THỦ TỤC YÊU CẦU VÀ NHẬN ĐƠN YÊU CẦU THI HÀNH ÁN DÂN SỰ 1 Thủ tục yêu cầu thi hành án dân sự

Một phần của tài liệu Thủ tục thi hành án dân sự theo luật thi hành án 2008 (Trang 43 - 48)

2.2.1. Thủ tục yêu cầu thi hành án dân sự

Đây là thủ tục cơ bản, đầu tiên của quá trình thi hành án. Tuy nhiên, để thực hiện yêu cầu THADS phải đáp ứng các điều kiện: Người yêu cầu THADS là đương sự, còn thời hiệu yêu cầu thi hành án. Đương sự thi hành án bao gồm: người được thi hành án và người phải thi hành án. Theo Khoản 2 Điều 3 Luật THADS, thì "người được thi hành án là cá nhân, cơ quan, tổ chức được quyền, lợi ích trong bản án, quyết định được thi hành"; "người phải thi hành án cá nhân, cơ quan, tổ chức thực hiện nghĩa vụ trong bản án, quyết định được thi hành"

Thời hiệu yêu cầu thi hành án là thời hạn pháp luật quy định người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan THADS tổ chức thi hành án, nếu hết thời hạn đó mà họ không có quyền yêu cầu thi hành án nữa thì bản án, quyết định của Tòa án hết hiệu lực thi hành và người được thi hành án mất quyền yêu cầu thi hành án (Khoản 5, Điều 3 Luật THADS). Theo đó, có thể hiểu rằng thời hiệu yêu cầu thi hành án cũng chính là thời hạn được làm đơn yêu cầu thi hành án. Vì vậy, trong thời hiệu yêu cầu thi hành án các đương sự muốn cơ quan THADS tổ chức việc thi hành án thì phải làm đơn yêu cầu, nếu hết thời hiệu yêu cầu thi hành án thì thời hạn để làm đơn yêu cầu cũng mặc nhiên hết.

Việc pháp luật quy định thời hiệu yêu cầu thi hành án nhằm mục đích bảo đảm quyền tự định đoạt của đương sự trong THADS. Căn cứ vào thời hiệu THADS do pháp luật quy định các đương sự được lựa chọn, quyết định thời điểm thích hợp phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mình để yêu cầu thi hành án. Việc quy định thời hiệu yêu cầu THADS bảo đảm cho việc tổ chức THADS được thuận lợi, pháp luật quy định về thời hiệu yêu cầu THADS thì đương sự chỉ có quyền yêu cầu THADS trong thời hạn nhất định, hết thời hạn đó họ không có quyền yêu cầu THADS nữa. Do vậy sẽ tránh được tránh được trường hợp vụ việc đã được xét xử đã lâu đương sự mới yêu cầu THADS gây khó khăn cho cơ quan THADS trong việc tổ chức thi hành án, đặc biệt là trong quá trình xác minh tài sản, địa chỉ của người phải thi hành án. Ngoài ra việc quy định thời hiệu yêu cầu thi hành án còn nâng cáo trách nhiệm của người có thẩm quyền tiến hành thi hành án, hạn chế việc bỏ quên các đơn yêu cầu hoặc các bản án, quyết định cần chủ động thi hành.

Thời hiệu yêu cầu thi hành án được quy định tại Điều 30 Luật THADS và hướng dẫn tại Điều 2 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP. Theo các quy định này thì trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án. Trong trường hợp thời hạn thực hiện nghĩa vụ được ấn định trong bản án, quyết định thì thời hạn 05 năm được áp dụng cho từng định kỳ, kể từ ngày nghĩa vụ đến hạn.

Như vậy, thời hiệu yêu cầu thi hành án không phải lúc nào cũng là 05 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật mà trong từng trường hợp thời hiệu đó được áp dụng khác nhau như: 05 năm kể từ ngày nghĩa vụ đến hạn, 05 áp dụng cho từng định kỳ kể từ ngày nghĩa vụ đến hạn v.v...

