Chủ thể của tội phạm là người tham gia vào việc thực hiện hành vi phạm tội. Theo luật hình sự Việt Nam chủ thể của tội phạm chỉ có thể là con người cụ thể. Theo đó, pháp nhân không thể là chủ thể của tội phạm như quan niệm trong luật hình sự của một số nước khác. Để thỏa mãn là chủ thể của tội phạm phải thỏa mãn hai đặc điểm: có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Năng lực trách nhiệm hình sự là người khi thực hiện một hành vi nguy hiểm cho xã hội có khả năng nhận thức được tính nguy hiểm của hành vi ấy và điều khiển được hành vi ấy, trừ những người mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình (Đ13 Bộ luật hình sự năm 1999), tuổi chịu trách nhiệm hình sự, (Điều12 Bộ luật hình sự năm 1999) quy định: "Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng". Ngoài ra một số trường hợp đòi hỏi phải là chủ thể đặc biệt. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với quan điểm của TSKH.PGS. Lê Văn Cảm đưa ra khái niệm chủ thể của tội phạm như sau:
Chủ thể của tội phạm là người đã có lỗi (cố ý hoặc vô ý) trong việc thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội bị luật hình sự cấm, có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo luật định (ngoài ra, trong một số trường hợp cụ thể chủ thể của tội phạm còn có một số dấu hiệu bổ sung đặc biệt do quy phạm pháp luật hình sự tương ứng quy định) [14, tr. 357] .
Đối với tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng đòi hỏi chủ thể của tội phạm này là chủ thể đặc biệt, chỉ những người có chức vụ, quyền hạn mới có thể trở thành chủ thể của tội phạm này. Mặc dù tội phạm này là tội phạm quy định tại chương các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, nhưng các dấu hiệu về chức vụ, quyền hạn lại hoàn toàn giống như các tội phạm về chức vụ quy định tại chương XXI Bộ luật hình sự năm 1999; tội tham ô, tội nhận hối lộ…
Người có chức vụ, quyền hạn là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức nào khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ [9, tr. 202].
Mặc dù chủ thể của tội phạm này là chủ thể đặc biệt, nhưng người thực hiện hành vi phạm tội cũng phải có đủ các điều kiện quy định tại các điều 12, 13 Bộ luật hình sự năm 1999.
Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này, trong trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 165 Bộ luật hình sự năm 1999. Bởi theo quy định của Bộ luật hình sự hiện hành, tuổi chịu trách nhiệm hình sự là người từ đủ 16 tuổi trở lên thì chịu trách nhiệm về mọi hành vi do mình gây ra. Còn với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với những tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do lỗi cố ý. Mà theo quy định tại Điều 8 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định, tội rất nghiêm trọng có khung hình phạt từ trên 7 năm nhỏ hơn hoặc bằng 15 năm tù, còn tội đặc biệt nghiêm trọng có khung hình phạt thấp nhất là trên 15 năm tù chung thân hoặc tử hình. Đối chiếu với khoản 1 Điều 165 Bộ luật hình sự, trong trường hợp này chỉ là tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng. Do vậy người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp này. Chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự quy
định tại khoản 2, 3 Điều 165 Bộ luật hình sự, trong trường hợp này chỉ đúng về mặt lý thuyết, còn về mặt thực tế hầu như không có.
Còn trường hợp nếu gây ra thiệt hại dưới một trăm triệu đồng, thì người thực hiện hành vi cố ý làm trái phải là người "đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, gây hậu quả nghiêm trọng", thì mới phải chịu trách nhiệm hình sự. Vì đây là tội phạm có chủ thể đặc biệt, phải là những người đang làm việc, hay nói chính xác hơn là đang có chức vụ, quyền hạn trong tay là cán bộ, công chức. Đối với cán bộ, công chức nếu vi phạm quy định của pháp luật, chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị xử lý về kỷ luật theo quy định của Pháp lệnh cán bộ, công chức. Việc quy định dấu hiệu "đã bị xử lý kỷ luật mà còn vi phạm" thể hiện quan điểm của Nhà nước ta đối với những hành vi vi phạm pháp luật trước hết phải giáo dục hoặc xử lý bằng biện pháp khác, trong trường hợp này là xử lý về kỷ luật, rồi mới đến biện pháp hình sự. Mặt khác bảo đảm sự công bằng, bình đẳng đối với người không phải là cán bộ công chức vi phạm.
Đối với người không phải là cán bộ, công chức mà có hành vi vi phạm (chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự) thì họ bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Ngoài ra các chủ thể bình thường khác chỉ là chủ thể của tội này với vai trò là đồng phạm.
* Nhân thân người phạm tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng
Nhân thân người phạm tội một trong những vấn đề hết sức quan trọng, là đối tượng nghiên cứu của của nhiều chuyên ngành khoa học nói chung. Trong đó phải kể đến chuyên ngành hình sự, nhân thân người phạm tội không thể thiếu trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm.
Trong tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, nhân thân người phạm tội là một trong những vấn đề cần phải nghiên cứu tìm hiểu. Vậy nhân thân người phạm tội là gì? Theo GS.TS Nguyễn Ngọc Hòa:
"Nhân thân người phạm tội trong luật hình sự được hiểu là tổng hợp những đặc điểm riêng biệt của người phạm tội có ý nghĩa đối với việc giải quyết đúng đắn vấn đề trách nhiệm hình sự của họ" [47, tr. 97].
