Chính sách tỷ giá với thị trường ngoại tệ ngầm.

Một phần của tài liệu Giải pháp hoàn thiện chính sách tỷ giá ở Việt Nam hậu WTO (2).DOC (Trang 71 - 76)

THỰC TRẠNG CHÍNH SÁCH TỶ GIÁ Ở VIỆT NAM

2.2.3Chính sách tỷ giá với thị trường ngoại tệ ngầm.

2.2.3.1 Hoạt động của thị trường ngoại tệ ngầm:

Trong Thông tư số 33/NH-TT ngày 15/3/1989 về hướng dẫn thi hành Điều lệ quản lý ngoại hối đã nêu rõ: "Việc lưu thông ngoại tệ trong nước chỉ được thực hiện thông qua ngân hàng và các tổ chức kinh doanh dịch vụ được phép thu ngoại tệ, nghiêm cấm việc mua, bán, trao đổi ngoại tệ trên thị trường ngầm". Như vậy, thị trường ngoại tệ ngầm (còn gọi là thị trường không chính thức, thị trường tự do hay chợ đen) không được pháp luật công nhận, hoạt động của nó là phi pháp, nhưng trên thực tế thì thị trường ngoại tệ ngầm vào

tồn tại và phát triển song song với thị trường có tổ chức (còn gọi là thị trường chính thức).

Những nguyên nhân khiến cho thị trường ngoại tệ ngầm ở Việt Nam tồn tại và phát triển có thể nêu ra như sau:

- Trong một thời gian dài, chế độ tỷ giá của Việt Nam về cơ bản là chế độ tỷ giá cố định, lại trải qua lạm phát cao, đã làm cho tỷ giá chính thức VND/USD luôn thấp hơn tỷ giá thị trường cân bằng cung cầu, điều này đã khiến cho thị trường ngoại tệ ngầm hình thành và phát triển. Gần đây, cùng với công cuộc đổi mới chuyển sang nền kinh tế thị trường cơ chế điều hành tỷ giá đã có những đổi mới căn bản theo hướng thị trường ngày càng tăng. Tuy nhiên, chế độ tỷ giá VND hiện nay chưa phải là chế độ tỷ giá thả nổi, vẫn chịu sự quản lý và điều tiết chặt chẽ của NHNN, do đó tỷ giá giao dịch do NHNN công bố vẫn chưa phản ánh đúng quan hệ cung cầu về ngoại tệ. Do trên thị trường ngoại hối chính thức luôn chịu áp lực cầu lớn hơn cung (tỷ giá kinh doanh của NHTM luôn kịch trần cho phép), nên đã hình thành thị trường ngoại tệ ngầm để thỏa mãn nhu cầu ngoại tệ cho những ai chưa được thị trường chính thức đáp ứng. Chính vì vậy, tỷ giá giao dịch trên thị trường ngầm thường luôn cao hơn tỷ giá trên thị trường chính thức.

- Thị trường ngoại hối chính thức đã hình thành nhưng còn kém phát triển chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu về giao dịch, kinh doanh ngoại tệ của toàn bộ nền kinh tế, đặc biệt là đối với các tầng lớp dân cư, các doanh nghiệp tư nhân… Theo quy chế quản lý ngoại hối hiện hành, thì các thể nhân hầu như không được tiếp cận với thị trường ngoại tệ chính thức để thỏa mãn nhu cầu về ngoại tệ dùng vào mục đích cá nhân như đi du học, chữa bệnh, du lịch ở nước ngoài…. Chính vì vậy, để có ngoại tệ tất yếu họ phải quay sang giao dịch trên thị trường ngầm.

- Chừng nào các hoạt động kinh tế ngầm còn phát triển thì chứng đó nhu cầu ngoại tệ và các giao dịch về ngoại tệ trên thị trường ngầm còn tồn tại và phát triển.

- Thị trường ngoại tệ ngầm luôn gắn liền với tình trạng đôla hóa nền kinh tế: tình trạng đô la hóa nền kinh tế càng phát triển, thì càng tạo điều kiện và kích thích thị trường ngoại tệ ngầm phát triển.

- Lượng kiều hối hàng năm chuyển về Việt Nam khá lớn, khoảng 3 đến 4 tỷ USD và theo quy định hiện hành thì người nhận kiều hối được nhận ngoại tệ bằng tiền mặt, gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ hay bán cho các NHTM.

- Lượng kiều hối lớn cùng với tâm lý chuộng USD đã tạo ra lượng ngoại tệ tiền mặt nằm trong dân rất lớn, làm cho giao dịch thanh toán bằng ngoại tệ trở nên khá phổ biến trong các hoạt động đời sống kinh tế.

Do những nguyên nhân nên trên, sự tồn tại và hoạt động của thị trường ngoại tệ ngầm là tất yếu. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của thị trường ngoại tệ chính thức, nới lỏng quy chế quản lý ngoại hối và sự đổi mới trong cơ chế điều hành tỷ giá theo hướng tự do hóa sẽ làm triệt tiêu dần các điều kiện tồn tại và phát triển của thị trường ngoại tệ ngầm. Đến một thời điểm nhất định, thị trường ngoại tệ ngầm sẽ teo lại và chấm dứt hoạt động, nhường chỗ cho một thị trường ngoại hối thống nhất ở Việt Nam.

Ở Việt Nam, những hình thức hoạt động trên thị trường ngoại tệ ngầm thường bao gồm:

- Các cửa hàng kinh doanh vàng bạc đá quý đồng thời kinh doanh mua bán ngoại tệ tiền mặt.

- Chuyển tiền kiều hối, chuyển tiền qua biên giới không thông qua hệ thống ngân hàng dưới nhiều hình thức khác nhau.