Đối với các trường hợp tạm hoãn, tạm đình chỉ thi hành án theo quy định của Luật này thì thời gian hoãn, tạm đình chỉ không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án, trừ trường hợp người được thi hành án đồng ý cho người phải thi

hành án hoãn thi hành án. Ngoài ra, trong các trường hợp mặc dù án đã có hiệu lực pháp luật trên 05 năm mà do trở ngại khách quan hoặc do sự kiện bất khả kháng thì thời gian đó cũng không tính vào thời hiệu thi hành án. Theo Khoản 3, Điều 2 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP thì "trường hợp người yêu cầu thi hành án chứng minh được do trở ngại khách quan hoặc do sự kiện bất khả kháng mà không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn thì thời gian có trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án" [7]. Trở ngại khách quan là trường hợp đương sự không nhận được bản án, quyết định mà không phải do lỗi của họ; đương sự đi công tác ở vùng biên giới, hải đảo mà không thể gửi đơn yêu cầu thi hành án đúng hạn; tai nạn, ốm đau đến mức mất khả năng nhận thức phải điều trị nội trú hoặc do lỗi của cơ quan xét xử, Cơ quan THADS hoặc cơ quan, cá nhân khác dẫn đến việc đương sự không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn hoặc đương sự chết mà chưa xác định được người thừa kế; tổ chức hợp nhất, sát nhập, chia, tách, giải thể, cổ phần hóa mà chưa xác định được tổ chức cá nhân mới có quyền yêu cầu thi hành án theo quy định của pháp luật. Sự kiện bất khả kháng được hiểu là thiên tai địch họa, hỏa hoạn.

Nếu thuộc các trường hợp do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan dẫn đến việc không thể gửi đơn yêu cầu thi hành án đúng hạn thì theo quy định tại Khoản 1, Điều 2 số 58/2009/NĐ-CP đương sự có quyền gửi đơn đề nghị Thủ trưởng cơ quan THADS có thẩm quyền thi hành án xem xét. Thời hạn xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khiến đương sự không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn sẽ không được tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án.

Như vậy, quyền yêu cầu thi hành án chỉ được thực hiện trong thời hạn 05 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật hoặc nghĩa vụ đến hạn hay đến định kỳ quy định trong bản án. Qua thời hạn này, nếu người yêu cầu thi hành án không chứng minh được do trở ngại khách quan hoặc do sự

kiện bất khả kháng mà không thể yêu cầu thi hành án đúng thời hạn thì hết hết quyền yêu cầu thi hành án.

Luật THADS quy định thời hiệu yêu cầu THADS kéo dài 05 năm là hoàn toàn hợp lý khi trình độ người dân chưa hiểu biết nhiều về pháp luật THADS, vì thế nhiều khi chính họ lại đánh mất quyền lợi của mình mà không biết. Chính vì vậy, việc quy định thời hiệu 05 đã tạo điều kiện cho các đương sự bảo vệ quyền và lợi ích của mình tốt hơn.

Nếu các đương sự thuộc các trường hợp còn thời hiệu yêu cầu thi hành án theo quy định của pháp luật có quyền yêu cầu thi hành án. Việc yêu cầu thi hành án phải làm đơn yêu cầu và có đầy đủ các nội dung được quy định tại Điều 31 Luật THADS. Đơn yêu cầu thi hành án có các nội dung chính sau: Họ, tên, địa chỉ của người yêu cầu; tên cơ quan THADS nơi yêu cầu; họ, tên, địa chỉ của người được thi hành án; người phải thi hành án; nội dung yêu cầu thi hành án; thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án. Người làm đơn yêu cầu thi hành án phải ghi rõ, ngày, tháng, năm và ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn yêu cầu thi hành án. Trường hợp người yêu cầu là pháp nhân thì phải có chữ ký của người đại diện hợp pháp và đóng dấu của pháp nhân.

