Tỉnh Hậu Giang nằm trong khu vực ĐBSCL, một khu vực có nhiều tiềm năng phát triển du lịch nhất là du lịch sinh thái. Ngoài ra, Hậu Giang còn có vị trí quan trọng trong chiến lược công nghiệp hoá hiện đại hóa đất nước. Trong suốt những năm qua, khu vực này đạt mức tăng trưởng khá so với các khu vực khác trong cả nước với sự đóng góp đáng kể của ngành thương mại và dịch vụ (trên 12%) (nguồn: sở thương mại và du lịch Hậu Giang).
Do có vị trí sát với Cần Thơ – trung tâm của tiểu vùng du lịch Tây Nam Bộ nên Hậu Giang có nhiều điều kiện thuận lợi trong giao lưu với các tỉnh còn lại trong khu vực và các tỉnh khác để nhanh chóng phát triển du lịch trong giai đoạn sắp tới. Với điểm mạnh về tài nguyên tự nhiên là có sông Hậu nối liền các tỉnh miền Tây với Thành phố Hồ Chí Minh – là một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước và lớn nhất ở phía Nam nên Hậu Giang rất thuận lợi trong việc tổ chức tour tuyến du lịch. Mặt khác, trong chiến lược cũng như trong dự thảo điều chỉnh quy hoạch tổng thể của cả nước đều xác định Hậu Giang nằm trong khu vực khuyến khích phát triển loại hình du lịch gắn với thiên nhiên, xoá đói và giảm nghèo, đẩy mạnh hợp tác trong phát triển du lịch với khu vực tiểu vùng Mekong mở rộng thông qua hành lang du lịch đường sông. Chính lợi thế này tạo điều kiện thuận lợi trong hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư đối với du lịch Hậu Giang.
3.2. PHÂN TÍCH HIỆN TRẠNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH HẬU GIANG TRONG NHỮNG NĂM GẦN ĐÂY