Một số nhận xét rútra

Một phần của tài liệu Những biến đổi của đạo đức gia đình truyền thống trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay (Trang 39 - 43)

B/ NỘI DUNG

1.2.4.Một số nhận xét rútra

Một là, với tư cách là một hình thái ý thức xã hội, cũng như mọi hình thái ý thức xã hội khác, đạo đức phản ánh tồn tại xã hội và thay đổi tuỳ theo sự thay đổi của tồn tại xã hội. Đời sống kinh tế - xã hội thay đổi tất yếu dẫn đến những thay đổi trong đời sống tinh thần của xã hội, đến những thay đổi trong hệ thống các giá trị đạo đức. Ở nước ta, sự chuyển đổi của nền kinh tế từ cơ chế tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường, cái được, cái lợi là rất

lớn, nhưng cái chưa được, cái chưa lợi cũng không phải là ít. Dưới tác động của nền kinh tế thị trường chắc chắn đạo đức gia đình Việt Nam sẽ có những biến đổi cho phù hợp. Sự biến đổi đó không hoàn toàn tách rời những đặc trưng của đạo đức gia đình truyền thống Việt Nam, mà là một sự điều chỉnh để thích nghi với điều kiện và hoàn cảnh mới. Tất nhiên, sẽ có những khía cạnh của đời sống đạo đức gia đình biến đổi theo xu hướng tích cực, nhưng cũng có những biến đổi theo xu hướng tiêu cực, cản trở chính quá trình phát triển của xã hội Việt Nam, gia đình Việt Nam.

Hai là, đứng trước những biến đổi hết sức to lớn của đời sống đạo đức xã hội nói chung và đạo đức gia đình nói riêng cần hết sức thận trọng khi đánh giá chúng là tích cực hay tiêu cực. Nhưng điều phải tính đến một cách nghiêm chỉnh là làm thế nào để sự phát triển, tăng trưởng nhanh, mạnh của kinh tế sẽ không ảnh hưởng tiêu cực nhiều tới đạo đức gia đình, một trong những môi trường hình thành và phát triển nhân cách của con người. Vấn đề này đặt ra một cách khẩn bức đối với nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Bởi lẽ, bên cạnh mặt lành mạnh của những biến đổi môi trường gia đình, đạo đức gia đình thì có rất nhiều những biến đổi tiêu cực.

Ba là, dưới tác động của kinh tế thị trường mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình ngày càng lỏng lẻo, đạo đức gia đình ngày càng bị băng hoại nhưng đó không phải là lý do để hoảng hốt, cần hết sức bình tĩnh phân tích, nhìn nhận những quá trình diễn ra để có những cách ứng xử linh hoạt, thích hợp. Chỉ trên cơ sở đó, chúng ta mới có thể xây dựng được một hệ giá trị đạo đức gia đình Việt Nam mới, trong sáng, lành mạnh, nhân văn, nhân đạo, giàu tính dân tộc và hiện đại phù hợp với những đòi hỏi mới của quá trình hoàn thiện nhân cách của con người Việt Nam hiện đại, phù hợp và thích nghi với những biến đổi mới trong quá trình xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta hiện nay.

Kết luận chương 1

Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi thân yêu của mỗi con người, là một thiết chế xã hội đặc thù, được hình thành trên cơ sở quan hệ hôn nhân, và quan hệ huyết thống. Gia đình đảm nhiệm việc nuôi dưỡng con người cả về mặt thể chất lẫn tinh thần trong suốt cuộc đời, là nơi trao truyền những giá trị đạo đức cho con người, đặc biệt là những chuẩn mực đạo đức để điều chỉnh hành vi trong quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, mà người ta thường gọi là đạo đức gia đình.

Đạo đức gia đình chính là tổng thể những nguyên tắc, những chuẩn mực đạo đức điều chỉnh hành vi và quan hệ của các thành viên trong gia đình nhằm đảm bảo sự ổn định và phát triển của gia đình phù hợp với yêu cầu của xã hội. Đạo đức gia đình là một trong những yếu tố cơ bản tạo nên sự ổn định, ấm no, hạnh phúc của mỗi gia đình.

Đạo đức gia đình truyền thống Việt Nam được hình thành trên nền tảng nền văn minh lúa nước và những đặc thù của lịch sử Việt Nam, đồng thời chịu ảnh hưởng của các hệ tư tưởng thông qua quá trình giao lưu và tiếp biến văn hoá. Đạo đức gia đình truyền thống Việt Nam thể hiện qua các quan hệ cơ bản: vợ - chồng, cha mẹ - con cái; anh chị - em. Tương ứng với mỗi mối quan hệ đó là những chuẩn mực cơ bản. Như, trong quan hệ giữa vợ và chồng có những chuẩn mực: tình nghĩa, thuỷ chung, hoà thuận; trong quan hệ giữa cha mẹ và con cái có hai chuẩn mực Từ và Hiếu; trong quan hệ anh chị em thì hoà thuận, yêu thương, đùm bọc nhau là những chuẩn mực không thể thiếu. Những chuẩn mực đạo đức này là yếu tố cốt lõi cho việc điều chỉnh các mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, là yếu tố nội sinh để góp phần xây dựng gia đình trở thành tổ ấm, cái nôi nuôi dưỡng cuộc đời của mỗi con người.

Có thể khẳng định rằng, điều cơ bản để duy trì trật tự gia đình cũng như để xây dựng gia đình yên ấm, hạnh phúc là những nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức bên trong gia đình. Nhưng dưới tác động của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, những chuẩn mực này đã có những biến đổi nhất định. Sự biến đổi này là tất yếu và hợp quy luật, nó phù hợp với yêu cầu của xã hội mới.

Chương 2

THỰC TRẠNG VÀ NHỮNG GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC CÁC XU HƯỚNG LỆCH LẠC TRONG BIẾN ĐỔI ĐẠO ĐỨC GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG TRONG NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH

HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

Một phần của tài liệu Những biến đổi của đạo đức gia đình truyền thống trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay (Trang 39 - 43)