TS. Võ Khánh Vinh:
Nhân thân người phạm tội tức là người có lỗi trong việc thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội được luật hình sự quy định là tội phạm, được hiểu là tổng thể tất cả các dấu hiệu, đặc điểm có ý nghĩa về mặt xã hội, trong sự kết hợp với các điều kiện và hoàn cảnh bên ngoài ảnh hưởng đến hành vi phạm tội của người đó [53, tr. 126].
Theo khái niệm nêu trên, nhân thân người phạm tội là tổng hợp những đặc điểm riêng biệt của người phạm tội. Những đặc điểm riêng biệt đó cụ thể như; tình trạng năng lực trách nhiệm hình sự, nghề nghiệp, trình độ, văn hóa, hoàn cảnh gia đình của người phạm tội, động cơ, mục đích phạm tội…
Qua công tác khảo sát thực tế và các số liệu thống kê trong các báo cáo của cơ quan chức năng cho thấy, đặc điểm nhân thân của tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng ngày càng đa dạng và phức tạp. Trong toàn quốc từ năm 1996 - 2005 thể hiện trong hồ sơ còn lưu giữ ở Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thể rút ra một vài chỉ số về nhân thân kẻ phạm tội như sau:
+ Về giới tính
Từ trước đến nay đa số các loại tội phạm nói chung và tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế nói riêng, thì tỷ lệ phạm tội của nam giới bao giờ cũng lớn hơn so với nữ giới. Bởi những người có chức vụ,
quyền hạn trong quản lý kinh tế hiện nay phần lớn là nam, tỷ lệ nữ chiếm rất ít. Mặc dù hiện nay một số loại tội phạm tỷ lệ nữ giới có tăng so với các thời kỳ trước. Qua thực tế cho thấy chủ yếu người phạm tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng là nam giới, số chủ thể là nữ chiếm tỷ lệ thấp.
+ Về độ tuổi
Những người phạm tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, tập trung chủ yếu ở lứa tuổi từ 40 tuổi đến 55 tuổi. Điều này đã được chứng minh, trong thực tế những người có chức vụ, quyền hạn được Nhà nước giao cho để quản lý kinh tế. Để có một chức vụ, quyền hạn nhất định thì phải trải qua một thời gian dài rèn luyện và phấn đấu thì mới có thể đứng ở vị trí đó. Do đó chủ thể của tội phạm này chủ yếu nằm trong độ tuổi từ 40 tuổi đến 55 tuổi.
+ Về trình độ văn hóa
Khác với các tội phạm trong các lĩnh vực khác như; trật tự an toàn xã hội, ma túy, mại dâm… Nhìn chung, đối với tội này thường đa số là những người có trình độ học vấn và chuyên môn nhất định. Bởi những người có chức vụ, quyền hạn trong trong quản lý kinh tế thường phải là những người có trình độ văn hóa, cũng như trình độ chuyên môn trong lĩnh vực được giao quản lý, điều này đã được chứng minh trong thực tế.
+ Về tiền án tiền sự
Vấn đề tiền sự là một trong những dấu hiệu cơ bản để cấu thành tội này, đó là "đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm". Trường hợp người thực hiện hành vi mà gây thiệt hại chưa đủ một trăm triệu so với cấu thành cơ bản, thì người đó phải thỏa mãn điều kiện là đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm. chưa hết thời hạn xử lý vi phạm kỷ luật thì mới
bị coi là có tiền án tiền sự. Còn trường hợp có bị xử lý vi phạm kỷ luật nhưng đã được xóa án tích, thì không bị coi là đã có tiền án tiền sự.
+ Về trình độ chính trị
Qua thực tế chứng minh chúng ta có thể thấy chủ thể của tội này thường có trình độ văn hóa nhất định, ngoài ra về trình độ nhận thức chính trị của chủ thể tội này cũng chiếm tỷ lệ khá cao. Vì thực tế chứng minh rằng những người có chức vụ, quyền hạn trong quản lý kinh tế đa số là những người có trình độ văn hóa cao và trình độ nhận thức chính trị vững vàng, phần lớn là những người đã vào Đảng.
Qua nghiên cứu và tìm hiểu ta thấy tỷ lệ đảng viên phạm tội cố ý làm trái chiếm số lượng khá cao. Điều này cho thấy nhiều cán bộ, đảng viên không giữ vững được lập trường, tư tưởng qua thời gian đã bị bào mòn, thoái hóa, biến chất, về phẩm chất đạo đức. Số cán bộ này khi bị mua chuộc đã cấu kết, thông đồng với tư thương, phần tử xấu ngoài xã hội trở thành những kẻ tiếp tay đắc lực, tích cực tuồn hàng, tuồn của, của Nhà nước cho bọn gian thương, thực hiện những việc làm trái với chính sách của Đảng và Nhà nước gây thiệt hại vô cùng lớn. đáng tiếc trong cán bộ này có những đồng chí quá khứ tốt, có nhiều cống hiến cho cách mạng…
Nhìn chung, qua nghiên cứu các dấu hiệu về nhân thân người phạm tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế. Chúng ta thấy rằng nhân thân của tội này ngày càng đa dạng về độ tuổi, giới tính cũng như trình độ chuyên môn, điều này đã được thể hiện rất rõ qua nhận định nêu trên. Việc đi sâu nghiên cứu tìm hiểu nhân thân người phạm tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, đã giúp cho các cơ quan bảo vệ pháp luật, Tòa án giải quyết một cách đúng đắn vấn đề trách nhiệm hình sự của người đó. Tức là góp phần đảm bảo cho việc phân hóa, cá thể hóa trách nhiệm hình sự, hình phạt một cách chính xác.