Nếu người thi hành án trực tiếp trình bày bằng lời nói tại cơ quan THADS thì phải lập biên bản ghi rõ các nội dung quy định tại Khoản 1 Điều này, biên bản phải có chữ ký hoặc điềm chỉ của người yêu cầu và chữ ký của người lập biên bản. Biên bản có giá trị như đơn yêu cầu thi hành án. Kèm theo đơn yêu cầu thi hành án, phải có bản án, quyết định được yêu cầu thi hành án và tài liệu khác có liên quan, nếu có. Khi yêu cầu thi hành án, người yêu cầu thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan THADS áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án được quy định tại Điều 66 của Luật THADS.

Thủ tục gửi đơn yêu cầu THADS được quy định tại Điều 32 Luật THADS. Theo quy định này, người yêu cầu thi hành án có thể tự mình hoặc ủy quyền cho người khác yêu cầu thi hành án bằng cách trực tiếp nộp đơn

hoặc gửi đơn đến cơ quan thi hành án qua đường bưu điện hoặc trực tiếp trình bày bằng lời nói tại cơ quan THADS. Trong trường hợp đến trực tiếp cơ quan THADS nộp đơn, nếu đơn yêu cầu đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật, cơ quan THADS vào sổ nhận đơn, xác nhận về việc nộp đơn yêu cầu thi hành án của người đến nộp đơn. Ngày gửi đơn được tính từ ngày người yêu cầu thi hành án nộp đơn yêu cầu hoặc trình bày trực tiếp tại cơ quan THADS hoặc có dấu bưu điện người gửi.

2.2.2. Thủ tục nhận đơn yêu cầu thi hành án dân sự

Điều 33 Luật THADS và Điều 4 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP quy định ngay sau khi nhận được đơn yêu cầu thi hành án do đương sự nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện thì cơ quan THADS phải làm thủ tục nhận đơn. Việc nhận đơn phải được ghi vào sổ nhận đơn, ghi rõ thời gian, số thứ tự vào sổ. Sổ nhận đơn yêu cầu thi hành án phải thể hiện đầy đủ các nội dung sau:

a) Ngày, tháng, năm nhận đơn yêu cầu;

b) Số, ngày, tháng, năm ra bản án, quyết định; tên cơ quan ra bản án, quyết định;

c) Họ, tên, địa chỉ của người yêu cầu;

d) Họ, tên, địa chỉ của người phải thi hành án; người được thi hành án;

đ) Nội dung yêu cầu thi hành án; e) Tài liệu khác kèm theo [7].

Đây là thủ tục bắt buộc và rất quan trọng trong quá trình thi hành án, vì có như vậy bản án, quyết định đó mới được đảm bảo thi hành theo đúng thời hạn pháp luật quy định và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các đương sự, tránh tình trạng bỏ quên án mà không đem ra thi hành hoặc phải xác định được địa chỉ rõ ràng của người phải thi hành án thì việc thi hành án mới có hiệu quả. Do đó, đây là thủ tục không thiếu trong quá trình thi hành án, nếu

chỉ vì sự sơ ý, thiếu trách nhiệm của án bộ cơ quan thi hành án thì bản án, quyết định đó có thể bị bỏ quên không được đưa ra thi hành trên thực tiễn, quyền và lợi ích chính đáng của cá nhân, cơ quan, tổ chức không được đảm bảo.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, nếu có căn cứ quy định tại Điều 34 Luật THADS thì cơ quan THADS có quyền từ chối nhận đơn yêu cầu thi hành án, việc từ chối đó phải bằng văn bản nêu rõ lý do từ chối. Trong trường hợp đơn yêu cầu không rõ ràng, đầy đủ các nội dung theo yêu cầu hoặc không nêu rõ thông tin về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án nhưng không yêu cầu xác minh thì cơ quan THADS phải thông báo cho đương sự

biết để bổ sung.

Một phần của tài liệu Thủ tục thi hành án dân sự theo luật thi hành án 2008 (Trang 43 - 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)