Hoạt động OFDI của các công ty Ấn Độ đã có sự phát triển hết sức nhanh chóng. Đóng góp vào sự phát triển đó có nhiều nhân tố như bản thân các doanh nghiệp Ấn Độ có tiềm lực; chính phủ Ấn Độ có những chính sách hợp lý nhằm khuyến khích OFDI; do điều kiện kinh tế thế giới;…Xét về nhân tố nội tại của các doanh nghiệp Ấn Độ, có thể thấy sự lớn mạnh về nội lực của các công ty này, thể hiện ở tiềm lực về tài chính, tham vọng mở rộng thị trường để phát triển…. Xét về chính sách của chính phủ Ấn Độ, có thể thấy tất cả những sự thay đổi mang tính chất bước ngoặt trong hoạt động OFDI của các doanh nghiệp Ấn Độ đều có dấu ấn của sự thay đổi trong chính sách OFDI của chính phủ Ấn Độ. Xét về điều kiện kinh tế thế giới, khi các doanh nghiệp Ấn Độ trưởng thành và có đủ tiềm lực để vươn cánh tay ra nước ngoài cũng là lúc xu hướng toàn cầu hóa xuất hiện, các doanh nghiệp Ấn Độ đã xuất hiện kịp thời, đúng lúc để tận dụng thời cơ đầu tư mạnh mẽ vào các nước trước đây vốn đóng cửa kinh tế giờ đây mở toang cánh cửa ấy để thu hút nhà đầu tư nước ngoài.
Trong tương lai, hoạt động OFDI của Ấn Độ sẽ có những bước tiến mạnh mẽ hơn.
Xét về lĩnh vực đầu tư, các doanh nghiệp Ấn Độ đã và đang có chiến lược chuyển dần từ ngành công nghiệp sang ngành dịch vụ. Trong tương lai, đây vẫn sẽ là chiến lược hợp lý bởi lẽ mức sống trung bình của người dân thế giới ngày càng cao, nhu cầu về các sản phẩm dịch vụ vì thế cũng tăng theo. Đặc biệt, thế mạnh của các doanh nghiệp Ấn Độ trong ngành dịch vụ là phần mềm trong khi đó nhu cầu phát triển phần mềm của các nước ngày càng cao, điều này hứa hẹn một thị trường tiềm năng ngoài nước cho các doanh nghiệp Ấn Độ khai thác. Ngoài lĩnh vực phần mềm, các doanh nghiệp Ấn Độ còn có thế mạnh trong nhiều lĩnh vực khác như dược phẩm, dệt may…Những lĩnh vực này vẫn nằm trong chiến lược đầu tư trong tương lai của các doanh nghiệp Ấn Độ
Xét về khu vực nhận đầu tư, trong những giai đoạn phát triển khác nhau, có sự chuyển dịch đầu tư (xét trên tỷ trọng) của các doanh nghiệp Ấn Độ từ các nước đang
phát triển sang các nước phát triển. Trong tương lai, các doanh nghiệp Ấn Độ vẫn có xu hướng ưa thích đầu tư vào các nước phát triển nhiều hơn bởi lẽ mục tiêu ưu tiên của các doanh nghiệp Ấn Độ trong thời gian tới là tài sản chiến lược (công nghệ, thương hiệu…). Vì vậy, tỷ trọng vốn vào nước phát triển trong tương lai sẽ tăng, vào các nước đang phát triển sẽ giảm. Tuy nhiên, các nước đang phát triển vẫn là điểm đến đầu tư ưa thích của các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Ấn Độ, trong đó có nhiều khu vực chưa có nhiều dấu chân của các nhà đầu tư Ấn Độ như khu vực châu Mỹ Latinh, khu vực Đông Nam Âu…Như vậy, về khu vực đầu tư, chiến lược của các doanh nghiệp Ấn Độ là tập trung đầu tư vào các nước phát triển nhưng không bỏ qua các nước đang phát triển đặc biệt là những khu vực đầu tư mới có nhiều tiềm năng. Xét về hình thức đầu tư, trong giai đoạn vừa qua, mua lại và sát nhập dần dần thay thế hình thức đầu tư mới của các doanh nghiệp Ấn Độ. Với những lợi thế đạt được từ hoạt động mua lại và sát nhập hơn hẳn so với đầu tư mới, cùng với tiềm lực tài chính ngày càng mạnh, trong tương lai các doanh nghiệp Ấn Độ sẽ coi mua lại và sát nhập là hình thức chủ yếu trong chiến lược đầu tư ra nước ngoài của mình.