KIẾN NGHỊ VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA KÊNH PHÂN PHỐI BÁN LẺ
4.2.6. Giải pháp 6: Mở ra một hướng đi mới cho Thực phẩm chức năng.
TPCN được xem là một loại sản phẩm có nhiều tiềm năng phát triển trong thị trường dược cả nước. Tuy nhiên, vì một số nguyên nhân khách quan mà sản phẩm này hiện đang có tốc độ tăng trưởng doanh thu rất kém và ngày càng mất lòng tin ở
người tiêu dùng về giá cả và chất lượng. Ngoài tình trạng giá TPCN đang bị các cơ quan quản lý thả nổi trên thị trường, về mặt quảng cáo, sản phẩm này hiện vẫn bị quản lý một cách chặt chẽ. Nếu như tại thị trường nước ngoài, TPCN được quyền quảng cáo tất cả các công dụng tối ưu của mình sau khi được cấp giấy chứng nhận của các cơ quản có thẩm quyền như: cơ quan quản lý Dược, hiệp hội người tiêu dùng, các tổ chức chứng nhận phi chính phủ hay được chính tay Nữ hoàng Anh công nhận… thì ở thị trường trong nước, mặt dù thông tin về các giấy chứng nhận đã được đăng ký kèm theo thông tin sản phẩm khi nhập khẩu nhưng vẫn bị các cơ quan quản lý cho rằng không hợp lệ và buộc phải có chứng nhận của cơ quan Việt Nam như Viện kiểm nghiệm Pasteur.v.v.chính vì việc quảng cáo sản phẩm bị giới hạn về nội dung nên TPCN ít được người tiêu dùng biết đến và nếu có xem qua thì cũng không nắm rõ công dụng của các sản phẩm này là gì, có tốt hay không. Nguyên nhân tiếp theo khiến TPCN không phát triển được ở thị trường bán lẻ vì không có khu vực bán giành riêng cho sản phẩm này. Hầu hết TPCN đều được các công ty phân phối ký gởi cho các nhà thuốc, hoặc bản thân các chủ nhà thuốc cũng không dám nhập về nhiều vì vốn dĩ không có không gian trưng bày, và vì sản phẩm khá đa dạng nên không thể nhập tất cả để đáp ứng được nhu cầu khách hàng. Do vậy nên doanh thu của TPCN luôn luôn không cao.
Vì lẻ đó, một hướng đi mới cho TPCN đó là Sapharco cần xây dựng chuỗi cửa hàng chuyên kinh doanh loại sản phẩm này. Điều này không những giải quyết triệt để mọi khó khăn về không gian trưng bày mà còn góp phần bình ổn giá TPCN đang bát nháo hiện nay. Tuy nhiên, vì khó khăn trong việc thuê mướn mặt bằng, do vậy Sapharco cần phải kết hợp chuỗi cửa hàng này vào trong hệ thống SPG Pharmacy của mình. Điều này sẽ mở ra cho các nhà thuốc muốn hợp tác với Sapharco trong việc sát nhập vào hệ thống SPG Pharmacy 2 sự lựa chọn, đó là phát triển thành nhà thuốc đạt chuẩn GPP hoặc phát triển thành cửa hàng TPCN chuyên nghiệp. Có thể nói đây là một phương án khá táo bạo vì trong bối cảnh Sapharco cần tập trung mọi nguồn lực để chạy đua trong việc mở rộng quy mô chuỗi nhà thuốc đạt chuẩn thì phương án này sẽ thật sự làm phân tán một phần nguồn lực hiện nay của Sapharco. Tuy nhiên, nếu xem xét lại một lần nữa đây sẽ là phương án góp phần bổ trợ cho hệ thống SPG Pharmacy của Sapharco.
Thứ nhất, thị trường của TPCN được đánh giá là rất tiềm năng. Theo thống kê mới nhất của Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam thì hiện nay, cả nước có trên 1.700 sản phẩm thực phẩm chức năng với khoảng 1.000 công ty, tổ chức kinh doanh và sản xuất thực phẩm chức năng. Tốc độ phát triển thị trường của mặt hàng này cũng khá ấn tượng. Năm 2000, cả nước mới chỉ có hơn chục sản phẩm thực phẩm chức năng nhập khẩu. Đến năm 2005-2006, thực phẩm chức năng sản xuất trong nước chiếm 33%, đến năm 2008, tỷ lệ này đã tăng gấp đôi (66%). Đến nay, chỉ tính riêng kênh bán hàng đa cấp đã có trên 40 công ty với trên 700.000 nhà phân phối.
