Quá trình hình thành và phát triển của Ngân hàng

Một phần của tài liệu Hoàn thiện chính sách lãi suất huy động vốn ở Ngân hàng thương mại cổ phần các doanh nghiệp ngoài quốc doanh Việt Nam..DOC (Trang 35 - 37)

Ngân hàng thương mại cổ phần các doanh nghiệp ngoài quốc doanh Việt Nam (dưới đây sẽ được gọi là Ngân hàng) được thành lập theo Giấy phép hoạt động số 0042/NH-GP của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp ngày 12 tháng 8 năm 1993 với thời gian hoạt động 99 năm. Ngân hàng bắt đầu hoạt động từ ngày 04 tháng 9 năm 1993 theo Giấy phép thành lập số 1553/QĐ-UB ngày 04 tháng 9 năm 1993. Là một ngân hàng thương mại cổ phần, được thực hiện các hoạt động của ngân hàng thương mại và các hoạt động kinh doanh khác có liên quan theo quy định của pháp luật vì mục tiêu lợi nhuận, góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế của Nhà nước.

Ngân hàng thương mại cổ phần các doanh nghiệp ngoài quốc doanh Việt Nam có tên viết tắt bắng tiếng Việt là: Ngân hàng Ngoài quốc doanh; có tên đầy đủ bằng tiếng Anh là: Vietnam Commercial Joint-Stock Bank for Private Enterprises; tên viết tắt bằng tiếng Anh là: VPBank.

Vốn điều lệ ban đầu khi mới thành lập của Ngân hàng là 20 tỷ VNĐ. Sau đó đáp ứng nhu cầu phát triển, Ngân hàng đã tiếp tục tăng số vốn điều lệ lên 70 tỷ VNĐ theo quyết định số 193/QĐ-NH5 ngày 12/9/1994 và tiếp tục tăng lên 174,9 tỷ VNĐ theo quyết định số 53/QĐ-NH5 vào ngày 18/3/1996 của Ngân hàng Nhà nước. Đến cuối năm 2004, Ngân hàng nhận được quyết định số 689/NHNN-HAN7 của Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho Ngân hàng được nâng vốn điều lệ lên 198,4 tỷ VNĐ. Hiện tại sổ Cổ đông của Ngân hàng là 124 pháp nhân và thể nhân thuộc các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, trong đó có một cổ đông người nước ngoài tên là Dragon Capital nắm giữ 10,9 % vốn điều lệ.

Từ khi bắt đầu hoạt động cho đến nay, Ngân hàng đã trải qua không ít những khó khăn thử thách, mỗi lần vượt qua những khó khăn đó Ngân hàng đã tự hoàn thiện mình, luôn chú ý đến việc mở rộng quy mô, tăng cường mạng lưới hoạt động tại các thành phố lớn, nâng cao năng lực cạnh tranh. Cuối năm 1993 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ký Giấy phép số 0018 – GCT ngày 16/12/1993 chấp thuận cho Ngân hàng mở Chi nhánh tại thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 19/11/1994, Ngân hàng được phép mở thêm Chi nhánh tại thành phố Hải Phòng theo giấy phép số 0020/GCT và ngày 20/7/1995, được mở thêm chi nhánh Đà Nẵng theo giấy phép 0026/GCT. Đến cuối năm 2004 Ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước cho phép mở thêm 3 chi nhánh cấp I mới, đó là Chi nhánh Hà Nội (trên cơ sở tách bộ phận trực tiếp kinh doanh trên địa bàn Hà Nội ra khỏi Hội sở) theo công văn chấp thuận số 1128/NHNN-CNH ngày 6/10/2004; Chi nhánh Huế theo công văn chấp thuận số 1106/NHNN-CNH ngày 01/10/2004; Chi nhánh Sài Gòn theo công văn chấp thuận số 1350/NHNN-CNH ngày 23/11/2004. Tính đến đầu năm 2005 hệ thống Ngân hàng này có Hội sở chính tại Hà Nội; 6 chi nhánh cấp I tại Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Huế; 11 chi nhánh cấp 2 và 4 Phòng Giao dịch. Ngân hàng dự kiến sẽ mở thêm nhiều điểm giao dịch mới tại các Thành phố hiện Ngân hàng đang có trụ sở, đồng thời sẽ mở thêm một số chi nhánh mới và điểm giao dịch mới tại các Tỉnh và Thành phố trọng điểm kinh tế của cả nước. Nhìn chung các Chi nhánh và các Phòng giao dịch của Ngân hàng đều hoạt động có hiệu quả, hoàn thành vượt mức hầu hết các chỉ tiêu kế hoạch được giao, có lãi năm sau cao hơn năm trước khoảng từ 15 đến 20%.

Số lượng nhân viên của Ngân hàng trên toàn hệ thống tính đến đầu năm nay (2005) là 484 người, trong đó phần lớn là các cán bộ, nhân viên có trình độ Đại học, trên Đại học (chiếm 73%). Ngân hàng luôn chú ý đến công tác quản trị nhân lực và coi nguồn nhân lực của mình là một tiền đề hết sức quan trọng để nâng cao vị thế cạnh tranh. Vì thế, nguồn nhân lực của Ngân hàng luôn được đánh giá cao

với sự năng động, nhiệt tình, trình độ nghiệp vụ cao và đây sẽ là tiềm lực cho sự phát triển của Ngân hàng trong tương lai.

Trong thời gian tới, Ngân hàng tiếp tục kiên trì đường lối cải tổ toàn diện đã đặt ra, nhất quán thực hiện chiến lược ngân hàng bán lẻ, phấn đấu đạt mức tăng trưởng về mọi mặt năm sau cao hơn năm trước. Điều quan trọng hơn là Ngân hàng sẽ làm hết sức mình để phục vụ khách hàng góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội đất nước.

Sơ đồ tổ chức của Ngân hàng:

Một phần của tài liệu Hoàn thiện chính sách lãi suất huy động vốn ở Ngân hàng thương mại cổ phần các doanh nghiệp ngoài quốc doanh Việt Nam..DOC (Trang 35 - 37)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(78 trang)
w