời, gia đình truyền thống là đối tượng phê phán của xã hội mới. Người ta coi những mối quan hệ trong gia đình truyền thống là hình ảnh của xã hội phong kiến gia trưởng với những hủ tục lạc hậu, bảo thủ, đại diện cho nền kinh tế tiểu nông tự cấp tự túc với quan hệ phụ quyền bất bình đẳng và sự áp bức đối với phụ nữ” [63, tr.73]. Điều này đã làm xuất hiện xu hướng phủ nhận các giá trị đạo đức gia đình truyền thống. Vì vậy, vấn đề đặt ra là làm thế nào để các gia đình, các thành viên trong gia đình và toàn xã hội thấy được rằng các chuẩn mực đạo đức gia đình truyền thông vẫn phát huy tác dụng tích cực trong xây dựng gia đình Việt Nam hiện nay.
Thứ ba, dưới tác động của kinh tế thị trường, các chuẩn mực của đạo đức gia đình truyền thống đã có những biến đổi cho phù hợp với điều kiện mới, thực trạng này lại nảy sinh xu hướng bảo thủ hoặc không kịp thích nghi với những sự biến đổi đó. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để mọi thành viên trong gia đình và cả xã hội nhận thức được việc biến đổi đó là hợp quy luật để từ đó điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp.
Thứ tư, sự hình thành những giá trị, những chuẩn mực đạo đức gia đình hiện đại là yêu cầu của đạo đức gia đình trong điều kiện kinh tế thị trường và hiện đại hoá xã hội. Những giá trị, những chuẩn mực này chỉ có thể được định hình một cách ổn định, vững chắc trên cơ sở đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao và phong phú của các gia đình, các thành viên trong gia đình. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để đáp ứng các nhu cầu về vật chất và
tinh thần ngày càng cao của các gia đình và các thành viên trong gia đình, trên cơ sở đó để hình thành các giá trị, chuẩn mực đạo đức gia đình một cách vững chắc. Như vậy, từ những thực tế trên, chúng ta cần có cái nhìn đầy đủ hơn, toàn diện hơn để đưa ra những giải pháp khắc phục những xu hướng lệch lạc trong biến đổi đạo đức gia đình ở Việt Nam hiện nay.