Năm 1992, chính sách OFDI của Ấn Độ đã gỡ bỏ giới hạn về tỷ lệ quyền sở hữu mà các doanh nghiệp Ấn Độ nắm khi đầu tư ra nước ngoài. Theo đó, các doanh nghiệp Ấn Độ được phép tự do quyết định về mức nắm quyền sở hữu khi đầu tư ra nước ngoài. Cũng trong năm này, một lộ trình tự động nhanh chóng, rõ ràng, dễ hiểu cho hoạt động đầu tư ra nước ngoài đã được đặt ra. Theo đó, các doanh nghiệp Ấn Độ đầu tư ra nước ngoài nếu đáp ứng các tiêu chí đã được định ra sẵn thì không cần sự phê duyệt trực tiếp của các cơ quan có thẩm quyền như Ngân hàng dự trữ Ấn Độ hay chính phủ Ấn Độ như trước. Cũng theo lộ trình này, lần đầu tiên các công ty Ấn Độ được phép chuyển tiền mặt ra nước ngoài. Tổng số vốn được phép chuyển ra nước ngoài là 2 triệu USD với thành phần tiền mặt không quá 0,5 triệu USD trong 3 năm. [22]
Trong giai đoạn này một bước phát triển quan trọng trong khung chính sách OFDI của Ấn Độ là vào năm 1995 công việc liên quan tới hoạt động đầu tư ra nước ngoài được chuyển từ bộ thương mại sang ngân hàng dự trữ Ấn Độ nhằm tạo ra cơ chế một cửa, cùng với đó là sự ra đời của khung chính sách về đầu tư ra nước ngoài. Chính sách này đã đưa ra một lộ trình rút gọn trong đó giới hạn về tổng giá trị vốn được phép chuyển ra nước ngoài tăng từ 2 triệu USD lên 4 triệu USD với mức giới hạn tiền mặt vẫn là 0,5 triệu USD. Trong trường hợp muốn đầu tư quá 4 triệu USD ra nước ngoài, các công ty Ấn Độ phải nhận được sự phê duyệt theo lộ trình thông thường (đề nghị đầu tư được xem xét bởi một Ủy ban liên bộ đứng đầu là Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Ấn Độ và đại diện các bộ tài chính, công nghiệp và thương mại, Ngoại giao) ở mức hội đồng đặc biệt. Những đề xuất đầu tư có giá trị vượt quá 15 triệu USD cần sự giới thiệu của hội đồng đặc biệt để nhận được sự xem xét từ Bộ Tài Chính. Những dự án này nhìn chung sẽ được chấp nhận nếu nguồn vốn được huy động thông qua lộ trình thông thường. [22]
Tháng 3 năm 1997, những các công ty có thu nhập ngoại hối mà không phải là công ty xuất khẩu, được phép theo lộ trình rút gọn thành lập các công ty thế hệ thứ hai và các thế hệ tiếp sau đó miễn là các công ty thuộc thế hệ đầu tiên được thiết lập theo lộ trình rút gọn. Bên cạnh đó chính phủ Ấn Độ đã đặt ra rất nhiều biện pháp nhằm khuyến khích ngành công nghiệp phần mềm của Ấn Độ mở rộng quy mô, giảm giá thành, cải thiện chất lượng và đầu tư ra nước ngoài. [22]
Năm 2000, sự ra đời của luật quản lý ngoại hối đã thay đổi hoàn toàn viễn cảnh về ngoại hối. Điều này được phản ánh trong những chính sách đã được sửa đổi. Cụ thể là các công ty Ấn Độ có thể đầu tư ra nước ngoài số vốn lên tới 50 triệu USD trong khoảng thời gian là ba năm, rồi sau đó đổi thành hàng năm mà không kèm theo điều kiện phải làm ăn có lãi. [22]
Tháng 3 năm 2002, lộ trình tự động được nới rộng thêm trong đó các công ty Ấn Độ đầu tư dưới hình thức các doanh nghiệp liên doanh (Joint Ventures- JVs) hay các doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài (WOCs) ngoài Ấn Độ được phép đầu tư một lượng tiền không vượt quá 100 triệu USD trong một năm tài chính so với mức giới hạn trước đó là 50 triệu USD. Ngoài ra, những đầu tư theo một lộ trình tự động có thể được cấp vốn bằng cách rút ngoại tệ từ ngân hàng Abu Dhabi không vượt quá 50% giá trị ròng của công ty Ấn Độ. [22]
Vào tháng 3 năm 2003, lộ trình tự động được tự do hóa một cách đáng kể, cho phép các công ty Ấn Độ có thể đầu tư 100% giá trị ròng của mình. Cho tới năm 2004 số lượng các vụ mua lại và sát nhập chỉ tăng lên một cách từ từ. Tuy nhiên, với sự mở rộng của khung chính sách đầu tư ra nước ngoài vào năm 2005, trong đó cho phép các công ty Ấn Độ đầu tư ra nước ngoài lên tới 200% giá trị ròng của mình trong 1 năm, đã làm cho số lượng các vụ mua lại và sát nhập qua biên giới tăng lên một cách đáng kinh ngạc từ 46 năm 2004 lên tới 130 năm 2005. [22]