THỰC TRẠNG CHÍNH SÁCH TỶ GIÁ Ở VIỆT NAM
2.2.4 Chính sách thu hút và quản lý kiều hối.
2.2.4.1 Cơ sở pháp lý thu hút kiều hối
Để khuyến khích thu hút nguồn kiều hối về nước, Chính phủ ban hành Quyết định số 170/1999/QĐ-TTG ngày 19 tháng 8 năm 1999 về việc khuyến
khích người Việt Nam ở nước ngoài chuyển tiền về nước. Trên cơ sở Quyết định này, NHNN đã có Thông tư số 02/2000/TT-NHNN ngày 24 tháng 2 năm 2000 hướng dẫn thi hành. Trước đây người nhận kiều hối ở trong nước bắt buộc phải bán ngoại tệ cho Ngân hàng theo tỷ giá quy định để nhận bằng VND, tuy nhiên, theo những quy định mới của Chính phủ tại Quyết định số 170 thì chính sách thu hút kiều hối chuyển về trong nước đã được thông thoáng thực sự khuyến khích được người Việt Nam ở nước ngoài chuyển tiền về nước đồng thời tạo cho người nhận kiều hối ở trong nước có những quyền lợi rộng rãi hơn. Sau đây là những nội dung cơ bản của Quyết định số 170:
Chính phủ Việt Nam khuyến khích và tạo điều kiện để người Việt Nam ở nước ngoài được chuyển ngoại tệ về nước. Người nước ngoài chuyển tiền vào Việt Nam với mục đích giúp đỡ gia đình, thân nhân hay vì mục đích từ thiện khác cũng được khuyến khích và thực hiện như đối với người Việt Nam ở nước ngoài.
Người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài được chuyển ngoại tệ vào Việt Nam dưới các hình thức:
- Chuyển ngoại tệ thông qua các tổ chức tín dụng được phép
- Chuyển ngoại tệ thông qua các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tài chính bưu chính quốc tế.
- Cá nhân mang theo người vào Việt Nam
Cá nhân ở nước ngoài khi nhập cảnh vào Việt Nam có mang theo ngoại tệ hộ cho người Việt Nam ở nước ngoài phải kê khai với hải quan cửa khẩu số ngoại tệ mang hộ từ nước ngoài về cho người thụ hưởng ở trong nước.
Đối tượng được phép nhận ngoại tệ do người Việt Nam ở nước ngoài chuyển vào các và chi trả cho người thụ hưởng ở trong nước:
- Tổ chức tín dụng được phép.
- Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tài chính bưu chính quốc tế
- Các tổ chức kinh tế được NHNN cho phép làm dịch vụ nhận và chi trả ngoại tệ hoặc tổ chức kinh tế làm đại lý cho tổ chức tín dụng thực hiện việc chi trả ngoại tệ ở trong nước.
Người thụ hưởng có quyền:
- Nhận bằng ngoại tệ hoặc đồng Việt Nam theo yêu cầu
- Trong trường hợp nhận bằng ngoại tệ, người thụ hưởng có thể bán cho các tổ chức tín dụng được phép, chuyển khoản vào tài khoản tiền gửi ngoại tệ cá nhân và được sử dụng theo các quy định hiện hành về quản lý ngoại hối, gửi tiết kiệm ngoại tệ tại các tổ chức tín dụng được phép (gốc và lãi được nhận bằng ngoại tệ tiền mặt) hoặc sử dụng vào các mục đích khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.
- Không phải đóng thuế thu nhập đối với các khoản ngoại tệ từ nước ngoài chuyển về (không kể số tiền nhận lớn hay nhỏ; nhận đều đặn thường xuyên hay không thường xuyên).
Như vậy, có thể nói cơ chế quản lý kiều hối của Việt Nam rất thông thoáng, có tác dụng rất lớn trong việc khuyến khích kiều bào chuyển ngoại tệ về nước.
2.2.4.2 Kết quả đạt được
Với hơn 2,5 triệu kiều bào đang định cư và sinh sống ở nước ngoài trong những năm qua, nguồn kiều hối đã góp phần đáng kể, tạo thêm công ăn việc làm, nâng cao đời sống của một bộ phận dân cư, tạo nguồn vốn phát triển
sản xuất kinh doanh, giảm bớt căng thẳng cung cầu về ngoại tệ và góp phần giảm bớt mất cân đối của cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam.