Thứ hai, hiện nay ngoài các công ty bán hàng đa cấp thì việc xây dựng chuỗi cửa hàng kinh doanh TPCN chỉ có Công ty Cp Dược phẩm Đông Dương là đang triển khai với “siêu thị bán lẻ và bán sỉ thuốc” IC Pharmacy tại quận 10 gồm ba tầng, với diện tích trên 2.000 mét vuông. Tuy nhiên, công ty này cũng chỉ chú trọng vào sản phẩm thuốc điều trị là chính. Do vậy, cơ hội để Sapharco có thể trở thành “người tiên phong” trong lĩnh vực chuỗi cửa hàng kinh doanh TPCN là rất lớn.
Thứ ba, vì sản phẩm TPCN không nằm trong doanh mục “thuốc”, do vậy Bộ Y Tế chưa có đề ra một tiêu chuẩn bắt buộc cho loại cửa hàng này. Vì vậy, việc các nhà thuốc không có dược sĩ trình độ đại học đứng quầy hay các tiêu chuẩn khác thì vẫn đủ điều kiện để tham gia hệ thống SPG Pharmacy. Điều này cũng đồng nghĩa với việc cơ hội để nhân rộng thương hiệu chuỗi nhà thuốc SPG Pharmacy của Sapharco càng cao. 4.3. KIẾN NGHỊ ĐỐI VỚI NHÀ NƯỚC:
Chủ trương của Bộ y tế là áp dụng GPP vào năm 2007 và đến hết năm 2010 tất cả các nhà thuốc đều phải đạt chuẩn GPP, các nhà thuốc không GPP sẽ bị buộc đóng cửa và thu hồi giấy phép kinh doanh. Tuy nhiên cho đến thời điểm này (tức năm 2010) trên cả nước chỉ có khoảng hơn 5% nhà thuốc đạt chuẩn GPP trên tổng số các nhà thuốc của cả nước. Và các nhà thuốc GPP cũng không gây được ấn tượng về sự khác biệt thậm chí giá thành và những rắc rối của quy định còn khiến người tiêu dùng cảm thấy bất tiện khi đến với những nhà thuốc đạt chuẩn như thế này.
Trước các khó khăn của nhà thuốc GPP, Bộ Y tế/Sở Y tế đã và đang triển khai các giải pháp để khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, cá nhân có định hướng đầu tư nhà thuốc/chuỗi nhà thuốc GPP như sau:
Tăng cường tuyên truyền, phổ biến về nhà thuốc GPP để người dân hiểu được lợi ích và sẵn sàng tiếp cận với nhà thuốc GPP. Hỗ trợ các hoạt động quảng bá, tiếp thị của các nhà thuốc GPP
Tổ chức tập huấn, đào tạo về GPP cho doanh nghiệp, chủ nhà thuốc Ưu tiên thời gian thẩm định, cấp phép cho nhà thuốc GPP hoạt động
Về nhân sự : xem xét quy định một dược sĩ đại học đảm bảo chất lượng (Quality Management - QM) cho toàn bộ chuỗi nhà thuốc GPP
Phạm vi kinh doanh : có lộ trình để nhà thuốc GPP được kinh doanh tất cả các loại thuốc (thuốc kê đơn, không kê đơn, thuốc hiếm) còn nhà thuốc không đạt GPP chỉ được bán thuốc thông thường, thuốc không kê đơn (OTC)
Nguồn cung ứng thuốc : Doanh nghiệp triển khai chuỗi nhà thuốc được nhập khẩu trực tiếp thuốc để cung ứng cho toàn bộ chuỗi, không phải ủy thác nhập khẩu.
Bộ Y tế sẽ làm việc với Bộ tài chính, Các Bộ liên ngành, chính quyền địa phương để có chính sách khuyến khích về thuế, đất, thanh toán bảo hiểm y tế.
Tăng cường tính thực thi của Quy chế kê đơn và bán thuốc theo đơn, nguyên tắc thực hành tốt kê đơn thuốc và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Mặc dù Bộ y tế đã đưa ra những chính sách ưu đãi nhưng việc thực hiện GPP vẫn chỉ là mang tính đối phó và nhỏ giọt. Do vậy để cải thiện tình hình hiện nay, một số kiến nghị về phía Nhà nước mà cụ thể là các cơ quan quản lý về dược phẩm như sau:
Thứ nhất, Bộ y tế cần thực hiện đơn giản hóa khâu phân phối. Việc sử dụng quá nhiều tầng nấc trung gian làm giá thuốc luôn trong tình trạng cao hơn giá gốc nhiều lần. Khiến các nhà thuốc GPP vốn đã tốn nhiều chi phí đầu tư trang thiết bị nay lại phải bán thuốc cao hơn với giá bên ngoài hoặc có ngang bằng đi nữa cũng phải chịu mức lợi nhuận khá thấp.
