Hoàn thiện và đổi mới công tác thẩm định khách hàng

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng hoạt động bảo lãnh tại ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam.doc (Trang 61 - 63)

Nghiệp vụ bảo lãnh cũng mang những đặc điểm giống nghiệp vụ tín dụng. Khi doanh nghiệp đưa ra yêu cầu đề nghị ngân hàng bảo lãnh cho mình, nếu ngân hàng chấp nhận thì có nghĩa là ngân hàng đã chấp nhận một khoản cho vay bắt buộc khi doanh nghiệp không đủ năng lực tài chính thực hiện nghĩa vụ của mình theo hợp đồng cơ sở thoả thuận ban đầu. Nếu mọi việc diễn ra mà ngân hàng không phải thực hiện việc thanh toán hộ thì nghiệp vụ bảo lãnh sẽ được tất toán ở ngoại bảng mà không gây ảnh hưởng gì cho bảng cân đối kế toán của ngân hàng, nhưng nếu xảy ra rủi ro và ngân hàng phải thanh toán hộ khách hàng thì khoản bảo lãnh sẽ được tất toán vào nội bảng và khi đó ngân hàng sẽ phải đối mặt với những ảnh hưởng tiêu cực tới nguồn vốn và chất lượng nghiệp vụ cũng như tài sản của ngân hàng. Do vậy quyết định bảo lãnh hay quyết định chấp nhận bảo lãnh là một quyết định vô cùng quan trọng, đòi hỏi phải đề cao công tác thẩm định khách hàng. Thẩm định tốt chính là ngân hàng tạo ra cho mình sự an toàn trong kinh doanh và giảm thiểu rủi ro. Do đó, để nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động bảo lãnh, Techcombank nên tiến hành thẩm định khách hàng một cách kỹ lưỡng về cả ba mặt, đó là:

Tính pháp lý: kiểm tra năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự, mục đích đề nghị bảo lãnh hợp pháp. Để tránh những rắc rối hoặc những rủi ro do giấy tờ giả mạo, đặc biệt là đối với những hợp đồng bảo lãnh có giá

trị lớn thì Techcombank nên kết hợp với các cơ quan chức năng để đảm bảo chắc chắn tính pháp lý của các giấy tờ. Tuy nhiên đối với các khách hàng truyền thống, thường xuyên có mối quan hệ với ngân hàng thì có thể bỏ qua một số thủ tục để tránh phiền hà, rắc rối cho khách hàng.

Tính kinh tế: Techcombank nên thẩm định khả năng tài chính của khách hàng và tính khả thi cũng như khả năng sinh lời của dự án xin bảo lãnh để đảm bảo chắc chắn rằng không xảy ra rủi ro ngân hàng phải thanh toán thay bảo lãnh, hoặc nếu có xảy ra thì khách hàng cũng có khả năng hoàn trả nợ cho ngân hàng.

Tính xã hội: Tính xã hội của dự án nên được xem xét đến, đặc biệt là đối với những dự án lớn để có những ưu tiên nhất định. Việc thẩm định lợi ích xã hội của dự án xin bảo lãnh phải căn cứ vào những chương trình phát triển kinh tế - xã hội, và những định hướng phát triển kinh tế trọng điểm của Chính phủ.

Để thực hiện tốt công tác thẩm định về mặt kinh tế, tài chính thì Techcombank có thể xem xét đến một só giải pháp cụ thể sau:

Thứ nhất là về công tác thu thập thông tin phải quan tâm và đầu tư nhiều hơn. Đặc biệt tránh tình trạng chỉ lấy thông tin từ phía khách hàng mà cán bộ ngân hàng phải thực hiện việc thu thập thông tin từ nhiều nguồn khác nhau như: phỏng vấn trực tiếp khách hàng, khảo sát thực tế tại đơn vị kinh doanh của khách hàng, từ những bạn hàng, nhà cung cấp cũng như từ đối thủ cạnh tranh của khách hàng.... Ngoài ra, đối với một số những khách hàng lớn, quan trọng ngân hàng còn có thể mua thông tin từ những tổ chức chuyên phân tích, cung cấp các thông tin tài chính trên thị trường.

Thứ hai, Techcombank phải nhanh chóng xây dựng được một hệ thống các chỉ tiêu định lượng chuẩn mực cho công tác thẩm định. Hiện nay, việc thẩm định khách hàng tại Techcombank dựa trên một danh sách các doanh

nghiệp đã được ngân hàng xếp hạng, chưa có một hệ thống các chỉ tiêu đánh giá thống nhất. Danh sách này lại không được cập nhật thường xuyên.

Thứ ba, Techcombank nên phối hợp với các cơ quan chuyên ngành về các lĩnh vực thuộc hợp đồng kinh tế phát sinh nghĩa vụ thường được Techcombank bảo lãnh như: lĩnh vực xây dựng, công nghệ thông tin, máy móc kỹ thuật... để khắc phục tình trạng thiếu kinh nghiệm và kiến thức về những lĩnh vực này của các cán bộ ngân hàng.

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng hoạt động bảo lãnh tại ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam.doc (Trang 61 - 63)