Theo ước tính, trong hơn 10 năm qua, tổng số lượng kiều hối chuyển về Việt Nam thông qua con đường chính thức và không chính thức lên đến khoảng trên 20 tỷ USD, trong đó, số lượng kiều hối qua con đường chính thức (theo thống kê của Hải quan, các công ty dịch vụ kiều hối và các ngân hàng) như sau:
Năm Lượng kiều hối (tr.USD) Năm sau so năm trước (lần) Thâm hụt cán cân TM (tr.USD) Tỷ lệ "kiều hối/thâm hụt TM" % 1999 1200 2,38 -201 571,4 2000 1 757 1,46 -1154 152,3 2001 1 820 1,04 - 1189 153,1 2002 2 154 1,18 - 3040 71,0 2003 2 580 1,20 - 5051 51,1 2004 3 100 1,20 - 5520 56,16 2005 3800 1.26 - 5986 63,48 2006 4100 1,08 -6128 66,9 Nguồn: NHNN Từ bảng trên cho thấy, lượng kiều hối chuyển qua con đường chính thức năm sau liên tục tăng hơn so với năm trước (trừ năm 1997). Nếu kiều hối năm 1991 chỉ đạt 35 triệu USD, thì đến năm 2006, lượng kiều hối đã lên đến trên 4 tỷ USD. Trong điều kiện nền kinh tế nước ta với giá trị kiều hối lên đến
trên 4 tỷ USD/năm, thì kiều hối là nguồn cung ngoại tệ đáng kể, có tác động tích cực trong việc cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, ổn định tỷ giá, là nguồn ngoại tệ quan trọng cung ứng cho nhu cầu nhập khẩu hàng hóa.
2.2.4.3 Một số hạn chế:
Do cơ chế quản lý kiều hối thông thoáng, nên cũng có mặt trái và tác động tiêu cực, đó là tạo ra lượng ngoại tệ khá lớn trôi nổi trên thị trường ngầm, tạo điều kiện cho thị trường ngầm và tình trạng đô la hóa phát triển như ngày nay.
Bên cạnh luồng kiều hối vào Việt Nam theo con đường chính thức thì một bộ phận lớn kiều hối chảy vào Việt Nam theo con đường không chính thức, gọi là "kiều hối lậu". Kiều hối lậu chuyển vào Việt Nam chủ yếu bằng tiền mặt USD do Việt Kiều thu gom ở nước ngoài và trực tiếp chuyển về nước, và được trao tận tay người nhận. Cơ chế quản lý ngoại hối hiện hành của Việt Nam không cấm đưa kiều hối vào Việt Nam dưới bất kỳ hình thức nào, miễn là khi nhập cảnh có khai báo đủ với cơ quan hải quan theo quy định. Trên thực tế, người nhận "kiều hối lậu" rất ít khi gửi, bán ngoại tệ cho ngân hàng mà chủ yếu là nắm giữ ngoại tệ tiền mặt hoặc bán trên thị trường ngầm. Theo ước tính, nguồn "kiều hối lậu" hàng năm không dưới 1 tỷ USD, tạo nên nguồn USD trôi nổi khá lớn trên thị trường ngầm, nằm ngoài sự kiểm soát của Nhà nước. Nguồn USD trôi nổi không những làm cho thị trường ngoại hối phát triển kém lành mạnh, mà còn tiếp tay cho các hoạt động kinh tế bất hợp pháp, đặc biệt là hoạt động buôn lậu qua biên giới, chảy máu ngoại tệ… Bên cạnh đó đối với nguồn kiều hối chính thức, cơ chế quản lý ngoại hối cho phép việc chi trả bằng ngoại tệ tiền mặt cho người thụ hưởng trong nước cũng là nguyên nhân tạo nên lượng ngoại tệ trôi nổi trên thị trường ngầm. Vì vậy, vấn đề đặt ra đối với cơ chế quản lý ngoại hối nói chung và các cơ chế
kiều hối nói riêng hiện nay là vừa khuyến khích việc chuyển kiều hối về nước, đồng thời tập trung được các nguồn kiều hối vào hệ thống ngân hàng.