- Các sạp đổi tiền dọc biên giới nơi các hoạt động buôn lậu diễn ra. - Các hoạt động mua bán khác trong dân cư

Phương thức giao dịch mua bán chủ yếu trên thị trường ngoại tệ ngầm là phương thức trao tay. Đồng tiền giao dịch chủ yếu là USD ngoài ra có một số ngoại tệ khác nhưng khối lượng giao dịch rất nhỏ bé.

Tỷ giá giao dịch trên thị trường ngầm do cung cầu trên thị trường này quyết định tuy nhiên nó cũng chịu sự chi phối của thị trường chính thức. Điều này xảy ra là vì:

- Thứ nhất, tỷ giá trên thị trường chính thức ngày càng được điều chỉnh linh hoạt theo tín hiệu cung cầu.

- Thứ hai, thị trường chính thức chiếm tới 80% thị phần

- Thứ ba, đối tượng tham gia thị trường chính thức ngày càng được mở rộng.

Chính vì vậy, trong những năm gần đây tỷ giá trên thị trường ngầm không có sự chênh lệch lớn so với tỷ giá trên thị trường chính thức.

Về quy mô hoạt động của thị trường ngầm: thực tế rất khó có thể đánh

giá một cách chính xác quy mô hoạt động của thị trường ngoại tệ ngầm. Lượng ngoại tệ do các tầng lớp dân cư nắm giữ nằm ngoài hệ thống ngân hàng là rất lớn, theo ước tính có thể đến 6-7 tỷ USD. Riêng lượng kiều hối chuyển về Việt Nam năm 2006 lên đến hơn 4 tỷ USD. Việc thanh toán và giao dịch mua bán bằng USD là khá phổ biến trong xã hội.Tuy nhiên, theo ước tính chính thức, thị trường ngoại hối ngầm chỉ chiếm khoảng 20% thị phần.

* Những tác động tích cực đối với nền kinh tế và xã hội

- Thỏa mãn nhu cầu giao dịch mua bán bằng ngoại tệ của các tầng lớp dân cư trong điều kiện thị trường ngoại hối chính thức chưa phát triển, chưa đáp ứng được nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế như một tổng thể.

- Đối với những doanh nghiệp có nhu cầu ngoại tệ (chủ yếu là các công ty hoạt động nhập khẩu) nhưng không thể tiếp cận hoặc không được tiếp cận với thị trường chính thức có thể quay sang thị trường ngầm để được đáp ứng nhu cầu của giao dịch về ngoại tệ phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

- Tỷ giá giao dịch trên thị trường ngầm luôn là một chỉ tiêu tham khảo quan trọng trong điều hành chính sách tỷ giá của NHTW.

* Những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế và xã hội

- Do hoạt động của thị trường ngoại tệ ngầm nằm ngoài sự quản lý của Nhà nước, nên đã gây khó khăn và làm giảm hiệu lực của việc thực thi và điều hành chính sách tiền tệ.

- Hoạt động của thị trường này đã tiếp tay cho các hoạt động kinh tế bất hợp pháp như buôn lậu, tham nhũng, rửa tiền…

- Sự tồn tại của thị trường ngoại tệ ngầm dẫn đến tình trạng chảy máu ngoại tệ. Theo ước tính, trong năm 2000, lượng vàng nhập lậu vào Việt Nam là 60 tấn, tương đương 600 triệu USD. Ngoài ra, khoảng 400 triệu USD chuyển lậu ra nước ngoài để nhập lậu một số hàng hóa khác như: hàng điện tử, phụ tùng xe máy…

Trong điều kiện nền kinh tế Việt Nam, sự tồn tại thị trường ngoại tệ ngầm là không thể tránh khỏi. Tuy có một số tác động tích cực, nhưng cần có

biện pháp hữu hiệu để quản lý hoạt động của thị trường này về lâu dài, khi điều kiện cho phép, thì xóa bỏ và tiến tới xây dựng một thị trường ngoại hối thống nhất ở Việt Nam.

Thị trường ngoại tệ ngầm tồn tại là do một số nguyên nhân khách quan như: cơ chế tỷ giá chưa linh hoạt; thị trường ngoại hối chính thức chưa phát triển, nên không đáp ứng được nhu cầu giao dịch ngoại tệ của nền kinh tế; tình trạng đô la hóa; chính sách quản lý ngoại hối… Vì vậy, giải pháp hạn chế và đi đến chấm dứt hoạt động của thị trường ngầm chính là giải pháp khắc phục các nguyên nhân nêu trên, cụ thể như sau:

- Hoàn thiện cơ chế tỷ giá theo hướng linh hoạt hơn, tiến tới tỷ giá thị trường cân bằng cung cầu.

- Hoàn thiện cơ chế quản lý ngoại hối theo hướng tạo điều kiện cho mọi chủ thể trong nền kinh tế có nhu cầu, đều có thể tiếp cận và giao dịch mua bán ngoại tệ trên thị trường có tổ chức, nghĩa là các nhu cầu hợp lý về ngoại tệ đều được đáp ứng.

- Khắc phục hiện tượng đô la hóa, phấn đấu trên lãnh thổ Việt Nam chi tiêu tiền Việt Nam.

- Cần có hệ thống giải pháp đồng bộ để ngăn chặn hiện tượng chảy máu ngoại tệ do nạn buôn lậu hàng hóa và vàng, hiện tượng đầu tư chui và chuyển ngoại tệ lậu ra nước ngoài.

Một phần của tài liệu Giải pháp hoàn thiện chính sách tỷ giá ở Việt Nam hậu WTO (2).DOC (Trang 71 - 76)