a. Bài học cho doanh nghiệp Việt Nam
Bài học thứ nhất, các công ty Ấn Độ trước khi đầu tư ra nước ngoài đã rất thành công với tư cách là người làm thuê cho các công ty bên ngoài. Do vậy, trước khi ra nước ngoài, các công ty Ấn Độ đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm về cách thức kinh doanh của nước ngoài. Điều này đã làm tăng khả năng thành công của Ấn Độ khi đầu tư ra nước ngoài. Các công ty Ấn Độ nhìn chung đi theo 3 mức để hội nhập vào và hiểu biết về nền kinh tế nước ngoài: làm thuê cho nước ngoài tại Ấn Độ, quốc tế hóa (đầu tư trong một phạm vi nhỏ ở nước ngoài), đa quốc tế hóa (đầu tư vào nhiều khu vực khác nhau). Thông thường các công ty Ấn Độ đi theo quỹ đạo lần lượt 3 chiến lược đó: từ chiến lược làm thuê cho bên ngoài, tới chiến lược quốc tế hóa, và cuối cùng là áp dụng chiến lược đa quốc gia hóa. Thực hiện theo tuần tự như thế giúp cho các công ty Ấn Độ có được sự trưởng thành dần dần trong việc làm quen với môi trường kinh doanh ngoài nước. Như vậy, bài học rút ra cho các doanh nghiệp Việt Nam là trước khi đầu tư ra nước ngoài, cần có được sự hiểu biết vững chắc về môi trường đầu tư ở nước ngoài, cần sự va chạm cần thiết với các doanh nghiệp nước ngoài không nhất thiết bằng cách cung cấp dịch vụ làm thuê bên ngoài như các doanh nghiệp Ấn Độ, có thể bằng hình thức liên doanh… để học hỏi những doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam.
Bài học thứ hai, với các công ty Ấn Độ đầu tư ra nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực sản phẩm và dịch vụ tiêu dùng bán lẻ, một trong những bí quyết thành công là quảng bá được thương hiệu, hiểu biết về thị trường tiêu dùng tại nước nhận đầu tư và thiết lập được kênh phân phối vững chắc. Để làm được điều này, các doanh nghiệp Ấn Độ phải mất nhiều thời gian và nguồn lực, và hình thức đầu tư phù hợp nhất là liên doanh. Như vậy, ở đây bài học rút ra cho các doanh nghiệp Việt Nam là đối với những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản phẩm và dịch vụ tiêu dùng bán lẻ, khách hàng là cá nhân thì nên đầu tư theo hình thức liên doanh để có thời gian quảng bá được thương hiệu, hiểu biết thị trường và thiết lập được kênh phân phối tại nước nhận đầu tư.
Bài học thứ ba, một yếu tố quan trọng đóng góp vào thành công của các công ty Ấn Độ khi đầu tư ra nước ngoài là sự có mặt của một người lãnh đạo có năng lực
giỏi. Người lãnh đạo này phải luôn tin vào khả năng thành công của doanh nghiệp trong thị trường ngoài nước. Những quyết định của người lãnh đạo luôn mang tính chất mở đường và cách tân cho doanh nghiệp. Người này cũng phải có khả năng phản ứng nhanh trước thay đổi của môi trường nơi nước nhận đầu tư và đưa ra định hướng hoạt động đồng thời khích lệ những cá nhân trong doanh nghiệp. Như vậy, bài học rút ra đối với các doanh nghiệp Việt Nam là khi đầu tư ra nước ngoài doanh nghiệp phải tìm được người lãnh đạo đủ tầm giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn bằng cách đưa ra những quyết định chính xác.
b. Bài học cho chính phủ Việt Nam
Bài học thứ nhất, một trong những nguyên nhân chính giải thích cho sự thành công của các doanh nghiệp Ấn Độ là sự thông thoáng và tính hoàn thiện trong khung chính sách của chính phủ Ấn Độ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khi đầu tư ra nước ngoài. Đi cùng với sự đổi mới liên tục về chính sách là sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Vì vậy, chính phủ Việt Nam cần học hỏi chính phủ Ấn Độ trong việc cải thiện khung pháp lý hiện tại, nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiến hành đầu tư ra nước ngoài một cách thuận lợi nhất.
Bài học thứ hai, thành công của hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Ấn Độ có sự đóng góp không nhỏ của các tổ chức, các quĩ hỗ trợ đầu tư. Ví dụ như Ngân hàng Xuất nhập khẩu Ấn Độ- tổ chức đã hỗ trợ rất nhiều doanh nghiệp Ấn Độ trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài bằng nhiều cách như cung cấp các sản phẩm dịch vụ cần thiết cho quá trình tiếp cận thị trường nước ngoài của các doanh nghiệp Ấn Độ, dịch vụ tư vấn trước đầu tư, cho vay vốn đầu tư, cung cấp thông tin hữu ích liên quan tới các nước nhận đầu tư…Ở Việt Nam, hiện chưa có một tổ chức nào tương tự để hỗ trợ các doanh nghiệp mà các doanh nghiệp Việt Nam đa phần chỉ tự tìm kiếm thông tin, đối tác ở thị trường bên ngoài. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã thất bại ở nước ngoài do thiếu thông tin. Vì vậy, học hỏi kinh nghiệm từ Ấn Độ, chính phủ Việt Nam cần nhanh chóng thiết lập tổ chức hoặc quĩ hỗ trợ nhằm tạo kênh thông tin giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường nước ngoài một cách hiệu quả.
Bài học thứ ba, một trong những đóng góp đáng kể khác vào thành công của