Hệ thống pháp luật về đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam

Một phần của tài liệu Thực trạng đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Ấn Độ và bài học cho doanh nghiệp Việt Nam.doc (Trang 70 - 72)

Từ khi đổi mới, với những chính sách nới lỏng và tự do hóa kinh tế hàng hóa, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc. Song song với sự phát triển chung của toàn nền kinh tế, ở tầm vi mô, các doanh nghiệp Việt Nam cũng ngày càng “lớn lên” cả về số lượng và quy mô. Trong những năm đầu đổi mới, khi sự thay đổi của chính sách và quy định không đủ nhanh so với sự phát triển của các doanh nghiệp, thì xu hướng OFDI nổi lên như là một trong những biện pháp nhằm khắc phục những hạn chế phát triển trong nước. Những hạn chế phát triển đó như: Hạn ngạch xuất khẩu khiến các doanh nghiệp không thể sản xuất đúng với năng lực để đáp ứng nhu cầu từ nước ngoài, hay sự khan hiếm nguồn tài nguyên trong nước do chính sách hạn chế khai thác buộc các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào các nước láng giềng (Lào, Campuchia)- nơi gần với Việt Nam và có sẵn nguồn tài nguyên mà lại thiếu khả năng khai thác.

Xuất phát từ thực tiễn trên, chính phủ Việt Nam đã cho ra đời những quy định để hướng dẫn và quản lý hoạt động OFDI.

Mặc dù hoạt động OFDI được các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện từ năm 1989 nhưng phải 10 năm sau văn bản chính thức đầu tiên về hoạt động OFDI mới được chính phủ ban hành. Đó là Nghị định số 22/1999/NĐ-CP ngày 14/4/2009 quy định hoạt động OFDI của các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy chậm hơn so với thực tiễn một thập kỷ song Nghị định 22/1999/NĐ-CP ra đời đã tạo một hành lang pháp lý cơ bản cho các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài.

Bên cạnh Nghị định 22/1999/NĐ-CP, các bộ, ngành liên quan đã ban hành các hướng dẫn cụ thể hoạt động OFDI của các doanh nghiệp Việt Nam. Các hướng dẫn đó là: Thông tư số 05/2001/TT-BKH ngày 30/8/2001 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Thông tư số 01/2001/TT-NHNN ngày 19/01/2001. Thông tư số 05/2001/TT-BKH ngày 30/8/2001 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư không chỉ đưa ra những quy định chi tiết dễ hiểu hơn đối với các doanh nghiệp mà còn cung cấp các phụ lục trong đó có chứa

các mẫu văn bản cần thiết phục vụ cho việc đầu tư ra nước ngoài như đơn đăng ký đầu tư ra nước ngoài, giải trình về đầu tư ra nước ngoài, đơn xin điều chỉnh giấy phép đầu tư…. Thông tư số 01/2001/TT-NHNN ngày 19/01/2001 hướng dẫn cụ thể về quản lý ngoại hối đối với đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam.

Nghị định 22/1999/NĐ-CP cùng các văn bản hướng dẫn liên quan đã đánh dấu một mốc quan trọng trong việc hình thành cơ sở pháp lý cho hoạt động OFDI của doanh nghiệp Việt Nam, qua đó giúp các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài hiệu quả hơn và có nhiều dự án đầu tư hơn. Tuy nhiên, nếu đánh giá thực tiễn của các văn bản pháp luật trên, có thể thấy các quy định còn khá chung chung, thiếu thống nhất và đồng bộ, có nhiều điều khoản lỗi thời không còn phù hợp, không bao quát được sự đa dạng của các hoạt động OFDI. Bên cạnh đó, các văn bản pháp lý còn dừng lại ở Nghị định của chính phủ nên tính pháp lý chưa cao.

Năm 2005, lần đầu tiên hoạt động đầu tư trực tiếp được ngoài được luật hóa. Năm 2005, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư năm 2005 (có hiệu lực tháng 7 năm 2006) trong đó có quy định về OFDI. Đi kèm với sự xuất hiện của Luật Đầu tư 2005 là sự ra đời của Nghị định 78/2006/NĐ-CP ngày 09/08/2006 nhằm hướng dẫn thi hành các điều khoản về OFDI được quy định trong Luật Đầu tư năm 2005. Nghị định 78/2006/NĐ-CP được ban hành với 4 mục tiêu chủ đạo là (i) phù hợp với thực tiễn hoạt động; (ii) quy định rõ ràng, cụ thể hơn; (iii) tăng cường hiệu quả của quản lý nhà nước và (iv) đơn giản hóa thủ tục hành chính. Đồng thời, kế thừa và phát huy có chọn lọc những mặt tích cực, cũng như khắc phục những hạn chế của hệ thống pháp luật hiện hành về đầu tư ra nước ngoài nhằm mở rộng và phát triển quyền tự chủ, tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Nghị định 78/2006/NĐ-CP còn quy định các nhà đầu tư và doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, trong đó có doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đều có quyền đầu tư ra nước ngoài, có quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động kinh doanh, được lựa chọn hay thay đổi hình thức tổ chức quản lý nội bộ, hình thức đầu tư thích ứng với yêu cầu kinh doanh và được pháp luật Việt Nam bảo hộ. Giảm thiểu tới mức tối đa các quy định mang tính “xin-cho” hoặc “phê duyệt” bất hợp lư, không cần thiết, trái với nguyên tắc tự do kinh doanh, gây

phiền hà cho hoạt động đầu tư, đồng thời, có tính đến với lộ trình cam kết trong các thoả thuận đa phương và song phương trong hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là các nguyên tắc đối xử quốc gia và tối huệ quốc. Bên cạnh đó, Nghị định 78/2006/NĐ-CP còn quy định rõ về trách nhiệm, các quan hệ giữa cơ quan nhà nước đối với nhà đầu tư và doanh nghiệp, về việc thực hiện các mối quan hệ đó cũng như chế tài khi có những vi phạm từ hai phía (nhà đầu tư và cơ quan, công chức nhà nước) nếu không thực hiện đúng các quy định của pháp luật. [31]

Năm 2007, chính phủ ban hành thêm Quyết định số 1175/2007/QĐ-BKH ngày 10/10/2007 nhằm hướng dẫn cụ thể, rõ ràng, đơn giản hơn về thủ tục đầu tư ra nước ngoài. Bên cạnh đó, chính phủ còn ban hành các văn bản hướng dẫn khác quy định hoạt động OFDI trong các lĩnh vực cụ thể như: Nghị định 121/2007/NĐ-CP quy định về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí.

Tóm lại, hành lang pháp lý về hoạt động OFDI của Việt Nam ngày càng hoàn thiện hơn với hàng loạt các văn bản chính thức được ban hành như Nghị định 22/1999/NĐ-CP, Thông tư số 05/2001/TT-BKH, Thông tư số 01/2001/TT-NHNN, Luật Đầu tư năm 2005, Nghị định 78/2006/NĐ-CP… Trong đó, văn bản được ban hành sau tiến bộ, cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu hơn và hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp hơn văn bản trước. Nhờ tính hoàn thiện ngày càng cao của khuôn khổ pháp lý, các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài được hỗ trợ tích cực hơn và hoạt động OFDI của Việt Nam ngày càng phát triển.

Một phần của tài liệu Thực trạng đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Ấn Độ và bài học cho doanh nghiệp Việt Nam.doc (Trang 70 - 72)