Thứ hai, thực tế cho thấy mặc dù đã có quy định cấm “dược sĩ kê đơn” hay “bác sĩ kiêm dược sĩ” nhưng vẫn không thể kiểm soát được. Các nhà thuốc không GPP vẫn hoạt động mà không gặp phải một biện pháp nhắc nhở hay chế tài nào. Do đó, kiến nghị Bộ Y tế nên nhanh chóng đưa ra một số mức xử phạt cụ thể như tạm thu hồi giấy phép kinh doanh, hay phạt hành chính đối với các nhà thuốc không tuân thủ.
Thứ ba, mặc dù Bộ Y tế đã tích cực tổ chức các khóa đào tạo GPP cho các doanh nghiệp hay phối hợp với các Hội dược học, Hội dược sĩ bệnh viện nhưng vẫn
chỉ là những buổi hội thảo mang tính chuyên đề, mang tính chất chuyên môn nhiều hơn là tác dụng tuyên truyền. Vì vậy, nhà nước đặc biệt là Bộ Y tế cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền chuẩn GPP qua các phương tiện truyền thông đại chúng như báo, đài, thậm chí cả internet. Cụ thể là tổ chức các buổi họp báo với sự có mặt của các tờ báo lớn như Thanh niên, Tuổi trẻ, Tiếp thị và gia đình, Người đô thị, Thuốc và Sức khỏe, trang báo điện tử Vnexpress.
Thứ tư, Bộ Y Tế cần thực hiện triệt để Quyết định số 11/2007/QĐ-BYT của mình vì nếu cứ tiếp tục nhân nhượng cho các nhà thuốc không đạt chuẩn hiện nay thì các nhà thuốc GPP sẽ hoàn toàn gặp khó khăn trong việc cạnh tranh, và thậm chí nhiều nhà thuốc GPP sẽ phải “hạ chuẩn” vì không đủ nguồn vốn để duy trì.
KẾT LUẬN
Lý luận và thực tiễn đã cho thấy sự quan trọng của việc hoạch định một chiến lược cạnh tranh đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Quyết định đến sự thành công hay thất bại. Đối với công ty Sapharco, việc đưa ra các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh còn giúp công ty vận hành bộ máy vốn đã “cồng kềnh” của mình một cách trơn tru hơn, có định hướng và củng cố vững chắc hơn nữa vị trí của mình trong xu thế cạnh tranh ngày một gắt gao hiện nay.
Trong lĩnh vực phân phối dược phẩm, Sapharco luôn muốn vươn đến tầm cao là một nhà phân phối dược phẩm chuyên nghiệp. Nhưng với xu thế cạnh tranh hiện nay, cùng với những cản trở về mặt khách quan, thế mạnh của Sapharco đang dần bị các công ty đối thủ lấn át với sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ các tổ chức nước ngoài. Do vậy, việc hoạch định nên các giải pháp cạnh tranh liên quan đến các kênh phân phối càng trở nên cần thiết và cấp bách. Điều này sẽ giúp Sapharco có một con đường rõ ràng hơn, và một cái nhìn sâu sắc hơn về thị trường phân phối dược phẩm hiện nay.
Trong thời gian thực tập và nghiên cứu ở công ty dược Sapharco, em đã cố gắng phân tích, tìm hiểu và thu thập các số liệu để góp phần hoàn thiện các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của kênh phân phối bán lẻ của công ty, tìm ra những ưu điểm, xem xét những tồn tại, từ đó mạnh dạn để xuất để giải quyết những tồn tại riêng cũng như đề xuất xây dựng một phương pháp luận tổng quát chung.
Tuy nhiên, do trình độ và thời gian có hạn nên em không thể tránh khỏi những thiếu xót. Hơn nữa môi trường kinh doanh luôn biến đổi không ngừng nên chiến lược sẽ phải luôn được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới.
Em xin chân thành cảm ơn ban lãnh đạo công ty Sapharco cùng với các anh/chị ở các phòng ban đã giúp đỡ em trong quá trình làm luận văn tốt nghiệp, giúp em có được cái nhìn bao quát và thực tiễn hơn trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.